Đông Nam Á: Bàn đạp mới cho IS; Tổng thống Mỹ ký ban hành nghị quyết lên án phân biệt chủng tộc; Brazil: Thêm cáo buộc mới đối với Tổng thống Temer
Tin thế giới đáng chú ý sáng 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Iran khẳng định 'không thể đàm phán lại' thỏa thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngày 14/9 tuyên bố "không thể đàm phán lại" thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức).
Trong tuyên bố đăng tải trên trang tweeter, ông Zarif nêu rõ một thỏa thuận tốt hơn Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hiện nay là "hoàn toàn không tưởng", và đã đến lúc Mỹ phải tuân thủ thỏa thuận như Iran.
Ngoại trưởng Iran đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi của Nga hôm 13/9.
Thỏa thuận JCPOA được ký hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tuy nhiên, thỏa thuận trên đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những căng thẳng mới đây giữa Washington và Tehran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái đã coi thỏa thuận này là "một thảm họa" và là thỏa thuận "tồi tệ nhất" từ trước đến nay.
Trong tháng này, ông Trump đã ký phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran liên quan chương trình tên lửa của nước này. Phản ứng về động thái này của Mỹ, Iran đã cáo buộc Washington vi phạm JCPOA, tuy nhiên phía Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định rằng lệnh trừng phạt trên không liên quan đến JCPOA.
Ngày 14/9, Mỹ đã quyết định gia hạn không thực hiện các biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran trong thời điểm hiện nay.
|
Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, lý do khiến chính quyền Mỹ đưa ra quyết định này là nhằm duy trì sự linh hoạt trong việc đối phó với các hành động của Iran.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 7 cá nhân và 2 tổ chức của Iran bị cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công mạng, theo đó phong tỏa tài sản tại Mỹ của những cá nhân và tổ chức này.
Dự kiến ngày 15/10 tới Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định Iran có vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay không. Dư luận lo ngại ông Trump có thể bãi bỏ thỏa thuận được cho là ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân.(TTXVN)
-------------------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ xoay trục
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vừa chính thức thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Động thái này được báo The New York Times đánh giá là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ông Erdogan xoay sang Nga và quay lưng lại với NATO và phương Tây. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng có kế hoạch mua tên lửa của Trung Quốc nhưng thỏa thuận đó đã thất bại dưới sức ép của Mỹ.
Hợp đồng trên cho thấy Ankara thắt chặt quan hệ với Moscow, bất chấp những bất đồng trong cuộc chiến ở Syria. Điều đó chắc chắn khiến Washington và Brussels bực bội khi cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) đều muốn kìm giữ Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO từ những năm 1950 - không đi vào vùng ảnh hưởng của Nga.
Theo The New York Times, NATO không cấm mua vũ khí từ các nhà sản xuất ngoài khối song cũng không khuyến khích các thành viên mua thiết bị không tương thích với đồng minh. Một quan chức NATO ở Brussels xác nhận hiện không một quốc gia thành viên NATO nào sử dụng hệ thống tên lửa Nga và liên minh này chưa được thông báo chi tiết thương vụ của Thổ Nhĩ Kỳ. "Sự tương thích giữa các lực lượng vũ trang trong liên minh là điều cần thiết để NATO hoạt động" - quan chức này nói.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố không ai có quyền bàn về các quyết định độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng - nhật báo Hurriyet đưa tin. Các chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có lý do để mua tên lửa Nga. Nước này cần nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với Nga cũng như xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự riêng của mình, theo bà Asli Aydintasbas, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại.
Thực ra, theo quy tắc phòng vệ tập thể, NATO từng triển khai tên lửa Patriot trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khi căng thẳng giữa nước này với Syria gia tăng. Thế nhưng, ông Erdogan không còn tin cậy vào phương Tây kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi năm 2016 mà ông cho là âm mưu của phương Tây nhằm loại bỏ ông.
