Báo Anh: Việt Nam giảm lệ thuộc vũ khí Nga, Mỹ là lựa chọn hàng đầu
Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, giúp Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn, nhất là thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến đối với những vũ khí chiến lược, quan trọng.
Ngày 31/5/2017, tại Thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ở Nhà Trắng. Ảnh: Tân Hoa xã.
Tờ Jane's Defence Weekly Anh ngày 5/7 cho rằng Việt Nam được coi là thị trường có tiềm năng to lớn của đại đa số các nhà thầu quốc phòng trên thế giới. Một mặt, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đang tăng nhanh. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với các “đồng minh” mới.
Điều này có nghĩa là sự lệ thuộc truyền thống vào Nga của Việt Nam sẽ từng bước giảm đi. Đồng thời, danh sách mua sắm vũ khí trang bị của Việt Nam lại rất dài.
Một nhân tố quan trọng khác là tháng 5/2016 Mỹ hủy bỏ trừng phạt quân sự lâu dài đối với Việt Nam. Việc làm này đã làm gia tăng khả năng Việt Nam mua sắm vũ khí trang bị từ các đồng minh của Mỹ. Việt Nam quyết tâm nâng cao sức mạnh quân sự của mình.
Công nghiệp quốc phòng của Việt Nam mặc dù phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn có khoảng cách nhất định so với nhu cầu không ngừng gia tăng của các quân binh chủng Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam vẫn có nhu cầu mạnh mẽ đối với việc nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật của nước ngoài.
Việt Nam coi ngân sách quốc phòng là bí mật quốc gia, rất ít tiết lộ ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, dựa trên những số liệu do Bộ Tài chính Việt Nam công bố ngẫu nhiên thì vẫn có thể đưa ra dự đoán.
Tạp chí Jane's Defence Budget đã sử dụng phương pháp này và tính được, năm 2017 chi tiêu quốc phòng của Việt Nam khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,9 tỷ USD.
Ba quân chủng của Việt Nam đều có rất nhiều tài sản quân sự dự trữ, những tài sản quân sự này đang trở nên cũ kỹ, nhiều tài sản có thể sắp cho nghỉ hưu. Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 5/2016. Trong hình là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 23/5/2016. Ảnh: AP/Washington Times.
Để đáp ứng ít nhất một số nhu cầu trong đó, Việt Nam bắt đầu chuyển sự chú ý đến Mỹ. Từ khi Mỹ hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đến nay, điểm quan tâm chính của Việt Nam luôn là “Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa” (US Excess Defense Articles program) của Mỹ. Chương trình này nhằm chuyển nhượng các tài sản quân sự dư thừa cho các đồng minh của Mỹ.
Điều không thể nghi ngờ là, Nga vẫn sẽ là nhà cung ứng vũ khí trang bị chính của Việt Nam, nhưng do Việt Nam tìm cách đa dạng hóa nhà cung ứng, cơ hội thị trường dành cho các đối thủ cạnh tranh của Nga đang gia tăng.
Tìm kiếm đa dạng hóa nhà cung ứng là một bộ phận trong chiến lược được đề cập tới ở “Sách trắng Quốc phòng” do Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố vào năm 2009.
Căn cứ vào con số thống kê “cân bằng thương mại” của tạp chí Jane’s, Nga vẫn chiếm khoảng 80% thị phần ở thị trường vũ khí Việt Nam. Do ý thức được Chính phủ Việt Nam tìm cách đa dạng hóa nhà cung ứng, quan chức công nghiệp quốc phòng Nga gần đây cho biết họ hy vọng thông qua quan hệ ngành nghề và tìm cách chuyển đổi từ quan hệ mua bán truyền thống sang quan hệ đối tác trong việc mua sắm, để củng cố vị thế của Nga ở thị trường Việt Nam.
Ngoài tiếp xúc với Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia đấu thầu của các nước cũng muốn giữ liên hệ với các tập đoàn và tổ chức thương mại của Việt Nam, tiến hành hợp tác theo quy định của Luật đầu tư mới. Tàu ngầm thông thường lớp Kilo Việt Nam mua của Nga. Ảnh: Huanqiu
Bài viết cho rằng thị trường vũ khí Việt Nam đã tạo cơ hội cho các nhà cung ứng sẵn sàng nhẫn nại chờ đợi và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quốc phòng của Việt Nam.
