Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Ông Tập nói Bắc Kinh không gây hấn và bành trướng - đúng là miệng quan lớn!
Tin thế giới đáng chú ý tối 02-08-2017
- Cập nhật : 02/08/2017
Bắc Kinh tiếp tục khoe sức mạnh quân sự, dấm dứ Đài Loan
Trong ngày kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục nhắn nhe với thế giới về đội quân “được chuẩn bị đầy đủ” của mình.
Trên báo China Daily ra ngày hôm nay (1-8) - ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn khẳng định quân đội nước này “tự tin, đủ khả năng và được chuẩn bị đầy đủ” để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên được cho là nhắm tới Đài Loan - vùng lãnh thổ vẫn cương quyết từ chối thuộc về đại lục và tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự với các hợp đồng vũ khí lớn từ Mỹ.
Bộ trưởng Thường nhắc đến Thỏa ước 1992 giữa Trung Quốc và Đài Loan (nhìn nhận chính sách “Một Trung Quốc”) và việc chống lại mong muốn giữ độc lập của Đài Loan là “nền tảng chính trị cho hòa bình và phát triển trong quan hệ giữa hai bờ eo biển (Đài Loan)”.
Nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn - người đứng đầu Đảng Dân tiến (DPP), đã khiến Bắc Kinh tức điên khi từ chối công nhận Thỏa ước 1992 của chính quyền tiền nhiệm được cho là thân Trung Quốc.
Những ngày qua, Bắc Kinh tổ chức rầm rộ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Cuộc duyệt binh rầm rộ sáng 30-7 tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa (Zhurihe) ở Nội Mông đã khiến thế giới đặt nhiều câu hỏi.
Đây không chỉ là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh quy mô lớn từ khi lên nắm quyền mà còn bởi Bắc Kinh đã chủ động khoe rất nhiều vũ khí hiện đại.
Tổng cộng 12.000 binh sĩ các binh chủng, 129 máy bay quân sự, 571 đơn vị khí tài mặt đất đã có mặt để phô diễn, trong đó có nhiều máy bay chiến đấu hiện đại cũng như các dàn tên lửa đạn đạo, tên lửa liên lục địa.
Truyền thông nước ngoài chỉ được thông báo chính thức về thời gian và địa điểm duyệt binh vào tối 29-7, nhưng các đài truyền hình và hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc được phép đưa thông tin thoải mái nên thậm chí thông tin khoe rằng có hơn 40% khí tài Trung Quốc xuất hiện tại căn cứ Chu Nhật Hòa là lần đầu trình diễn.
Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình, trong bộ quân phục, đã không ngớt khen ngợi binh sĩ của mình là “anh hùng”, là “tự tin, có đủ khả năng chiến thắng mọi kẻ thù”. Theo Hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng cần đào tạo quân đội tinh nhuệ hơn trong “thời buổi thế giới không có hòa bình”.
“Ngày hôm nay, chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết đến mục tiêu một đất nước Trung Quốc tươi mới nhất trong lịch sử. Vậy nên chúng ta cần xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử” - ông Tập Cận Bình nêu quan điểm trước binh sĩ. Nhưng vị tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhắn nhủ ngay rằng quân đội “phải luôn tuân theo mọi mệnh lệnh của đảng và đi đến bất cứ nơi đâu đảng chỉ đạo”.
Thời gian gần đây, theo Reuters, Bắc Kinh không che giấu tham vọng trở thành một quân đội tầm cỡ thế giới tương xứng với tầm vóc kinh tế của mình. Điều đó được thể hiện qua việc hiện đại hóa vũ khí và giảm số lượng nhưng tăng chất lượng binh sĩ.
Trong dịp này, truyền thông các nước cũng đưa ra các số liệu về vũ khí của Trung Quốc. Tờ The Indian Express cho biết Trung Quốc có ít nhất 90 tên lửa liên lục địa (ICBM), trong đó 66 tên lửa đặt trên bộ và 24 trên tàu ngầm.
Còn theo sách trắng quốc phòng có tựa đề “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” do Bắc Kinh công bố vào năm 2015, quân đội Trung Quốc có khoảng 7.000 xe tăng cùng 1,6 triệu binh sĩ chính qui.
Số máy bay chiến đấu của Trung Quốc là 1.271 chiếc và số tàu chiến là 283 tàu cùng 2 tàu sân bay.
