Nga cảnh cáo Mỹ, cuộc chiến Syria xuất lộ điềm báo đáng sợ; Nga, Mỹ đụng độ tại Syria dẫn đến hậu họa gì?; Qatar đáp trả những yêu sách của 4 nước Ả rập; Australia đưa máy bay trinh thám tới giúp Philippines chiếm lại Marawi
Tin thế giới đáng chú ý chiều 25-06-2017
- Cập nhật : 25/06/2017
IS âm mưu mở rộng hoạt động tại Trung Á và Đông Nam Á
Người đứng đầu Trung tâm chống khủng bố thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tướng Andrey Novikov cho rằng những tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang chuyển trọng tâm hoạt động từ Syria, Iraq sang Afghanistan và các nước láng giềng, đe dọa an ninh khu vực Trung Á.
Phát biểu tại 2 ủy ban của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/6, Tướng Novikov cảnh báo IS đang tìm cách lôi kéo một số tay súng Taliban và những nhóm cực đoan địa phương khác nhằm thành lập một căn cứ lớn ở Afghanistan và mở rộng ảnh hưởng của chúng sang Trung Á.
Theo Tướng Novikov, IS đã "xuất khẩu" một hình mẫu hoạt động cực đoan và khủng bố mới từ các khu vực chiến tranh ở Syria và Iraq sang các nước Trung Á.
Tướng Novikov đặc biệt nhấn mạnh rằng sự gia tăng hoạt động của Taliban ở khu vực miền Bắc Afghanistan giáp Trung Á có thể là dấu hiệu của việc một số chỉ huy của Taliban chuyển sang trung thành và gia nhập IS.
Theo các chuyên gia an ninh, những thất bại liên tiếp tại Syria và Iraq chính là nguyên nhân khiến IS đẩy mạnh các hoạt động khủng bố, mở rộng phạm vi hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới, không chỉ Trung Á mà còn ở cả châu Âu hay Đông Nam Á.
Trước tình hình này, các quốc gia khu vực Đông Nam Á cũng đang đề cao cảnh giác nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của IS.
Ngày 24/6, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Hồi giáo Singapore Yaacob Ibrahim khẳng định nước này không "miễn nhiễm" trước sự nguy hiểm của tư tưởng cực đoan và quốc gia Đông Nam Á không thể ngừng cuộc chiến chống lại các mối đe dọa như vậy.
Trong một thông điệp được gửi tới cộng đồng Hồi giáo, ông Yaacob kêu gọi mọi người dân phải cảnh giác cao hơn và báo cáo kịp thời nếu phát hiện những người có dấu hiệu "sai đường."
Trước đó, giới phân tích từng nhận định các đối tượng ủng hộ tổ chức khủng bố IS ở Iraq và Syria xác định Singapore là một phần của cái gọi là "Nhà nước Đông Á," đồng thời cảnh báo động thái này có thể khuyến khích các tay súng nước ngoài gây ra các vụ tấn công tại đây.
Trong khi đó, cùng ngày, Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) cho biết nguy cơ Đông Nam Á có khả năng trở thành một "nhà nước Hồi giáo tiếp theo" là một thách thức đối với quân đội nước này và buộc họ phải nâng cao cảnh giác trước những phần tử khủng bố.
Trả lời tờ The Manila Times, người phát ngôn AFP, Chuẩn tướng Restituto Padilla Jr khẳng định quân đội Philippines đã được chuẩn bị cho bất cứ kiểu tấn công nào do các nhóm cực đoan tiến hành.
Phát biểu này của ông Padilla đưa ra nhằm phản hồi lại tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano rằng khu vực Đông Nam Á có thể là một mục tiêu khi IS mất địa bàn hoạt động ở Iraq và Syria và đang tìm kiếm các căn cứ khác bên ngoài 2 quốc gia này.
Trước đó, tại một hội nghị an ninh khu vực được tổ chức hôm 22/6, ông Cayetano và người đứng đầu AFP Eduardo Ado đã bày tỏ quan ngại tương tự trong bối cảnh suốt 1 tháng nay, binh lính chính phủ Philippines giao tranh với nhóm phiến quân Maute có quan hệ với IS ở thành phố Marawi.
Thời gian gần đây, khu vực Đông Nam Á trong tình trạng báo động sau khi các tay súng tuyên bố trung thành với IS đánh chiếm thành phố Marawi, trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines.
Kể từ khi cuộc chiến bùng phát vào ngày 23/5 đến nay, gần 400 người đã bị thiệt mạng và hơn 200.000 người dân thành phố buộc phải rời bỏ nhà cửa trong khi quân đội Philippines phải huy động các máy bay chiến đấu cơ và trực thăng để tiêu diệt phiến quân.
Việc phiến quân chiếm giữ thành phố Marawi của Philippines làm dấy lên lo ngại về nguy cơ các phần tử thánh chiến đang tìm cách lập một "thành trì" trên đảo Mindanao, đe dọa an ninh khu vực(Vietnam+)
-------------------------------
Hai gương mặt cộm cán có thể thay thế Abu Bakr al-Baghdadi làm thủ lĩnh IS
Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga cho biết có khả năng thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích tại Syria vào đầu tháng 5, như vậy, mối băn khoăn hiện nay là nếu đây là sự thực thì kẻ nào sẽ lãnh đạo tổ chức khủng bố này.
Reuters dẫn nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về IS cho rằng tuy chưa rõ ràng nhưng nhiều khả năng hai cái tên Iyad al-Obaidi và Ayad al-Jumaili sẽ là nhân vật tiếp quản.
