Afghanistan bỏ trực thăng Nga, mua hàng Mỹ để chống khủng bố; Đội ngũ tranh cử của ông Trump tiếp xúc bí mật với giới chức Nga; Số người nhập cư trái phép bị bắt tại Mỹ tăng gần 40%; Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa đất đối không tầm trung
Tin thế giới đáng chú ý 19-05-2017
- Cập nhật : 19/05/2017
Chiến lược phòng thủ vũ trụ 5,5 tỷ USD của Mỹ
Mỹ tập trung khả năng phân tán vệ tính và khí tài không gian, ngăn chặn việc bị tiêu diệt toàn bộ lực lượng chỉ với một đòn đánh phủ đầu.
Ảnh minh họa.
Lầu Năm Góc đang theo đuổi chiến lược chống lại việc quân sự hóa vũ trụ, cũng như đề phòng các cuộc tấn công nhằm vào mạng lưới vệ tinh quý giá của Mỹ, theo National Interest.
Quân đội Mỹ đã vạch ra kế hoạch phòng thủ không gian đa chiều sau nhiều năm phân tích và nghiên cứu. Trong báo cáo đánh giá chiến lược không gian (SSPR) năm 2015, không quân Mỹ chỉ ra hàng loạt vấn đề an ninh chủ chốt, làm nền tảng để quân đội nước này thay đổi chiến lược không gian.
Mục tiêu của chiến lược này là chuẩn bị sẵn sàng trước những công nghệ diệt vệ tinh trong môi trường tác chiến rủi ro cao. Không quân Mỹ quyết định đầu tư 5,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hoàn thành mục tiêu này.
Trung Quốc được cho là quốc gia gây lo ngại nhất cho Mỹ trong lĩnh vực vũ khí không gian. Bắc Kinh từng bắn thử tên lửa diệt vệ tinh (ASAT) mang tên mã SC-19 hồi năm 2007. Quả đạn phá hủy một vệ tinh thời tiết ngừng hoạt động của Trung Quốc, tạo ra hàng chục nghìn mảnh vỡ, phần lớn vẫn còn trong quỹ đạo, gây nguy hiểm cho các vệ tinh hoạt động trên không gian.
Dự án phòng thủ không gian và các biện pháp tác chiến là bí mật quân sự của Mỹ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng họ đang tìm cách phát triển mạng lưới khí tài bền vững hơn trên vũ trụ.
"Đa dạng hóa" và "phân tán" là các kỹ thuật được tập trung nhiều nhất. Chiến thuật "Đa dạng hóa" nhắm vào việc sử dụng nhiều vệ tinh, như hệ thống định vị vệ tinh (GPS) của Mỹ và Galileo của châu Âu, để đạt được cùng một mục tiêu. Hệ thống này vừa không dễ bị tiêu diệt, vừa cho phép quân đội Mỹ sử dụng phương tiện của đồng minh trong trường hợp vệ tinh của Mỹ bị ngừng hoạt động hoặc phá hủy hoàn toàn.
Trong khi đó, chiến thuật "Phân tán" sẽ dàn trải các vệ tinh, tăng cường khả năng sống sót và tác chiến ngay cả khi một số chiếc bị vũ khí đối phương phá hủy. Chiến thuật nghi binh cũng được dùng để đối phương không thể biết nhiệm vụ cụ thể của từng vệ tinh.
Nhiều hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ như bom thông minh JDAM, mạng lưới thông tin liên lạc, máy bay không người lái và nhiều khí tài khác đang phụ thuộc rất lớn vào công nghệ GPS do vệ tinh cung cấp. Điều này buộc quân đội Mỹ phát triển những hệ thống định vị và chỉ thị mục tiêu trong môi trường bị chế áp GPS, chuyên gia Kris Osborn kết luận.(Vnexpress)
--------------------------------------
Mỹ trừng phạt Iran, Trung Quốc trao công hàm phản đối
Bắc Kinh trao công hàm với Washington sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt hẹp với các cá nhân Iran và Trung Quốc vì ủng hộ chương trình tên lửa đạn đạo Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/5 nới lỏng lệnh trừng phạt Iran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, kể cả khi ông áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân ở Iran và Trung Quốc.
"Trung Quốc phản đối việc sử dụng mù quáng các lệnh trừng phạt đơn phương, đặc biệt là khi nó làm tổn hại lợi ích của các bên thứ ba. Tôi nghĩ lệnh trừng phạt không giúp ích gì trong việc thúc đẩy lòng tin lẫn nhau, không giúp gì cho nỗ lực quốc tế về vấn đề này", Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay nói.
Theo bà Hoa, Trung Quốc đã tuân theo các quy định và luật địa phương, tuân thủ chặt chẽ trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. "Trung Quốc đã trao công hàm với Mỹ và hy vọng phía Mỹ có thể giải quyết các vấn đề cấm phổ biến vũ khí bằng cách đối thoại và liên lạc, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau".
