Tình báo Mỹ tố UAE dựng chuyện chống Qatar; Trung Quốc thử nghiệm UAV bay được 10.000 km; Mật vụ và luật sư đấu khẩu về cuộc gặp của con trai Tổng thống Trump; Israel phản đối thỏa thuận ngừng bắn ở Syria của Nga và Mỹ
Tin thế giới đáng chú ý tối 17-07-2017
- Cập nhật : 17/07/2017
Cựu bí thư Trùng Khánh bị điều tra sau khi mất chức
Ông Tôn Chính Tài, người mới thôi chức bí thư ở Trùng Khánh, đang bị điều tra do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Ông Tôn đang bị điều tra do tình nghi "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", thuật ngữ thường được Trung Quốc sử dụng để chỉ các trường hợp bị cáo buộc tham nhũng, Reuters hôm nay dẫn tin từ một nguồn tin giấu tên cho biết.
Theo nguồn tin, quyết định này do ông Triệu Lạc Tế, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, công bố tại cuộc họp ở Trùng Khánh. Khi nghe thông báo điều tra, ông Tôn đã chấp nhận đánh giá của cơ quan giám sát chống tham nhũng mà không có ý kiến gì. Tuy nhiên, đây mới là cuộc "điều tra đối thoại", chưa phải điều tra chính thức.
Một nguồn tin khác cho hay ông Tôn bị điều tra do "vi phạm kỷ luật chính trị", nhưng "vẫn là một ủy viên của Bộ chính trị Trung Quốc".
Trung Quốc hôm 15/7 bất ngờ thông báo ông Tôn không còn là bí thư của Trùng Khánh, người thay thế ông là Trần Mẫn Nhĩ, một trong những "ngôi sao đang lên" trên chính trường nước này. Hãng Xinhua không cho biết thêm về vị trí mới của ông Tôn, cũng không xuất hiện cụm từ cho thấy ông đang chờ bổ nhiệm chức vụ mới.
Ông Tôn từng được coi là ứng viên tiềm năng cho chức thủ tướng Trung Quốc. Tuy nhiên cơ quan giám sát chống tham nhũng Trung Quốc đã chỉ trích ông và nhà chức trách Trùng Khánh vì chưa nỗ lực hết mình để loại bỏ ảnh hưởng của ông Bạc Hy Lai. Ông Bạc, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, đã bị tuyên án tù chung thân vì tội tham nhũng và lạm quyền.(Vnexpress)
------------------------------
Indonesia chặn Telegram vì lo ngại khủng bố
Chính phủ Indonesia chặn dịch vụ gửi tin nhắn mã hóa Telegram phiên bản trên website vì lo ngại ứng dụng này trở thành công cụ tuyên truyền cho khủng bố.
Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu tất cả nhà mạng internet chặn 11 địa chỉ website dẫn đến Telegram, theo Đài Russia Today ngày 16.7.
Chính phủ đang chuẩn bị biện pháp cấm hoàn toàn dịch vụ Telegram nếu công ty này không có biện pháp ngăn chặn những nội dung trái phép, ông Semuel Pangerapan, một quan chức thuộc Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, tuyên bố.
"Chúng tôi buộc phải chặn bởi vì nhiều kênh trong dịch vụ Telegram trở thành công cụ tuyên truyền cho chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, kích ngòi hoặc hướng dẫn cách chế tạo bom và thực hiện những vụ tấn công khủng bố, vi phạm luật pháp Indonesia", ông Semuel nói.
Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông lưu ý Telegram, do anh em người Nga Pavel và Nikolay Durov sáng lập vào năm 2013, trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia vì không có những biện pháp ngăn chặn khủng bố.
Ông Pavel tuyên bố công ty không nhận được bất kỳ văn bản nào từ Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Indonesia. Nhiều người Indonesia cũng lên mạng xã hội chỉ trích động thái trên của chính phủ. (Thanhnien)
-----------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ có thể chi 2,5 tỷ USD mua tên lửa S-400 Nga
Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này lựa chọn tổ hợp S-400 của Nga dù chúng không tương thích với hệ thống của NATO.
Tổ hợp S-400 khai hỏa.
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf trị giá 2,5 tỷ USD của Nga, Bloomberg hôm 13/7 đưa tin.
Quan chức giấu tên này nói rằng hai tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được Nga bàn giao vào năm 2018, còn hai tổ hợp tiếp theo sẽ được sản xuất trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đại diện tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố này.
