Tổng thống Trump có “cơ hội ngàn năm có một” để làm hòa với Triều Tiên?; Triều Tiên tuyên bố sớm gửi 'gói quà bất ngờ' tới Mỹ; Mỹ muốn TQ sớm quyết định trừng phạt Triều Tiên
Tin thế giới đáng chú ý tối 04-08-2017
- Cập nhật : 04/08/2017
Lầu Năm Góc cấp vũ khí dễ như 'phát kẹo'
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa bị “lừa” một vố đau, qua đó cho thấy sự lỏng lẻo của cơ quan này trong chương trình quản lý cấp phát khí tài quân sự.
Năm 1989, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật LESO cho phép Lầu Năm Góc chuyển giao tài sản quân sự dư thừa cho lực lượng cảnh sát địa phương nhằm củng cố năng lực của các cơ quan hành pháp. Từ năm 1991 đến nay, trong khuôn khổ chương trình này đã có lượng khí tài trị giá hơn 6 tỉ USD được chuyển giao cho ít nhất 8.600 lực lượng cảnh sát địa phương, tiểu bang và liên bang trên toàn quốc.
Tuy nhiên, cách đây 3 năm, chương trình LESO trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi cảnh sát triển khai xe bọc thép đối phó đợt bạo động lớn ở TP.Ferguson, bang Missouri. Trước sự phản đối lan rộng, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã ký sắc lệnh hành pháp ngăn cấm phân phối một số vũ khí như súng phóng lựu và súng hạng nặng.
Mới đây, LESO tiếp tục gây xôn xao sau khi Văn phòng Kiểm toán và điều tra chính phủ (GAO) công bố báo cáo cho thấy sự khinh suất “không thể tưởng tượng” của Lầu Năm Góc đối với chương trình.
Đài Fox News dẫn báo cáo cho thấy giới chức Bộ Quốc phòng thoải mái cấp một lô vũ khí và trang thiết bị quân sự cho một lực lượng cảnh sát “ảo” mà không hề có động thái kiểm tra mức độ xác thực. Cụ thể, các nhà điều tra của GAO lập một website sở cảnh sát ảo dựa trên các nguồn tài nguyên có sẵn trên mạng rồi điền mẫu đơn yêu cầu cung cấp nhiều khí tài. Trong số này có súng trường M-16A2, thiết bị nổ, ống nhòm hồng ngoại chuyên dụng nhìn đêm và rô bốt rà phá mìn.
“Chưa đầy 1 tuần kể từ khi nộp đơn, lực lượng cảnh sát ảo của chúng tôi nhận được phản hồi từ Lầu Năm Góc với nội dung đồng ý chuyển giao hơn 100 khí tài với tổng giá trị ước tính khoảng 1,2 triệu USD”, tờ Houston Chronicle dẫn lại báo cáo của GAO hồi tháng 7 viết. Tờ báo này còn bình luận rằng may mắn là GAO chứ không phải là lực lượng thù địch cực đoan hay các băng nhóm xã hội đen khét tiếng thích dùng “hàng nóng” của Mỹ như
MS-13 hay Tango Blast đứng đằng sau “cú lừa”. “Bộ Quốc phòng không hề thực hiện bước kiểm tra nào, chẳng hạn như đến trụ sở đặt “văn phòng” của chúng tôi hay yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ. Hầu hết quy trình đều được thực hiện qua thư điện tử như thể chúng tôi đang đặt mua hàng qua mạng vậy”, bà Zina Merritt, Trưởng phòng Quản lý năng lực quốc phòng thuộc GAO, cho hay. Vụ việc đang tiếp tục được xử lý và trước mắt, Lầu Năm Góc tuyên bố đồng ý với báo cáo của GAO và sẽ đưa ra biện pháp siết chặt công tác kiểm tra nội bộ (Thanhnien)
---------------------------
Máy bay ném bom tàng hình Mỹ khiến các đối thủ đều e dè
Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Không quân Mỹ được tờ National Interest đánh giá là chiến đấu cơ mà không một lực lượng quân đội nào muốn đối đầu.
B-2 Spirit được thiết kế và sản xuất bởi nhà thầu vũ khí Mỹ Northrop Grumman. Hiện tại Không quân Mỹ vận hành 20 máy bay ném bom B-2 Spirit, phần lớn đồn trú tại căn cứ Ưhiteman, bang Missouri. B-2 Spirit có thể đạt độ cao 15,24 km và chở theo 18.143 kg vũ khí. B-2 Spirit có khả năng vận chuyển cả vũ khí hạt nhân.
B-2 Spirit được phiên chế từ thập niên 80 của thế kỷ trước và từng kinh qua chiến trận tại Iraq, Libya và Afghanistan. Theo tờ National Interest (Mỹ), B-2 Spirit có thể bay liên lục 11.112km mà không cần tiếp liệu.
Một điểm “cuốn hút” của B-2 Spirit là khả năng “la cà” ấn tượng, đồng nghĩa với việc máy bay ném bom này có thể duy trì hiện diện tại một khu vực trong thời gian rất dài, qua mặt được radar đối phương.
