Nga xây hầm ngầm chứa 10.000 người dưới điện Kremlin phòng chiến tranh?; Mỹ sẽ bán hệ thống tên lửa Patriot cho Romania; Vì sao CNN tung tài liệu hạ bệ Qatar?; Trung Quốc bắt giữ 35 người Nhật với cáo buộc lừa đảo
Tin thế giới đáng chú ý tối 12-07-2017
- Cập nhật : 12/07/2017
Trung Quốc dùng bàn tính gẩy phát triển tàu ngầm hạt nhân đầu tiên
Một nhà khoa học Trung Quốc vừa tiết lộ rằng chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này được phát triển với sự hỗ trợ của bàn tính gẩy.
Chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc đang được trưng bày tại một viện bảo tàng hải quân ở thành phố Thanh Đảo CHỤP TỪ NHÂN DÂN NHẬT BÁO
Bàn tính gẩy của Trung Quốc xuất hiện vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên. Những bàn tính truyền thống thường được làm bằng khung tre với nhiều hạt có thể được đẩy lên hoặc xuống. Những người sử dụng điêu luyện bàn tính gẩy ngày nay có thể thực hiện các phép tính nhanh như sử dụng máy tính điện tử.
Ông Hoàng Húc Hoa, thiết kế trưởng của chiếc tàu ngầm nói trên, cho hay ông còn giữ lại một trong số bàn tính gẩy đã được đội ngũ của ông sử dụng cách đây gần 60 năm. Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Hoàng khẳng định nhiều dữ liệu quan trọng trong quá trình phát triển tàu ngầm ra đời từ những công cụ cổ điển này.
Ông Hoàng được gọi là cha đẻ của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc, từng làm việc cho Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) và kể rằng công ty này từng có nhiều đội tính toán dùng bàn tính gẩy.
Trong khi đó, chuyên gia Trương Cẩm Lam đang làm việc về các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tại CSIC khẳng định đối với những nhà thiết kết hiện nay, dùng bàn tính gẩy cho việc đóng tàu là “nhiệm vụ bất khả khi”. Ông Trương lập luận công việc đóng tàu ngày nay không phải chỉ dùng những phép tính đơn giản như cộng trừ nhân chia mà liên quan đến thuật giải và mô hình toán học phức tạp.
Tuy nhiên, ông Hoàng nhấn mạnh bằng cách tính toán bằng tay, ông và các đồng nghiệp đã có thể vượt qua nhiều vấn đề kỹ thuật đầy thách thức và họ đã cho ra thành công 5 bản thiết kế đầu tiên chỉ trong 3 tháng.
Chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc mang tên Trường Chinh 1 được bắt đầu thiết kế, phát triển từ thập niên 1960, hoàn tất vào năm 1970 và biên chế 4 năm sau đó. Tàu “nghỉ hưu" vào năm 2013 và hiện được trưng bày tại một viện bảo tàng hải quân ở thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông.(Thanhnien)
--------------------------
Ông Trump khó bẻ lái quan hệ Nga-Mỹ
Ngày 9-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter khẳng định đã cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn luận khả năng thành lập “một đơn vị an ninh mạng chung” để đối đầu các vụ tấn công mạng, chẳng hạn như hoạt động can thiệp bầu cử. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, ông lại lên Twitter tuyên bố rút lại đề xuất này vì nghĩ nó khó có khả năng thực hiện được.
“Lệch pha”
Vụ việc đã phần nào thể hiện sự “lệch pha” trong nội bộ Washington về các chính sách đối với Moscow. Tổng thống Trump mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc nhưng những cấp dưới của ông và phần lớn giới lãnh đạo Mỹ dường như vẫn chưa muốn điều này xảy ra. Những tuyên bố của ông Trump và các khẳng định của cấp dưới về tương lai mối quan hệ Nga-Mỹ là hai bức tranh hoàn toàn trái ngược.
