"Vũ khí lợi hại" giúp Trung Quốc, Nga tập cứu hộ tàu ngầm
Biên đội tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận Liên hợp trên biển - 2017 giai đoạn hai với Hải quân Nga. Ảnh: Kaixian.
Tân Hoa xã ngày 22/9 cho hay cùng ngày, trong cuộc tập trận Liên hợp trên biển - 2017 giai đoạn hai, Hải quân Trung Quốc và Nga đã triển khai diễn tập cứu hộ tàu ngầm khẩn cấp ở vịnh Peter The Great, biển Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên hải quân hai nước tiến hành diễn tập khoa mục này.
Lần đầu tiên điều động lực lượng cứu hộ khẩn cấp, liên hợp
Chuyên gia cứu hộ tàu ngầm Hải quân Trung Quốc, Đại tá Trần Hạo đã tiến hành bình luận về hoạt động diễn tập cứu hộ tàu ngầm lần này. Ông cho rằng hoạt động diễn tập lần này giữa Trung Quốc và Nga có các đặc điểm rõ ràng như liên hợp, nhanh chóng, thực chiến, hiệu quả cao. Các đặc điểm này thể hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình của hành động cứu hộ, triển khai hành động cứu hộ liên hợp theo mô hình này.
Đây là điều ít có trong các cuộc diễn tập cứu hộ tàu ngầm được tiến hành giữa hai hoặc nhiều quốc gia trong quan hệ quốc tế trước đây.
Hành động cứu hộ tàu ngầm là một "công trình lớn" mang tính hệ thống, từ kịp thời báo và nhận thông tin tàu ngầm gặp nguy hiểm đến lực lượng cứu hộ được điều động khẩn cấp, tìm kiếm và xác định vị trí thực sự của tàu ngầm bị chìm, sử dụng nhiều biện pháp để tiến hành cứu hộ các thủy thủ, có rất nhiều công đoạn, yêu cầu hiệp đồng rất cao.
Cuộc diễn tập lần này đã áp dụng mô hình sát thực tế chiến đấu, không chỉ đã thể hiện đầy đủ lòng tin cao độ giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Nga, mà còn có thể phản ánh được thành quả diễn tập "Liên hợp trên biển" trong nhiều năm đã được kiểm nghiệm thực tế trong khoa mục cứu hộ tàu ngầm. Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận chung Liên hợp trên biển - 2017 giai đoạn 2. Ảnh: 81.cn
Lần đầu tiên kết nối tàu thật với tàu ngầm nước ngoài
Tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo của hải quân Trung Quốc mang theo xuồng cứu hộ LR-7, tàu cứu hộ hải quân Nga mang theo xuồng cứu hộ AC-40, hai bên hợp tác hoàn thành bài tập cứu hộ dưới biển cùng với tàu ngầm của hải quân Nga. Điều này đánh dấu hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện hành động cứu hộ kết nối tàu thật với tàu ngầm nước ngoài.
Đây là điểm sáng lớn trong cuộc tập trận lần này giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Nga. Hành động cứu hộ kết nối tàu thật là khâu phức tạp nhất trong hoạt động cứu hộ tàu ngầm, liên quan đến tất cả nhân viên trên tàu, trong quá trình huấn luyện cần kiểm soát rủi ro, không thể để xảy ra một số thao tác sai lầm.
Trong hợp tác với quân đội nước ngoài lần này, do đây là lần đầu tiên tiến hành kết nối với tàu ngầm nước khác, hải quân Trung Quốc gặp một số khó khăn trao đổi về hiệp đồng, điều này đòi hỏi phải tiến hành rất nhiều công tác chuẩn bị từ trước.
Cuộc diễn tập lần này được tiến hành ở vùng biển mới lạ, môi trường thủy văn không quen, việc kết nối còn gặp khó khăn nhất định. Điều này đòi hỏi phải coi mỗi cuộc diễn tập đều như lần đầu tiên tiến hành, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, học tập khiêm tốn, triển khai hành động chính xác.
Trong giai đoạn diễn tập trên bờ, hai bên đã tiến hành trước hoạt động làm quen giữa trang bị hai bên, cụ thể hóa phương án diễn tập, tiến hành các hoạt động như diễn tập trên sa bàn, đến ngày 22/9 đi vào giai đoạn thực hành diễn tập trên biển.
