Thách thức với tham vọng sở hữu tàu ngầm hạt nhân của Hàn Quốc; Phát ngôn viên Hoa Kỳ tuyên bố sốc; Mỹ trang bị USS Washington chuyên trị tàu ngầm Nga
Tin thế giới đáng chú ý sáng 10-10-2017
- Cập nhật : 10/10/2017
Việt Nam nâng cấp ZU-23-2 diệt mục tiêu tầm xa
Trong khi các nước trang bị ZU-23-2 vẫn dùng nguyên bản pháo kéo thì Việt Nam đã thành công khi biến ZU-23-2 thành pháo tự hành với đòn đánh tầm xa.
Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đang thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo xe cơ sở để lắp đặt tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm thấp. Đây là đề tài có tính ứng dụng cao, dễ vận hành, nâng cao tính cơ động cho pháo, giảm tối đa sức lực của bộ đội khi triển khai và thu hồi pháo, công trình này đã tiết giảm được đáng kể ngân sách quốc phòng.
Theo Kênh QPVN, cấu hình vũ khí do Việt Nam sản xuất về cơ bản không khác biệt nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Theo những hình ảnh được công bố, hệ thống pháo tự hành ZU-23-2 của Việt Nam sẽ được trang bị tên lửa Igla - dòng tên lửa Việt Nam đã tự chủ sản xuất.
Với cách trang bị vũ khí này, pháo phòng không tự hành ZU-23-2 sẽ có tầm tác chiến cực ấn tượng bởi đạn tên lửa tổ hợp Igla có thể hạ mục tiêu ở cự ly đến 5,2km, độ cao 3,5-4km. Để tăng khả năng diệt mục tiêu, khẩu pháo tự hành này đã được nâng cấp với khối điều khiển xác định mục tiêu và lấy phần tử bắn tự động.
Hệ thống gồm một máy đo xa laser, kính ngắm quang- điện tử có khả năng hoạt động ngày/đêm. Lắp bộ phận nạp đạn tự động giúp nâng cao tốc độ bắn. Bộ phận điều khiển hỏa lực sẽ tự động điều chỉnh góc nâng của pháo theo tham số mục tiêu từ hệ thống cảm biến.
Khối điều khiển hoạt động bằng điện với khả năng quay 360 độ cho phép quan sát tốt hơn. Hệ thống cảm biến, điều khiển hỏa lực và pháo kết nối với nhau tạo thành một khối thống nhất giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Các thông tin về mục tiêu được hiển thị lên màn hình để pháo thủ quan sát và điều khiển pháo sao cho đường ngắm nằm ở trung tâm mục tiêu trong chế độ bám sát cũng như thực hành bắn. Việc điều khiển pháo và hệ thống cảm biến khá dễ dàng bằng cần kiển khiển cầm tay.
Trước đây khi chưa cải tiến, pháo ZU-23-2 được vận hành bằng tay hoàn toàn nên cần rất nhiều người, do đó rất không phù hợp để triển khai ở các khu vực biển đảo. Sau nâng cấp, người chỉ huy bắn và toàn bộ ê kíp của ZU-23-2 được giảm chỉ còn một pháo thủy duy nhất.
Việc tự động hóa toàn bộ quá trình xác định mục tiêu, tính toán phần tử bắn và điều khiển hỏa lực của pháo ZU-23-2 vừa tinh gọn biên chế trong khi lại nâng cao hiệu suất tác chiến. Tầm bắn sau cải tiến vẫn duy trì như trước.
Ngoài ra, cơ cấu điều chỉnh cự ly mục tiêu bằng tay trước đây bằng hệ thống đo xa laser và ảnh hồng ngoại. Với cơ cấu cũ, pháo thủ mất khá nhiều thời gian để xác định cự ly, nhưng tọa độ mục tiêu chỉ ở mức tương đối không được chính xác như hệ thống mới.(Baodatviet)
-------------------------
Hải quân Việt Nam đưa 2 tàu Molniya mới vào trang bị
Sáng 9/10, Tổng Công ty Ba Son đã bàn giao cặp tàu tên lửa Molniya mang số hiệu 382 và 383 cho Hải quân Việt Nam.
Hai chiếc tàu tên lửa mới nhất đã được bàn giao cho Lữ đoàn 167, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Cặp tàu tên lửa M5, M6 (mang số hiệu 382, 383) nằm trong lô 6 chiếc đầu được Quân chủng hải quân ký hợp đồng đóng mới với Tổng Công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) từ năm 2009 dưới hình thức chuyển giao công nghệ từ Nga.
Theo hợp đồng, sơ đồ phân chia tổng đoạn thân vỏ và thượng tầng, bản vẽ thiết kế, bản vẽ thi công cặp tàu số 3 theo tài liệu chuyển giao Li-xăng có sửa đổi và xác nhận của chuyên gia Nga được Ba Son thực hiện nghiêm ngặt, quy trình. Trong khi đó, vật liệu sử dụng trong quá trình chế tạo gia công thân vỏ và thượng tầng phù hợp và có chứng chỉ, nguồn gốc rõ ràng.
