Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Súng Việt Nam được trang bị đạn chuẩn NATO tự sản xuất
Tin thế giới đáng chú ý chiều 04-10-2017
- Cập nhật : 04/10/2017
Căn cứ hậu cần của Trung Quốc ở Djibouti có gì?
Trung Quốc xây dựng doanh trại, nhà kho, cơ sở bảo trì và cơ sở neo đậu được cả hạm đội tàu Hải quân Trung Quốc.
Mới đây, tờ báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bản điện tử đăng tải bài viết cho rằng, căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài - Djibouti, được xây dựng có khả năng chứa được hầu hết các tàu trong Hạm đội Hải quân của Trung Quốc.
Tờ báo Hồng Kông (Trung Quốc) cho hay, các binh lính Trung Quốc vừa qua đã tiến hành các cuộc tập trận đầu tiên ở Djibouti trên Vịnh Bắc Phi, gần các tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới.
Bên trong căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti. Ảnh: SCMP
Quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận nhằm kiểm tra năng lực của binh lính trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và độ mặn cao.
Nơi đây được Trung Quốc tuyên bố là căn cứ hậu cần phục vụ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và sứ mệnh nhân đạo.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là căn cứ này còn có cơ sở hạ tầng quan trọng gồm doanh trại, nhà kho, các đơn vị bảo trì và cơ sở neo đậu có thể chưa hầu hết các tàu thuộc Hạm đội Hải quân Trung Quốc.
Các sĩ quan và lính đặc nhiệm Trung Quốc tham gia một buổi lễ đánh dấu hoàn thành một sứ mệnh chống hải tặc trên Vịnh Aden năm 2009 - Ảnh: SCMP
Căn cứ hậu cần ở Djibouti - nằm trên con đường tới Kênh đào Suez chiến lược, ngay cửa ngõ Biển Đỏ - đã gây ra lo ngại rằng nó sẽ là nền tảng cho những tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh ở nước ngoài.
Giáo sư Zhang Baohui - Trường Đại học Lĩnh Nam về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cho biết: "Trung Quốc không có nhiều tranh cãi ở Djibouti vì có rất nhiều nước cũng đã có mặt ở đó".
Ví dụ như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật... Djibouti là nơi duy nhất quân đội Mỹ đặt ở châu Phi.
Djibouti cũng nằm cách xa các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc - như Ấn Độ. Ấn Độ và Bắc Kinh đã cạnh tranh về căn cứ tại cảng Gwadar ở Pakistan.
Giáo sư Zhang cho hay, căn cứ tại Djibouti có nghĩa là Trung Quốc tin rằng có thể tuyên bố về sứ mệnh nhân đạo cao cả của mình.
Ông Malcolm Davis, chuyên gia an ninh châu Á tại Học viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng, Trung Quốc cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình dọc con đường tơ lụa thế kỷ 21, phần biển trên thuộc "Sáng kiến Vành đai và Con đường" mở rộng của Bắc Kinh.
"Đáng chú ý là việc Trung Quốc có thể có mặt ở một khu vực chiến lược quan trọng" - ông Davis nói.
Căn cứ Djibouti của Trung Quốc nằm gần cảng Doraleh, dự án này được tài trợ và vận hành một phần bởi công ty nhà nước China Merchants Holdings.
Căn cứ Djibouti của Trung Quốc nằm gần cảng Doraleh
Theo báo cáo của CNA, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Virginia (Mỹ), khoảng 40% hàng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua vịnh Aden, gần Djibouti đến năm 2008.
CNA cho biết Djibouti dựa nhiều vào nguồn vốn từ Trung Quốc, với các công ty Trung Quốc cung cấp 1,4 tỷ USD vốn cho các dự án đầu tư lớn.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã đầu tư vào dự án đường sắt Ethiopia - Djibouti, đường ống dẫn nước Ethiopia - Djibouti...
Binh lính Trung Quốc tập trận ở Djibouti
Theo báo cáo của CNA, căn cứ Djibouti có thể hỗ trợ cho các sứ mệnh xa bờ của quân đội Trung Quốc như chống hải tặc, di tản công dân Trung Quốc, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, thu thập tình báo và bảo vệ các tuyến đường biển chiến lược.
Bắc Kinh có thể dùng căn cứ để triển khai sức mạnh lên bắc Phi và củng cố vị thế của họ ở Ấn Độ Dương.
Học giả Bawa Singh của Ấn Độ nhận định: "Chiến lược hàng hải của Trung Quốc hướng tới việc đối phó Ấn Độ bằng cách xây hàng loạt căn cứ hải quân ở các nước láng giềng của New Delhi trên Ấn Độ Dương". (Baodatviet)
--------------------------
Tổng thống Trump kêu gọi sớm cho ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha vừa ra tuyên bố chung nhấn mạnh cần phải duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 2.10 (theo giờ Mỹ), hai nhà lãnh đạo còn nhấn mạnh tầm quan trọng của một Biển Đông hòa bình và ổn định, theo hãng tin PTI. Hai bên tái khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ngoài ra, Tổng thống Trump và Thủ tướng Prayut hoan nghênh việc các nước ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 8 thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và kêu gọi sớm cho ra bộ quy tắc này.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận mang tính hợp tác nhằm đảm bảo một Biển Đông hòa bình, ổn định và bền vững.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Prayut là dấu hiệu cải thiện quan hệ Mỹ-Thái, vốn trở nên lạnh nhạt kể từ khi quân đội Thái lên nắm quyền trong cuộc đảo chính hồi năm 2014, theo Reuters.(Thanhnien)
----------------------
Thái Lan phủ nhận bàn chuyện mua vũ khí của Mỹ
Thái Lan khẳng định không bàn chuyện mua vũ khí hay thiết bị quân sự từ Mỹ trong chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu chính quyền quân sự nước này.
