Hai đảng Campuchia đề nghị Tòa án giải thể CNRP; Xả súng đẫm máu ở Las Vegas, 250 người thương vong; Siêu tàu sân bay Mỹ sắp đến Hong Kong
Tin thế giới đáng chú ý tối 02-10-2017
- Cập nhật : 02/10/2017
Lính Nga xả súng liên tục vào đồng đội ở miền Đông
Đang thực hiện diễn tập ban đêm, lính Nga bất ngờ xả súng vào đồng đội và bỏ trốn.
Quân khu miền Đông Nga ngày 30/9 thông báo sự việc gây chấn động.
Theo đó, một binh sĩ phục vụ trong quân đội Nga đã xả súng vào đồng đội trong một cuộc diễn tập ban đêm tại thành phố Belogorsk thuộc tỉnh Amur ở miền Đông nước Nga.
Cuộc xả súng khiến 1 sĩ quan và 2 binh sĩ thiệt mạng, 1 người khác bị thương.
Binh sĩ trên nhanh chóng chạy thoát khỏi làn đạn của những binh sĩ đang thực hiện diễn tập xung quanh và mang theo một khẩu súng trường nạp đầy đạn cùng 4 hộp đạn đầy khác.
Sau đó, đơn vị chống khủng bố thuộc Quân khu miền Đông lập tức truy tìm thủ phạm. Lúc bị bao vây, binh sĩ này bắn trả quyết liệt, gây nguy hiểm trực tiếp cho các thành viên đặc nhiệm, buộc họ phải nổ súng vào thủ phạm.
Binh sĩ này đã tử vong vào lúc 6h sáng ngày 30/9.
Theo các trang tin tức trên báo chí Nga, binh sĩ nổ súng vào đồng đội có tên là Hasan Abdulakhadov, sinh năm 1994, người gốc Cộng hòa Dagestan ở bắc Caucasus.
Abdulakhadov trước đó là lái xe của một công ty truyền thông. Abdulakhadov hiện mới học bắn vì nhập ngũ vào ngày 21/9/2017.
Văn phòng Công tố của Quân khu Đông đã mở một cuộc điều tra hình sự liên quan tới vụ việc.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay đang xem xét tất cả nguyên nhân có thể dẫn tới vụ việc nói trên, kể cả khả năng binh sĩ bị suy nhược thần kinh.
Theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergey Ghoigu, một ủy ban điều tra do Tổng tham mưu của lực lượng mặt đất đã đến khu vực Amur.
Việc Hasan Abdulakhadov trốn thoát khỏi khu vực trường bắn sau khi bắn chết đồng đội và mang theo súng trường đã khiến chính quyền địa phương nhanh chóng đóng cửa các trường học và hủy các sự kiện ở nơi công cộng.
Việc có binh sĩ Nga bắn đồng đội đã từng xảy ra trước đây.
Thống kê của TASS cho thấy, trong 10 năm qua, đây là vụ việc thứ 4 cho thấy binh sĩ Nga bắn các đồng đội của mình.
Gần nhất là hồi tháng 8/2015, một Hạ sĩ tên là Pavel Bahtin (18 tuổi) đã nổ súng trong phòng bảo vệ của trại ở khu vực Kostroma khiến 3 người chết và hạ sĩ này cũng tự sát ngay sau đó. Hai người khác bị thương và một người sau đó đã tử vong trong bệnh viện. Có thông tin cho biết, Pavel Bahtin đã bắn đồng đội vì lý do cá nhân.
Vụ việc thứ 2 vào ngày 12/4/2009, tại tiền đồn gần ngôi làng của huyện Borzoi Shatoi (Chechnya), một quân nhân hợp đồng đã bắn chết chỉ huy trung đội và hai đồng đội bằng súng tiểu liên. Sau đó, quân nhân này đã tự tử nhưng được cứu sống. Sau đó, không có thông tin cho hay về danh tính cũng như phiên tòa xét xử quân nhân trên.
Vụ việc thứ 3 xảy ra vào ngày 7/7/2008 tại trung tâm đào tạo Sergeevskoe gần Ussuriisk (Primorsky Krai) quân nhân phục vụ Vladimir Deynes thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 83, Lực lượng nhảy dù, đã bỏ trốn khỏi đơn vị với 1 khẩu súng trường.
Đồng đội của Deynes đã đi tìm anh ta và phát hiện Deynes trốn tại một trong những khe núi gần trung tâm đào tạo.
