Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 18 và 19/6.
Tin thế giới đáng chú ý 19-06-2017
- Cập nhật : 19/06/2017
Trung Quốc lập án điều tra nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Cam Túc
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc ngày 16/6 thông báo đã quyết định điều tra nguyên Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ kiêm Phó Chủ tịch tỉnh Cam Túc Ngu Hải Yên vì hành vi nhận hối lộ.
Quyết định này sẽ đi kèm với biện pháp cưỡng chế, theo đó Ngu Hải Yên có thể sẽ bị cơ quan điều tra triệu tập thẩm vấn, buộc phải nộp tiền bảo lãnh, bị giám sát nơi ở hoặc bắt giam.
Trước đó, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 4/6 đã tuyên bố khai trừ Đảng và cách chức đối với Ngu Hải Yên vì những hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật.
Theo CCDI, Ngu Hải Yên “hoàn toàn mất lý tưởng chính trị”, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và nguyên tắc chính trị của Đảng, câu kết bè phái, lợi dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cho bản thân và những người khác, đổi chác quyền lực lấy tình dục, nhận hối lộ, sử dụng quỹ công để tổ chức các hoạt động giải trí xa hoa...
Bên cạnh đó, Ngu Hải Yến còn chống lại hoạt động điều tra, lôi kéo và làm sa ngã cán bộ kiểm tra kỷ luật, can thiệp vào hoạt động giám sát công tác chấp hành kỷ luật.(TTXVN)
-----------------------
Hàn Quốc có nữ bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên
Bất chấp sự phản đối của phe đối lập trong Quốc hội, Tổng thống Hàn Quốc đã bổ nhiệm một phụ nữ làm Ngoại trưởng nước này với giải thích vì "thuận lòng dân".
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, buổi lễ bổ nhiệm diễn ra lúc 14h chiều nay (tức 12h ngày 18-6, giờ VN) tại Nhà Xanh - tức Dinh tổng thống Hàn Quốc, ở Seoul.
Quyết định trên được tổng thống Moon Jae In đưa ra sau khi Quốc hội không thể thông qua bản báo cáo sau phiên điều trần về việc bổ nhiệm bà Kang Kyung Wha ngày 7-6.
Đến hôm 15-6, Nhà Xanh lại gửi yêu cầu đến Quốc hội yêu cầu thông qua bản báo cáo đó nhưng vẫn bị 3 đảng đối lập khước từ.
Tổng thống Moon đã tiếp tục kéo dài hạn chót đến ngày 17-6 vừa qua (tối đa theo luật định) và thời hạn này cũng đã bị bỏ lỡ nên ông đã đi đến quyết định đơn phương.
Vị lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh rằng quốc gia cần có một ngoại trưởng trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn cuối tháng này tại Mỹ, cũng như hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) tại Hamburg (Đức) trong hai ngày 7 và 8-7.
Tại Hàn Quốc, tổng thống không nhất thiết cần sự phê chuẩn của Quốc hội để bổ nhiệm các bộ trưởng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm bà Kang bị cho là đang gây căng thẳng trong quan hệ vốn không vững giữa tổng thống và cơ quan lập pháp, hiện do phe đối lập kiểm soát.
Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập chính đã dọa tẩy chay các phiên họp Quốc hội nếu tổng thống bổ nhiệm Ngoại trưởng mà không có sự đồng ý của Quốc hội.
Nếu lời đe dọa trên thành hiện thực, tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm ít nhất 10 bộ trưởng khác đang chờ Quốc hội xem xét và xác nhận, và có thể phá hỏng các nỗ lực của chính phủ trong việc thông qua ngân sách bổ sung 11.200 tỉ won (10 tỉ USD) nhằm thúc đẩy kinh tế và tạo thêm 110.000 việc làm trong lĩnh vực công.
Đảng LKP hiện chiếm 107 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hàn Quốc. Đảng Dân chủ cầm quyền có 120 ghế - con số lớn nhất mà đảng này nắm giữ nhưng vẫn không đủ đa số.
Bà Kang Kyung Wha, 62 tuổi, vốn là cố vấn chính trị của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres. Bà được tổng thống Moon chọn lựa vào nội các hôm 21-5.
Bà tốt nghiệp ĐH Yonsei ở Hàn Quốc và lấy được bằng Tiến sĩ giao tiếp ở ĐH Massachusetts (Mỹ) vào năm 1984.