Báo South China Morning Post của Hong Kong cũng cho biết trong quá trình hiện đại hóa quân đội hiện nay, Trung Quốc cũng đang chủ động tự đóng mới tàu ngầm, tàu sân bay, tàu khu trục…
Còn theo Hiệp hội Kiểm soát vũ khí - một tổ chức độc lập có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc có khoảng 270 đầu đạn hạt nhân.
Việc Trung Quốc đầu tư cho ngân sách quốc phòng được các nước theo dõi kỹ càng và luôn nhắc nhở Bắc Kinh công khai và minh bạch các số liệu bởi gần như không nước nào tin vào con số 152 tỉ USD mà Bắc Kinh công bố gần đây. (Tuoitre)
------------------
Ấn Độ tố cáo Trung Quốc xâm phạm biên giới
Lực lượng Trung Quốc lại bị tố cáo xâm nhập qua biên giới với Ấn Độ giữa lúc căng thẳng hai nước dâng cao.
Hãng thông tấn PTI dẫn lời các quan chức giấu tên của chính phủ Ấn Độ hôm qua cho hay lính biên phòng Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền nước này sau khi đi sâu lãnh thổ Ấn Độ từ 800 m đến 1 km và chỉ rời đi sau 2 giờ.
Vụ việc diễn ra vào khoảng 9 giờ ngày 25.7 và trên đường đi, toán lính Trung Quốc gồm khoảng 10 - 12 người còn đuổi những người chăn gia súc ở khu vực Barahoti thuộc huyện Chamoli của bang Uttarakhand đi nơi khác.
Tỉnh Uttarakhand chia sẻ 350 km biên giới với Trung Quốc và trong quá khứ từng chứng kiến những vụ xâm phạm ranh giới tương tự. Gần đây nhất, lính biên phòng Trung Quốc đã tiến vào địa phận Chamoli và cắm trại tại đây vào ngày 19.7, theo Zee News. Trực thăng của lực lượng này cũng vừa bị phát hiện quần đảo trên vùng trời Uttarakhand. Phía Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng trước cáo buộc mới nhất từ nước láng giềng.(Thanhnien)
-------------------------
Trung Quốc vận hành căn cứ quân sự tại Djibouti
Trung Quốc hôm nay đưa vào vận hành căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này tại châu Phi.
Trung Quốc ngày 1/8 tổ chức lễ thượng cờ mở cửa căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, thuộc khu vực Sừng châu Phi, vào đúng ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), theo Reuters.
Theo đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, hơn 300 người đã tham dự lễ thượng cờ, bao gồm Phó tư lệnh hải quân Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti.
Căn cứ quân sự tại Djibouti được Trung Quốc bắt đầu xây dựng từ tháng 2 năm ngoái. Căn cứ này gồm các trung tâm nạp nhiên liệu và hậu cần, cũng như cơ sở giải trí cho thủy thủ, phục vụ cho các tàu chiến Trung Quốc hoạt động tại vịnh Aden và những khu vực lân cận. Quy mô căn cứ có thể cho phép Trung Quốc triển khai tại đây tới 10.000 người.
Djibouti giáp với Somalia và nằm tại khu vực Sừng châu Phi, vị trí chiến lược với các tuyến hàng hải quốc tế đi qua kênh đào Suez. Vịnh Aden là nơi cướp biển Somalia hoành hành, buộc các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc triển khai lực lượng chiến hạm hộ tống tàu chở hàng.
Bắc Kinh góp phần lớn trong nhiệm vụ chống cướp biển, với khoảng 16.000 thủy thủ và 1.300 lính thủy đánh bộ phục vụ tại vịnh Aden trong giai đoạn 2008-2015.(Vnexpress)
-------------------------
Việt Nam lên án Trung Quốc xây rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm
Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Trung Quốc tiếp tục có hoạt động phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa.
Đề cập tới việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm nay nêu rõ hoạt động này đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế.
Trung Quốc hôm 23/7 tuyên bố mở rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm, coi đây là một phần trong "nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự" ở Biển Đông, theo Reuters.
Theo người phát ngôn, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc xây rạp chiếu phim ở Phú Lâm không thể làm thay đổi được chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo.
"Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc không để tái diễn các hành động tương tự", bà Hằng nhấn mạnh.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.(Vnexpress)