Malaysia bắt 21 cảnh sát bị nghi bảo kê tội phạm
Ngày 20.5, Phó tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Noor Rashid Ibrahim thông báo tổng cộng 21 cảnh sát trên toàn nước này vừa bị bắt.
Phó tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Noor Rashid Ibrahim REUTERS
Hãng thông tấn Bernama dẫn lời ông Noor Rashid cho hay số cảnh sát trên bị bắt với cáo buộc bảo kê cho một số băng nhóm tội phạm,
Trong số đó có vài sĩ quan cảnh sát làm việc tại Cục Phòng chống ma túy thuộc cảnh sát Hoàng gia Malaysia bị tình nghi bảo vệ những băng nhóm buôn bán ma túy.
Ông Noor Rashid nói rõ rằng số cảnh sát nói trên bị bắt giữ theo luật Tội phạm an ninh 2012 trong một chiến dịch được phát động hồi đầu tháng 5, với mục tiêu loại khỏi hàng ngũ những cảnh sát tiếp tay cho tội phạm.(Thanhnien)
-------------------------------
Phương Tây bất an vì năng lực chiến tranh mạng Triều Tiên
Đơn vị 180 của tình báo CHDCND Triều Tiên bị cho là tiến hành nhiều cuộc tấn công thành công nhắm vào các tổ chức tài chính trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên bị cáo buộc đứng sau hàng loạt vụ tấn công mạng, đa số nhắm vào các tổ chức tài chính và ngân hàng, ở Mỹ, Hàn Quốc và hàng chục quốc gia khác.
Trong đó, đáng chú ý có vụ xâm nhập mạng Ngân hàng trung ương Bangladesh để trộm 81 triệu USD hồi năm 2016. Ngoài ra một số nhà điều tra nghi ngờ nước này dính líu tới đợt tấn công chấn động vừa qua của mã độc tống tiền WannaCry, ảnh hưởng trên 300.000 máy tính tại 150 quốc gia.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào và Bình Nhưỡng đã bác bỏ tất cả cáo buộc.
Reuters dẫn lời các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc loan tin Triều Tiên đang sở hữu đội ngũ chiến tranh mạng cực kỳ lợi hại mang tên Đơn vị 180, trực thuộc Tổng cục Trinh sát (RGB). “Đơn vị 180 là một trong số những lực lượng ưu tú nhất của cộng đồng tình báo Triều Tiên, chuyên chiêu mộ và đào tạo tin tặc”, chuyên gia an ninh mạng Mỹ Michael Madden khẳng định.
Nhằm che giấu mọi dấu vết, cơ quan này thường điều động nhân viên ra nước ngoài để tiến hành tấn công mạng nên rất khó bị phát hiện, theo ông Kim Heung-kwang, cựu giáo sư khoa học máy tính Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm một đơn vị quân sựREUTERS
Ông Kim tiết lộ tin tặc Triều Tiên "ẩn mình làm nhân viên" trong các công ty nước ngoài như Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. “Tin tặc không chỉ làm việc trong các công ty tài chính hoặc IT mà còn mở cả website và bán game online”, theo chuyên gia Yoo Dong-ryul ở Hàn Quốc, người đã nghiên cứu về năng lực mạng của Triều Tiên trong nhiều năm qua.
Trong báo cáo trình lên Quốc hồi Mỹ năm 2016, Lầu Năm Góc cũng cho rằng Triều Tiên có khả năng dùng công nghệ và internet từ một nước khác. Tương tự, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Chong-ghee tuyên bố: “Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công mạng thông qua nước thứ ba”.
Reuters dẫn thông tin từ cảnh sát Hàn Quốc nói đến nay, tin tặc miền Bắc đã thâm nhập và cấy phần mềm mã độc vào 140.000 máy tính tại 160 công ty và cơ quan chính phủ nước này. Triều Tiên còn bị tình nghi tấn công mạng công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam hồi năm 2014 nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận mọi cáo buộc.
Ông Dmitri Alperovitch, nhà sáng lập công ty an ninh mạng CrowdStrike (Mỹ), nhận định: “Năng lực tấn công mạng của Triều Tiên ngày càng phát triển. Chúng tôi xem đây là mối đe dọa có thể gây thiệt hại đáng kể cho các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ”.(Thanhnien)
-------------------------------
Pháp điều tra nghi án tham nhũng trong thương vụ tàu ngầm Brazil
Tờ Le Parisien (Pháp) ngày 20.5 đưa tin Văn phòng công tố tài chính quốc gia Pháp (PNF) hồi tháng 10.2016 đã mở cuộc điều tra sơ bộ về “vụ hối lộ quan chức ngoại giao” để giành hợp đồng tàu ngầm hồi năm 2008 trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Nicolas Sarkozy đến Brazil.
