Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Cuối cùng bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương đã định hình xong sau 10 năm
Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-11-2017
- Cập nhật : 15/11/2017
"Bộ tứ" của Mỹ có gì ghê gớm mà Trung Quốc phải "sục sôi"?
Giới chuyên gia nhận định, sự xuất hiện của "Bộ tứ" gồm Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Australia đang trở thành thách thức lớn trước chiến lược bá chủ khu vực của Trung Quốc.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hôm 13/11, Bắc Kinh đã có những phản ứng thận trọng sau cuộc gặp đầu tiên của "Bộ tứ", liên minh giữa Mỹ và 3 nước Ấn Độ, Nhật Bản và Australia bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Manila trước đó một ngày. Giới chuyên gia nhận định, Bắc Kinh hiện đang lo ngại về khả năng "Bộ tứ" sẽ kiềm chế "các kế hoạch chiến lược" của quốc gia này ở châu Á - Thái Bình Dương.
Phản ứng trước cuộc họp của "Bộ tứ" gồm Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản – Australia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, chương trình hợp tác trong khu vực không nên bị chính trị hóa hoặc mang tính ngăn chặn.
Cuộc gặp hôm 12/11 của "Bộ tứ" là cuộc họp đầu tiên của liên minh 4 bên vốn được Nhật Bản khởi xướng cách đây 10 năm.
Theo giới quan sát, cuộc họp của "Bộ Tứ" đã một lần nữa nhấn mạnh sự nghi ngờ và lo lắng của các nước láng giềng Trung Quốc khi mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình theo đuổi tham vọng biến Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực. Sự xuất hiện của Bộ Tứ còn thể hiện cuộc đua khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Cuộc họp của "Bộ Tứ" diễn ra trong bối cảnh Mỹ dường như đang thay đổi trọng tâm chiến lược thông qua việc Tổng thống Donald Trump sử dụng thuật ngữ "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương" trong chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ tới châu Á. Thuật ngữ này cho thấy, các cam kết ngoại giao và an ninh của Mỹ đã được mở rộng vượt qua cả khu vực Thái Bình Dương cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ khi phải đối mặt với một đối thủ mạnh hơn là Trung Quốc.
Dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gợi ý thành lập "Bộ Tứ" vào năm 2007 nhưng do mối quan hệ ràng buộc với Trung Quốc mà Ấn Độ và Australia từng do dự tham gia liên minh này.
Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Australia đã thay đổi quan điểm sau khi Bắc Kinh tuyên bố theo đuổi "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Sáng kiến của Trung Quốc được xem là lời thách thức trước trật tự thế giới do Mỹ thiết lập cũng như thể hiện chiến lược mở rộng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Thêm vào đó, cuộc đối đầu căng thẳng suốt hơn 2 tháng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng tranh chấp Doklam hồi đầu năm nay đã khiến New Delhi "bừng tỉnh".
Trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN, "Bộ Tứ" đã thống nhất hợp tác vì "một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng".
Đáng nói, cuộc họp của "Bộ Tứ" không đưa ra thông cáo chung và giới chức Mỹ cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng, cuộc gặp này nhằm đề ra chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
Về phần mình, hồi tuần trước, Bắc Kinh đã đưa ra lời cảnh báo rằng bất cứ động thái nào liên quan tới việc thành lập nhóm an ninh khu vực không nên nhắm tới hoặc phá hoại "lợi ích của bên thứ ba".
Trong cuộc họp riêng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị ASEAN hôm 13/11, Tổng thống Mỹ Trump cũng đã thảo luận về vấn đề an ninh khu vực và cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và an ninh giữa hai nước.
Còn trong một buổi họp với các nhà lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Trump đã kêu gọi xây dựng các mối quan hệ mật thiết hơn với các nước Đông Nam Á đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo châu Á không nên trở thành "vệ tinh" cho bất cứ ai. Lời nhắn nhủ của ông Trump được xem là nhằm tới Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang mở rộng mạng lưới quan hệ trong khu vực.
Chuyên gia Zhang Mingliang tại Đại học Jinan nhận định, sự xuất hiện của "Bộ Tứ" là nhằm đối phó trước chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Đồng quan điểm với ông Zhang, chuyên gia Du Jifeng từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhấn mạnh, 4 nước Mỹ - Nhật Bản- Ấn Độ - Australia không bị rơi vào cuộc đua cạnh tranh lợi ích chiến lược trong các vấn đề an ninh chủ chốt khu vực bao gồm Biển Đông và Triều Tiên. Tuy nhiên, để tránh chọc giận Trung Quốc, 4 nước đã không nêu tên cụ thể mà chỉ âm thầm nhấn mạnh mối lo ngại về sự trỗi dậy của Bắc Kinh và vội vã bàn thảo sau cánh gà về phương thức đối phó lâu dài.