Thủ tướng Prayut Chan-ocha thăm chính thức nước Mỹ 4 ngày đến ngày 5.10 theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong tối 2.10, Tổng thống Trump đã có buổi hội đàm đầu tiên với người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan.
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng được cho là sẽ đề cập đến những vấn đề của khu vực châu Á, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên. Washington muốn Bangkok có hành động mạnh hơn về mặt ngoại giao đối với Bình Nhưỡng, gây sức ép để đóng cửa các doanh nghiệp Triều Tiên đang làm ăn trên lãnh thổ Thái Lan nhằm cắt nguồn viện trợ tài chính cho chương trình hạt nhân của nước này, theo Reuters.
Một nguồn tin quân sự trước đó tiết lộ Bangkok sẽ đề cập việc mua thêm phương tiện, thiết bị quân sự và vũ khí từ Washington cũng như hoàn tất các thoả thuận quân sự trước đây, trong đó có 4 máy bay trực thăng Black Hawk mà Thái Lan đồng ý mua từ Mỹ trong một thoả thuận được hai bên thông qua trước khi xảy ra cuộc đảo chính năm 2014.
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn với giới truyền thông trong nước sáng 3.10, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan cho biết hai nhà lãnh đạo bàn rất nhiều về vấn đề của hai nước và cả an ninh của khu vực nhưng không bàn chuyện mua bán vũ khí.
Tháp tùng thủ tướng Thái Lan đến Mỹ có đại diện các tập đoàn kinh tế thuộc nhưng lĩnh vực như nông nghiệp, lương thực thực phẩm, tài chính-ngân hàng, hóa dầu, bất động sản và phụ trợ ô tô.
Chuyến thăm được giới quan sát kỳ vọng sẽ nối lại mối quan hệ nguội lạnh giữa Washington và Bangkok sau cuộc đảo chính xảy ra ở Thái Lan hồi năm 2014.
Hai nhà lãnh đạo sẽ bàn chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại giữa 2 nước, vốn trở nên trầm lắng theo mối quan hệ ngoại giao sau khi Washington ngưng hỗ trợ quân sự và giảm quy mô chương trình tập trận hàng năm với Bangkok nhằm phản đối cuộc đảo chính do Thủ tướng Prayut lãnh đạo.(Thanhnien)
--------------------------
PVN tiết kiệm hơn 2.600 tỷ đồng
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiết kiệm được 2.612 tỷ đồng tính đến hết tháng 9/2017.
PVN cho biết, hoạt động thực hành tiết kiệm này bao gồm tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí giá thành sản xuất kinh doanh từ nguyên nhiên vật liệu năng lượng, cải tiến hợp lý hóa sản xuất cũng như tiết kiệm chi phí quản lý đầu tư xây dựng.
Các giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2017, PVN đã phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, người lao động Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của PVN tập trung vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính của PVN và các dự án trọng điểm về dầu khí, đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả các dự án.
Bên cạnh đó, PVN tập trung xây dựng và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm nhằm phát huy tối đa hiệu quả mọi nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm.
Đặc biệt, PVN và các đơn vị thành viên đã thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, PVN thường xuyên rà soát, xây dựng mới các quy chế quản lý nội bộ; cải cách các thủ tục hành chính, quy trình xử lý công việc theo hướng tiết kiệm, nhanh gọn, kịp thời, hiệu quả; nghiên cứu công nghệ mới, sử dụng máy móc, thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành.
Trong quản lý chi phí hoạt động thường xuyên, PVN và các đơn vị thành viên kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, chi phí quản lý, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiết kiệm các chi phí.
Đối với công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản, đầu tư xây dựng, PVN thường xuyên rà soát các quyết định đầu tư, đầu tư vốn, mở rộng kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn; kiên quyết cắt giảm, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, không cần thiết.
Cùng đó, PVN cũng tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư, giải ngân vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án đảm bảo đúng tiến độ và quy định; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, tránh kéo dài lãng phí.
Tập đoàn đã chỉ đạo triển khai phương án tái cấu trúc doanh nghiệp, tổ chức làm việc với các đơn vị thành viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; triển khai xây dựng định mức, chức danh công việc làm cơ sở cho công tác tuyển dụng và sử dụng lao động.
Theo PVN, trong những tháng cuối năm, Tập đoàn tiếp tục bám sát Chương trình tổng thể của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và của Tập đoàn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
PVN tiếp tục chỉ đạo và thực hiện quyết liệt nhằm đưa công tác thực hành tiết kiệm trong toàn Tập đoàn thực chất và hiệu quả hơn bởi đây là nhiệm vụ thiết thực, quyết định sự sống còn của đơn vị, đặc biệt là đơn vị thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt. (TXVN)