Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Bị Bắc Kinh nhắc bài học lịch sử - báo Ấn Độ nhắc lại sự kiện đấm chảy máu mũi Trung Quốc
Tin thế giới đáng chú ý tối 02-07-2017
- Cập nhật : 02/07/2017
Ấn Độ lên án Trung Quốc xây đường gần biên giới tranh chấp
Ấn Độ đã lên án việc Trung Quốc xây dựng con đường mới tại khu vực biên giới Himalaya giữa hai nước, cho rằng việc mở đường như vậy gây ra “mối quan ngại an ninh nghiêm trọng”.
“Ấn Độ lấy làm quan ngại sâu sắc về những hành động gần đây của Trung Quốc và đã chuyển lời đến chính phủ Trung Quốc rằng việc xây dựng như vậy sẽ làm thay đổi đáng kể hiện trạng cũng như dẫn đến nhiều vấn đề an ninh nghiêm trọng đối với Ấn Độ”, theo hãng Sputnik dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 1.7.
Thông cáo trên được đưa ra sau khi Trung Quốc cáo buộc các binh sĩ Ấn Độ xâm nhập vào khu vực mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ của mình, đồng thời yêu cầu New Delhi rút quân khỏi khu vực trên để duy trì hòa bình dọc biên giới hai bên.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho rằng chính quân đội Trung Quốc mới xâm phạm khu vực trên khi cố mở đường gần điểm giao nhau của biên giới Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc.
Trong thông cáo trên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ còn kêu gọi Bắc Kinh giải quyết căng thẳng giữa hai bên qua đối thoại.
Không lâu trước đó, Bhutan cũng đã chính thức phản đối dự án làm đường kể trên của Trung Quốc với lý do rằng động thái này “vi phạm thỏa thuận bằng văn bản giữa hai nước”.(Thanhnien)
---------------------------
Trung Quốc tức giận phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ
Hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump đang ngày càng thất vọng vì Trung Quốc trì trệ, không tích cực hành động với Triều Tiên và cả về vấn đề thương mại.
Trong ngày 29-6, Mỹ đã tăng áp lực lên Trung Quốc bằng cách áp một số lệnh trừng phạt lên hai công dân và một công ty vận tải biển Trung Quốc hỗ trợ các chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ còn cáo buộc Ngân hàng Đan Đông Trung Quốc rửa tiền cho Triều Tiên. Bộ Ngân khố Mỹ thông báo sẽ cắt đứt mọi hoạt động giao dịch của Ngân hàng Đan Đông với hệ thống tài chính Mỹ.
Lập tức trong ngày 30-6, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích động thái của Washington. “Mỹ cần ngừng các hành động vô lý trong vấn đề này nhằm tránh ảnh hưởng tới các lĩnh vực hợp tác khác” - AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (ảnh) cho biết. (PLO)
--------------------------
Chuyên gia: Hành động 'chưa từng có' của Mỹ khiến xung đột Syria leo thang nghiêm trọng
Kênh truyền hình CNN dẫn nguồn từ quan chức quốc phòng đưa tin các máy bay và tàu chiến Mỹ đã vào vị trí và sẵn sàng tấn công Syria trong trường hợp quân đội Syria dưới quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành bất kỳ vụ tấn công hóa học nào.
Kênh truyền hình CNN ngày 28/6 trích dẫn từ các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên đưa tin Lầu Năm Góc "đã điều động tàu và máy bay vào vị trí sẵn sàng tấn công Syria nếu như Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh”.
Thông tin trên xuất hiện ngay sau tuyên bố bất thường của Nhà Trắng đưa ra trước đó 2 ngày cáo buộc chính quyền Tổng thống al-Assad đang có những hành động chuẩn bị thực hiện tiếp một cuộc tấn công hóa học.
Theo bản tin của kênh CNN, “căn cứ không quân Shayrat của Syria liên tục nằm trong phạm vi giám sát của Mỹ để xem có bất kỳ dấu hiệu tiến hành một cuộc tấn công hóa học hay không. Gần đây, Mỹ quan sát hoạt động của máy bay và các chất hóa học tại một căn cứ có thể phục vụ cho một cuộc tấn công. Điều này dẫn tới việc Nhà Trắng phải đưa ra lời cảnh báo vào tối hôm thứ Hai rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải trả một cái giá đắt cho việc sử dụng vũ khí hóa học”.
