Nga tập trận rầm rộ với Belarus, NATO báo động; Tử chiến đôi bờ Euphrates: Đua song mã; Ấn Độ định mua 6 tàu ngầm Nhật đối phó Trung Quốc
Tin thế giới đáng chú ý tối 14-09-2017
- Cập nhật : 14/09/2017
Mỹ cảnh báo trừng phạt nếu Trung Quốc không hợp tác
Mỹ cảnh báo sẽ áp thêm trừng phạt lên Trung Quốc nếu Bắc Kinh không hợp tác thực thi nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
“Nếu Trung Quốc không làm theo nghị quyết trừng phạt mới, chúng tôi sẽ áp thêm trừng phạt lên họ, đồng thời ngăn họ tiếp cận hệ thống tiền đôla của Mỹ và quốc tế. Điều đó khá quan trọng” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo trong một hội nghị được phát sóng trên kênh truyền hình CNBC ngày 12-9.
Hồi tháng 6, Mỹ đã liệt Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc vào danh sách đen vì là một “mối lo ngại rửa tiền hàng đầu” có liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo ông Mnuchin, động thái này là chưa từng có tiền lệ. “Tôi nghĩ chúng ta tuyệt đối phải bắt Trung Quốc thay đổi. Tôi cho rằng động thái nhất trí hôm qua của họ là mang tính lịch sử” - quan chức Mỹ nhấn mạnh.
Ngày 11-9, Trung Quốc cùng 14 thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt lần 9 để phản ứng với vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên hôm 3-9. Lệnh trừng phạt lần này đánh mạnh vào nguồn dầu được nhập vào Triều Tiên.
“Tôi rất hài lòng với nghị quyết vừa được thông qua. Đây là một trong số những lệnh trừng phạt mạnh nhất. Hiện chúng ta có nhiều công cụ hơn và chúng ta sẽ tiếp tục dùng chúng để áp thêm trừng phạt lên Triều Tiên cho đến khi nào họ ngừng cách cư xử như thế này” - ông Mnuchin nói.
Liên quan tới câu hỏi liệu việc áp trừng phạt lên Trung Quốc có thể gây tổn hại các ngành kinh doanh của Mỹ hay không, ông Mnuchin nhấn mạnh mối lo ngại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay là Triều Tiên và an ninh.
Nghị quyết trừng phạt mới cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, cấm nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở mức 2 triệu thùng/năm và hạn chế nhập khẩu dầu thô ở mức 4 triệu thùng/năm. Các quan chức Mỹ ước tính động thái trên sẽ giúp giảm 30% lượng dầu được nhập vào Triều Tiên.(PLO)
--------------------------------
Nga-Mỹ muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân
Hiệp ước New START sẽ hết hạn vào tháng 2.2018, và hai cường quốc hạt nhân muốn tiếp tục duy trì giới hạn về số đầu đạn đang sở hữu.
Theo RT, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp giữa thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon tại Phần Lan hôm 12.9.
Sau cuộc gặp, ông Ryabkov cho hay hai bên đã tập trung bàn về việc tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận cho đến khi kết thúc vào ngày 5.2.2018.
“Nga và Mỹ đã thống nhất không vi phạm các yêu cầu trong thỏa thuận”, ông Ryabkov nói và cho biết thêm rằng phía Mỹ tỏ thái độ “nghiêm túc và trách nhiệm” đối với vấn đề này.
Bên cạnh đó, Moscow và Washington cũng bắt đầu đàm phán về khả năng gia hạn hiệp ước ở cấp độ cao hơn.
Theo ông Ryabkov, hai bên sẽ tiếp tục họp trong thời gian sắp tới để thảo luận về “phương diện kỹ thuật trong việc áp dụng hiệp ước”.
Hiệp ước New START được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký vào năm 2010 với lộ trình giảm vũ khí hạt nhân trong vòng 7 năm tính từ tháng 2.2011.
Theo đó, mỗi bên chỉ được phép sở hữu tối đa tổng cộng 800 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược. Trong khi đó, giới hạn số đầu đạn hạt nhân được trang bị của mỗi bên là 1.550. Hai bên cũng phải trao đổi thông tin về việc sở hữu vũ khí hạt nhân.(Thanhnien)
----------------------
Mỹ cân nhắc biện pháp mạnh đối phó Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp mạnh mẽ hơn để đối phó với Iran và “đồng minh” của nước này ở Iraq và Syria.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết đề xuất sử dụng biện pháp mạnh mẽ để đối phó với Iran đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và các quan chức hàng đầu khác chuẩn bị.