Báo Anh dự đoán Việt Nam có thể tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, trong khi đó các doanh nghiệp quốc phòng của Việt Nam còn thiếu thực lực, hơn nữa trong giai đoạn sắp tới Việt Nam sẽ có nhu cầu nhập khẩu công nghệ của nước ngoài. Điều này sẽ làm cho triển vọng thị trường vũ khí của Việt Nam sáng sủa hơn. (Viettimes)
-----------------------Lãnh đạo Nga, Nhật Bản nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp lãnh thổ
Ngày 7/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí thúc đẩy đàm phán để tiến hành các hoạt động kinh tế chung ở quần đảo tranh chấp do Moskva kiểm soát nhưng Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Nguồn: sputniknews.com
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hamburg (Đức), một quan chức cấp cao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí tổ chức một cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao vào cuối tháng 8 tại Moskva, một phần trong nỗ lực vạch ra những dự án cụ thể cho các hoạt động kinh tế nói trên.
Phía Nhật Bản hy vọng các hoạt động kinh tế như vậy sẽ giúp mở đường cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm qua với Nga.
Ngoài ra, nguồn tin trên cũng cho biết Thủ tướng Abe đã kêu gọi Nga đóng vai trò tích cực hơn trong việc kiềm chế Triều Tiên khi nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng sức ép quốc tế với Bình Nhưỡng sau hàng loạt vụ thử tên lửa gần đây.
Về phần mình, Tổng thống Putin khẳng định ông hiểu rõ quan ngại của Tokyo và cho biết Moskva vẫn đang hối thúc Bình Nhưỡng ngừng các hành động đi ngược lại chủ trương không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Trong khi đó, theo hãng tin TASS của Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh ông rất vui vì Nga và Nhật Bản đối thoại tích cực như vậy, đồng thời hy vọng điều này sẽ giúp hai nước có thể giải quyết những vấn đề đã kéo dài nhiều thập kỷ qua.
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản sẽ có cuộc gặp tiếp theo vào tháng 9 tới bên lề một diễn đàn kinh tế tại Vladivostok ở Nga.
Nga và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền tại quần đảo tranh chấp hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril trong khi Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Khu vực này gồm 4 hòn đảo mà phía Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan, còn Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan.
Việc tranh chấp chủ quyền tại đây đã cản trở hai nước ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên, gần đây hai bên đều thể hiện thiện chí giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề này. Mới đây nhất, 2 nước đã cùng tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng kinh tế tại khu vực đảo tranh chấp.
Hoạt động này kéo dài từ ngày 27/6-1/7, trong đó có sự tham gia của Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản, ông Eiichi Hasegawa và Thống đốc vùng Sakhalin (Nga), người quản lý khu vực đảo tranh chấp.(TTXVN)
-------------------------
Nga tung vũ khí mới lợi hại ở Syria
Điện Kremlin đang đưa vũ khí mới vào cuộc chiến chống IS ở Syria, đó là Nga sử dụng những ưu đãi thị trường gắn với quyền khai thác quặng và dầu mỏ để thưởng cho các công ty an ninh tư nhân, những người bảo vệ lãnh thổ trước phiến quân Hồi giáo cực đoan, tin tức mới từ Nga cho hay.
Quân đội Syria tấn công trên hướng Palmyra - Deir Ezzor
Theo báo cáo, hai công ty nhận được các gói thầu theo chính sách mới là: Evro Polis (công ty này sẽ được quyền thu lợi nhuận từ những giếng dầu lửa và khí đốt chiếm được từ tay IS) và Stroytransgaz (công ty đã ký thỏa thuận khai thác photpho ở vị trí vào thời điểm đó IS đang chiếm đóng).
Các thỏa thuận được ký kết với chính phủ Syria được xem là động lực cho các công ty liên kết với các nhà thầu an ninh Nga. Các công ty này được cho là thuê khoảng 2.500 lính để đánh đuổi IS ra khỏi vùng đất gần Palmyra, miền trung Syria.
Những thỏa thuận kiểu như vậy được cho là xuất hiện trong hầu hết mọi cuộc chiến ở Trung Đông, nhưng không lần nào được thực hiện một cách công khai như thỏa thuận lần này của Nga.
“Mọi chuyện hết sức đơn giản", Ivan P. Konovalov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về xu hướng chiến lược cho biết. Những hợp đồng này được ký kết từ hồi tháng 12/2016 nhưng đến bây giờ mới được đưa tin. “Nếu một công ty đảm bảo an ninh cho một quốc gia thì quốc gia đó phải trả phí cho điều này. Còn về cách thức chi trả thì không quan trọng".
Trong thỏa thuận dầu lửa này, Evro Polis, một công ty mới được thành lập hè năm ngoái sẽ nhận được 25% sản lượng dầu lửa và khí đốt ở khu vực mà công ty này giành lại được từ tay IS, trang Fontanaka.ru đưa tin.