Tàu ngầm lớp Scorpene AFP
Brazil đặt hàng bốn tàu ngầm lớp Scorpene do tập đoàn Pháp DCNS và công ty đóng tàu nhà nước Tây Ban Nha Navantia sản xuất, trị giá 6,7 tỉ euro.
Khi AFP liên hệ đặt câu hỏi về thông tin của tờ Le Parisien , PNF “không xác nhận cũng không bác bỏ” thông tin. Nhưng AFP dẫn lời một nguồn tin có liên quan khẳng định cuộc điều tra đang diễn ra dù không cung cấp thêm chi tiết.
Trong khi đó, một người phát ngôn DCNS khẳng định công ty này “tuân thủ luật pháp ở mọi nơi trên thế giới”.
Thông tin trên được đưa ra giữa lúc Tổng thống Brazil Michel Temer đang đối mặt với áp lực bị buộc phải từ chức với cáo buộc tham nhũng, theo AFP.
Trong một đoạn ghi âm bị rò rỉ cho báo đài, Tổng thống Temer được cho là đồng ý trả một số tiền lớn để bịt miệng một chính trị gia bị bắt có nguy cơ khai ra nhiều thông tin phục vụ cuộc điều tra đại án tham nhũng liên quan đến hàng loạt vị bộ trưởng và quan chức cấp cao.
Tổng thống Temer tuyên bố không từ chức và yêu cầu Tòa án Tối cao tạm ngừng cuộc điều tra chống lại ông cho đến khi xác thực được đoạn ghi âm.(Thanhnien)
------------------
Mỹ bán vũ khí gì cho Saudi Arabia trong hợp đồng hàng trăm tỉ USD?
Ngay trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã chứng kiến những cuộc ký kết các hợp đồng quân sự khổng lồ, đánh dấu việc Mỹ cung cấp cho Saudi Arabia hàng loạt loại vũ khí tân tiến, bao gồm cả THAAD
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz trong lễ ký tại Cung điện Hoàng gia Saudi ở Riyadh. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/5 đã dự lễ ký kết một loạt hợp đồng quốc phòng và kinh tế quan trọng, trong đó có hợp đồng bán vũ khí khổng lồ trị giá 110 tỉ USD có hiệu lực ngay lập tức và một hợp đồng quân sự khác trị giá tới 350 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.
“Gói thiết bị và dịch vụ quốc phòng này sẽ hỗ trợ an ninh trong dài hạn đối với Saudi Arabia và Vùng Vịnh trước các mối đe doạ từ Iran”, một quan chức Nhà Trắng cho biết. "Nó cũng tăng cường năng lực của Saudi trong các chiến dịch chống khủng bố trên khắp khu vực, giảm gánh nặng lên quân đội Mỹ trong việc tiến hành các chiến dịch này”, vị quan chức bổ sung.
Chi tiết về bản hợp đồng vũ khí “khủng” chưa được công bố, nhưng theo một số nguồn tin từ giới chức Washington thì thoả thuận này bao gồm các xe tăng, xe chiến đấu Bradley, pháo M109, xe thiết giáp chở quân và trực thăng. Bên cạnh đó là các hạng mục vũ khí phục vụ hải quân như tàu chiến đấu mặt nước đa năng, trực thăng trên tàu, tàu tuần tra và các hệ thống vũ khí liên hợp. Theo Reuters, chỉ riêng các loại đạn dược mà Mỹ sẽ cung cấp đã có trị giá lên tới khoảng 1 tỉ USD, bao gồm các đầu đạn xuyên thép và bom laser dẫn đường.
Đáng chú ý trong thoả thuận vũ khí mới ký kết là việc Mỹ sẽ cung cấp cho Saudi Arabia tên lửa Patriot và Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), giống loại mà Mỹ gần đây triển khai tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, khoảng 150 máy bay Blackhawk nổi tiếng của Mỹ cũng sẽ được Lockheed Martin sản xuất và cung cấp cho Saudi Arabia theo một hợp đồng trị giá 6 tỉ USD.
Nhà Trắng đã mô tả các thoả thuận trên là “sự mở rộng quan trọng đối với mối quan hệ an ninh kéo dài trên 7 thập kỷ qua giữa Mỹ và Vương quốc Saudi Arabia”.
Saudi là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Viện nghiên cứu Hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, một bản báo cáo hồi tháng 4 cho thấy, trong năm 2016, Saudi Arabia là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ tư thế giới, với 63,7 tỉ USD.(Viettimes)