Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Cơ hội và rủi ro gì khi Việt Nam tham gia Vành đai con đường của Trung Quốc
Tin thế giới đáng chú ý sáng 26-08-2017
- Cập nhật : 26/08/2017
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã bỏ trốn, tòa án phát lệnh truy nã?
Chính quyền Thái Lan đang đặt ra khả năng cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bỏ trốn khỏi đất nước khi ngày hôm nay (25/8) bà đã không có mặt phiên toà phán quyết về cáo buộc “sao nhãng bổn phận” trong chương trình trợ giá gạo năm 2011.
Theo Reuters, bà Yingluck, 50 tuổi, phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam vì đã để thất thoát hàng tỷ USD trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân khi còn làm Thủ tướng.
Tòa án Tối cao Thái Lan ngày hôm nay đã phải lùi lịch mới để đưa ra phán quyết là vào ngày 27/9 và cho biết sẽ ban hành lệnh truy nã đối với bà Yingluck vì không chấp nhận lý do bà đưa ra để không tham dự phiên tòa là: Đau tai.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan cho rằng: “Có thể bà Yingluck đã trốn đi”. Ông cũng khẳng định với các phóng viên là ông không có tin tức gì về nơi ở của bà.
Còn Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết tất cả các tuyến đường ra khỏi lãnh thổ Thái đang được giám sát chặt chẽ. “Tôi chỉ biết rằng bà Yingluck đã không xuất hiện tại tòa. Tôi đã ra lệnh tăng cường tại trạm kiểm soát biên giới”, ông nói với các phóng viên.
Luật sư của bà Yingluck, Norrawit Lalaeng cho biết sáng nay, nhóm của bà đã thông báo cựu Thủ tướng bị mắc chứng rối loạn tai và không thể tham dự phiên tòa. Ông Lalaeng cũng cho hay ông không rõ bà Yingluck còn ở trong nước hay không, trong khi đó người phát ngôn của bà cũng từ chối bình luận.
“Chúng tôi cho rằng bị cáo đang tìm cách trốn hoặc rời khỏi đất nước”, tuyên bố từ thẩm phán Tòa án Tối cao Thái Lan.
Còn Trưởng phòng cảnh sát nhập cư nói với Reuters rằng ông tin bà Yingluck vẫn còn ở Thái Lan vì ông không có thông tin cho thấy bà đã rời đi.
Trước đó, bà Yingluck bác mọi hành động sai trái trong chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại cho Thái Lan hàng tỷ đô la. Nếu bị kết tội, bà có thể đối mặt với 10 năm tù giam và bị cấm tham gia chính trường Thái Lan vĩnh viễn
Anh trai của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 2006 và sống tha hương để lẩn tránh những cáo buộc tham nhũng trong nước. Từ sau đó, chính trường Thái Lan phải chứng kiến nhiều bất ổn kéo dài trong nhiều năm.
Và các nhà quan sát nhận định, bản án buộc tội bà Yingluck có thể sẽ khiến những người ủng hộ phe Áo đỏ giận dữ, đồng nghĩa với việc khơi mào cho những căng thẳng trong nước. Lần cuối xuất hiện trên mạng xã hội, bà Yingluck cho hay bà không thể tiếp xúc với những người ủng hộ tại tòa do các biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Cổng nhà bà luôn đóng chặt và truyền thông Thái Lan cho hay không hề thấy có bất kỳ sự di chuyển nào ở đây kể từ sáng sớm nay.
Cũng giống như anh trai, bà Yingluck Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự tháng 5/2014. Đến tháng 1/2015, các nghị sĩ phe đảo chính bỏ phiếu cách chức bà và cấm bà tham gia chính trị trong 5 năm.
