Trung Quốc điều tàu chiến tối tân tập trận cùng Nga
Theo đài CNN, Bộ Quốc phòng hai nước Trung Quốc và Nga đã xác nhận sự tham gia diễn tập của khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Hefei Type 052D của Trung Quốc. Đây là đợt tập trận chung đầu tiên từ trước tới nay ở vùng biển châu Âu giữa hai nước, theo báo cáo trên trang web chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc diễn tập bắt đầu vào ngày 21-7, sẽ bao gồm nội dung tác chiến chống ngầm và tập trận phòng không. Các cơ sở hải quân của Nga trong khu vực Kaliningrad kẹp giữa Ba Lan và Lithuania – hai đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được chọn làm trụ sở cuộc tập trận.
Khu trục hạm Type 052D của Trung Quốc. Ảnh: Military-Today
Bắc Kinh cho biết đây là lần đầu tiên khu trục hạm Hefei Type 052D, được hạ thủy cách đây hai năm, tham gia tập trận. Tham gia cùng có một tàu khu trục tên lửa nhỏ, một tàu cung ứng và khoảng 10 tàu chiến của Nga.
Giới phân tích nhận định lựa chọn biển Baltic làm nơi tập trận có ý nghĩa rất lớn. Khu vực này vẫn còn là nguồn cơn dẫn tới căng thẳng dâng cao giữa Nga và Mỹ cùng các đồng minh NATO. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Trung Quốc trong vùng biển này phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh muốn được nhìn nhận ngang bằng với các cường quốc đó.
Trong một thông báo về tập trận ở biển Baltic, Trung Quốc cho hay họ không hề nhắm tới bất kỳ “bên thứ ba” nào. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu của nước này dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie nói rằng sự xuất hiện của một tàu chiến tối tân trong tập trận mang thông điệp nhất định.
“Bằng cách điều khu trục hạm có tên lửa dẫn đường hiện đại nhất, Trung Quốc đang bày tỏ thiện chí đối với Nga và cũng gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho các quốc gia khác – những nước muốn khiêu khích chúng tôi” – ông Li nói.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các tàu chiến Trung Quốc đã trải qua quãng đường dài hơn 16.000 km để đến biển Baltic. Tại biển Địa Trung Hải hồi tuần trước, các tàu này cũng đã tiến hành tập trận bắn đạn thật. Ngoài ra, một nhóm tàu nhỏ của Trung Quốc do khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Changchun gần đây đã tham gia tập trận với hải quân Ý cũng tại Địa Trung Hải.
“Bắc Kinh đã bắt đầu gia tăng triển khai lực lượng hải quân trên phạm vi diện rộng, giúp các nhân viên hải quân có được kinh nghiệm quý báu về các chiến dịch tuần dương” – theo một phân tích của Stratfor, trung tâm phân tích tình báo địa chính trị của Mỹ.
Magnus Nordenman, phó giám đốc Trung tậm An ninh quốc tế Brent Scowcroft tại Hội đồng Atlantic, đánh gia vai trò đang tăng của Trung Quốc trong thương mại thế giới đồng nghĩa với việc nước này muốn tiếp cận các cảng biển ở Bắc Âu.
Một đội tàu chiến của Trung Quốc với sự dẫn đầu của tàu sân bay Liêu Ninh (giữa) tiến hành tập trận ở biển Đông hôm 2-1-2017. Ảnh: CNN
Cuộc tập trận giữa Bắc Kinh và Moscow ở biển Baltic cũng diễn ra trong bối cảnh hải quân PLA có một tháng tất bật với việc cố gắng hiện diện trên toàn thế giới. Tuần trước, Bắc Kinh đã điều các tàu chiến cùng binh sĩ tới một căn cứ quân sự mới thành lập ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi. Căn cứ quân đội ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc có vai trò vô cùng quan trọng, sẽ hỗ trợ các tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và phục vụ các chuyến đi xa hơn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nhóm tàu chiến do khu trục hạm Hefei Type 052D trên đường tới biển Baltic đã ghé lại căn cứ Djibouti trước khi tới Biển Đỏ và đi vào kênh đào Suez.