Thổ Nhĩ Kỳ từng định mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 từ Trung Quốc, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt từ khối NATO và buộc phải từ bỏ ý định. Là thành viên của khối quân sự này kể từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là tiền đồn quan trọng của phương Tây do nằm gần biên giới Nga.
Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi vì căng thẳng gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Mỹ liên tục ủng hộ và viện trợ quân sự cho dân quân người Kurd ở Syria, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng khủng bố. Đức mới đây rút các đơn vị phòng không khỏi sân bay Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này không cho phép quan chức Đức đến thăm binh sĩ đồn trú tại đây."Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đã quá thất vọng với Mỹ và các nước châu Âu", chuyên gia Konstantin Makienko thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga (CAST) nhận định. Tuy nhiên, ông Makienko cho rằng chưa thể chắc chắn điều gì về hợp đồng S-400 cho đến khi quá trình thanh toán và chuyển giao bắt đầu.
S-400 không tương thích với tiêu chuẩn vũ khí chung của NATO, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể tích hợp nó vào hệ thống phòng không của các nước đồng minh. Tuy nhiên, hợp đồng với Nga lại cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa, điều mà nước này đang rất cần.
Ông Makienko cho rằng Ankara sẽ không được Nga chuyển giao toàn bộ công nghệ S-400, Moscow vẫn nắm giữ những kỹ thuật quan trọng nhất để đảm bảo bí mật. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải tự xây dựng cả một nền công nghiệp quốc phòng mới chỉ để sao chép được S-400.
Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hệ thống S-400 mua từ Nga sẽ không có hệ thống nhận biết địch - ta, giúp nó đối phó bất kỳ mối đe dọa nào, dù là từ Nga hay NATO.(Vnexpress)
-----------------------
Thành lập Trung tâm Quân đội và Luật nhân đạo quốc tế châu Á-TBD
Đại tá Malaysia Kamarudzaman và ông Kirby Abbott của ICRC, đại diện Lực lượng Quân sự và An ninh của ICRC khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. (Nguồn: icrc.org)
Trung tâm khu vực về Quân đội và Luật nhân đạo quốc tế đặt tại Học viện quốc phòng Malaysia (NDUM) sẽ trở thành trung tâm tham chiếu đầu tiên loại này cho các lực lượng vũ trang trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trung tâm được thành lập trên cơ sở quan hệ đối tác giữa NDUM và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC), nhằm mục đích tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tôn trọng đối với luật pháp nói chung cũng như Luật nhân đạo quốc tế nói riêng trong đội ngũ nhân lực phụ trách các lực lượng quân sự khu vực.
Đại diện Lực lượng Quân sự và An ninh của ICRC khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Kirby Abbott cho biết, trung tâm này không chỉ là diễn đàn để ICRC hỗ trợ lực lượng quân sự Malaysia, mà còn là điểm tham chiếu của khu vực trong việc nâng cao chuyên môn và sự hiểu biết giữa các lực lượng quân sự.
Ông Kirby nhấn mạnh, việc tăng cường hơn nữa sự hiểu biết về luật pháp, đặc biệt là Luật nhân đạo quốc tế, ở tất cả các khía cạnh liên quan đến quân sự cũng như hỗ trợ hợp tác giữa quân đội các nước trong khu vực có một vai trò vô cùng quan trọng.
Trong số đó có sự hiểu biết đúng đắn về luật pháp trong xung đột quân sự và việc đảm bảo những quy tắc pháp luật được thực hiện trong quá trình đào tạo, giáo dục, lập kế hoạch và định hình học thuyết quân sự.
Thông qua đó, lực lượng quân sự các nước sẽ tuân thủ đầy đủ Luật nhân đạo quốc tế.
Thiếu tá Mohd Ramli Othman, Giám đốc Trung tâm cho hay, trung tâm sẽ truyền bá và chia sẻ thông tin về Luật nhân đạo quốc tế với các lực lượng quân sự tại khu vực, một động thái sẽ giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các lực lượng quân sự.
Dự kiến hiệp định đối tác giữa ICRC và NDUM sẽ được ký kết vào tháng Tám tới.
Luật nhân đạo quốc tế là bộ quy tắc pháp lý có mục đích tìm cách hạn chế những tác động của xung đột quân sự.
Luật này bảo vệ những người không tham gia hoặc không còn tham gia vào các hoạt động chiến sự, đồng thời hạn chế các phương kế, phương pháp áp dụng trong chiến sự(Vietnam+)