Ông Trump sẽ có "hành động đặc biệt" sát biên giới Triều Tiên vào tháng 11?; Anh sẵn sàng sát cánh cùng Mỹ đánh Triều Tiên?; Triều Tiên đánh cắp kế hoạch chiến tranh của Hàn Quốc
Tin thế giới đáng chú ý tối 10-10-2017
- Cập nhật : 10/10/2017
Anh nhập nhanh tàu sân bay vì sợ sắp có chiến tranh?
Truyền thông Anh hôm nay (9-10) đồng loạt đưa tin chính quyền London đang chuẩn bị khả năng chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên bằng cách đưa tàu sân bay vào biên chế sớm hơn kế hoạch ban đầu.
Theo tờ Telegraph, nguyên nhân được cho là xuất phát từ những lo ngại Mỹ sẽ tiến hành đáp trả quân sự nếu Triều Tiên tiến hành thêm các vụ thử tên lửa khác trong thời gian tới.
Theo truyền thông thế giới, chính quyền Hàn Quốc và Mỹ mấy ngày gần đây liên tục trong tâm thế phòng bị với cảnh báo Triều Tiên có thể thử tên lửa vào ngày mai (10-10) - ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.
Những tuyên bố và cuộc khẩu chiến giữa Mỹ với Triều Tiên trước đó do tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào đã đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng, buộc giới chức Anh phải lập kế hoạch quân sự trong tình huống xảy ra xung đột, báo Telegraph nhận định.
Một trong những bước chuẩn bị là cân nhắc đưa vào hoạt động sớm hơn dự định tàu sân bay mới nhất của lực lượng Hải quân Anh - tàu HMS Queen Elizabeth, trước cả khi tiến hành các chuyến bay thử nghiệm trên tàu này.
Một quan chức cấp cao giấu tên nhấn mạnh rằng hải quân Anh có rất nhiều tàu khu trục hiện đại như Type-45 hoặc Type-23. Những con tàu này, cùng với HMS Queen Elizabeth - "sẵn sàng được triển khai nếu tình hình xấu đi".
Vị này so sánh việc đưa HMS Queen Elizabeth vào biên chế sớm cũng giống như chuyện đã từng đẩy nhanh tiến độ biên chế tàu HMS Illustrious trước Chiến tranh Falklands giữa Anh và Argentina năm 1982.
"Nhưng đó là trường hợp khi chúng tôi bảo vệ lãnh thổ của mình. Còn trong vụ này (chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên), Anh sẽ là một phần trong liên minh quốc tế và sẽ cân nhắc có thể đóng góp được gì", quan chức này nói tiếp.
Bộ Quốc phòng và hải quân Anh chưa đưa ra bình luận trước các thông tin của truyền thông.
Mỹ có toàn quyền bảo vệ lãnh thổ, người dân và các căn cứ của họ. Nhưng chuyện này không loại trừ chúng ta đâu, London gần Triều Tiên và các tên lửa của họ hơn Los Angeles"
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon
Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã kêu gọi tăng chi tiêu cho quân đội trong bối cảnh nước này đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ những quốc gia như Triều Tiên.
Là đồng minh của Mỹ, ông Fallon cho rằng nước Anh đang đối diện với nguy cơ từ tên lửa liên lục địa của Triều Tiên. (Tuoitre)
-----------------------
Nga củng cố tình thân với Serbia, ngăn bàn tay NATO
Nga và Serbia đang cho thấy mối gắn kết chặt chẽ giữa hai nước khi Nga tạo điều kiện hết mức cho Serbia mua vũ khí của mình.
Hãng tin Tass đưa tin, Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Tổng thống Serbia - Aleksandar Vucic đã có cuộc điện đàm bàn về vấn đề thắt chặt quan hệ giữa hai nước.
Ngoài ra, Vucic cũng cám ơn ông Putin về sự hợp tác chặt chẽ của hai nước, đồng thời Tổng thống Serbia cũng mời ông Putin đến dự lễ sinh nhật lần thứ 65 của mình.