Việc khu trục hạm Hefei Type 052D của Trung Quốc đến biển Baltic tập trận chung với hải quân Nga đã thu hút sự chú ý của một số nước châu Âu. Hãng tin RT đưa tin, Anh, Hà Lan và Đan Mạch lần lượt điều tàu chiến theo dõi ba tàu Trung Quốc đang di chuyển đến khu vực trên.
“Tàu hộ tống, tàu tiếp tế và khu trục hạm Trung Quốc di chuyển qua vùng biển Đan Mạch. Chúng tôi hộ tống ba tàu này. Đây là một phần của hoạt động trinh sát thông thường trong lãnh hải của chúng tôi” - ông Klaus Thing Rasmussen, đại diện của quân đội Đan Mạch, cho biết. Tuy nhiên, ông Rasmussen từ chối công bố vị trí của ba tàu Trung Quốc.
Trong vài ngày qua, hải quân Anh, Hà Lan và Đan Mạch lần lượt xác nhận đã điều các chiến hạm hộ tống nhóm tàu Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo cuộc tập trận chung Nga - Trung giai đoạn 1 diễn ra tại Baltic bắt đầu vào ngày 21-7, với sự tham gia của hàng chục tàu chiến và máy bay quân sự hai nước. Còn giai đoạn thứ hai của tập trận sẽ tiếp tục ở biển Nhật Bản và Biển Okhotsk vào tháng 9 tới.(PLO)
------------------------------
Thượng viện Nga thông qua gói dự luật bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Nga ở Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trước đó, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cũng đã thông qua gói dự luật này.
Theo gói dự luật trên, cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm các hệ thống thông tin và mạng lưới viễn thông thuộc các cơ quan chính phủ, các hệ thống kiểm soát tự động các quy trình công nghệ của ngành công nghiệp quốc phòng, y tế, vận tải, bưu chính, tài chính, năng lượng và nhiên liệu.
Các ngành công nghiệp hạt nhân, hàng không vũ trụ và một số lĩnh vực khác cũng nằm trong danh sách này.
Nếu gói dự luật được thông qua, các cá nhân tạo ra mã độc cho các cuộc tấn công mạng và gây thiệt hại đáng kể đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng có thể bị phạt tới 10 năm tù.
Gói dự luật này dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018, sau khi được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành.
Trước đó, Tổng thống Putin cho biết trong năm 2016, số vụ tấn công mạng nhằm vào các máy chủ của Nga đã tăng gấp 3 lần.
An ninh mạng đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của giới hoạch định chính sách ở tất cả các nước, đặc biệt sau loạt vụ tấn công nhằm vào ít nhất 150 quốc gia trên thế giới hồi giữa tháng Năm vừa qua, làm tê liệt hàng nghìn máy tính.
Sự việc một lần nữa cho thấy mối đe dọa mới nổi từ các mã độc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.(Vietnam+)
--------------------------
Hàng chục ngàn người Ba Lan biểu tình phản đối cải cách
Hàng chục ngàn người biểu tình tràn xuống đường phố Ba Lan để phản đối hạ viện thông qua một cải cách gây tranh cãi về Tòa án Tối cao bất chấp sự đe dọa trừng phạt của EU.
Hàng chục ngàn người biểu tình tập trung trước dinh tổng thống để kêu gọi bác bỏ dự luật gây tranh cãi về Tòa án Tối cao - Ảnh: AFP
AFP ngày 20-7 cho biết các cuộc biểu tình nổ ra sau khi hạ viện, do đảng Công lý và Pháp luật (PiS) kiểm soát, bỏ phiếu và giành chiến thắng với 235 phiếu thuận - 192 phiếu chống và 23 phiếu trắng.
Kết quả này đồng nghĩa với việc trao quyền cho chính phủ Ba Lan chọn ra các ứng cử viên cho các chức vụ trong Tòa án Tối cao.
Chính quyền thủ đô Warsaw cho biết có khoảng 50.000 người biểu tình tập trung trước dinh tổng thống, vẫy cờ Ba Lan và cờ EU, hô hào "Chúng ta sẽ bảo vệ nền dân chủ" và "tòa án tự do".