Deynes sau đó đã nổ súng về phía đồng đội của mình, làm 3 người thiệt mạng và một người khác tử vong trong bệnh viện. Deynes cũng đã tự sát sau đó.(Baodatviet)
-----------------------
Châu Á chờ ông Donald Trump
Chuyến công du sắp tới chứng tỏ chính sách châu Á của Mỹ không chỉ có Triều Tiên mà còn cả Đông Nam Á
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 11 tới, cuộc khủng hoảng Triều Tiên chắc chắn sẽ bao trùm chương trình nghị sự.
Phép thử cho quan hệ Mỹ - Trung
Theo Nhà Trắng, chuyến thăm 5 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines (bên cạnh chặng dừng chân ở bang Hawaii - Mỹ) từ ngày 3 đến 14-11 nói trên sẽ "tăng cường quyết tâm của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Tổng thống Mỹ sẽ thúc đẩy sự ủng hộ của quốc tế để đạt được sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên".
Ngoài ra, ông Donald Trump sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ kinh tế "công bằng, có đi có lại" giữa Mỹ và các đối tác thương mại.
Hiện chưa rõ lịch trình cụ thể của chuyến công du nhưng một số nguồn tin ngoại giao cho biết ông Donald Trump sẽ đến Nhật ngày 5-11 và gặp Thủ tướng Shinzo Abe một ngày sau đó. Việc lựa chọn Tokyo là điểm đến đầu tiên cho thấy tổng thống Mỹ coi trọng quan hệ đồng minh với nước chủ nhà.
Trong chuyến thăm Nhật và sau đó là Hàn Quốc, ông Donald Trump có thể thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng 3 bên trước mối đe dọa tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nói với tờ South China Morning Post rằng vấn đề tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật Mỹ sẽ không được bàn đến.
Còn trong chuyến thăm Trung Quốc, theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tập trung thúc giục Bắc Kinh thực thi đầy đủ và nghiêm túc các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc. Bà Lindsey Ford, chuyên gia tại Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ), nhận định với tờ South China Morning Post rằng một trong những phép thử cho quan hệ Mỹ - Trung lúc này là liệu có tìm được tiếng nói chung về cách thức xử lý khủng hoảng Triều Tiên hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông tại Nhà Trắng hôm 28-9 Ảnh: TÂN HOA XÃ
Chuyến thăm sắp tới của ông Donald Trump và vấn đề Triều Tiên là những nội dung thảo luận hàng đầu khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần lượt gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì của Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 30-9. Tuy nhiên, với ông David Lampton, chuyên gia tại Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ bị thử thách bởi những tranh cãi liên quan đến Bình Nhưỡng.
Sau khi ông Donald Trump không đạt được mục tiêu chính là phi hạt nhân hóa Triều Tiên, những vấn đề nóng khác đã quay trở lại, như vấn đề biển Đông, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tranh cãi về thương mại, mở cửa thị trường, xâm phạm sở hữu trí tuệ, tấn công mạng…
Tái trấn an khu vực
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, ông chủ Nhà Trắng sẽ cam kết duy trì các mối quan hệ an ninh, kinh tế, thương mại của Mỹ tại khu vực khi tham dự Hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines. Theo một số chuyên gia, chính sách thương mại của Washington ở châu Á vẫn chưa rõ ràng kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu năm nay - quyết định khiến một số quốc gia, nhất là Nhật Bản, thất vọng.
Ông Derek Scissors, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng những gì người ta thấy được cho đến giờ là chính quyền ông Donald Trump yêu cầu các đối tác mua thêm sản phẩm Mỹ và đe dọa đánh thuế mạnh lên hàng nhập khẩu của họ.
Việc ông Donald Trump đồng ý thăm Manila cũng là một diễn biến đáng chú ý bởi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhiều lần chỉ trích Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano hôm 30-9 cho biết chuyến thăm sẽ nêu bật "mối quan hệ đang cải thiện" giữa hai đồng minh lâu năm. Sau khi công khai phản ứng Mỹ vì chỉ trích chiến dịch trấn áp ma túy đẫm máu, ông Duterte gần đây đã dịu giọng hơn, hoan nghênh Washington vì sự hỗ trợ trong cuộc chiến với các phần tử có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại TP Marawi.