Các chuyên gia Nga đánh giá, công tác chế tạo các phân đoạn, tổng đoạn, lắp ráp thân vỏ và thượng tầng được Ba Son thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với tài liệu thiết kế kỹ thuật tàu 12418 Molniya chuyển giao Li-xăng của Liên bang Nga.
Tàu tên lửa Molniya là một trong những tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là hoàn thiện và hoạt động ổn định hàng đầu thế giới hiện nay do Viện thiết kế Hải quân Almaz (Liên bang Nga) thiết kế. Việc đóng mới thành công 6 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya đã ghi nhận dấu mốc quan trọng trong lịch sử lĩnh vực đóng tàu quân sự Việt Nam.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya thuộc lớp 12418 là một trong những loại tàu có thiết kế phức tạp thể hiện thành tựu mới nhất của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tàu có lượng giãn nước 560 tấn, có tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn.
Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1.650 đến 2.400 hải lý. Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ; thực hiện nhiệm vụ trinh sát…
Trên tàu tích hợp nhiều hệ thống thiết bị công nghệ cao, kết hợp tốt nhất giữa khả năng tiến công và phòng thủ như: Các hệ thống vũ khí khí tài, hệ thống động lực, hệ thống thiết bị điều khiển, hệ thống bảo vệ và kết cấu đảm bảo sức sống tàu, tính năng đi biển, hoạt động độc lập và các thiết bị khác.
Hệ thống hỏa lực trên tàu được trang bị hệ thống tên lửa Kh-35 Uran-E với 16 quả đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu. Loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn, với tầm bắn lên đến 130 km.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm tầm bắn 15 km, tốc độ 130 phát/phút, 2 pháo phòng không cao tốc Ak-630M với tốc độ bắn lên đến 5.000 phát/phút, 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M có tầm bắn 4-5 km và nhịp bắn 4.000-5.000 phát/phút.(Baodatviet)
--------------------------
Ấn Độ đưa Akash lên biên giới răn đe Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa công bố hình ảnh đầu tiên của hệ thống tên lửa đất đối không Akash được triển khai tới khu vực biên giới giáp Trung Quốc.
Như vậy sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến Akash của Ấn Độ đã được điều động tới trực chiến ở khu vực biên giới phía Đông.
Theo các nhà quan sát, tổ hợp vũ khí này theo đánh giá, đủ sức gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với lực lượng không quân Trung Quốc, khiến nó trở nên đặc biệt quan trọng trong thế trận phòng thủ cũng như ngăn chặn của Ấn Độ.
Trước đó Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán Ấn Độ (CAG) cho rằng căn cứ vào nhận thức về các mối đe dọa tiềm tàng có thể diễn ra tại thời điểm năm 2010, Chính phủ Ấn Độ đã lên kế hoạch trang bị cho không quân nước này hệ thống tên lửa chiến lược để triển khai tại phía Đông, kế hoạch sẽ tiến hành từ tháng 6/2013 đến tháng 12/2015 theo từng giai đoạn.
Trong năm 2009, Ấn Độ đã thay đổi quan điểm của mình đối với khu vực biên giới giáp Trung Quốc từ "ngăn chặn" sang "cản trở", do quốc gia láng giềng đã xây dựng xong hệ thống hạ tầng quân sự rất đồ sộ.
Ủy ban An ninh Ấn Độ đã thông qua việc mua sắm và khởi tạo 6 khẩu đội Akash đầu tiên tại 6 căn cứ của IAF thuộc Bộ tư lệnh Phương Đông với kinh phí 540 triệu USD, đồng thời phê duyệt cấp ngân sách nhằm tạo ra cơ sở chuẩn bị và cất trữ tên lửa phục vụ chiến đấu.
Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan mà phải tới thời điểm hiện tại khẩu đội Akash đầu tiên mới được điều động tới thực địa, đặc biệt khi ở bên kia biên giới các hệ thống HQ-16/17 của Trung Quốc đã sẵn sàng tham chiến từ lâu.
Akash là một hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm trung do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) "thai nghén" từ đầu thập niên 1980 nhằm thay thế cho các tổ hợp 2K12 Kub (SA-6 Gainful) đã lạc hậu. Nhưng do gặp nhiều khó khăn mà phải đến năm 2009 nó mới chính thức ra mắt.
Hình dáng của tên lửa đánh chặn thuộc tổ hợp Akash khá tương đồng với đạn 3M9 của SA-6, nó sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng nhiên liệu rắn nhằm tiết giảm chi phí trong khi vẫn cho độ chính xác và linh hoạt cao.
Tên lửa có chiều dài 578 cm, đường kính 35 cm, trọng lượng phóng 720 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 60 kg; tầm bắn lớn nhất của Akash đạt tới 30 km, trần bay 18 km, vận tốc tối đa Mach 2,5.