Tại cuộc họp ngày 7-7 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tổng thống Mỹ đã khẳng định việc gặp gỡ người đồng cấp phía Nga là một “vinh dự” lớn. Cái bắt tay niềm nở và cuộc thảo luận vượt khung giờ gần hai tiếng cho thấy họ rất muốn mối quan hệ hai nước sang trang. Ông Putin sau đó trả lời báo chí rằng Tổng thống Trump có vẻ đã tin Nga không dính đến bầu cử Mỹ, theo The Guardian.
Cuộc thảo luận cũng đã mang lại kết quả thực chất. Một thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập các vùng giảm xung đột ở khu vực Tây Nam Syria được công bố, với Nga và Mỹ đóng vai trò trung gian then chốt. Tính đến ngày 10-7, tức một ngày sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực, chưa có động thái vi phạm nào được ghi nhận, theo Reuters. “Đây là lúc để bước tiếp và hợp tác mang tính xây dựng với phía Nga” - ông Trump khẳng định trên tài khoản Twitter ngày 9-7 (giờ Mỹ).
Thế nhưng các phát ngôn khác từ giới lãnh đạo Washington lại không mang thông điệp “bước tiếp” như ông Trump kêu gọi. Trả lời CNN, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley tái khẳng định cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Người đại diện của Washington tại LHQ còn đi xa hơn khi cáo buộc Nga đang can thiệp tại nhiều nước khác. “Chúng tôi không thể tin Nga và chúng tôi sẽ không bao giờ tin Nga” - bà Haley nhấn mạnh. Trả lời Fox News, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus khẳng định: “Tổng thống không hề tin lời phủ nhận của Tổng thống Putin”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định Mỹ sẽ không bao giờ tin tưởng Nga. Ảnh: AFP
Không lâu sau khi ông Trump tiết lộ ý tưởng hợp tác với Nga đảm bảo an ninh mạng, nhiều thượng nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích. Ông John McCain lên kênh truyền hình CBS chế giễu ý tưởng: “Đương nhiên ông Putin sẽ rất hữu ích, vì chính ông ấy chỉ đạo tin tặc”. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói hợp tác với Nga về an ninh mạng chả khác gì hợp tác với Syria về chống vũ khí hóa học. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, bà Linsey Graham, chỉ trích ý tưởng hợp tác an ninh mạng với Nga “gần như là điều ngớ ngẩn nhất tôi từng nghe”.
Lực cản từ “sân nhà”
Học giả hàng đầu về quan hệ Nga-Mỹ Matthe Rojansky, Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson (Mỹ), đánh giá cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin đã mang lại lợi ích cho cả hai nước. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn chưa thể tháo gỡ những rào cản then chốt để bình thường hóa quan hệ.
Viết trên tạp chí National Interest, ông Rojansky nhận định: “Đối với ông Trump, cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin là cơ hội để thúc đẩy ít nhất hai lời hứa trong giai đoạn tranh cử và mới nhậm chức”. Tổng thống Trump đã từng cam kết sẽ cải thiện quan hệ với Nga. Ông cũng từng nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Nga-Mỹ trong kiểm soát cuộc khủng hoảng Syria và mở rộng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Còn đối với Tổng thống Putin, cuộc gặp cho ông cơ hội để “đóng chiếc đinh cuối cùng lên “quan tài” chôn vùi chính sách cô lập nước Nga của chính phủ Mỹ tiền nhiệm” - theo Rojansky.
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga-Mỹ khó có thể cải thiện nhanh chóng khi còn có quá nhiều vấn đề bất đồng. Không những thế, áp lực từ các vấn đề chính trị nội bộ hai nước sẽ ngăn Moscow và Washington đột ngột quay trở lại thân thiện. Đối với Mỹ là áp lực từ các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016. Còn đối với chính phủ ông Putin, áp lực từ các cuộc bầu cử sắp đến buộc Kremlin duy trì lập trường mạnh mẽ.(PLO)
----------------------
Ấn Độ cắm quân dọc biên giới Trung Quốc
Quân đội Ấn Độ đã sẵn sàng năng lực quân sự để bảo vệ lập trường của nước này trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại khu vực Doklam, bất chấp Trung Quốc (TQ) gia tăng yêu cầu New Delhi rút quân.