Vào tháng 2 vừa qua, Hệ thống Quản lý Phòng thủ đã được thử nghiệm trên chiếc B-2 Spirit để bảo vệ máy bay ném bom này khỏi các hệ thống phòng không hiện đại. Hệ thống này sẽ cung cấp hiệu quả hơn cho các phi công thông tin về nhận diện và thoát khỏi các vũ khí phòng không trên mặt đất trong khoảng thời gian ngắn.
Những cải tiến khác với chiếc B-2 Spirit được tập trung vào phần mềm, vũ khí, khả năng tàng hình và liên lạc.
Theo tờ Bussines Insider (Mỹ), những chiếc B-2 Spirit dự kiến hoạt động song hành cùng máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider được đặt kế hoạch ra mắt trong thập niên tới. Tướng 3 sao Arnold Bunch, một nhân vật cấp cao trong Không quân Mỹ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí năm 2016 đã nhấn mạnh máy bay ném bom tàng hình của tương lai B-21 có thể thực hiện nhiệm vụ ở mọi nơi trên thế giới. (TTXVN)
-----------------------------
Mẫu tên lửa đạn đạo Nga có thể xuyên thủng lá chắn Mỹ
Tên lửa RS-28 Sarmat trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân và mồi bẫy, đủ sức vượt qua mọi lá chắn tên lửa trong biên chế Mỹ.
Nga năm 2016 ra mắt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ 5 mang tên RS-28 Sarmat có sức hủy diệt cực lớn, có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa của Mỹ hiện nay, theo National Interest.
Truyền thông Nga cho biết RS-28 Sarmat được phát triển để thay thế R-36M2 Veovoda, mẫu ICBM khổng lồ nặng 210 tấn nhưng đã cũ kỹ biên chế từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng tên lửa này sẽ thế chỗ tên lửa UR-100N nặng 106 tấn.
Sarmat có khối lượng phóng gần 110 tấn, được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như tương lai, nhằm bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Hầm chứa RS-28 đủ sức chống chịu sức công phá của 7 đầu đạn hạt nhân, nhằm gia tăng khả năng sống sót khi bị tấn công phủ đầu. Trong khi đó, hầm phóng tên lửa Minuteman III của Mỹ chỉ chịu được tối đa sức công phá của hai đầu đạn hạt nhân.
Một quan chức Nga giấu tên cho biết Sarmat có tầm bắn trên 11.000 km, mang được 10-15 đầu đạn hạt nhân với tổng sức nổ tương đương 750 quả bom ném xuống thành phố Hiroshima. Các đầu đạn với tổng trọng lượng 5 tấn sẽ bay với tốc độ 24.900 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Chúng có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị tên lửa đối phương đánh chặn.
Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng con số phía Nga đưa ra chưa chuẩn xác. Ông Michael Kofman, nhà nghiên cứu quân sự Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, cho rằng tổng khối lượng đầu đạn 5 tấn không phù hợp với số đầu đạn và mồi bẫy mà loại tên lửa này có thể mang theo.
Mẫu tên lửa đạn đạo R-36 thế hệ cũ của Nga. Ảnh: Military Today.
Phiên bản hoàn chỉnh của RS-28 có thể sẽ giảm số đầu đạn và bổ sung nhiều loại mồi bẫy, nhằm tăng khả năng sống sót cho tên lửa. "Xu hướng phát triển ICBM Nga hiện nay tập trung vào hỗ trợ khả năng xuyên thủng các lá chắn tên lửa. Họ có thể giảm tổng sức nổ của Sarmat, nhưng bảo đảm tất cả đầu đạn đều tới được mục tiêu", ông Kofman nhận định.
Khi được biên chế vào năm 2018, RS-28 Sarmat sẽ là sự bổ sung đáng kể cho lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Với việc lá chắn tên lửa hoạt động kém hiệu quả, đây sẽ là mối đe dọa lớn, khiến Mỹ phải đau đầu tìm cách ngăn chặn trong tương lai, chuyên gia tên lửa Pavel Podvig nhận định.(Vnexpress)
--------------------------------
Qatar mua 7 tàu chiến Italy giữa khủng hoảng vùng Vịnh
Qatar mua 7 tàu hải quân trong hợp đồng trị giá gần 6 tỷ USD khi đang mâu thuẫn với các nước Arab.
Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano bắt tay người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani hôm 2/8 ở Doha. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani hôm 2/8 thông báo về thỏa thuận quốc phòng tại họp báo chung ở Doha với người đồng cấp Italy Angelino Alfano.
Các quan chức không cung cấp thêm chi tiết về hợp đồng trị giá 5,9 tỷ USD, chỉ cho biết thỏa thuận nhấn mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Thỏa thuận bao gồm việc mua 4 tàu hộ tống nhỏ, một tàu đổ bộ và hai tàu tuần tra, theo New York Times. Đây là hợp đồng vũ khí lớn thứ hai kể từ khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nổ ra. Hồi tháng 6, Mỹ nhất trí bán các chiến đấu cơ F-15 cho Qatar trong hợp đồng trị giá 12 tỷ USD.
Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh xảy ra từ tháng 6, khi 4 nước Arab cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và Tehran. Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố không chấp nhận điều kiện các nước này đưa ra để nối lại quan hệ ngoại giao.(Vnexpress)