Mỗi tổ hợp Akash bao gồm 4 xe mang phóng tự hành (mỗi xe có 3 tên lửa đánh chặn); 1 đài radar kiểm soát hỏa lực Rajendra (tầm hoạt động 60 km, theo dõi được 64 mục tiêu, dẫn hướng cho 8 tên lửa tấn công cùng lúc, đài radar này có khả năng kháng nhiễu cao); cùng 1 trạm chỉ huy điều khiển.
Thông thường từ 2 đến 4 tổ hợp Akash sẽ được liên kết thành một khẩu đội với phạm vi bảo vệ là một ô vuông cạnh (62 x 62) km, trong cấu hình mảng tuyến tính con số này là (98 x 44) km. Xác suất tiêu diệt mục tiêu của 1 tên lửa là 88%, tăng lên tới 98,5% nếu phóng liên tiếp 2 đạn trong vòng 5 giây vào một đối tượng.(Baodatviet)
-----------------------
Việt Nam có thể tự nâng cấp T-62 mạnh hơn cả T-72
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 của Việt Nam nếu được nâng cấp khả năng phòng vệ cùng sức mạnh hỏa lực sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của T-90.
Gần đây, Nga đã tích cực "vét kho" để bàn giao cho Quân đội chính phủ Syria những chiếc T-62 cuối cùng của mình, đây là biến thể T-62M được nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực với thiết bị ngắm bắn, đo xa laser gắn ở ngay gốc pháo chính cùng giáp phụ bổ sung quanh tháp pháo.
T-62M vẫn phát huy tác dụng rất tốt trên chiến trường hiện đại, thậm chí đã có nhận xét cho rằng đây là biến thể T-62 tốt nhất thế giới, không thua kém T-72 bao nhiêu và là hình mẫu để Việt Nam học tập nếu có ý định hiện đại hóa số T-62 của mình.
Gợi ý trên là điều đáng để quan tâm, nhưng phải nhìn nhận rằng nếu muốn nâng cấp, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng tạo ra một biến thể T-62 độc nhất vô nhị với tính năng kỹ chiến thuật vượt trội cả T-72, tức là bỏ xa T-62M của Nga.
Dựa trên kinh nghiệm rút ra từ quá trình hiện đại hóa T-54/55, những thành tựu thu về dĩ nhiên có thể áp dụng trên một dòng xe tăng khác, cụ thể ở đây chính là T-62.
Nếu T-62 của Việt Nam được lắp các phiến giáp phản ứng nổ cùng giáp hộp quanh tháp pháo, đi kèm diềm chắn xích kiểu T-55M3 thì chắc chắn nó sẽ chống đạn xuyên tốt hơn hẳn T-62M và còn vượt mặt cả T-72 đời đầu.
Bên cạnh đó, các thiết bị khác có trên T-55M3 như cảm biến khí tượng MAWS6056B, ốp bọc cách nhiệt cho nòng pháo, máy tính điều khiển hỏa lực tối tân của Israel... đều mang được sang T-62, lúc này T-62 thậm chí không thua kém cả T-72 đã nâng cấp nhẹ.
Yếu tố cuối cùng để khiến T-62 nâng cấp theo cấu hình trên mạnh hơn T-72 đó là uy lực của pháo chính, việc thay thế pháo 125 mm cho nó tỏ ra rất tốn kém, cho nên tốt nhất là hãy trang bị cho chiếc chiến xa này một loại đạn công nghệ cao.
Tập đoàn Nexter của Pháp gần đây đã giới thiệu đạn xuyên động năng M1150 cỡ 115 mm tương thích với pháo chính của xe tăng T-62.
Viên đạn này có chiều dài 1.110 mm; trọng lượng 25 kg; trong đó lõi xuyên bằng hợp kim Tungsten nặng 6,5 kg với phụ gia chống mài mòn Titanium Dioxide được đẩy đi bởi 8,5 kg thuốc súng, cho sơ tốc đầu nòng lên tới 1.635 m/s, xuyên thủng 500 mm giáp đồng nhất (RHA) từ cự ly 2.000 m ở góc chạm 60 độ.
So sánh với đạn xuyên động năng trên pháo 125 mm 2A46 đời đầu của T-72 chỉ thâm nhập được 400 mm RHA khi bắn cách 2.000 m, hay đạn thanh xuyên của Israel bắn từ pháo L7 105 mm thâm nhập 490 mm RHA ở tầm 1.000 m, đạn xuyên mới của pháo 100 mm D-10T2S do Cộng hòa Czech chế tạo xuyên thủng 400 mm thép cán ở 1.000 m, rõ ràng đạn M1150 trội hơn hẳn.
Nếu được nâng cấp theo cấu hình đã áp dụng trên T-55M3, đi kèm với việc trang bị đạn xuyên công nghệ cao như M1150 của Pháp, sức mạnh của phiên bản T-62 do Việt Nam tự hiện đại hóa sẽ vượt xa cả T-62M lẫn T-72 đời đầu.
Khi đó, T-62 nâng cấp sẽ song hành tốt hơn cùng T-90S/SK sắp về để tạo nên biên đội tác chiến mạnh.(Baodatviet)