Theo NDTV, New Dehli triển khai binh sĩ tới khu vực Doklam và cho dựng cả lều trại cho thấy không có khả năng quân Ấn Độ chịu rút lui trừ phi binh lính TQ cũng làm điều tương tự. Kịch bản cả hai bên cùng rút lui có thể sẽ là giải pháp duy nhất để chấm dứt xung đột hiện nay.
Biên phòng Ấn Độ cản trở binh lính TQ tại Doklam bằng cách áp sát người nhưng không “động thủ” bằng tay chân để tránh xô xát. Ảnh: NDTV
Các nguồn tin chính thức cho biết quân đội Ấn Độ còn thiết lập và duy trì một đường tiếp tế trực tiếp đến địa điểm đóng quân tại Doklam. Theo NDTV, đơn vị cắm tại Doklam sẽ tỉnh táo và không dễ dàng khuất phục trước bất cứ sức ép nào từ phía TQ. Tuy nhiên, New Dehli cũng tự tin sẽ tìm ra giải pháp ngoại giao cho xung đột lần này, tương tự như các lần đối mặt trước đó giữa hai nước tại khu vực Hymalaya.
Bắc Kinh đến nay vẫn tiếp tục giữ lập trường không chấp nhận “thỏa hiệp” và mọi “quyết định đều phụ thuộc vào Ấn Độ”. Song phía New Delhi tin nước láng giềng sẽ sớm nhận thức rõ các hành động đơn phương sẽ không thể xoa dịu căng thẳng. Năm 2012, cả hai nước đã nhất trí một cơ chế giải quyết xung đột biên giới thông qua tham vấn ở nhiều cấp độ.
Xung đột gần ngã ba biên giới Bhutan - Ấn Độ - TQ đã kéo dài hơn ba tuần qua, châm ngòi khi TQ đơn phương cho xây một con đường ở khu vực còn tranh chấp với Bhutan. New Delhi cũng đã phát thông điệp tới Bắc Kinh rằng hành động đơn phương sẽ làm thay đổi đáng kể nguyên trạng và gây ra những hậu quả an ninh trầm trọng cho Ấn Độ.(PLO)
------------------------
Nga dọa trục xuất 30 nhà ngoại giao Mỹ
Nga sẵn sàng trục xuất khoảng 30 nhà ngoại giao Mỹ và đóng băng một số tài sản Mỹ để trả đũa lệnh trừng phạt của Washington.
Cơ sở của Nga tại Long Island, New York bị ra lệnh đóng cửa. Ảnh chụp ngày 30/12/2016. Ảnh: Reuters.
"Đang có thoả thuận sơ bộ về việc tổ chức họp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon tại thành phố St. Petersburg. Nếu không đi đến thoả hiệp ở đó, chúng tôi sẽ phải thực hiện những biện pháp này", báo Izvestiya hôm nay đăng tin, dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nga.
Phát biểu trên đài truyền hình Rossiya 24, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm nay cho rằng "thật đáng hổ thẹn khi Mỹ treo chủ đề này lơ lửng trên không". Ông cho rằng chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama đã cố "đầu độc quan hệ Mỹ - Nga đến mức tối đa" khi ra quyết định tháng 12 năm ngoái.
Moscow đang cân nhắc các biện pháp trả đũa, Lavrov nói và cho biết Nga sẽ không công khai thảo luận về các bước được lên kế hoạch.
Năm 2016, Obama đột ngột ra lệnh đóng cửa hai cơ sở ngoại giao Nga ở bang Maryland và Long Island, cho rằng chúng bị "nhân viên Nga dùng vì mục đích liên quan đến tình báo".
Ngoài động thái trên, ông còn ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga để phản ứng trước điều giới chức Mỹ cho là sự can thiệp mạng của Moscow vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ mọi hành động sai trái và tuyên bố này tiếp tục được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức. Vấn đề cơ sở ngoại giao Nga cũng được nêu lên trong cuộc gặp giữa hai lãnh đạo, theo truyền thông Nga. (Vnexpress)