Trong diễn tập, đặt ra tình huống tàu ngầm Nga gặp tai nạn và chìm xuống đáy biển. Theo đó, tàu cứu hộ Trường Đảo sử dụng thiết bị định vị thủy âm hình ảnh tiến hành định vị chính xác tàu ngầm "gặp nạn", sau đó nhanh chóng đến vùng biển mục tiêu, tiến hành định vị động cơ và triển khai hoạt động, thả xuồng cứu hộ xuống nước. Sau đó, xuồng cứu hộ lặn xuống biển tiến hành kết nối với tàu ngầm, tiến hành cứu hộ khẩn cấp. Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận chung Liên hợp trên biển - 2017 giai đoạn 2. Ảnh: 81.cn
Bộ phận quan trọng trong sức chiến đấu của tàu ngầm
Cứu hộ tàu ngầm thuộc phạm trù nhân đạo, cũng là bộ phận quan trọng hình thành sức chiến đấu của tàu ngầm. Tàu Trường Đảo là tàu cứ hộ tàu ngầm mới của hải quân Trung Quốc, từng tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương - 2016.
Khi đó, tàu Trường Đảo đã triển khai diễn tập cứu hộ tàu ngầm với hải quân nhiều nước, tiến hành diễn tập cứu hộ tàu ngầm lần đầu tiên với hải quân Mỹ, kết nối thành công với phương tiện cứu hộ mô phỏng của hải quân Mỹ, lần đầu tiên tổ chức chỉ huy thủy thủ của hải quân nhiều nước như Mỹ, Canada, Australia tiến hành hoạt động lặn trên biển, đã hoàn thành diễn tập các khoa mục như vớt máy bay trực thăng "gặp nạn", vớt container.
Cứu hộ tàu ngầm là một hành động mang tính tổng hợp, đã tập trung ứng dụng tất cả các công nghệ tiên tiến nhất liên quan đến biển sâu và cứu hộ. Thông qua hoạt động hợp tác, giao lưu này, hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ có đột phá về khả năng cứu hộ tàu ngầm.
Thể hiện lòng tin cao và hợp tác sâu sắc Trung - Nga
Tàu ngầm là vũ khí "sát thủ" của các nước, mức độ bí mật rất cao. Lần này hải quân hai nước Trung Quốc và Nga cử tàu cứu hộ và tàu ngầm tiến hành diễn tập kết nối tàu thật đã cho thấy hai nước có lòng tin cao độ và hợp tác sâu sắc về quân sự.
Diễn tập cứu hộ tàu ngầm lần này không chỉ có lợi cho tăng cường lòng tin, hiểu biết và thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Nga, mà còn có lợi cho Trung Quốc khẳng định quyết tâm và lòng tin vào việc tích cực thực hiện nhiệm vụ và nghĩa vụ “cứu hộ nhân đạo quốc tế”, sẽ tích lũy kinh nghiệm có ích cho việc tìm kiếm và tăng cường giao lưu, hợp tác cứu hộ tàu ngầm quốc tế. Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận chung Liên hợp trên biển - 2017 giai đoạn 2. Ảnh: People.
“Vũ khí lợi hại” trong diễn tập
Trong diễn tập lần này, xuồng cứu hộ biển sâu được chở trên boong tàu cứu hộ Trường Đảo là "vũ khí lợi hại" quan trọng. Nó lặn sâu tới hơn 80 m ở dưới nước, tiến hành kết nối với tàu ngầm "gặp nạn" của hải quân Nga.
Hiện nay, trên thế giới chỉ có số ít quốc gia như Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có xuồng cứu hộ biển sâu.
Loại xuồng này hoạt độ ở độ sâu lớn, có thể điều chỉnh tư thế ở dưới nước, có khả năng hành động nhanh - do nó có hệ thống đẩy 6 chân vịt, có thể hoạt động tự do khi có gió cấp 4, có thể điều chỉnh tư thế một cách linh hoạt và tiến hành kết nối với tàu ngầm "gặp nạn".
Độ nguy hiểm cao
Xuồng cứu hộ tàu ngầm là một trang bị cứu hộ dưới nước, có đặc điểm giống như tàu lặn, có thể tự chủ hoạt động dưới nước, lận xuống nổi lên. Nhưng điểm khác với tàu ngầm và tàu lặn là xuồng cứu hộ lặn chủ yếu phụ trách cứu hộ tàu ngầm bị gặp nạn và chìm xuống đáy biển.
Tác dụng của xuồng cứu hộ biển sâu có sự khác biệt về chất với tàu ngầm và tàu lặn. Vì vậy, xuồng cứu hộ biển sâu không thể và cũng không cần thiết lặn sâu tới hơn 7.000 m như tàu lặn Giao Long, cũng không có khả năng trinh sát, tác chiến với tàu chiến của tàu ngầm.
Trong cứu hộ tàu ngầm, khi cứu hộ thủy thủ tàu ngầm thì phải tiến hành mở khoang tàu, mức độ phức tạp lớn, phạm vi hoạt động gặp nhiều trở ngại, môi trường tác nghiệp phức tạp, yêu cầu tiến hành cứu hộ trong thời gian ngắn, tính nguy hiểm rất cao. (Phong Vân - Viettimes.vn)
----------------------------
Iran bắt tay Triều Tiên chống đối Mỹ?
Sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức lên tiếng buộc tội Tehran bắt tay với Bình Nhưỡng phát triển công nghệ tên lửa.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu nhân một sự kiện duyệt binh ở Tehran ngày 22-9 - Ảnh: REUTERS
Theo Đài Fox News, trong dòng tweet viết tối 24-9, ông Trump còn chỉ trích luôn thỏa thuận hạt nhân Mỹ đạt được với Iran dưới thời tổng thống Barack Obama.
"Iran vừa bắn thử tên lửa đạn đạo đủ sức bay tới Israel. Họ còn bắt tay với Triều Tiên. Cái thỏa thuận chúng ta đã có được chẳng đáng là bao!" - tổng thống Mỹ viết.
Giới chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ Triều Tiên và Iran bí mật chia sẻ thông tin với nhau về chương trình tên lửa.
Đầu tháng này, phát biểu trên Đài Fox News, giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo khẳng định "Iran là nước chắc chắn sẽ bỏ tiền ra để mua công nghệ tên lửa".
Kế đó, ông Pompeo bình luận: "Triều Tiên đã có một lịch sử lâu dài đi phát tán công nghệ, hiểu biết và năng lực của họ khắp thế giới. Trong hoàn cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục nâng cao khả năng chế tạo tên lửa tầm xa và lắp vũ khí hạt nhân lên tên lửa, kiểu gì họ không đi chia sẻ nó với nhiều phe khác".
Nay dòng tweet của ông Trump được đăng vài giờ sau khi Iran tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo đủ sức bay tới nhiều khu vực của Trung Đông, bao gồm Israel.
Quả tên lửa này là Khoramshahr có tầm bắn 1.250 dặm, dựa trên một mẫu thiết kế của Triều Tiên. Một quả tương tự được Iran phóng thử hồi cuối tháng 1-2017 và phát nổ sau khi bay được 600 dặm.
Vụ thử tên lửa của Tehran có thể xem là đòn thách thức trực tiếp đối với ông Trump. Mới tháng trước, tổng thống Mỹ đặt bút ký dự luật cho phép trừng phạt lên bất cứ ai có liên quan đến chương trình tên lửa của Iran.
Trong quan hệ với Iran, ông Trump có lập trường cứng rắn hơn hẳn người tiền nhiệm Barack Obama. Ông đã nhiều lần dọa sẽ thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, thậm chí là hủy bỏ nó.
Hôm 20-9, ông Trump tuyên bố trước các nhà báo rằng ông đã có quyết định trong chuyện có rút khỏi thỏa thuận với Iran không, tuy nhiên ông chưa tiết lộ gì thêm.
Thẳng thắn mà nói, thỏa thuận đó là sự bẽ mặt đối với Mỹ. Và tôi không nghĩ đây là lần cuối cùng quý vị nghe điều này, tin tôi đi"
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trong khi đó, đầu tuần này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định nước này sẽ tăng cường năng lực tên lửa của mình "mà không cần xin phép bất cứ nước nào".
Thông điệp này rõ ràng đáp lại đòn công kích của ông Trump nhằm vào Tehran trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó ông lên án Iran "xuất khẩu bạo lực" vào Yemen, Syria và nhiều nơi khác ở Trung Đông.
Ông Trump mô tả thỏa thuận hạt nhân với Tehran "là một trong những giao dịch tệ hại và đơn phương nhất mà Mỹ từng chấp nhận".
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc không cấm Tehran phát triển tên lửa, nhưng sau khi nó có hiệu lực vào năm ngoái, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết yêu cầu Iran ngừng nghiên cứu tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong 8 năm.
Dựa trên văn bản này, các quan chức Iran lập luận rằng LHQ chỉ cấm họ sản xuất loại tên lửa mang đầu hạn hạt nhân, còn tên lửa thường thì không sao!(Tuoitre)
----------------------
Sóng ngầm biên giới Ấn-Trung
Ấn Độ xây hầm cho máy bay quân sự ở biên giới Trung Quốc còn Bắc Kinh không chia sẻ dữ liệu nguồn nước tránh lũ cho New Delhi.
Chính phủ Ấn Độ vừa phê chuẩn kế hoạch nâng cấp sức phòng thủ của họ ở gần biên giới với Trung Quốc, trong đó có việc xây dựng hầm trú ẩn cho máy bay chiến đấu.
Đề xuất xây dựng sức mạnh phòng thủ cho Không quân Ấn Độ (IAF) được đưa ra từ hồi năm 2015, nhưng chỉ mới được Chính phủ Ấn Độ ủng hộ sau khi có đợt căng thẳng biên giới với Trung Quốc vài tháng trước.
