Quan hệ Mỹ - Trung bị ảnh hưởng bởi “nhân tố tiêu cực”; Nga tuyên bố hết kiên nhẫn với Mỹ; Nga-Trung tuyên bố 'mạnh tay' với hệ thống phòng thủ của Mỹ; Indonesia lên kế hoạch chuyển thủ đô khỏi Jakarta
Tin thế giới đáng chú ý trưa 05-07-2017
- Cập nhật : 05/07/2017
Nhật – Trung tranh cãi về 'vi phạm lãnh hải' ở eo biển Tsugaru
Tokyo nói tàu do thám Trung Quốc đã xâm phạm hải phận Nhật Bản, nhưng Bắc Kinh cho rằng tàu nước này mình có quyền tự do đi ngang eo biển Tsugaru.
Tsugaru là eo biển nằm giữa đảo Honshu và Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản, nối liền vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản với Thái Bình Dương.
Vào ngày 3.7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố trên website chính thức: “Eo Tsugaru là eo biển không có lãnh hải và vì vậy, các tàu quốc tế như tàu hải quân có quyền lưu thông”, theo Reuters.
Phía Bắc Kinh cho rằng hoạt động của tàu chiến Trung Quốc tại đây tuân theo các luật lệ quốc tế, và cáo buộc Nhật Bản có động cơ ngầm khi muốn làm to chuyện này.
Đường đỏ thể hiện hải trình của tàu Trung Quốc, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Đường màu xanh dương gần đất liền đánh dấu lãnh hảiBỘ QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu hải quân Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải 12 hải lý của nước này khi đi qua eo biển trên vào ngày 2.7.
Theo tờ Japan Times, con tàu đi ngang qua tỉnh Hokkaido và Aomori khi tiến vào vùng biển của Nhật Bản, và cụ thể đã xâm phạm lãnh hải ngoài khơi đảo Kojima vào 10 giờ 40 (giờ địa phương), và ở lại khu vực này đến 12 giờ 10 mới rời đi.
Tuy nhiên, phía Nhật Bản không nói rõ liệu tàu Trung Quốc có hành động gì trong lãnh hải Nhật vi phạm quyền đi qua vô hại hay không. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, tàu chiến được phép đi qua lãnh hải của nước khác nếu đáp ứng được một số điều kiện.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu Trung Quốc mang tên Thiên Lang Tinh, số hiệu 854, thuộc lớp tàu trinh sát Đông Điều, tên tiếng Anh là Sirius.
Phía Tokyo không điều tàu của Lực lượng phòng vệ biển ra chặn đón vì tàu Trung Quốc có vẻ đang di chuyển trên hải trình an toàn theo Công ước LHQ về Luật Biển.
Được biết, Eo Tsugaru có giá trị ở tầm chiến lược với Trung Quốc vì đây là một trong những tuyến đường ngắn nhất cho các tàu của Hạm đội Bắc Hải đến được phía bắc Thái Bình Dương.(Thanhnien)
-------------------------
Ông Trump đe dọa 'lá bài tẩy' của Nga
Hãng tin Reuters cho biết trong cuộc viếng thăm Ba Lan ngày 6-7 sắp tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tận dụng nguồn khí đốt dồi dào của Mỹ làm công cụ chính trị để tạo sức ảnh hưởng lên các quốc gia vốn xưa nay phụ thuộc vào dòng khí đốt của Nga.
Được biết trước khi đến Đức họp Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Trump sẽ đến Ba Lan tham dự hội nghị thượng đỉnh “Ba vùng biển” với thành viên là các quốc gia tiếp giáp các biển Baltic, biển Đen và biển Adriatic. Theo Reuters, ông Trump tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) sẽ đưa ra lời đề nghị hỗ trợ các đồng minh, khuyến khích các công ty Mỹ vận chuyển khí đốt dạng lỏng đến khu vực Trung và Đông Âu.
Ông Trump phát biểu tại một sự kiện của Bộ Năng lượng Mỹ ngày 29-6. Ảnh: REUTERS
Một trong các mục đích của dự án “Ba vùng biển” là mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng khu vực, bao gồm thúc đẩy các cửa khẩu nhập khí đốt dạng lỏng và hệ thống ống dẫn khí đốt. Các thành viên của sáng kiến này bao gồm Ba Lan, Áo, Hungary và hai nước láng giềng của Nga là Latvia cùng Estonia.
Ông James Jones, cựu Tổng Tư lệnh đồng minh NATO, đánh giá sự xuất hiện của ông Trump tại Ba Lan sẽ tạo lực đẩy quan trọng cho dự án “Ba vùng biển”. Nếu Mỹ tăng xuất khẩu khí đốt đến khu vực, sức ảnh hưởng của Nga sẽ bị suy yếu vì không thể sử dụng khí đốt làm con bài mặc cả. Nga sẽ không còn vũ khí ngoại giao lợi hại như xưa.