Cũng theo ông Du, Bắc Kinh đã "báo động" trước sự hình thành của những liên minh an ninh như "Bộ Tứ" dù nhóm an ninh này mới chỉ là trong giai đoạn sơ khai. Không loại trừ khả năng "Bộ Tứ" sẽ còn lôi kéo thêm các nước nhỏ trong khu vực tham gia cùng.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS tại London nhận định, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản có lý do riêng để kỳ vọng vào "Bộ Tứ" nhất là trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực ngày càng sụt giảm dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Trump.
Song theo một nhà ngoại giao Philippines giấu tên, khả năng "Bộ Tứ' không có tầm ảnh hưởng tới ASEAN bởi "không có quốc gia nào tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tham gia "Bộ Tứ". Nếu các nước không liên quan tới Biển Đông thì đó cũng không phải là vấn đề chủ quyền của họ". (Infonet)
---------------------------
Bí ẩn thời điểm Việt Nam tiếp nhận tổ hợp 4K51 Rubezh
Hệ thống tên lửa bờ 4K51 Rubezh đã có trong biên chế chiến đấu của Hải quân Việt Nam từ lâu, nhưng chưa rõ nó được chuyển giao vào thời điểm nào.
4K51 Rubezh (SS-C-3) là hệ thống tên lửa bờ do Liên Xô nghiên cứu chế tạo trong giai đoạn 1970 - 1978 và đưa vào sử dụng từ đầu thập niên 1980.
Thành phần tổ hợp 4K51 bao gồm 1 xe mang phóng 3P51 (cải tiến dựa trên khung gầm xe vận tải hạng nặng MAZ-543) sử dụng để đặt radar điều khiển hỏa lực MR-331 Rangout cùng cụm ống phóng KT-161 mang 2 tên lửa hành trình đối hạm P-15M Termit (SS-N-2 Styx).
Xe mang phóng tự hành trang bị radar (TELAR) 3P51 của hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển 4K51 Rubezh
Mặc dù tổ hợp Rubezh có tuổi đời còn tương đối "trẻ" nhưng lại sử dụng tên lửa cũ, đạn P-15 Termit đã ra đời từ thập niên 1950 có tầm bắn chỉ 80 km, tốc độ tối đa Mach 0,95 và mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 513 kg.
Kích thước của tên lửa P-15 khá lớn, bay hành trình cao (giai đoạn cuối tên lửa vẫn còn ở độ cao trên 100 m), tốc độ chậm, khả năng cơ động kém, ngoài ra nó còn rất dễ bị gây nhiễu trong môi trường tác chiến điện tử dày đặc.
So với 4K44 Redut hay K-300P Bastion-P thì rõ ràng 4K51 Rubezh có quá nhiều nhược điểm, tuy vậy bản báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ghi rất rõ thời điểm Việt Nam tiếp nhận hai tổ hợp kia, nhưng lại không có một dòng nào đề cập tới Rubezh.
Để xác định thời điểm hệ thống tên lửa bờ này vào biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam có lẽ cần quay lại thời điểm thành lập Lữ đoàn 680 - đơn vị đang khai thác sử dụng loại vũ khí trên.
Lữ đoàn 680 ngày nay tiền thân là Tiểu đoàn tên lửa bờ 680 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, đơn vị nhận quyết định thành lập của Bộ quốc phòng vào ngày Ngày 11/11/1988.
Đến ngày 3/4/1993, Tiểu đoàn 680 được nâng cấp thành Đoàn tên lửa bờ 680 Hải quân. Do yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 22/5/2013, Đoàn tên lửa bờ 680 được tổ chức thành Lữ đoàn tên lửa bờ 680 trực thuộc Vùng 3 Hải quân, đứng chân trên địa bàn miền Trung, bờ biển dài và hẹp.
Như vậy căn cứ vào thời gian Tiểu đoàn tên lửa bờ 680 nay là Lữ đoàn tên lửa bờ 680 ra đời thì chúng ta đã được Liên Xô viện trợ những hệ thống 4K51 Rubezh không sớm hơn năm 1988, ngay sau khi sự kiện CQ-88 diễn ra nhằm giúp Hải quân Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ bờ biển, chống lại cuộc đổ bộ lớn của nước ngoài.(Baodatviet)
-----------------------
Nga tạo ra UAV tấn công nặng hơn 10 tấn
Nga đã nghiên cứu và thử nghiệm loại UAV có khối lượng hơn 10 tấn, ông Sergei Korotkov tuyên bố tại triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế Dubai Airshow 2017.
