Tự tử ở Nhật đã trở thành chuyện hệ trọng quốc gia; Trung Quốc tập trận thay duyệt binh nhân ngày thành lập quân đội?; Thông điệp từ tên lửa Iskander-M Nga gửi tới Trung Quốc; Khủng hoảng vùng Vịnh: Qatar nhận thêm trừng phạt
Tin thế giới đáng chú ý chiều 25-07-2017
- Cập nhật : 25/07/2017
Trung Quốc tuyên bố 'bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá' ở biên giới Ấn Độ
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố sẽ ‘bảo vệ chủ quyền của nước này bằng mọi giá’ khi đề cập đến khu vực tranh chấp ở biên giới 3 nước Ấn – Bhutan – Trung.
Trong thông điệp “cứng rắn nhất” kể từ khi xảy ra đối đầu ở Doklam hồi tháng 6, PLA buộc Ấn Độ rút quân làm điều kiện tiên quyết nếu muốn giải quyết êm tình hình biên giới, theo Đài India Today ngày 24.7.
Đồng thời, lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng cho biết đã triển khai biện pháp ‘đối phó khẩn cấp’ ở Doklam, và sẽ tiếp tục đưa quân đến khu vực tranh chấp.
“(Ấn Độ) Đừng nên có ảo tưởng”, theo Đại tá Ngô Khiêm, phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc, trong cuộc họp báo đặc biệt trước sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập PLA vào 1.8.
Đại tá Ngô cũng bào chữa cho hoạt động xây dựng đường sá của Trung Quốc tại cao nguyên Doklam, được phía Trung Quốc gọi là Động Lãng.
“Vào trung tuần tháng 6, quân đội Trung Quốc đang tiến hành làm đường tại đây. Động Lãng là lãnh thổ của Trung Quốc, và việc Trung Quốc xây dựng đường sá trên địa hạt của mình là chuyện bình thường”, theo ông Ngô.
Tuy nhiên, vực Doklam/Động Lãng vẫn là vùng tranh chấp giữa Bhutan – Trung Quốc, và theo thỏa thuận song phương hai bên không được có hành vi nào thay đổi hiện trạng tại đây.(Thanhnien)
--------------------------------------
Uy tín tân tổng thống Pháp giảm sút
Kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 23-7 cho thấy tỉ lệ ủng hộ tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giảm 10 điểm so với tháng trước, xuống còn 54%.
Theo kết quả cuộc thăm dò trên 1.947 người do Viện Ifop thực hiện từ ngày 17 đến 22-7 cho tờ Journal du Dimanche, tỉ lệ người dân Pháp hài lòng với kết quả lãnh đạo đất nước của tân tổng thống đã giảm 10 điểm, từ 64% trong tháng 6 xuống còn 54%.
Trong khi đó, tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Edouard Philippe cũng giảm 8 điểm xuống còn 56%. Trong bối cảnh Pháp đang thực hiện thắt chặt chi tiêu, chính quyền của ông Macron trước đó đã cắt giảm ngân sách quốc phòng năm 2017 nhằm đảm bảo cam kết giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo mức trần của Liên minh châu Âu (EU).
Kế hoạch cho thấy quyết tâm thực hiện cam kết ổn định tình hình tài chính trong nước của Tổng thống Macron. Tuy nhiên, nó đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ phe đối lập và truyền thông Pháp.
Trước đó ngày 19-7, sau những bất đồng với nhà lãnh đạo Pháp về vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng, tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang của nước này - tướng Pierre de Villiers đã bất ngờ từ chức.
Trong một tuyên bố, ông Villiers nêu rõ trong tình hình hiện tại, ông tự thấy bản thân “không thể đảm bảo một lực lượng quốc phòng vững mạnh có thể bảo vệ nước Pháp và người dân Pháp cũng như giữ vững những mục tiêu quốc gia”. Với lý do đó, ông đã gửi đơn từ chức tới Tổng thống Macron và đã được chấp nhận. (Tuoitre)
------------------------
Cựu bí thư Trùng Khánh bị cáo buộc 'vi phạm kỷ luật nghiêm trọng'
Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật đảng.
Tôn Chính Tài, cựu bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh, đang bị điều tra vì các cáo buộc vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, Xinhua đưa tin hôm nay. Tôn được coi là ngôi sao đang lên của chính trường Trung Quốc, người có thể kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho tới khi bị bất ngờ miễn chức bí thư thành ủy hồi đầu tháng 7, Xinhua đưa tin.
Khi trúng cử vào Bộ Chính trị trong đại hội đảng nhiệm kỳ trước, Tôn Chính Tài trở thành ủy viên trẻ tuổi nhất của cơ quan quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc. Theo bình luận viên Chun Han Wong của Wall Street Journal, ở tuổi 53, Tôn Chính Tài hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về tuổi tác cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc.
Cùng với bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, ông Tôn vào thời điểm đó được coi là một trong hai ứng viên tiềm năng nhất kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình. Để tiến tới vị trí này, Tôn Chính Tài cần trở thành một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị trong kỳ đại hội đảng tiếp theo.
