Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Chính quyền Trump gây sức ép với Trung Quốc trên Biển Đông
Tin thế giới đáng chú ý 17-08-2017
- Cập nhật : 17/08/2017
Cảnh sát bắn chết 21 người trong một đêm ở Philippines
Trong một sự kiện được xem là đẫm máu nhất của cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, cảnh sát đã giết ít nhất 21 người chỉ trong một đêm trong các cuộc bố ráp gần thủ đô Manila.
Theo báo Guardian, tại tỉnh Bulacan, một trung tâm công nghiệp nhẹ phía bắc Manila, một chiến dịch bố ráp lớn chia thành 26 nhóm đã đồng loạt diễn ra ở 12 thị trấn và thành phố từ ngày 14 đến 15-8, dẫn đến cái chết của 21 người “có liên quan đến ma túy”.
Con số thương vong do cảnh sát công bố chính thức vào ngày 15-8. Tất cả những người bị cảnh sát bắn chết đều ở trong tình huống có vũ trang.
Ngoài ra, nhà chức trách còn bắt giữ 64 nghi phạm ma túy, tịch thu 21 vũ khí và khoảng 100g methamphetamines (hay còn gọi là thuốc lắc shabu).
Vụ việc lần này ghi nhận số người thiệt mạng nhiều nhất trong một đêm kể từ khi Manila phát động chiến tranh với ma túy.
Hôm 30-7, cảnh sát cũng đã bắn chết 16 người, bao gồm một thị trưởng thành phố, ở miền nam Philippines.
Tỉnh Bulacan, với dân số khoảng 3,3 triệu người, ghi nhận số vụ bắt giữ và giết chóc liên quan đến ma túy nhiều kỷ lục trong những tháng gần đây.
Tuy vậy, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cam kết sẽ bảo vệ lực lượng cảnh sát nếu họ ra tay giết nghi phạm ma túy trong các trường hợp nghi ngờ.
Số liệu của chính phủ Philippines cho thấy kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền năm ngoái, khoảng 3.451 “nghi phạm ma túy” đã bị giết trong các chiến dịch của cảnh sát.
Mặc dù các nhóm nhân quyền đã nhiều lần cảnh báo ông Duterte có thể phạm phải tội ác “chống nhân loại”, nhà lãnh đạo Philippines vẫn rất được lòng dân.(Tuoitre)
-----------------------
New Zealand dùng quân đội cải tạo giới trẻ phạm tội
Thủ tướng New Zealand cho biết có một nhóm khoảng 150 người trẻ phạm những tội danh nghiêm trọng, có mức phạt tù lên đến 14 năm, nhưng hệ thống tư pháp hiện hành không thể xử lý.
Nhằm giải quyết tình trạng phạm tội ở tuổi thiếu niên, đảng Dân tộc cầm quyền tại New Zealand đã công bố đề xuất đưa những đối tượng này vào cải tạo, rèn luyện kỷ luật tại các trung tâm nằm bên trong căn cứ quân đội, theo tờ The Sydney Morning Herald.
Thủ tướng Bill English cho biết có một nhóm khoảng 150 người trẻ phạm những tội danh nghiêm trọng, có mức phạt tù lên đến 14 năm, nhưng hệ thống tư pháp hiện hành không thể xử lý.
Ông thông báo sẽ chi gói ngân sách 60 triệu đô la New Zealand (khoảng 996 tỉ đồng) nhằm đối phó tình trạng này.
Một học viện sẽ được thành lập tại trại huấn luyện quân đội Waiouru để làm nơi cải tạo cho những đối tượng trẻ phạm tội nghiêm trọng trong vòng 1 năm.
Nếu không hoàn thành khóa cải tạo thì người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt tù như người trưởng thành.(Thanhnien)
------------------------------
Mỹ dọa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley phát biểu ngày 15-8 rằng Iran phải chịu trách nhiệm vì “phóng tên lửa, ủng hộ khủng bố, coi thường nhân quyền và vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.
Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố Iran có thể hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với các nước "chỉ trong vài giờ" nếu Mỹ tiếp tục áp đặt thêm bất kỳ lệnh trừng phạt nào lên Iran.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ở Washington vào ngày 28-6. Ảnh: REUTERS
"Iran không thể dùng thỏa thuận hạt nhân để bắt cả thế giới làm con tin. Thỏa thuận này không phải ‘lớn đến mức không thể hủy bỏ’”, bà Haley phát biểu. Bà cũng nói thêm rằng những lệnh trừng phạt mới của Mỹ không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Nữ đại sứ Mỹ tại LHQ sẽ đến Vienna, Áo trong tuần tới để trao đổi với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của LHQ về những hoạt động hạt nhân của Iran. Đây là một phần trong tiến trình Washington đánh giá lại sự tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran.(PLO)
-----------------------
Hục hặc ngoại giao vì quốc tịch Phó thủ tướng Úc
Ngày 15.8, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop chỉ trích Công đảng đối lập New Zealand vì đã cố “gây tổn hại cho chính quyền Úc” khi phanh phui việc Phó thủ tướng Barnaby Joyce có quốc tịch New Zealand.
Ông Joyce có thể bị mất ghế tại quốc hội và khiến liên minh đảng cầm quyền ở Úc mất thế đa số tại Hạ viện. Bởi theo hiến pháp, nghị sĩ Úc không được sở hữu 2 quốc tịch.
Bà Bishop cáo buộc Công đảng Úc đã thông đồng với nghị sĩ Chris Hipkins của Công đảng New Zealand để đặt vấn đề về quyền công dân của ông Joyce. Ông Hipkins cũng đã thừa nhận việc được nghị sĩ Úc liên lạc.
Lãnh đạo đảng đối lập New Zealand Jacinda Ardern sau đó tìm cách hạ nhiệt tình hình khi thừa nhận với Cao ủy Úc tại New Zealand Peter Woolcott rằng việc nghị sĩ Hipkins nêu vấn đề về quyền công dân của Phó thủ tướng Úc là “không thích hợp”.(Thanhnien)