Thiết bị bay không người lái (UAV) có khả năng công-trinh sát hạng nặng của Nga chính thức xuất hiện và chuẩn bị bước vào hành thử nghiệm. Theo kế hoạch việc thử nghiệm các chức năng của chúng sẽ hoàn thành trong thời gian một năm.
Đây là tuyên bố của Giám đốc thiết kế kiêm Phó chủ tích Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC) của Nga, ông Sergei Korotkov tại triển lãm hàng không- vũ trụ quốc tế Dubai Airshow 2017 diễn ra từ ngày 12 đến 16/11 ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Hiện tại chương trình tạo ra UAV đang được diễn ra ở các Tập đoàn sản xuất máy bay như MiG, Sukhoi, Cục thiết kế- thử nghiệm Simonov và nhóm Konstadt. Họ có nhiệm vụ tạo ra UAV hạng nặng có khối lượng từ 10 tới 20 tấn.
“Các nguyên mẫu UAV đã được tạo ra sẽ tiến hành bay thử nghiệm nhằm xác định khả năng của từng nguyên mẫu. Kết quả thử nghiệm là cơ sở để chúng tôi xác định các tiêu chuẩn để tiếp tục sản xuất chúng. Cho đến thời điểm này chương trình này đang rất thành công”, hãng tin RIA Novostia dẫn lời ông Korotkov.
Ông Korotkov nhấn mạnh rằng, trong quá trình nghiên cứu và phát triển loại UAV này vấn đề khó khăn nhất chính là đảm bảm khả năng hoạt động trên không và đạt độ cao bay cần thiết.
Nên nhớ rằng, nhưng khó khăn này cũng tương tự Mỹ gặp phải và họ cũng phải mất hàng chục năm để giải quyết vấn đề về độ cao bay, đặc biệt là các phiên bản UAV hạng nặng, ông Korotkov nói.
Ông cũng tiết lộ rằng, theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga, hiện tại các công ty quốc phòng của Nga đang tập trung nghiên cứu và tạo ra chiếc UAV có khối lượng hơn 10 tấn và trong tương lai có thể lên tới 20 tấn.
Trước đó tại triển lãm Quốc phòng- Hàng hải quốc tế ở St. Petersburg, Nga đã lần đầu tiên cho ra mắt chiếc trực thăng không người lái đa nhiệm BPV-500.
Đây là loại UAV thông minh ngoài khả năng dùng để trinh sát chúng còn được sử dụng để tấn công. Thậm chí xuất hiện thông tin cho rằng, Nga đã sản xuất được loại đạn đầu tiên dành cho UAV tấn công, khối lượng phần chiến đấu này có thể lên đến 50 kg.
Theo thông tin tại các cuộc triễn lãm quốc tế trước đó, Tổng giám đốc của công ty “nhóm Kronstadt” Nikolai Dolzhenkov đã tuyên bố rằng, việc sản xuất hàng loạt loại UAV trinh sát-tấn công thế hệ mới “Orion-1” sẽ được tiến hành từ năm 2019.
Hiện tại một số phiên bản UAV tấn công đã được thử nghiệm ở chiến trường Syria.
Trong số này có UAV Altair của Cục thiết kế- thử nghiệm Simonov, UAV Orion của công ty “Nhóm Kronstadt” và một số loại khác.
Không chỉ có Nga đạt được thành công trong lĩnh vực này. Gần đây Mỹ và Trung Quốc cũng đã trình làng các phiên bản UAV không người lái mới với khả năng tổng hợp.
Với tốc độ phát triển này rõ ràng trong tương lai gần UAV không người lái sẽ dần trở thành lực lượng chính thay thế con người và tham gia vào các cuộc xung đột.(Baodatviet)
------------------------
Cuộc gặp Nga – Mỹ về Ukraine: Một cuộc chơi có hai luật
Chuyên gia Ostashko đánh giá rằng sự khác biệt quan điểm của Nga và Mỹ trong việc tìm kiếm hòa bình cho Donbass thực chất nằm ở mặt chính trị, và Mỹ sẽ bất lợi nếu thừa nhận hoàn toàn cách giải quyết của Nga.
Trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov và Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Ukraine Kurt Volker mới đây đã có buổi gặp gỡ để bàn thảo về tình hình ở Donbass, Ukraine. Liên quan đến tuyên bố chung sau cuộc gặp này, nhà phân tích chính trị Ruslan Ostashko đã đưa ra một số phân tích trên Sputnik.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Surkov và ông Volcker cho thấy, cả Moscow và Washington đều có những quan điểm khác nhau đối với cách thức nhằm đạt được hòa bình tại Donbass.
Nội dung của văn bản trên được đăng tải trên trang web chính thức của Đại sứ quán tại Nga. Cuộc họp của các chính trị gia đã diễn ra vào ngày 13/11 tại Belgrade. Các bên đã thảo luận về tình hình Donbass và cách thức giải quyết xung đột. Theo thường lệ, các cuộc đàm phán được tổ chức trong phòng kín, tuy nhiên địa điểm cụ thể không được tiết lộ.
Tuyên bố cho biết: "Các thỏa thuận Minsk bao gồm các giải pháp chính trị và giải pháp an ninh nhằm để vượt qua cuộc khủng hoảng. Cả hai bên đã đồng ý phân tích tình hình trong cuộc họp này và cùng suy nghĩ về những phương thức để giải quyết vấn đề này".
Trước đó, nghị sĩ Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) Irina Gerashchenko đã đề nghị ông Volker đề cao vấn đề trao đổi tù nhân chiến tranh tại Donbass.
Trong tháng 8 và tháng 10 vừa qua đã có hai cuộc họp khác của các chính trị gia được tổ chức. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Minsk, được các bên đánh giá là rất hữu ích và mang tính xây dựng. Cuộc họp thứ hai là ở Belgrade, tại đây người phát ngôn của tổng thống Nga, Dmitry Peskov nói rằng "vấn đề hòa giải đã được thảo luận hàng giờ liền".
Trên đài phát thanh Sputnik, Tổng biên tập của tờ báo điện tử "Chính trị Nga" (Politrussia.ru), chuyên gia phân tích chính trị Ruslan Ostashko lưu ý rằng sự bất đồng giữa Nga và Mỹ chủ yếu liên quan đến việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Donbass.
Ông Ostashko nhấn mạnh: "Lý do Hoa Kỳ và Nga có quan điểm khác nhau – cốt lõi là vấn đề chính trị. Bởi vì về mặt chính trị Mỹ sẽ bất lợi khi thừa nhận thất bại của mình ở Ukraine nếu áp dụng 100% khái niệm của Nga, dù là có sự điều chỉnh của Đức với việc cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình triển khai trên toàn bộ lãnh thổ Donbass. Vì vậy họ tuyên bố, rằng mình có tầm nhìn/quan điểm riêng về giải pháp hòa bình".
"Việc họ không chấp nhận hoàn toàn quan điểm của Nga, tôi cho là có liên quan đến việc không tổ chức được cuộc họp toàn thể giữa ông Putin và ông Trump tại APEC - Việt Nam. Chỉ trong tuyên bố chung về Syria, mà trong đó ông Trump, trên thực tế, đã thừa nhận chiến thắng của Nga theo hướng này, và công nhận rằng các hoạt động của Liên minh không đạt được hiệu quả như họ mong đợi. Tôi nghĩ rằng sau một thời gian nữa tuyên bố tương tự về vấn đề Ukraine cũng sẽ được đưa ra", ông nói thêm.
Chuyên gia nhận định: "Quan điểm của Nga về cách thức giải quyết vấn đề với sự điều chỉnh của Đức sẽ được áp dụng, về mặt nguyên tắc, là phù hợp cho chúng ta. Tôi nghĩ rằng nó sẽ được tiến hành trong ba tháng tới. Nhưng nếu không có những bước đi chính trị thì việc thực hiện nó sẽ trở thành bất khả thi".
"Vì vậy, sẽ xảy ra tình huống một trò chơi mà có đến hai luật chơi - Nga và Mỹ. Kiev, tất nhiên, sẽ tuân theo tuyên bố của Mỹ, bởi vì nếu công nhận trực tiếp khái niệm Nga, thì đối với Kiev chẳng khác nào tin báo tử, bởi vì sẽ khó mà giải thích cho những người theo chủ nghĩa dân tộc lý do tại sao lực lượng gìn giữ hòa bình lại cản trở việc "quy phục" Donbass. Sớm hay muộn thì nó cũng sẽ xảy ra, và đó là điều không thể tránh khỏi", ông kết luận.(Infonet)