Theo hệ thống hiện hành, một cơ quan độc lập bao gồm chủ yếu là các thẩm phán và một vài chính trị gia là nơi chọn ra các ứng cử viên cho Tòa án Tối cao Ba Lan.
Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo từng nói trên đài truyền hình quốc gia rằng đảng PiS của bà "đang cải cách hệ thống tòa án để hệ thống này có thể làm việc hiệu quả, trung thực và phục vụ cho tất cả người Ba Lan".
"Chúng tôi sẽ không chịu áp lực. Chúng tôi sẽ không bị hăm dọa bởi những người bảo vệ trong nước và những người bảo vệ ở nước ngoài của tầng lớp trung lưu" - bà Szydlo nói.
Tuy nhiên lãnh đạo đảng đối lập Nền tảng Công dân (PO) Grzegorz Schetyna đã cáo buộc cuộc cải cách Tòa án Tối cao là một "cuộc đảo chính". Lãnh đạo đảng Modern là Ryszard Petru thì cho rằng "đây là một ngày tồi tệ cho nền dân chủ Ba Lan".
"Việc thông qua cải cách này vi phạm các nguyên tắc của pháp luật vì đã đưa ngành tư pháp lên nắm quyền lực chính trị, làm nền tảng cho một hệ thống không dân chủ tại Ba Lan" - nhà phân tích chính trị Stanislaw Mocek của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan nói với hãng AFP.
"Tình hình rất nghiêm trọng và có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta không thấy ý định thỏa hiệp của PiS trong khi phe đối lập lại quá yếu" - ông Mocek nhận định.
Trước đó phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cũng đã thẳng thắn cảnh báo rằng sự thay đổi "sẽ tăng đáng kể mối đe dọa đối với hệ thống pháp luật" của Ba Lan.
"Nhìn chung họ sẽ hủy bỏ bất kỳ tính độc lập tư pháp nào còn lại và đưa các cơ quan tư pháp nằm dưới sự kiểm soát chính trị của chính phủ" - ông Timmermans nói.
Ông Timmermans cũng cảnh báo nếu Ba Lan không đình chỉ cải cách, Ủy ban châu Âu có thể ngừng quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong khối 28 quốc gia thành viên của liên minh.
Luật cải cách trên của Ba Lan sẽ cần thượng viện, do PiS kiểm soát, thông qua trước khi được tổng thống Andrzej Dadu ký thành luật.(Tuoitre)
-------------
Nga sắp cấp cho Trung Quốc 4 trực thăng vận tải
Theo hãng tin Sputnik, ông Alexander Mikheev – Tổng giám đốc công ty quốc doanh Rosoboronexport của Nga ngày 21-7 cho biết Moscow sẽ bàn giao bốn trực thăng vận tải Mil Mi-171E cho Trung Quốc.
“Chúng tôi đã ký một hợp đồng cung cấp bốn trực thăng vận tải Mi-171E cùng khí tài của chúng tôi cho Trung Quốc. Đối tác của chúng tôi sẽ nhận bốn chiếc trực thăng. Hợp đồng sẽ được thực thi vào năm 2018” – ông Mikheev nói.
Trực thăng Mi-171. Ảnh: SPUTNIK
Ông cho biết thêm Rosoboronexport đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc về việc bàn giao bốn động cơ tuabin trục VK-2500 cho trực thăng Ni-17 vào năm tới. “Việc bàn giao động cơ này sẽ tiến hành vào năm 2018” – ông Mikheev nói.
Trực thăng vận tải quân đội Mi-8/17 được sử dụng trong các chiến dịch hỗ trợ y tế và tìm kiếm cứu nạn cũng như vận chuyển hàng hóa và con người. Đến nay, hơn 12.000 chiếc trực thăng loại này đã được sản xuất và có mặt ở hơn 100 quốc gia.
Động cơ VK-2500 do công ty JSC Klimov của Nga sản xuất, có đặc điểm nổi bật bởi tính an toàn của chuyến bay được cải thiện, tốc độ được cải tiến và có tính cơ động cao (PLO)