Một chiếc trực thăng của Không quân Ấn Độ tại khu vực biên giới Kaza, Himalaya.
Khoản kinh phí 750 tỉ USD theo đó sẽ được Bộ Quốc phòng Ấn Độ bỏ ra để xây dựng các công trình phòng thủ và nâng cấp hệ thống phòng thủ, công trình ngầm nhằm gia tăng khả năng sống sót của IAF tại các sân bay quân sự vùng giáp Trung Quốc.
Các hầm trú ẩn mới được thiết kế để có thể chịu được một đợt tấn công bằng các loại bom và tên lửa có đầu nổ khoảng 1 tấn.
Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Ấn Độ đã từng bày tỏ lo ngại rằng, quân đội nước này đang thiếu hầm trú ẩn cho trực thăng, máy bay chiến đấu, trong tình huống xảy ra chiến tranh.
"IAF đã thiếu máy bay chiến đấu và còn tệ hơn là họ không có đủ chỗ trú ẩn cho những chiếc máy bay trong biên chế... Ủy ban mong muốn rằng không nên có bất kỳ sự trì hoãn nào trong việc xây dựng những công trình này vì sự chậm tiến độ luôn là đặc điểm chung của các dự án" - thông báo từ Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Ấn Độ hồi năm ngoái cho biết.
Những căn hầm trú ẩn mới sẽ được xây tại Leh và Ladakh, hai bang đông bắc sát với Trung Quốc.
Phản ứng trên được ghi nhận là phản ứng mạnh mẽ từ phía Ấn Độ lần đầu tiên kể từ 2 tháng qua. Trung Quốc và Ấn Độ đã quyết định rút quân lính và vũ khí khỏi biên giới, hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng nhằm chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh châu Á.
Tuy nhiên, sau cam kết rút quân khỏi khu vực biên giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây khó dễ cho New Delhi liên quan tới các vấn đề sử dụng nguồn nước.
Báo cáo từ cơ quan chịu trách nhiệm về nguồn nước của Ấn Độ cho biết, năm nay họ chưa nhận được bất kỳ dữ liệu thủy văn nào của dòng sông Brahmaputra chảy qua nước này từ thượng nguồn ở Trung Quốc vào mùa gió mùa.
Đây vốn là hoạt động thường niên của Trung Quốc và Ấn Độ và đã được thỏa thuận từ trước. Nhưng năm nay, New Delhi chưa hề nhận thông tin số liệu về nguồn nước, làm gia tăng các lo ngại về khả năng xảy ra lũ đột ngột trên sông, thiệt hại tới thượng nguồn Ấn Độ.
Các báo cáo này đã được nhắc nhở từ lâu bởi thông thường, Trung Quốc sẽ gửi các dữ liệu bắt đầu từ ngày 15/5 đến 15/10.
Tuần trước, Bắc Kinh viện cớ đang xây dựng và nâng cấp các đập thủy điện trên thượng nguồn nên không thể có con số cung cấp. Trung Quốc cũng không để ngỏ khả năng chia sẻ dữ liệu con sông với Ấn Độ.
Tuy nhiên, sau đó, quốc gia hạ nguồn sông Brahmaputra là Bangladesh cho BBC biết, họ vẫn nhận được báo cáo hàng tháng.
Bộ trưởng Nguồn nước Bangladesh Anisul Islam Mohammad xác nhận họ nhận được từ Trung Quốc dữ liệu về mực nước và mức độ dòng chảy của sông Brahmaputra.
Dữ liệu này chủ yếu là mực nước sông để báo động cho các quốc gia ở hạ nguồn trong trường hợp lũ lụt.
Lưu vực sông Brahmaputra bị lũ lụt nghiêm trọng vào mùa gió mùa hằng năm, gây ra những thiệt hại to lớn ở Đông Bắc Ấn Độ và Bangladesh.
Người dân Ấn Độ từng có ký ức kinh hoàng về trận lũ từ con sông Brahmaputra.
New Delhi trước đó cũng yêu cầu cung cấp dữ liệu về dòng chảy của Brahmaputra vào các thời điểm khác trong năm, ngoài mùa có gió mùa. Bởi dư luận ở Ấn Độ nghi ngờ Trung Quốc có thể điều chỉnh dòng chảy của dòng sông đổ vào các khu vực khô hạn ở nước này trong mùa khô.
Cuộc tranh chấp ở biên giới khu vực Doklam/Động Lãng đã khiến tình hình Trung - Ấn đi đến ngưỡng cảnh báo. Dù sau đó, vụ việc được hai bên giải quyết nhẹ nhàng bằng việc cùng rút quân khỏi khu vực biên giới nhưng với những bằng chứng như trên, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa có khả năng sớm trở lại mức quan hệ bình thường.(Baodatviet)