Tăng áp lực lên Tehran
Kế hoạch mới nhằm tăng áp lực lên Tehran hạn chế các chương trình tên lửa đạn đạo và hỗ trợ các phiến quân đã được trình bày với Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm 8-9. Theo nguồn tin của hãng tin Reuters ngày 12-9, đề xuất trên có thể được phê duyệt và công bố trước cuối tháng này.
“Đó là một chiến lược chung để giải quyết hàng loạt động thái nguy hiểm của Iran như hỗ trợ tài chính, hậu thuẫn phiến quân khủng bố, làm tăng bất ổn trong khu vực, đặc biệt là ở Syria, Iraq và Yemen” - hãng Reuters dẫn một nguồn tin cấp cao giấu tên trong nội bộ chính quyền Mỹ.
Đề xuất bao gồm việc Mỹ can thiệp mạnh mẽ hơn tình trạng Iran cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân ở Yemen và Ai Cập. Kế hoạch cũng đề nghị Washington phản ứng mạnh mẽ hơn ở Bahrain và vấn đề người Hồi giáo Shi’ite. Gói đề xuất cũng đề cập đến vấn đề gián điệp không gian mạng, khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân và một số hoạt động an ninh khác.
Một buổi diễn tập phóng tên lửa đạn đạo Emad của Iran với tầm bắn 1.700 km. Ảnh: AFP
Xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran
Các quan chức Nhà Trắng khẳng định chính quyền của ông Trump vẫn đang tranh luận về lập trường mới trong thỏa thuận với Iran do cựu Tổng thống Barack Obama phê duyệt hồi năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Bản dự thảo mới của các quan chức cấp cao yêu cầu ông Trump xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn nếu Iran vi phạm thỏa thuận năm 2015. Ngoài ra, các lực lượng hải quân Mỹ có thể sẽ có biện pháp mạnh hơn để đối phó với sự quấy nhiễu của tàu Iran.
Tuy nhiên, theo Reuters, bản kế hoạch này sẽ không bao gồm các biện pháp gia tăng hoạt động quân sự của Mỹ ở Syria và Iraq. Các quan chức trong chính quyền ông Trump khẳng định cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở khu vực.
Washington hồi năm 2016 đã giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhắm vào Tehran như một phần của thỏa thuận nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp diễn vì chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và tình hình chiến sự Trung Đông.(PLO)
-----------------------------
Tổng thống Putin bắt tay, trò chuyện với robot
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tham dự một sự kiện triển lãm công nghệ diễn ra tại thành phố Perm, thuộc trung tâm Perm Krai, nước Nga thì gặp một chú robot thông minh và cả hai đã có đôi phút chuyện trò.
Nhờ vào chức năng nhận diện khuôn mặt được lập trình sẵn, chú robot nhanh chóng nhận ra được yếu nhân và ngay lập tức chặn vị tổng thống lại. "Xin chào ông Vladimir Vladimirovich. Tôi là một Promobot. Rất vui được gặp ông" - robot nhã nhặn chào hỏi Tổng thống Putin.
Đáp lại sự chào đón nồng nhiệt của chú robot, tổng thống nga đã bắt tay nó. Khoảnh khắc này đã được giới báo chí ghi lại.
Hình ảnh Tổng thống Nga Putin bắt tay Promobot. Ảnh: CEN
Được biết Promobot là loại robot thông minh được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng có khả năng học hỏi và bản tính độc lập cao nên thường được dùng thay thế người chỉ dẫn, trợ tá ngân hàng và có nhiệm vụ bán hàng tại các địa điểm trên lãnh thổ Nga.
Cơ sở dữ liệu của Promobot cho phép lưu trữ hình ảnh và thông tin cá nhân của các khách hàng thường xuyên mua sắm cũng như hồ sơ của những nhân vật “tầm cỡ” mà ông Putin là một ví dụ.
Bằng việc nhận ra người đối diện là ai, Promobot có thể chỉnh sửa hội thoại nhằm cá nhân hóa cuộc trò chuyện và giúp đỡ với khách hàng. Nó là sản phẩm của nhóm 20 kỹ sư tại Perm và đang là một trong những thành tựu đáng tự hào của đất nước này.
Video quay lại cảnh Promobot đã đưa tay giữ lấy kệ sách để nó không đổ sập vào cô bé. Ảnh: CEN
Hai tháng trước, các nhà phát triển Promobot đã chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh Promobot dường như đã lao vào cứu một bé gái nhỏ không bị kệ sách đổ xuống đè lên, một hành vi được cho là do robot tự học được. Tuy nhiên, đã có hai trường hợp robot loại này tự trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm công nghệ cao, dấy lên nỗi sợ hãi về một sự xâm lăng của robot trong tương lai.
Hiện Promobot đã được bán trên toàn cầu với giá từ 20.000 USD/robot.(PLO)