Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. KIm Jong Un tươi cười ăn mừng phóng tên lửa thành công
Tin thế giới đáng chú ý tối 16-05-2017
- Cập nhật : 16/05/2017
Tổng thống Putin nói gì về vụ mã độc tấn công 'tống tiền' toàn cầu?
Trong bối cả thế giới đang lo ngại về vụ mã độc tấn công mạng máy tính toàn cầu trong những ngày qua thì Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ đưa ra những nhận định đang chú ý.
Theo kênh truyền hình RT, phát biểu khi có mặt tại Bắc Kinh, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Đội quản lý của Microsoft đã khẳng định loại virus đó bắt nguồn từ các cơ quan tình báo Mỹ”. Sau đó ông cho biết cuộc tấn công mạng lần này cần phải được thảo luận trên phương diện chính trị.
Tổng thống Putin cho rằng vụ phát tán loại virus lây nhiễm qua Internet đã cho mọi người thấy chúng có thể “phản tác dụng đối với những người đã phát triển và tạo ra chúng”, trong đó bao gồm các cơ quan tình báo.
Vụ tấn công mã độc ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn máy tính trên thế giới lần này sẽ là động lực để thúc đẩy cộng đồng quốc tế ứng phó an ninh mạng trên “mức độ chính trị cao nhất”.
Năm ngoái, Moskva đã đề xuất bàn luận về các mối đe dọa an ninh mạng với Washington với mục đích soạn dự thảo về một thỏa thuận song phương, song không có kết quả. “Rất tiếc họ từ chối lời đề nghị của chúng ta”, Tổng thống Putin chia sẻ.
Ông giải thích: “Chính quyền lúc đó nói với chúng tôi rằng họ rất hứng thú với việc đạt được thỏa thuận một lần nữa, nhưng thực sự chưa xảy ra bất kỳ một điều gì”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh mặc dù vụ tấn công mạng này chưa ảnh hưởng nặng đến cơ sở hạ tầng hay hệ thống mạng sử dụng trong các ngân hàng hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Nga, song nó vẫn là một vấn đề đáng phải quan tâm.
Vụ phát tán phần mềm độc hại có tên gọi Wanna Cry (Wanna Crypt) bắt đầu từ hôm thứ Sáu (12/5). Theo một số chuyên gia an ninh mạng, phần mềm độc hại này tự phát tán qua việc khai thác một phần bộ mã được cho là của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) có tên “Eternal Blue” bị đánh cắp và công khai trong tháng trước bởi nhóm tin tặc Shadow Brokers.
Loại mã độc "tống tiền" Wanna Cry - có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows của Microsoft Corp. Người sử dụng mạng một khi có máy tính dính mã này sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi họ trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin, từ 300-600 USD.
Ngày 14/5, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith đã cáo buộc Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm một phần về vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu. Ông Smith, người cũng là trưởng tư vấn pháp lý của Microsoft, đã chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Cục Tình báo Trung ương (CIA) và NSA, "tích trữ" các mã mềm có thể bị tin tặc lợi dụng.(Baotintuc)
--------------------------------------------
NATO tập trận quy mô cách biên giới Nga 50 km
Hàng nghìn binh sĩ NATO hôm qua bắt đầu cuộc tập trận quân sự chung tại một thành phố thuộc Ba Lan, ngay sát biên giới Nga.
Hơn 2.500 binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ngày 15/5 bắt đầu cuộc tập trận quân sự chung mang tên Puma tại thành phố Orzysz, Ba Lan, cách biên giới Nga 50 km, theo Sputnik.
Hãng thông tấn PAP của Ba Lan xác nhận cuộc tập trận sẽ kéo dài 10 ngày với sự tham gia của nhiều xe tăng, thiết giáp chở quân, pháo hạng nặng cùng các hệ thống phòng không hiện đại.
Tình huống đặt ra trong cuộc tập trận là chống lại một cuộc xâm lược bất ngờ và tái chiếm những vùng lãnh thổ rơi vào tay địch trong giai đoạn đầu cuộc chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 14/5 cho biết NATO cũng đang lên kế hoạch triển khai tập trận quân sự nhằm đáp trả cuộc tập trận Zapad-2017 do Nga và Belarus phối hợp thực hiện trong tháng 9.
