Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Chiến lược ' tằm ăn dâu' của Trung Quốc ở biển Đông mất tác dụng khi đối đầu Ấn Độ ở biên giới
Tin thế giới đáng chú ý chiều 24-07-2017
- Cập nhật : 24/07/2017
Lầu Năm Góc lên kế hoạch đối phó Trung Quốc trên Biển Đông
Tổng thống Mỹ thông qua kế hoạch cho phép hải quân có thêm quyền tự do tuần tra Biển Đông, động thái được cho là thách thức Trung Quốc.
Tàu USS Dewey đã tiến hành diễn tập khi di chuyển gần đá Vành Khăn cuối tháng 5/2017. Ảnh: US Marine.
Kế hoạch do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đệ trình Nhà Trắng hồi tháng 4, vạch ra lịch trình cả năm về thời điểm điều động tàu chiến đi vào những vùng tranh chấp ở Biển Đông, Breitbart News hôm 20/7 đưa tin.
Theo kế hoạch, Nhà Trắng sẽ nắm trước các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) được lên lịch nên sẽ không "bất ngờ" mỗi khi nhận được yêu cầu phê chuẩn và sẽ thông qua nhanh hơn trước đây.
Việc phê chuẩn nhanh hơn sẽ cho phép tiến hành FONOP một cách "rất thường xuyên, rất đều đặn" chứ không lẻ tẻ như trước, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu kế hoạch này có nằm trong chiến lược lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương hay chỉ đơn giản với mục đích làm cho chiến dịch tự do hàng hải trở nên thường xuyên hơn trên Biển Đông.
Dưới thời Barack Obama, Lầu Năm Góc được yêu cầu gửi đề nghị lên Hội đồng An ninh Quốc gia để thực hiện chiến dịch và quy trình mất nhiều thời gian.
Dù ông Trump đã có những phát biểu mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử, phải đến cuối tháng 5, Mỹ mới tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, khi tàu USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vành Khăn là một trong 7 đá ở quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.(Vnexpress)
-------------------------
Mỹ theo dõi chặt căng thẳng Trung - Ấn
Chính quyền Mỹ đang theo dõi sát căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ và kêu gọi đối thoại.
"Chúng tôi khuyến khích hai nước đối thoại trực tiếp để giảm căng thẳng", Economic Times dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Heather Nauert hôm 21/7 nói, cho biết Mỹ đang theo dõi tình hình một cách "chặt chẽ" và "thận trọng".
Bà Nauert tiết lộ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ "nói chuyện với nhau" trong chuyến thăm Bắc Kinh của Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, Ajit K. Doval để tham dự hội nghị các cố vấn an ninh quốc gia của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Sự kiện diễn ra 27 và 28/7, gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đang đối đầu ở vùng cao nguyên Doklam thuộc Bhutan trong hơn một tháng qua. Căng thẳng nổ ra từ giữa tháng 6, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản những động thái từ phía Trung Quốc.
Kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc tuần trước chiếu cảnh các binh sĩ nước này tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên cao nguyên Tây Tạng. Vị trí tập trận cách không xa cao nguyên Doklam.
Ấn Độ ngày 20/7 bày tỏ sẵn sàng đối thoại và đề nghị hai bên cùng rút quân để giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định việc Ấn Độ rút quân "vô điều kiện" là điều tiên quyết để bắt đầu bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào.(Vnexpress)
-------------------------
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích 'kẻ thù' thổi bùng căng thẳng vùng Vịnh
Kéo dài cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Đây là phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước thềm chuyến thăm tới khu vực này.
Phát biểu tại sân bay Istanbul trước khi khởi hành chuyến thăm 2 ngày tới Saudi Arabia, Kuwait và Qatar, ông Erdogan chỉ trích các "kẻ thù" đang tìm cách "thổi bùng căng thẳng giữa các quốc gia anh em" tại Vùng Vịnh. Nhà lãnh đạo này khẳng định trong cuộc khủng hoảng, chính quyền Ankara đứng về phía "hòa bình, ổn định, thống nhất và đối thoại".
Ông tuyên bố ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải của Kuwait, đồng thời nhấn mạnh là một nước lớn trong khu vực, Saudi Arabia có vai trò quan trọng trong giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay giữa 4 nước vùng Vịnh với Qatar.
Ngày 5/6, các nước Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Chính quyền Doha bảo trợ các nhóm khủng bố và thực thi các chính sách can thiệp nhằm gây bất ổn trong khu vực. Qatar bác bỏ các cáo buộc trên và cho đến nay, các bên vẫn chưa thể tìm ra hướng giải quyết cho mối bất hòa nghiêm trọng.
Giới quan sát quốc tế nhận định chuyến thăm trong 2 ngày 23-24/7 của ông Erdogan sẽ được dư luận theo dõi sát sao bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh đáng tin cậy của Qatar trong cuộc tranh cãi ngoại giao với 4 nước láng giềng Arab. Trong những năm gần đây, Qatar được coi là đồng minh hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông với việc Ankara và Doha duy trì hợp tác chặt chẽ trên một loạt các vấn đề cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt một căn cứ quân sự tại Qatar.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu và Mỹ đang trải qua giai đoạn tồn tại nhiều bất đồng, các chuyên gia cho rằng Ankara cũng đang dè dặt trước nguy cơ tác động tiêu cực tới quan hệ với cường quốc trong khu vực là Saudi Arabia.(TTXVN)
----------------------------
Iran, Iraq kí thỏa thuận thúc đẩy hợp tác quân sự
Truyền thông Iran đưa tin ngày 23/7, Iran và Iraq đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quân sự và cuộc chiến chống "chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan", một thỏa thuận có thể khiến Mỹ quan ngại.
Hãng thông tấn IRNA cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan và người đồng cấp Iraq Erfan al-Hiyali đã kí một bản ghi nhớ, trong đó cũng bao gồm các lĩnh vực an ninh biên giới, hậu cần và huấn luyện.
Nguồn tin này cho biết: "Việc mở rộng hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, an ninh biên giới, giáo dục, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và quân sự là những phần trong bản ghi nhớ này".
Quan hệ Iran - Iraq đã cải thiện kể từ khi cựu Thủ tướng Iraq Saddam Hussein, kẻ thù lâu năm của Tehran bị lật đổ vào năm 2003 và chính phủ do người Hồi giáo theo dòng Shi'ite dẫn đầu nắm quyền ở Iraq, trong khi Iran là quốc gia có đa số là người Hồi giáo dòng Shi'ite.(TTXVN)