"Tôi chào đón ông Putin đến dự lễ sinh nhật lần thứ 65 của mình, đồng thời cũng chúc ông ấy thật mạnh khỏe và thanh công trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mối quan hệ giữa Nga và Serbia", ông Vucic cho hay.
Báo chí Serbia còn cho biết, hai vị tổng thống này cũng hứa hẹn một cuộc gặp mặt chính thức sớm nhất để bàn về quan hệ của hai nước trong mọi lĩnh vực.
Trước đó Serbia cũng nhận được 6 máy bay MiG-29 từ Nga. Đây là những món quà miễn phí mà Moskva dành cho Belgrade, tuy nhiên ước tính chi phí đại tu lại 6 máy bay đã qua sử dụng này sẽ khiến Serbia phải tiêu tốn khoảng 200 triệu euro (235 triệu USD).
Trong chuyến công du hồi tháng 7 vừa qua, Trưởng Phòng Hợp tác Quân sự và Hợp tác Kỹ thuật Nga Dmitry Shugayev nói rằng Nga dự định hoàn thành việc đưa máy bay MiG-29 đến Serbia vào cuối năm 2017.
Ngoài máy bay chiến đấu Mikoyan, Serbia sẽ nhận được hỗ trợ từ Nga 30 xe tăng T-72 và 30 xe tăng do thám BRDM-2. Các nước cũng thảo luận về hệ thống BUK-M1, hệ thống BUK-M2 và hệ thống tên lửa phòng không Tunguska.
Việc Nga cũng cấp các loại vũ khí tối tân cho Serbia và việc 2 nước ký kết các văn bản hợp tác toàn diện diễn ra sau khi chính quyền Beograd đã có những hành động ủng hộ Nga rõ rệt, khi tuyên bố NATO không nên phong toả biên giới Nga, đồng thời cũng không ủng hộ cấm vận Nga.
Serbia tuyên bố, Nga không hề có bất kỳ mối đe dọa nào cho an ninh quốc tế, trong khi đó cuộc đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố hiện đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nên Mỹ và NATO cần tập trung vào lĩnh vực đó.
Giới bình luận nhận định, trong thời gian qua, Liên minh châu Âu và NATO đang tăng cường các động thái ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm lôi kéo chính quyền Belgrad ngả về phía mình, tạo dựng một khu vực Balkan không ảnh hưởng của Nga.
Do đó, trong thời gian qua Nga cũng tăng cường đầu tư kinh tế, viện trợ quân sự, kết hợp với các hoạt động ngoại giao nhằm lôi kéo nước này thoát khỏi vòng vòng tay của EU và NATO.
Chính sách khôn khéo của Nga tại Serbia đã mang lại hiệu quả khi nước này tuyên bố không gia nhập NATO và cân nhắc khởi kiện khối quân sự này vì tội ác chiến tranh.(Baodatviet)
---------------------------
Mỹ xem nhẹ bom xung điện từ của Triều Tiên?
Tờ The Hill gọi chuyện Ủy ban đánh giá các mối đe dọa xung điện từ tới nước Mỹ bị ngừng hoạt động vô thời hạn là "một thảm kịch an ninh quốc gia diễn ra trong lặng lẽ".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) được cho là nắm trong tay loại vũ khí có thể làm tê liệt hệ thống tài chính và mạng lưới điện của quốc gia bị tấn công - Ảnh chụp màn hình
Ngày 9-10, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa ra thông tin mang tính cảnh báo: Triều Tiên có thể sử dụng "bom điện từ" để làm tê liệt hệ thống liên lạc, mạng lưới điện và từ đó dẫn đến làm tê liệt hệ thống tài chính của Hàn Quốc.
Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ, đặt ra câu hỏi bom điện từ là gì và Triều Tiên đã chế tạo, sở hữu nó như thế nào.