Trong tháng ba, NATO cũng điều khoảng 8.000 binh sĩ đến khu vực Finnmark, miền bắc Na Uy, cách biên giới Nga 160-300 km, để tham gia cuộc tập trận quân sự chung Joint Viking 2017.
Theo Bộ Quốc phòng Na Uy, cuộc tập trận có sự tham gia của quân đội ba nước Anh, Mỹ và Na Uy nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và xử lý khủng hoảng.
Quan hệ giữa Nga và NATO trở nên căng thẳng sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea. NATO đã tăng cường sự hiện diện quân sự bằng các đợt triển khai quân luân phiên tại các quốc gia thành viên giáp biên giới với Nga.(Vnexpress)
-----------------------------
Hậu quả nếu Trump khoe tin tình báo tuyệt mật với Nga
Nếu việc tiết lộ thông tin mật với quan chức Nga là có thật, Trump có thể gây tổn hại đến đồng minh cũng như uy tín của chính Tổng thống Mỹ.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak tại Phòng Bầu dục hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã tiết lộ những thông tin tình báo tuyệt mật có thể gây ra hậu quả lớn với chính ông, nước Mỹ và các đồng minh, theo Washington Post.
Phóng viên Greg Miller và Greg Jaffe của tờ báo này dẫn các nguồn tin riêng cho biết đây là những thông tin mật do một đối tác của Mỹ cung cấp, về âm mưu sử dụng laptop trong các vụ tấn công khủng bố của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thông tin mật này được gửi tới Mỹ qua mạng lưới chia sẻ tình báo, chứa đựng những yếu tố nhạy cảm đến mức các chi tiết của nó vẫn chưa được tiết lộ với các quốc gia đồng minh, thậm chí bị hạn chế lưu hành trong nội bộ chính phủ Mỹ.
Những thông tin mật mà Trump tiết lộ với Ngoại trưởng Nga còn có cả những thông tin mà Moscow có thể sử dụng để giảm bớt nguồn lực hoặc phương pháp trong thu thập thông tin tình báo trên chiến trường Trung Đông, các quan chức Mỹ cho biết.
Ông Trump có thể đã nói với phía Nga tên thành phố nằm dưới sự kiểm soát của IS, nơi đối tác của Mỹ đã phát hiện mối đe dọa. Các chuyên gia tình báo cho rằng đây là những thông tin rất nhạy cảm, có thể giúp phía Nga xác định được địa bàn hoạt động cũng như khả năng thu thập tin tức tình báo của đối tác có liên quan.
Đây cũng là những thông tin có giá trị rất cao, bởi chúng có thể trở thành nguồn tình báo để quân đội Nga hoạt động tại Syria, thậm chí Moscow có thể sẽ đặt ưu tiên lớn để xác định hay cản trở mạng lưới tình báo này.
Cộng đồng tình báo Mỹ từ lâu đã thừa nhận những khó khăn trong việc xây dựng mạng lưới tình báo con người tại các vùng đất do IS chiếm đóng, khi Mỹ và đồng minh không có nhiều sự hiện diện trên mặt đất, còn mối quan hệ với các bộ tộc địa phương gần như đã bị cắt đứt kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq vào năm 2011. Nhiều chiến dịch đột kích giải cứu con tin của đặc nhiệm Mỹ ở Iraq và Syria đã thất bại vì thiếu thông tin tình báo trên mặt đất.
Washington Post cho biết đối tác chia sẻ thông tin tình báo trên chưa cho phép Mỹ tiết lộ nó với Nga và các quan chức Nhà Trắng cho rằng quyết định của ông Trump có thể gây tổn hại tới mối quan hệ với một đồng minh trong cuộc chiến chống IS.
Chiến trường Iraq và Syria đang là một khu vực rất phức tạp, với sự hiện diện không chỉ của Nga, Mỹ mà còn rất nhiều cường quốc trong khu vực như Israel, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ… Các đồng minh của Mỹ trong khu vực ngày càng tỏ ra bất an với sự tăng cường hiện diện về quân sự và chính trị của Nga ở Syria, nên thông tin Trump tiết lộ tin tình báo tuyệt mật với các quan chức Nga có thể khiến nỗi lo lắng đó càng lớn hơn, theo bình luận viên David Graham của Atlantic.
Ảnh hưởng uy tín
Trong câu chuyện do Washington Post đăng tải, Graham nhận thấy việc Trump tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật cho phía Nga không phải là một hành động có tính toán từ trước, mà đơn thuần chỉ là một "sai sót khờ khạo".