Từ năm 1988, bà đã bước chân vào chính trường Hàn Quốc với vai trò phụ việc cho Chủ tịch Quốc hội và sau đó là cho Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc từ năm 1999.
Bà từng đại diện cho Hàn Quốc ở LHQ từ năm 2001 và đến năm 2006 trở thành phó Cao ủy LHQ phụ trách vấn đề nhân quyền.
Theo Yonhap, bà là một nhà ngoại giao có thâm niên và hiểu rõ vấn đề nhân quyền thế giới. Thế nhưng phe đối lập vẫn cho là bà không đủ năng lực.
Chưa kể bà Kang bị cáo buộc có nhiều sai phạm trong quá khứ, như trốn thuế và đăng ký địa chỉ giả cho con gái - những cáo buộc có thể khiến bà phạm tội hình sự và phải ngồi tù đến 3 năm hoặc nộp phạt tới 10 triệu won.
Quan trọng hơn, hai mẹ con bà đã mắc một trong 5 tội tham nhũng mà tổng thống Moon từng nói sẽ không để những người vi phạm các tội này tham gia bất cứ cơ quan cấp cao nào trong chính phủ.
Sau các tranh cãi về những sai phạm của bà Kang trước đây và của các bộ trưởng được bổ nhiệm khác, tổng thống Moon vừa qua nhấn mạnh rằng các bổ nhiệm của ông cần được đánh giá dựa trên năng lực và cân nhắc xem những sai phạm trong quá khứ diễn ra trong bối cảnh nào và tại sao.
Trong trường hợp với bà Kang, theo hãng tin Yonhap, tổng thống Moon biện hộ rằng người dân thuận tình với việc bổ nhiệm này.
Như vậy bà Kang Kyung Wha sẽ trở thành nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Hàn Quốc.
Ngoài bà Kang, trong nội các mới còn có bà Pi Woo Jin được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ cựu chiến binh. Đây cũng là lần đầu tiên trong chính phủ Hàn Quốc có đến 2 phụ nữ làm Bộ trưởng.(Tuoitre)
---------------------------
Liên kết tay ba giữa Cyprus, Hy Lạp và Israel
Hội nghị cấp cao thường niên năm nay của 3 nước Hy Lạp, Cyprus và Israel được tiến hành ở Thessaloniki (Hy Lạp). Khuôn khổ diễn đàn này được thành lập cách đây 3 năm và thể chế hóa nhanh chóng để trở thành một dạng “Liên minh phương Tây” ở khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải), Thủ tướng Hy Lap Alexis Tsipras (giữa) và Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades bắt tay tại cuộc gặp ở Thessaloniki REUTERS
Sự liên kết tay ba này bao gồm những thành viên không thuộc diện to lớn gì ở châu Âu và trên thế giới, nhưng lại đều có vị thế chính trị đặc biệt và nếu cùng nhau tạo nên được tác dụng và hiệu ứng cộng hưởng thì lại có thể trở thành một tác nhân quyền lực ở khu vực.
Nhu cầu hợp tác với nhau của 3 nước này đều rất lớn, đặc biệt về khai thác nguồn khí đốt ở Địa Trung Hải, về an ninh và môi trường. Chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao lần thứ 3 này vì thế cũng tập trung vào đó.
Về chính trị và địa chiến lược khu vực, liên kết tay ba này mở ra cho cả ba cơ hội gây dựng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Israel có thêm cửa ngõ để vươn ra xa hơn ở khu vực Địa Trung Hải cũng như có thêm bàn đạp mới cho quan hệ với EU và các thành viên khác của EU. Hợp tác với 2 nước này giúp Israel dễ bề ứng xử trước sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ về khai thác khí đốt ở Địa Trung Hải.
Hy Lạp và Cyprus vốn có mối quan hệ gắn kết từ quá khứ lịch sử. Sự chia cắt đảo Cyprus năm 1974 đã khiến quan hệ của cả hai với Thổ Nhĩ Kỳ - cũng là thành viên NATO như Hy Lạp - rất trắc trở và cả EU nữa cũng khó xử. Liên kết như thế, Hy Lạp củng cố được ảnh hưởng ở Cyprus và Cyprus càng thêm tin tưởng dựa cậy vào Hy Lạp trong khi cả ba có thêm con chủ bài trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.(Thanhnien)
------------------