Theo Reuters, một nhà ngoại giao châu Á giấu tên hoan nghênh quyết định này vì nó chứng tỏ chính sách châu Á của Mỹ không chỉ có Triều Tiên mà còn cả Đông Nam Á. Nhà ngoại giao này nói thêm quyết định rút khỏi TPP đã dẫn đến thắc mắc về cam kết của Washington đối với khu vực. Tuy nhiên, chuyến công du sắp tới của ông Donald Trump, cộng với chuyến thăm của một loạt quan chức cấp cao Mỹ trước đó cho thấy Washington có ý định tiếp tục gắn kết mạnh mẽ với châu lục này. (NLĐ)
--------------------------
Mỹ tìm cách chặn mọi đường sống của kinh tế Nga
Mỹ trừng phạt chồng trừng phạt, "tấn công" mảng ngân hàng và năng lượng của Nga.
TASS của Nga thông tin, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định gia tăng các đòn trừng phạt lên Nga, đặc biệt nhấn mạnh vào việc cắt giảm thời hạn phát hành trái phiếu từ các công ty mà cá nhân và tổ chức ở Mỹ được phép giao dịch.
Theo đó, thời hạn phát hành trái phiếu từ các ngân hàng và tổ chức tài chính khác của Nga nằm trong danh sách trừng phạt sẽ bị giảm xuống.
Cụ thể, sau ngày 28/11, các khoản nợ được phép giao dịch không quá 14 ngày thay vì 30 ngày như trước đây.
Đối với các công ty dầu khí nằm trong danh sách trừng phạt, kỳ hạn nợ mới bị cắt giảm từ 90 ngày như trước đây xuống còn 60 ngày.
Sắc lệnh trừng phạt mới cũng tái khẳng định việc cấm mua bán tài sản cầm cố của các công ty bị trừng phạt.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng lớn của Nga như Sberbank, Vnesheconombank, Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Nga và VTB Bank, cũng như các tập đoàn năng lượng khổng lồ như Gazprom, Lukoil và Transneft.
Các biện pháp siết chặt trừng phạt này của Bộ Tài chính Mỹ rõ ràng là nhằm gây khó khăn cho các thể chế tài chính và các công ty dầu khí hàng đầu của Nga trong việc huy động vốn dài hạn.
Động thái mới nhất cho thấy những nỗ lực thực hiện cam kết trừng phạt nhằm vào Nga mà chính quyền Tổng thống Trump đã thông qua trước đó.
Đây cũng là các bước hiện thực hóa dự luật của Nghị viện Mỹ đưa ra từ hồi đầu tháng 8. Ông Trump sau khi ký thông qua dự luật thành luật đã bày tỏ rằng, ông tin bước đi này là "sai lầm nghiêm trọng".
Theo báo chí Mỹ, Tổng thống Trump đã trì hoãn việc thực hiện các biện pháp trừng phạt này quá lâu.
Hai Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Ben Cardin, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã nhắc nhở Tổng thống Trump thúc đẩy thực hiện trừng phạt Nga như trước đó đã thông qua.
Hai Thượng nghị sĩ cho rằng, Tổng thống Trump không cung cấp thông tin liên quan đến các ngành tình báo và quốc phòng của Nga mà theo luật mới phải được tiến hành trước ngày 1/10.
Các lệnh trừng phạt trên được cho là nhằm vào việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi cuối năm 2016 cùng với việc Iran phát triển chương trình tên lửa và vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Dù các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và công ty năng lượng Nga nằm trong lệnh trừng phạt nhưng châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt mới nhất trên.
Cụ thể, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Klod Yunker kêu gọi xem xét khẩn cấp các biện pháp trả đũa trong trường hợp Brussels bị ảnh hưởng.
Nhiều công ty châu Âu trong đó đến từ các quốc gia "sừng sỏ" của EU đã có nhiều hoạt động làm ăn kinh doanh với Nga. Nếu Mỹ trừng phạt các công ty Nga, châu Âu sẽ gánh chịu thiệt hại khá nặng nề.
Châu Âu đã nảy sinh mâu thuẫn với Mỹ cũng như cảnh báo Washington cẩn thận nếu công ty châu Âu bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt chống Nga.
Đặc biệt là đối với dự án Dòng chảy phương Bắc -2 do Tập đoàn dầu khí Nhà nước Nga Gazprom thực hiện với hàng loạt các công ty đầu tư tài chính châu Âu.(Baodatviet)