Hơn nữa, hợp đồng S-400 với Nga cũng là cách Ankara phản ứng sau khi bị Mỹ phớt lờ đề nghị mua máy bay không người lái. Gần đây hơn, Đức tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ với lý do "tình hình nhân quyền sa sút" ở nước này.(NLĐ)
--------------------------
Đức đề xuất cử lực lượng Liên hợp quốc tới Đông Ukraine
Ngày 14/9, trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Spiegel của Đức, Ngoại trưởng nước này Sigmar Gabriel nói rằng, kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tới Donbass, miền Đông Ukraine nếu được triển khai thành công có thể giúp nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Đầu tuần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận vấn đề triển khai nêu trên.
Ông Gabriel nêu rõ: "Hiện nay, chúng tôi cần khẩn trương xúc tiến các cuộc đàm phán tại trụ sở LHQ ở New York. Khi đàm phán thành công và nếu chúng tôi có thể sớm thực hiện kế hoạch triển khai lực lượng, chúng tôi có thể tiến tới giảm bớt các biện pháp trừng phạt ban đầu nhằm vào Nga" Ông cũng lưu ý, cách đây 1 năm, ông cũng từng đề xuất nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga khi thỏa thuận Minsk được thực thi theo từng giai đoạn.
Đầu tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ ủng hộ ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ có vũ trang hạng nhẹ tới Donbass nhằm đảm bảo an ninh cho phái bộ giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đồng thời nhấn mạnh rằng lực lượng này chỉ nên hoạt động dọc khu vực giới tuyến.
Trong khi đó phía Ukraine tuyến bố rằng phái bộ giám sát của OSCE cần tuần tra toàn bộ khu vực xung đột, trong đó có biên giới Ukraine - Nga.
Năm 2014, Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga và nhiều lần gia hạn trừng phạt với cáo buộc Nga dính líu tới cuộc xung đột tại Ukraine.
Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời áp dụng các biện pháp trả đũa thông qua hạn chế nhập khẩu lương thực.(TTXVN)
--------------------------
Thiết bị quân sự Mỹ bị đánh cắp khi vừa được chuyển ồ ạt tới Ba Lan
Truyền thông Ba Lan ngày 14/9 đưa tin những thiết bị quân sự Mỹ mới được chuyển tới Ba Lan trong chiến dịch Đông tiến của NATO đã bị đánh cắp ở một thị trấn miền Tây quốc gia Đông Âu này.
Chỉ một ngày sau khi quân đội và các thiết bị quân sự Mỹ tới Ba Lan phục vụ kế hoạch triển khai ở Đông Âu, một số thiết bị quân sự Mỹ có trị tổng cộng 200.000 zloty (tương đương khoảng 56.000 USD) đã bị đánh cắp khỏi một container đường sắt ở thị trấn Zagan. Đài phát thanh RMF dẫn thông báo của văn phòng công tố cho biết công-ten-nơ này không vận chuyển vũ khí, đạn dược hay thiết bị nổ mà là thiết bị quân sự tối tân đặc biệt.
Nguyên nhân của vụ việc đang được văn phòng công tố thành phố Wroclaw và Sở chỉ huy hiến binh quân đội phối hợp điều tra.
Trước đó, lực lượng binh sĩ Mỹ cùng các thiết bị quân sự đã cập cảng tại thành phố Gdansk, Ba Lan. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các xe quân sự được đưa tới đây bao gồm 87 chiếc xe tăng M1 Abrams, 103 xe chiến đấu Bradley, 18 xe tăng M109 Howitzer cùng các xe tải và thiết bị khác.
Video lô hàng thiết bị quân sự gồm hàng trăm xe chiến đấu, xe tăng mà Mỹ mới đưa đến Ba Lan:
Việc chuyển quân nằm trong chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương, nhằm tăng cường hiện diện quân sự của NATO tại Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát năm 2014 và các nước phương Tây cáo buộc sự can thiệp của Nga tại đây.(Baotintuc)