Trung Quốc nhiều lần phản đối Mỹ về các lệnh trừng phạt đơn phương với các cá nhân và công ty của nước này liên quan đến chương trình vũ khí hoặc tên lửa Iran hay Triều Tiên. Trung Quốc có quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Iran, nhưng cũng có vai trò trong việc thúc đẩy thỏa thuận cột mốc năm 2015 để kiềm chế chương trình hạt nhân Iran.(Vnexpress)
---------------------------
Trung Quốc đòi Hàn Quốc sửa sai
Ông Lee Hae Chan, đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae In đã đến Bắc Kinh ngày hôm nay (18-5), mang theo lá thư tay gửi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Lee Hae Chan, đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 18-5 - Ảnh: Reuters
Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ông Lee sẽ tham gia các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Moon và ông Tập.
Theo ông Lee, Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Trung Quốc có thể gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 vào tháng 7 tới; hoặc là vào ngày 24-8 khi hai nước kỉ niệm 25 năm xây dựng quan hệ ngoại giao.
Một vấn đề khác cũng chiếm trọng tâm trong các cuộc họp là sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối hệ thống này và yêu cầu Mỹ rút nó khỏi Hàn Quốc.
Trên thực tế, vấn đề này đã được nhắc đến ngay trong cuộc gặp đầu tiên ngày hôm nay giữa đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Hôm nay, ngay sau khi đáp máy bay xuống Bắc Kinh, ông Lee đã có cuộc hội kiến với Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Qiu Guohong. Ngay sau cuộc gặp mang tính chất xã giao, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị.
Phát biểu trong cuộc gặp, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ hi vọng chính quyền mới ở Hàn Quốc sẽ "sửa chữa" các vấn đề tồn đọng trong quan hệ hai nước.
"Bắc Kinh hi vọng tân chính phủ ở Hàn Quốc sẽ sửa chữa những vấn đề mà cả hai nước đã gặp phải, từ đó có các biện pháp xử lý hiệu quả, từng bước loại bỏ những trở ngại trên con đường dẫn tới quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đây không chỉ là nguyện vọng của hai chính phủ, mà còn là của nhân dân hai nước", hãng tin Reuters dẫn lời ngoại trưởng họ Vương.
Đại diện ngoại giao của Trung Quốc không nói rõ những trở ngại đó là gì và Seoul phải "sửa chửa" điều gì, song có thể suy đoán tuyên bố của ông Vương Nghị đang ám chỉ tới hệ thống THAAD.
Trước khi rời Hàn Quốc đến Bắc Kinh, đặc phái viên Lee cũng khẳng định sẽ chú trọng vào việc trao đổi và cải thiện quan hệ song phương, vốn đang căng thẳng với Trung Quốc trong một số lĩnh vực như nhân lực, thương mại và du lịch. Đây đều là những nhóm ngành đã bị ảnh hưởng kể từ khi Hàn Quốc công khai cho Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ.
"Tôi sẽ cố gắng trình bày quan điểm của Tổng thống Moon về THAAD cho phía Trung Quốc", hãng tin Yonhap dẫn lời ông Lee.
Trước đó, vấn đề THAAD cũng đã chiếm trọng tâm trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Moon và ông Tập. Theo thông báo từ Nhà Xanh, ông Tập đã giải thích và trao đổi quan điểm với ông Moon về chuyện tại sao Trung Quốc phản đối THAAD ở Hàn Quốc.(Tuoitre)
--------------------------------
Trung Quốc cho không Philippines 23.000 khẩu súng trường
Cảnh sát quốc gia Philippines khẳng định Trung Quốc không ra điều kiện gì khi trao tặng 23.000 khẩu súng trường tự động.
Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 18.5 dẫn lời Giám đốc cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) Ronald dela Rosa cho hay Trung Quốc sắp tặng lực lượng này 23.000 khẩu súng trường và hai bên đang chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để triển khai dự án liên chính phủ này.
“Chúng tôi không mua mà là họ tặng. Tôi chưa ký thỏa thuận nào và chỉ được báo rằng chúng tôi sẽ được tặng số súng M4 của Trung Quốc này. Chúng tôi cần súng vì những đồn cảnh sát ở vùng sâu vùng xa bị thường bị lực lượng NPA (nhóm nổi dậy Quân đội nhân dân mới-NV) đe dọa”, ông Dela Rosa nói.
"Súng trường M4" của Trung Quốc thực ra là mẫu súng CQ do Tập đoàn Norinco của Trung Quốc sản xuất, nhái theo mẫu M-16 và M-4 của Mỹ.
Năm ngoái, Mỹ hoãn bán khoảng 26.000-27.000 súng trường tấn công cho Philippines sau khi phê phán chiến dịch mạnh tay chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ông Dela Rosa cho biết Mỹ vẫn có thể bán dần số vũ khí cho Philippines trong thời gian tới. “Nếu họ thông qua cũng ổn thôi. Chúng tôi có 175.000 người và được tặng 23.000 khẩu súng nên vẫn còn thiếu nhiều”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Dela Rosa không cho biết về thời điểm nhận số súng trường của Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Trung Quốc có ra điều kiện gì không, ông khẳng định “chẳng có điều kiện gì cả”.
Trước đó vào ngày 7.5, ông Dela Rosa tuyên bố PNP sẽ tìm mua vũ khí ở nơi khác nếu Mỹ vẫn tiếp tục hạn chế bán vũ khí và cho biết thêm Trung Quốc, Nga và một vài nước khác đã đề nghị bán vũ khí cho Philippines.(Thanhnien)