Theo Graham, từ khi nhậm chức, Trump luôn bị ám ảnh bởi những ý kiến rằng ông không giành được đa số phiếu phổ thông nên không đủ tư cách lãnh đạo nước Mỹ. Ông luôn tìm cách bảo vệ tính chính danh và tầm quan trọng của mình trước dư luận, kể cả với các quan chức nước ngoài. Có vẻ như Trump đã coi cuộc gặp với Lavrov trong Nhà Trắng là một trong những cơ hội như vậy để thể hiện quyền lực của mình, bằng cách đưa ra những thông tin mật có thể khiến đối phương "tròn mắt".Bài báo của Washington Post có những câu trích dẫn trực tiếp, khiến nhiều quan sát viên cho rằng những thông tin mà Trump khoe với Lavrov và Kislyak nhiều khả năng được trích ra từ một bản báo cáo được Tổng thống Mỹ đưa ra để chứng minh với các quan chức Nga về chất lượng thông tin tình báo mà ông có được. "Tôi có thông tin tình báo rất tuyệt vời. Người ta báo cáo cho tôi những tin tình báo rất hay mỗi ngày", một quan chức Mỹ dẫn lại lời Trump trong cuộc gặp.
Tuy nhiên, nếu thực hiện hành động này, Trump có thể tự đẩy mình vào tình thế khiến cộng đồng tình báo Mỹ cùng các chính trị gia nước này hoài nghi hơn vào năng lực điều hành của ông, cũng như mối quan hệ giữa ông với Nga, vốn đang bị FBI điều tra. Ở phương diện rộng hơn, cách làm của Trump có thể hủy hoại mối quan hệ tình báo của Mỹ trên khắp thế giới, tiềm ẩn nguy cơ làm tổn hại an ninh quốc gia.
Các quan chức tình báo Mỹ lo ngại rằng sau khi thông tin trên bị tiết lộ, các đồng minh có thể sẽ ngừng hoặc giảm bớt mức độ chia sẻ những thông tin tình báo nhạy cảm với Mỹ nhằm bảo vệ các mạng lưới tình báo quý giá của mình.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm ngoái, khi hai ứng viên được tình báo Mỹ báo cáo những thông tin mật cơ bản, thượng nghị sĩ Harry Reid khi đó đã kêu gọi các lãnh đạo tình báo cung cấp thông tin không có thật cho Trump, bởi "người đàn ông này quá nguy hiểm, các ông không thể cung cấp bất cứ thông tin nào cho ông ta". "Có vẻ như nỗi lo lắng rằng Trump chưa đủ tin cậy để được giao phó các thông tin mật không phải không có cơ sở, chỉ là chúng được đưa ra hơi sớm", Graham bình luận.(VNexpress)
----------------------------
Tổng thống Ba Lan đề xuất tăng ngân sách quốc phòng
Đài phát thanh Ba Lan ngày 16/5 đưa tin, trong cuộc trả lời phỏng vấn của tuần báo wSieci, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định đặt vấn đề an ninh là ưu tiên hàng đầu.
Theo ông, Ba Lan cần tiếp tục tăng chi tiêu cho quốc phòng, thậm chí cao hơn mức 2% GDP theo cam kết với NATO.
Ông Duda nhấn mạnh Ba Lan cần nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng quân đội, mua sắm thêm vũ khí, phương tiện và huấn luyện, đào tạo binh sỹ. Ông Duda cho rằng đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn đối với Chính phủ của đảng Luật pháp và Công lý, do thời kỳ của chính phủ tiền nhiệm quân đội nước này rơi vào “tình trạng tồi tệ”. Tổng thống Duda khẳng định quân đội Ba Lan cần phải được “xây dựng lại, trong đó có việc tăng thêm số lượng binh sỹ”.
Ba Lan là một trong số ít quốc gia ở châu Âu có ngân sách quốc phòng đạt 2% GDP theo quy định của NATO. Việc tăng ngân sách quốc phòng là xu hướng chung của các nước Trung Âu trong những năm gần đây. Theo báo cáo tháng 4/2017 của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng của các nước Trung Âu tăng 2,6% trong năm ngoái, mức cao nhất nếu tính theo tỉ lệ dân số khu vực này.(TTXVN)
------------------------------