Obaidi ở trong độ tuổi 50 và hiện giữ vai trò “Bộ trưởng Chiến tranh” của IS. Trong khi đó, tên Jumaili đang ở trong thời kỳ cuối độ tuổi tứ tuần và đang đóng vai trò lãnh đạo cơ quan an ninh Amniya của IS. Vào tháng 4 vừa qua, truyền hình nhà nước Iraq đưa tin rằng tên Jumaili đã tử vong, tuy nhiên, điều này chưa được xác nhận.
Cả Obaidi và Jumaili đều gia nhập nhóm nổi dậy Sunni Salafist tại Iraq vào năm 2003 sau sự kiện Mỹ đưa quân đến quốc gia Trung Đông này để lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein.
Reuters cho biết Obaidi và Jumaili trở thành trợ thủ hàng đầu của thủ lĩnh IS Baghdadi sau khi cuộc không kích năm 2016 đã tiêu diệt cấp phó của hắn là Abu Ali al-Anbari và “Bộ trưởng Chiến tranh” Abu Omar al-Shishani cùng phát ngôn viên Abu Mohammad al-Adnani.
Reuters dẫn nhận định của cố vấn về IS cho một số chính phủ tại Trung Đông, ông Hisham al-Hashimi cho biết: “Jumaili coi Obaidi là cấp trên, tuy nhiên, chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm thủ lĩnh IS Baghdadi, điều này phụ thuộc vào các tình huống. Có thể là cả hai tên này sẽ cùng đảm nhiệm lãnh đạo IS”.
Baghdadi vào năm 2014 tự xưng danh caliph - lãnh đạo cộng đồng người Hồi giáo, được coi là người nối nghiệp nhà tiên tri Mohammad. Tuy nhiên, Obaidi hoặc Jumaili khó có thể trở thành caliph tự xưng bởi IS đang mất rất nhiều lãnh thổ mà chúng chiếm giữ.
Chuyên gia về IS người Iraq Fadhel Abu Ragheef cho biết: “Một caliph phải có Ardh al-Tamkeen - vùng đất để quản lý với luật Hồi giáo. Thiếu điều này, những kẻ nối gót thủ lĩnh IS Baghdadi chỉ có thể tự xưng là emir (tiểu vương)”.
Việc bổ nhiệm thủ lĩnh IS mới cần sự thông qua của 8 thành viên Hội đồng shoura - cố vấn của Baghdadi. Tuy nhiên, những người này dường như khó có thể nhóm họp vì lý do an ninh vì vậy lựa chọn của họ có thể được truyền tải qua người đưa tin.
Reuters cho biết 6 thành viên của Hội đồng shoura có quốc tịch Iraq, một người là Jordan và một người thuộc Saudi Arabia. Tất cả 6 nhân vật này đều từng là thành viên nhóm nổi dậy Sunni salafist. Trong khi đó, thành viên thứ 9 Turki al-Bin’ali đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích ở Syria vào ngày 31/5.
Reuters dẫn lời hai quan chức tình báo Mỹ cho rằng IS đã chuyển hầu hết những thủ lĩnh của tổ chức này tới al-Mayadin ở Syria, tọa lạc ở phía Đông Nam Raqqa.(TTXVN)
----------------------
Bốn tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết ngày 24/6, 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku (Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông.
Những chiếc tàu này đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo không có người sinh sống nói trên vào khoảng 10 giờ sáng (giờ địa phương) và lưu lại đó trong khoảng 2 giờ đồng hồ trước khi di chuyển vào khu vực tiếp giáp gần đó.
Trong khi đó, một tàu nghiên cứu hàng hải của Trung Quốc cũng bị phát hiện ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ngoài khơi Senkaku. Tàu Trung Quốc đã liên tục ở trong vùng biển này, khiến Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải hối thúc nó chấm dứt các hoạt động của mình.(TTXVN)
---------------------------
Brazil xác nhận bằng chứng về hành vi tham nhũng của Tổng thống M.Temer
Cảnh sát liên bang Brazil khẳng định đoạn băng ghi âm cho thấy Tổng thống Michel Temer thông đồng với cựu Chủ tịch Tập đoàn thực phẩm JBS Joesley Batista hối lộ nhân chứng để “bịt miệng” trong vụ tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras không bị chỉnh sửa.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn nguồn tin của cảnh sát Brazil cho biết đoạn băng do ông Batista ghi âm bí mật hồi tháng 3 vừa qua và giao nộp cho cơ quan điều tra "hoàn toàn là thật và không bị chỉnh sửa".
Đoạn băng này cho thấy Tổng thống Temer đã ra lệnh dùng tiền để mua sự im lặng của cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, buộc ông này không được khai báo các thông tin trong vụ bê bối tham nhũng ở Petrobras.
Ông Cunha, một thành viên chủ chốt của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMBD) cầm quyền, đã bị kết án 15 năm tù giam hồi cuối tháng 3 vừa qua sau hơn 5 tháng bị bắt giam.
Với bằng chứng là đoạn băng ghi âm nói trên, Tòa án Tối cao đã cho phép mở điều tra người đứng đầu nhà nước vì tội tham nhũng thụ động, cản trở điều tra và tham gia tổ chức tội phạm. Tuy nhiên, Tổng thống Temer và các luật sư của ông cho rằng đoạn băng đã bị chỉnh sửa và bác bỏ mọi cáo buộc.
Dự kiến, Tổng chưởng lý sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về những cáo buộc chống lại Tổng thống Temer tham nhũng. Nếu Tổng chưởng lý tán thành tố cáo liên quan tới ông Temer, Quốc hội Brazil sẽ phải tiến hành phiên tòa chính trị xét xử người đứng đầu nhà nước, có thể dẫn tới việc phế truất đương kim Tổng thống.(TTXVN)