Tiếp đến, bản tin trên còn trích lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis tin rằng Syria đã nhượng bộ. Phát biểu trước phóng viên trong chuyến công du tới Brussels tham dự một cuộc họp NATO, Bộ trưởng Mattis cho biết: “Dường như họ đã nghiêm túc xem xét lời cảnh cáo. Họ đã không tấn công”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cũng khẳng định trước Quốc hội rằng “lời cảnh cáo của Tổng thống Trump đã ngăn chặn chính quyền al-Assad”.
Bình luận trước bản tin mà CNN cung cấp, nhà phân tích chính trị Alexander Gusev – Giám đốc Viện Kế hoạch Chiến lược giải thích trong buổi trả lời Đài phát thanh Sputnik cho rằng thông tin lần này có thể là thật.
Chuyên gia Alexander Gusev chỉ ra hiện tàu sân bay USS George H.W. Bush, cùng với hai tàu khu trục và hai tàu tuần dương đã được điều động tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải vào vị trí tuần tra thường xuyên.
Theo CNN, “tàu khu trục và tàu tuần dương có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk mà không gây không nguy hiểm cho phi công ngồi trên máy bay. Không chỉ có vậy, hàng chục máy bay sẵn có ở Trung Đông tham gia hoạt động chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq có thể được sử dụng phục vụ một cuộc tấn công khả năng xảy đến”.
Trước đó, vào 7/4, căn cứ không quân Shayrat ở Syria cũng đã phải hứng chịu đòn tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ từ hướng Địa Trung Hải. Washington tuyên bố cuộc tấn công đó nhằm trả đũa Syria vì vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun. Tuy nhiên, Damascus bác bỏ mọi lời buộc tội.
Chuyên gia Alexander Gusev nhận xét: “Điều này quá rõ ràng, thậm chí đối với người Mỹ, rằng Tổng thống al-Assad đã không sử dụng bất kỳ vũ khí hóa học nào. Cuộc tấn công đó là một sự khiêu khích. Và trong trường hợp cụ thể này, Mỹ cũng có thể thực hiện các biện pháp chưa từng có tiền lệ trước những tuyên bố không xác thực và phóng tên lửa Tomahawk nhằm vào căn cứ Shayrat. Việc đó có thể dẫn tới sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc xung đột ở Syria”.(TTXVN)
--------------------
Tàu tác chiến cận bờ của Mỹ, Philippines cùng tuần tra biển Sulu
Ngày 1/7, hải quân Mỹ và Philippines đã tiến hành một cuộc tuần tra hàng hải chung tại vùng biển miền Nam Philippines, trong bối cảnh quan ngại quốc tế gia tăng về vấn nạn cướp biển và phiến quân Hồi giáo trong khu vực.
Hải quân Mỹ và Philippines tổ chức tuần tra chống vi phạm hợp đồng nhằm bảo vệ thương mại hàng hải và tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực. Ảnh: abs-cbn.com
Tàu tác chiến cận bờ USS Coronado của Hải quân Mỹ và tàu hộ tống BRP Alcaraz của Hải quân Philippines đã cùng tuần tra tại biển Sulu, nơi từng xảy ra nhiều vụ tấn công cướp biển nhằm vào tàu vận tải thương mại kể từ năm 2015.
Trong một tuyên bố được Đại sứ quán Mỹ tại Manila đưa ra, Chuẩn Đô đốc Mỹ Don Gabrielson nói: "Các hoạt động trên biển của chúng tôi với Hải quân Philippines đã thể hiện cam kết của Mỹ với đồng minh của mình và ngăn chặn nạn cướp biển cũng như các hoạt động phi pháp". Bên cạnh đó, Đại sứ quán Mỹ cũng cho hay cuộc tuần tra này được tổ chức theo lời mời của chính phủ Philippines.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không cho phép tiến hành tuần tra chung với Mỹ ở vùng Biển Hoa Nam (Biển Đông) có tranh chấp nhằm tránh làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông Duterte hoan nghênh hợp tác ở miền Nam do hoạt động phiến quân gia tăng. Hai tuần trước, Indonesia, Malaysia và Philippines đã tổ chức tuần tra hải quân chung ở vùng biển miền Nam Philippines.(Baotintuc)