Tháng 3/2015, tòa án tối cao bắt đầu các phiên điều trần về hành vi sao nhãng bổn phận của bà trong khi hàng ngàn người ủng hộ đã đến Bangkok để ủng hộ bà tại tòa án. Hơn một năm sau, Bộ Tài chính đã ra lệnh cho bà bồi thường nhà nước khoản lỗ 35,7 tỷ Baht. Đến tháng 7/2017, toàn bộ 12 tài khoản ngân hàng của bà đã bị đóng băng.(Infonet)
--------------------------
Con trai ông Hun Sen giữ chức vụ cao trong quân đội
Con trai thứ hai của Thủ tướng Hun Sen giữ chức Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Quốc phòng.
Phnom Penh Post ngày 23/8 thông tin, Trung tướng Hun Manith, con trai của Thủ tướng Hun Sen, đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng.
Ông Hun Manith trong buổi lễ bổ nhiệm làm lãnh đạo đơn vị Tình báo của Bộ Quốc phòng Campuchia. Ảnh: Phnom Penh Post
Theo tờ báo Campuchia, Trung tướng Hun Manith, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng Campuchia đã được Quốc vương Siha Muni bổ nhiệm vị trí quan trọng trên.
Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia, ông Pol Saroeun đã chính thức công bố việc thành lập ban mới, đã được lên kế hoạch kể từ tháng 10, và vai trò của Trung tướng Manith ở vị trí lãnh đạo.
Tuyên bố của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia ghi rõ, Trung tướng Manith sẽ đóng vai trò chính trong việc điều tra, thu thập, phân tích thông tin và hoạt động tình báo, dự kiến bắt đầu từ năm 2018.
Hun Manith, con trai thứ hai của Thủ tướng Hun Sen, từng đi du học nước ngoài. Kết thúc khóa học Hun Manith tham gia quân đội và đã từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội.
Ngoài chức vụ kể trên Hun Manith còn kiêm thêm các chức vụ như: Phó Chủ tịch Ủy ban giải quyết các vụ biểu tình, đình công; Phó Tổng thư ký Ủy ban giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai và Phó chánh văn phòng Thủ tướng Chính phủ.
Về mặt đảng, Hun Manith là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền CPP.
Năm 2017 là một năm gặt hái được nhiều thành công của ông Hun Manith. Đầu tháng 2 năm nay, ông đã được cha mình là Thủ tướng Hun Sưn ký quyết định thăng chức từ ủy viên lên vị trí quyền lực số hai của Ủy ban Giám sát - một trong những ủy ban quan trọng nhất của đảng cầm quyền.
Phát ngôn viên CPP Sok Eysan khẳng định việc bầu ông Manith do Ủy ban Thường vụ của đảng tiến hành và không có chuyện gia đình trị.
“Việc bổ nhiệm dựa vào năng lực của ông ấy”, ông Eysan nhấn mạnh.
Với việc liên tục được thăng tiến vào những chức vụ quan trọng về cả mặt đảng và trong quân đội, ông Hun Manith được cho sẽ là cánh tay phải đắc lực hỗ trợ cho cha.
Thủ tướng Hun Sen có 3 người con trai và đều nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền. Con trai cả Hun Manet, hiện là Phó chỉ huy trưởng lục quân hoàng gia Campuchia và con trai út là Hun Many là Đại biểu Quốc hội, Tổng liên đoàn thanh niên Campuchia.(ĐVO)
---------------------------
Tiết lộ mới về máy bay ném bom chiến lược PAK DA
PAK DA chủ yếu được trang bị các tên lửa không đối đất, ngoài ra chúng còn mang theo các tên lửa siêu thanh và tên lửa không đối không.
Máy bay triển vọng tầm xa PAK DA mới của Nga sẽ được trang bị các tên lửa không đối đất, siêu thanh và tên lửa lớp không đối không, Tổng giám đốc của Tập đoàn tên lửa chiến thuật (Tactical Missiles Corporation) TMC, ông Boris Obnosov cho biết.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới PAK DA của Nga được kỳ vọng sẽ trở thành máy bay ném bom mạnh nhất thế giới.
Khi được hỏi về kế hoạch sử dụng vũ khí siêu thanh trên máy bay ném bom PAK DA, ông Obnosov khẳng định, chắc chắn trên PAK DA sẽ được trang bị vũ khí siêu thanh.