Một giếng dầu gần tỉnh Homs, Syria (Ảnh minh họa)
Trang web này cũng có danh sách báo cáo chính xác về các công ty an ninh tư nhân ở Nga, và chỉ tháng trước, Washington dường như còn xác nhận một trong số những báo cáo này bằng việc áp đặt lệnh trừng phạt lên một công ty của Nga khi những hoạt động của công ty này bị phơi bày.
Bài báo mới nhất của trang Fontanka về chủ đề này, được xuất bản vào tuần trước, cho biết Evro Polis đang hợp tác với một nhóm an ninh tư nhân của Nga mang tên Wagner. Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ thì nhóm này cũng từng đưa lính tới cuộc chiến ở Ukraine theo dạng hợp đồng như vậy.
Theo Fontanka, thỏa thuận lần này khác với các hợp đồng thông thường của các hãng và công ty dầu khí giúp đảm bảo an ninh ở các điểm nóng ở Trung Đông và các nơi khác. Theo thỏa thuận này, các giếng dầu không chỉ được bảo vệ mà còn phải được giành lại trước tiên, bài báo cho hay.
"Hợp đồng này gợi nhắc về thời Francis Drake và Cecil Rhodes”, đó là hai nhân vật trong lịch sử nước Anh vừa tham gia chiến tranh vừa thu lợi nhuận riêng.
Theo trang Fontanka và hồ sơ công ty công khai ở Nga, Evro Polis là một phần của một mạng lưới các công ty thuộc sở hữu của Evgeniy Prigozhin, một doanh nhân ở St Petersburg được cho là có quan hệ với giới lãnh đạo Nga và được biết đến như "đầu bếp của Kremlin" với những hợp đồng với chính quyền. Công ty Concord Catering của ông cũng cung cấp thực phẩm cho nhiều trường công ở Mátxcơva, tin tức của Nga cho hay.
Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra những lệnh trừng phạt với Dmitri Utkin, người sáng lập Wagner, nhóm an ninh tư nhân được cho là sẽ chiếm các giếng dầu lửa và khí đốt cho Evro Polis.
Trong thỏa thuận còn lại, công ty năng lượng Nga Stroytransgaz đã giành được quyền khai thác photpho ở miền trung Syria với điều kiện công ty này phải đảm bảo khu vực khai thác mỏ, hãng tin RBC Nga cho hay.
Theo RBC, Stroytransgaz, thuộc sở hữu của ông Gennady Timchenko hiện cũng đang bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt. Ông Gennady đã ký thỏa thuận với chính phủ Syria để giành quyền khai thác mỏ photpho vào lúc đó đang nằm dưới quyền kiểm soát của IS. Theo thỏa thuận này, bên quân sự tư nhân của Nga sẽ bảo vệ khu vực mỏ photpho này.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính binh lính Nga, Iran và Syria - chứ không phải là các công ty tư nhân - đã tiến hành các hoạt động hồi tháng 5, đánh đuổi IS ra khỏi khu vực khai thác mỏ, RBC cho biết.
Theo bài báo này, ngay sau khi ký kết thỏa thuận thương mại, một con tàu của Nga có đầy đủ các thiết bị khai thác đã cập bến tại thành phố cảng Tartus của Syria, nơi Nga đặt căn cứ hải quân, thậm chí ngay trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu.
Các quan chức Nga đã không bình luận công khai về thỏa thuận. Bộ Năng lượng Nga cũng không trả lời các câu hỏi bằng văn bản về thỏa thuận dầu lửa và khí đốt. Chủ sở hữu của Evro Polis cũng không trả lời email được gửi đến địa chỉ được khai trong hồ sơ của công ty.
Khi được hỏi trong một cuộc điện đàm với báo giới về thỏa thuận thương mại ở Syria, thư ký báo chí của điện Kremlin, ông Dmitri S. Peskov, tuyên bố: "Chúng tôi không kiểm soát hoạt động kinh doanh" của các công ty của Nga ở nước ngoài.
Nhà phân tích quân sự Konovalov cho biết chính phủ Syria sẵn sàng đổi tài nguyên lấy an ninh quốc gia.
“Họ là bên có lợi hơn trong hợp đồng này. Họ được chúng ta tham gia bảo đảm an ninh ở Syria và điều này mới thật sự đáng giá,” ông Konovalov nhận định.
Bài viết trên trang Fontanka cho rằng các nhà thầu an ninh Nga đã thực sự thực hiện theo hợp đồng, cố gắng đánh đuổi IS khỏi các giếng khí đốt ở gần Palmyra.
Trang Fontanka cũng cho biết thêm, hiện nay Nga cũng đang huấn luyện và chiến đấu cùng một đơn vị thuộc quân đội Syria mang tên “Thợ săn IS”.(Viettimes)
------------------------