Trên thực tế, ngày 3-9, báo Wall Street Journal của Mỹ đã dẫn lại tuyên bố của Bình Nhưỡng dọa sẽ sử dụng một bom xung điện từ (EMP) cực mạnh để tàn phá mạng lưới điện của nước Mỹ.
Nhưng thực tế đó đã không ngăn được chuyện ủy ban chuyên về EMP của Quốc hội Mỹ bị giải tán 3 tuần sau đó, bất chấp cảnh báo nước Mỹ chưa thực sự sẵn sàng cho một cuộc tấn công bằng EMP.
Được thành lập năm 2000, ủy ban về EMP là một tập hợp các nhà khoa học hàng đầu, các kỹ sư và những chuyên gia bảo mật không được trả lương.
"Họ làm việc không biết mệt mỏi để tìm hiểu, kiểm tra và đánh giá những nguy cơ đối với các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trên đất Mỹ trước EMP", trang The Hillcho biết.
Trong suốt 17 năm tồn tại, những khám phá của ủy ban đã dẫn tới kết luận rằng một vụ tấn công bằng EMP có thể dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng đối với mạng lưới điện quốc gia, các công trình dân dụng (bao gồm cả các nhà máy hạt nhân) hay thậm chí chính phủ liên bang.
"Tiếc thay, trong khi các rủi ro và những nguồn tạo ra EMP vẫn còn đó, công việc phổ biến kiến thức đến người dân và các lãnh đạo nước Mỹ đã chấm dứt" vì không được cấp thêm ngân sách.
Điều trớ trêu là chuyện này diễn ra chỉ 10 ngày sau khi tướng John E. Hyten, tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, cảnh báo nước Mỹ chưa thật sự chuẩn bị đủ để đối phó với một cuộc tấn công bằng EMP.
"Nó là một mối đe dọa nguy hiểm và rất thực tế. Nếu sử dụng một nguồn tạo ra EMP cao độ, điều dễ thấy nhất là đèn đóm trong mọi khách sạn sẽ tắt phụt, máy vi tính trở nên vô dụng, điện thoại không xài được, xe cộ đậu trong bãi sẽ như đồ bỏ... Đó là những gì một nguồn EMP sẽ làm", trang The Hill dẫn lời tướng Hyten.
Chúng ta phải có đủ khả năng để phản ứng, nhưng chúng ta đã không thèm đếm xỉa tới nó. Những ảnh hưởng của EMP có thể tác động tới cả lục địa và mất hàng tháng trời để khắc phục"
Tướng John E. Hyten, tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ
Trên thực tế, ngoài những khuyến nghị và cảnh báo, nỗ lực can thiệp sâu vào vấn đề an ninh của Ủy ban về EMP đã bị ngăn cản.
NERC và FERC - hai ủy ban về năng lượng của Mỹ, đã cố gắng giữ nguyên hiện trạng và "đặt 90% người Mỹ trong nguy cơ bị ảnh hưởng" nếu xảy ra một vụ tấn công bằng EMP, trang The Hill viết.
Viễn cảnh cuộc sống hiện đại ở nước Mỹ không có điện thật sự rất khó khăn. Điều đó đã thể hiện rất rõ qua các trận bão đổ bộ gần đây vào nước Mỹ khiến nhiều khu vực mất điện trong nhiều ngày liền.
Việc ủy ban về EMP bị giải tán, vô hình trung đã trở thành một chiến thắng của Triều Tiên trước Mỹ, The Hill bình luận.
Nhiệm vụ của chính phủ là đảm bảo sự sống của người dân. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ của ủy ban EMP trong khi giới lãnh đạo ngày càng sao nhãng, các lỗ hổng của nước Mỹ sẽ ngày càng tăng và sẽ bị tận dụng, khai thác"
The Hill
Theo The Hill, lời đe dọa của Triều Tiên có thể là lời nói suông, nhưng rất ít chuyên gia quốc phòng phủ nhận các học thuyết quân sự của Nga hay Trung Quốc - những nước chủ trương sử dụng EMP như là một trong những đòn tấn công phủ đầu nước Mỹ.(Tuoitre)
-------------------------