Tuy nhiên, "điềm xấu" bắt đầu xảy đến với ông Tôn hồi tháng 2 năm nay. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc ra thông báo về kết quả thanh tra toàn diện thành phố Trùng Khánh, cho rằng các lãnh đạo ở đây đã không thành công trong việc "loại bỏ tàn dư độc hại" từ thời cựu bí thư Bạc Hy Lai. Bạc Hy Lai từng được coi là ngôi sao sáng của Trùng Khánh, nhưng bị kết án chung thân vì tội tham nhũng và lạm quyền vào năm 2013.
Giới quan sát cho rằng với việc bị miễn chức bí thư Trùng Khánh và bị điều tra, ông Tôn đã đánh mất cơ hội trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong lần đại hội tới.(Vnexpress)
---------------------
Hải quân Mỹ tiếp nhận siêu tàu sân bay
Tàu sân bay USS Gerald R.Ford chính thức gia nhập hải quân Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tích cực yêu cầu tăng ngân sách để đóng thêm nhiều tàu chiến.
Trong một buổi lễ trọng thể vào ngày 22.7 (giờ địa phương) tại căn cứ hải quân Norfolk, bang Virginia, hải quân Mỹ đã tiếp nhận hàng không mẫu hạm USS Gerald R.Ford, chiếc đầu tiên thuộc một lớp tàu sân bay mới của Mỹ sau 42 năm, kể từ khi lớp Nimitz gia nhập hạm đội vào ngày 3.5.1975, theo tờ The New York Times. Dù mất nhiều thời gian và chi phí hơn so với dự tính, con tàu khổng lồ vẫn đại diện cho một mốc lịch sử quan trọng của hải quân Mỹ.
Với những lời tán dương và chúc lành đối với quân đội Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã chủ trì buổi lễ chuyển giao tàu sân bay USS Gerald R.Ford. Vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ đã so sánh con tàu 12,9 tỉ USD như là “một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng”, đồng thời nhấn mạnh đây là sản phẩm do Mỹ sản xuất. “Sắt thép do Mỹ sản xuất và đôi tay của người lao động Mỹ đã tạo nên “thông điệp” nặng 100.000 tấn gửi đến toàn thế giới: sức mạnh Mỹ là vô song”, theo Reuters dẫn lời Tổng thống Trump.
Đặt tên theo vị tổng thống thứ 38, con tàu được khởi công từ năm 2005 có kích cỡ tương đương lớp Nimitz nhưng uy lực hơn hẳn. Phần cấu trúc bên trên của USS Gerald R.Ford, cụ thể là tháp điều khiển, nhỏ hơn và nằm ở xa hơn về hướng đuôi, cho phép tăng tốc độ tiếp nhiên liệu, nạp lại vũ khí và phóng máy bay. Tần suất phóng chiến đấu cơ trong ngày cũng tăng thêm 33% so với lớp tàu trước, nhờ vào máy phóng điện từ (so với thủy lực trước đây) và hệ thống đáp đời mới.
Diện tích boong tàu lên đến 20.234 m2, cho phép chở theo ít nhất 75 máy bay, trong đó có dòng chiến đấu cơ đời mới F-35C Lightning II. Với 2 lò phản ứng đời mới, giúp sản xuất điện năng cao gấp 2,5 lần lớp tàu trước đó, kèm theo hệ thống hoa tiêu kỹ thuật số và công nghệ màn hình chạm, USS Gerald R.Ford chỉ cần khoảng 2.600 thủy thủ để vận hành, ít hơn 600 người so với Nimitz; di chuyển ở vận tốc khoảng 56 km/giờ và hoạt động trong vòng 20 năm mà không cần bổ sung nhiên liệu. Từ những điểm này, hải quân tính toán con tàu sẽ tiết kiệm được hơn 4 tỉ USD trong 50 năm hoạt động.
Tuy nhiên, USS Gerald R.Ford vẫn đối mặt không ít thách thức trước khi chính thức hoạt động như một hàng không mẫu hạm. Chi phí đóng tàu đã tăng thêm 2 tỉ USD so với mức đề xuất trước đây là khoảng 10,5 tỉ USD, bị trì hoãn đến 2 năm so với thời điểm xuất xưởng dự kiến do gặp trục trặc với các máy phóng điện từ. Thậm chí, đến nay con tàu vẫn cần thêm 4 năm để chạy thử trước khi được triển khai, và dự kiến Lầu Năm Góc sẽ phải rót thêm 780 triệu USD trong giai đoạn này.
Tổng thống Donald Trump cũng tận dụng cơ hội chuyển giao hàng không mẫu hạm mới cho hải quân để yêu cầu quốc hội Mỹ thông qua đề xuất ngân sách với khoản chi bổ sung 54 tỉ USD cho hoạt động của quân đội trong năm 2018. Nhà lãnh đạo này cũng cho rằng cần phải thay đổi quy trình cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho cánh quân sự để đảm bảo quân đội Mỹ có được thiết bị tốt nhất với mức giá phải chăng.(Thanhnien)