Đây là loại vũ khí chiến lược và trong tương lai chúng sẽ trở nên phổ biến, vị giám đốc này cho biết.
Ông cũng cho biết thêm rằng, các loại vũ khí trang bị trên PAK DA cũng có thể trang bị trên phiên bản hiện đại hóa mới nhất Tu-160M2.
“Tất cả vũ khí của chúng tôi không chỉ có thể trang bị cho riêng một loại máy bay mà chúng có thể sử dụng và trang bị cho nhiều loại máy bay khác nhau”, ông Obnosov khẳng định.
Trước đó ngày 23/8/2017 Tổng giám đốc Công ty cổ phần “Tupolev” Alexander Konyukhov đã tiết lộ với tờ Interfax rằng, nguyên mẫu đầu tiên của PAK DA sẽ xuất hiện muộn nhất vào năm 2022.
“Tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ giới thiệu nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên muộn nhất vào năm 2022. Còn về chuyến bay đầu tiên tôi không thể nói trước”, ông Konyukhov đã trả lời khi các phóng viên trong cuộc phỏng vấn.
Còn trong khuôn khổ của triển lãm hàng không quốc tế “MAKS-2017”, Tổng giám đốc tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC), ông Yuri Slusar nói với tờ Interfax rằng, Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC) đã thống nhất với Bộ Quốc phòng Nga về bên hình dạng bên ngoài chiếc máy bay PAK DA.
“Chúng tôi đã bảo vệ thành công bản phác thảo kỹ thuật máy bay PAK DA và bắt đầu công việc phát triển phiên bản thử nghiệm”, ông Yuri Slusar nói. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của khung máy bay, các hệ thống và động cơ của máy bay này, bởi vì chúng sẽ ảnh hưởng tới khả năng tàng hình của máy bay.
Trước đó Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Yuri Borisov cho biết, việc phát triển máy bay ném bom tầm xa PAK DA cần phải bảo đảm mang được nhiều vũ khí, khả năng tàng hình tốt và khả năng chiến đấu mạnh mẽ.
“Máy bay cần phải hoạt động trên không càng lâu càng tốt, có thể cất cánh và hạ cánh ở hầu hết các sân bay, có trọng tải lớn để mang theo nhiều vũ khí hơn và có thể tàng hình trước radar của đối phương. Nếu chúng đáp ứng được các yêu cầu này thì tốc độ bay không còn quá quan trọng”, ông Borisov nói.
Trước đó tháng 4/2017, ông Borisov đã cho biết, PAK DA có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2025-2026 và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào 2028-2029.
Ông lưu ý thêm rằng, song song với việc phát triển PAK DA Nga còn tiến hiện đại hóa sâu máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2.(Theo ĐVO)
----------------------------
Máy bay Nhật-Hàn bám sát oanh tạc cơ Nga
Hãng tin TASS dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của lực lượng không gian vũ trụ Nga đã thực hiện các chuyến bay theo lịch trình ở Thái Bình Dương, biển Nhật Bản, biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Hộ tống các máy bay tầm xa này là các tiêm kích Su-35S của quân khu miền Đông cùng với máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy A-50 của lực lượng vận tải hàng không quân đội Nga”.
Bộ nói thêm trong lúc thực hiện chuyến bay, Tu-95MS đã tiếp nhiên liệu trên không. Đồng thời, các oanh tạc cơ của Nga đã bị phi cơ của lực lượng không quân Hàn Quốc và lực lượng phòng không Nhật Bản bám theo. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga đã tham gia chiến dịch chống khủng bố trên không ở Syria thành công với nhiệm vụ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các máy bay quân sự của Nga thường xuyên thực hiện các chuyến bay tuần tra tại vùng biển trung lập ở Bắc Cực, Đại Tây Dương, biển Đen và Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Nga cho biết những chuyến bay như vậy đều được thực hiện nghiêm túc theo đúng luật pháp quốc tế về sử dụng không phận vùng biển trung lập và không xâm phạm biên giới của quốc gia khác.(PLO)