Ngân sách của điện Kremlin cũng phụ thuộc rất lớn vào lợi nhuận thu về từ xuất khẩu dầu và khí đốt. Việc giảm bớt thị phần của Nga sẽ tạo ra các khó khăn không nhỏ cho những tham vọng của điện Kremlin, cả về đối nội và đối ngoại. Michal Baranowski, Giám đốc Văn phòng tại Warsaw của tổ chức cố vấn chính sách Quỹ Marshall (Đức), đánh giá: “Ở nhiều góc độ, xuất khẩu khí đốt dạng lỏng của Mỹ sẽ là chính sách nguy hiểm nhất đối với Nga”.(PLO)
----------------------------
Tàu sân bay Trung Quốc tập trận sát Đài Loan
Báo PLA Daily của quân đội Trung Quốc ngày 3-7 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã bước vào “thế sẵn sàng chiến đấu lần đầu tiên” và tiến hành một loạt bài tập trận khi đi vào “một vùng biển nhất định” vào chiều 1-7.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết nhóm tàu quân sự Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan vào giữa chiều 1-7 và tối 2-7. Do đó cuộc tập trận có thể đã được tiến hành trong khoảng thời gian này.
Nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng cho biết sau khi qua eo biển Đài Loan, đội tàu này sẽ đến Hong Kong vào ngày 7-7 tới.
Một tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh hôm 1-7. Ảnh: THXTheo PLA Daily, hơn 100 đơn vị chiến đấu đã tham gia cuộc tập trận trên. Trong số này, có các tiêm kích J-15 đã cất cánh từ tàu sân bay, diễn tập trên không và hạ cánh trên tàu sân bay.
Hoạt động huấn luyện được giám sát bởi Thượng tướng Miêu Hoa, Chính ủy hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Các phi công điều khiển J-15 cho biết năng lực của họ ngày một tốt hơn, với khả năng tiến hành nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn trên biển và trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Trong khi đó, các thủy thủ cho biết họ đã cải thiện được sự thành thạo và hợp tác.
Các tiêm kích J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: THX
“Mục đích của đợt huấn luyện là để khắc phục các điểm yếu của chúng ta và đáp ứng các yêu cầu trong tác chiến thực địa… để đặt nền tảng vững chắc cho nhóm tác chiến tàu sân bay tận dụng năng lực chiến đấu và hỗ trợ của mình” - Gao Zhaorui, tham mưu trưởng đội tàu, cho biết.
Tham gia hoạt động huấn luyện cùng tàu sân bay Liêu Ninh còn có các tàu hộ tống đến từ hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục Tế Nam (Jinan), tàu khu trục Ngân Xuyên (Yinchuan) và tàu hộ vệ Yên Đài (Yantai). Hạm đội cũng sẽ phối hợp với các tiêm kích J-15 cùng các trực thăng trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã rời quân cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) hôm 25-6. Theo lịch trình, đội tàu chiến sẽ cập cảng Hong Kong trong năm ngày để đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày Hong Kong được Anh trao trả về cho Trung Quốc.(PLO)
---------------------------
Nga thử nghiệm pháo tàng hình mới cho tàu chiến
Pháo hạm AK-176 thế hệ mới của Nga sẽ được trang bị lớp giáp tàng hình và có thể tự động theo dõi, ngắm bắn mục tiêu.
Hải quân Nga đang thử nghiệm tích hợp công nghệ tàng hình bằng vật liệu đặc biệt trên pháo AK-176 76 mm được lắp đặt trên các tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới của nước này, theo RBTH.
AK-176 MA mới được phát triển từ pháo bắn nhanh hải quân AK-176 thời Liên Xô, được áp dụng công nghệ tàng hình vốn đã được Nga sử dụng trên chiến đấu cơ và oanh tạc cơ nước này. Ngoài lớp giáp mới làm bằng vật liệu có khả năng làm giảm độ phản xạ radar, pháo có tốc độ bắn nhanh hơn và sử dụng được nhiều loại đạn hơn.
"Khẩu AK-176 MA mới nặng khoảng 10 tấn, có khả năng bắn 150 viên đạn 76 mm mỗi phút và tấn công các mục tiêu trên biển cũng như đất liền ở khoảng cách lên đến 15 km", chuyên gia quân sự Alexey Ramm nói.
Theo Ramm, AK-176 MA cũng được trang bị hệ thống dữ liệu số cho phép nó tự động theo dõi và ngắm bắn mục tiêu.
"Tuy nhiên, việc khai hỏa phải do một sĩ quan trên tàu thực hiện. Ngày nay, không quốc gia nào cho phép các hệ thống điện tử hoạt động độc lập hoàn toàn và tự động thực hiện những thao tác quan trọng", Ramm cho biết.
Các chuyên gia Nga hy vọng pháo AK-176 sẽ vượt qua giai đoạn thử nghiệm và sẵn sàng biên chế cho quân đội Nga vào cuối năm nay.(Vnexpress)