Đức yêu cầu Mỹ cung cấp dữ liệu mật về chiến đấu cơ F-35
Lực lượng Không quân Đức trong tháng này đã gửi cho quân đội Mỹ một bức thư yêu cầu cung cấp dữ liệu mật về máy bay chiến đấu F-35 của hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin trong bối cảnh lực lượng này chuẩn bị thay thế phi đội máy bay chiến đấu hiện nay, trong giai đoạn từ năm 2025 - 2035.
Máy bay F-35 của Không quân Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bức thư này do Bộ chỉ huy kế hoạch của Không quân Đức gửi đến quân đội Mỹ và làm sáng tỏ rằng Chính phủ Đức vẫn chưa cấp phép cho một chương trình mua sắm và chưa cam kết đối với bất cứ máy bay chuyên biệt nào để thay thế các máy bay chiến đấu hiện nay của Đức.
Cơ quan này nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng Đức sẽ tiến hành "một đánh giá tỉ mỉ và thận trọng về các giải pháp sẵn có về thị trường, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-35 vào cuối năm nay" bằng một "thư yêu cầu" chính thức sẽ được gửi đến trong những tháng tới.
Bức thư của Đức được gửi trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Phương Tây và Nga về sự ủng hộ của Moskva đối với phe ly khai tại miền Đông Ukraine, cùng với việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói rằng Hải quân Nga đã vượt quá mức độ từng có trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. (TTXVN)
------------------------------
Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ về an ninh mạng
Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Andrey Krutskikh ngày 17/5 khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ về tất cả các vấn đề liên quan an ninh mạng toàn cầu, nhưng phe phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngăn cản tiến trình hợp tác thiết thực giữa hai bên.
Nhân viên theo dõi sự phát tán của mã độc WannaCry tại Cơ quan an ninh mạng Hàn Quốc ở Seoul ngày 15/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong vai trò là đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh thông tin, ông Krutskikh cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian ở Bắc Kinh tham dự Diễn đàn "Vành đai và Con đường" hôm 14-15/5 cũng đã đề nghị phía Trung Quốc cùng nêu ý tưởng hợp tác với Mỹ, nhằm xây dựng hệ thống pháp lý cho phép 3 quốc gia này cùng hợp tác ngăn chặn các sự cố trong lĩnh vực thông tin, an ninh mạng.
Theo ông Krutskikh, sự hợp tác như vậy có thể khả thi, nếu Mỹ đề xuất chương trình hành động và sẵn sàng đối thoại bình đẳng. Tuy nhiên, ông Krutskikh cũng lưu ý rằng phe đối lập ở Mỹ đã ngăn cản Tổng thống Trump thành lập một nhóm chuyên trách cùng xem xét thực hiện đề nghị hợp tác từ phía Nga và Trung Quốc.
Bởi vậy, khi mà các vụ tấn công của tội phạm mạng trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi sự quan tâm giải quyết ngay lập tức, thì dường như những đề nghị từ phía Nga và Trung Quốc "vẫn đang nằm trên bàn" Tổng thống Mỹ Trump.
Vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu vừa xảy ra cuối tuần qua đã dấy lên quan ngại về khả năng các cơ quan tình báo của nhiều nước lợi dụng các lỗ hổng phần mềm cho mục đích do thám đối phương, thay vì báo cho các công ty công nghệ về những sự cố này.(Baotintuc)
---------------------------
Bất ngờ về nơi Mỹ chọn để cất giữ vũ khí hạt nhân
Mặc dù đất nước này đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng lại là nơi cất giữ vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Đó là Italy - nơi người dân phản đối Mỹ hiện diện quân sự tại đây vì có thể gây ra nhiều rủi ro lớn. Tuy nhiên, theo một nhà báo Italy, nước này dường như không thể xử lý vấn đề này.
Nhà báo Fabrizio Di Ernesto chia sẻ với hãng tin Sputnik: “Không nhiều người biết rằng vũ khí hạt nhân Mỹ được cất giữ tại căn cứ không quân Aviano và Ghedi mặc dù Italy đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Chính phủ Italy chưa xác nhận điều này tuy nhiên cựu Tổng thống Bill Clinton từng đề cập đến nó trong cuộc phỏng vấn năm 2005. Thời điểm đó thông tin này không gây chú ý".
Vũ khí được vận chuyển tại căn cứ không quân Aviano. Ảnh: AFP
"Có khoảng 70 quả bom hạt hân tại Italy, đất nước mà người dân đã bỏ phiếu phản đối năng lượng hạt nhân tại cuộc trưng cầu ý dân năm 2011”, ông Di Ernesto cho hay.
NPT có mục tiêu ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, ưu tiên việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình và đóng góp vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này đã có hiệu lực từ tháng 3/1970.
Theo Sputnik, Italy trở thành nơi đặt kho chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, nhều quả bom hạt nhân B61 của Lầu Năm Góc đã được đặt tại những quốc gia ủng hộ phi hạt nhân.
Aviano là một căn cứ của NATO tại vùng Friuli-Venezia Giulia đồng thời là “nhà” của ít nhất 50 quả bom B61. Trong khi đó, căn cứ không quân Ghedi của Italy tại vùng Lombardy cũng đang là nơi “cư trú” của khoảng 20-40 quả bom B61.
Ngoài ra, vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ đang được cất ở Bỉ, Đức, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
B61 là một trong những vũ khí nhiệt hạch chính của Lầu Năm Góc đang trong quá trình nâng cấp. Phiên bản mới nhất của quả bom này là B61-12 đã được thử nghiệm thành công trong tháng 4 vừa qua.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Italy gây ra nhiều nguy cơ với các nước vùng Địa Trung Hải. Nhà báo Di Ernesto nhận xét: Hệ thống liên lạc của Hải quân Mỹ được dựng tại Niscemi, Sicily. Đó là hệ thống liên lạc hoạt động nhờ 5 vệ tinh và 4 ăng ten đặt tại Niscemi, Australia, Virginia và Hawaii. Tổ hợp này hỗ trợ quân đội NATO liên lạc. Nhiều trường đại học đã cảnh báo sóng radio có thể gây ra ung thư. Mặc dù vậy dự án này vẫn được tiến hành.
Ông Di Ernesto đồng thời bày tỏ nghi ngờ về khả năng các chính trị gia Italy lựa chọn thúc ép Mỹ rút quân, vũ khí khỏi lãnh thổ nước này.
Nhà báo Di Ernesto nêu ý kiến: “Thật đáng buồn rằng các chính trị gia Italy phụ thuộc vào Washington. Tôi không nghĩ rằng các chính trị gia Italy có thể phản đối căn cứ quân sự bởi trên thực tế hầu hết chúng được Mỹ hỗ trợ tài chính. Có ý kiến rằng kinh phí mà Italy phân bổ cho các căn cứ này là từ NATO. Một vài chính trị gia còn khuyến khích chuyện chi tiêu này bởi bạn càng cống hiến cho những tổ chức quốc tế này thì bạn càng có thể dựa vào sự hỗ trợ của họ. Đó là lý do không ai muốn thay đổi bất cứ điều gì”.(TTXVN)
------------------------------
Vua Hà Lan bí mật tham gia lái máy bay thương mại
Nếu bạn bay máy bay của hãng KLM, rất có thể bạn đang được nhà vua Hà Lan William Alexander phục vụ. Nhà vua vừa tiết lộ, sau khi lên ngôi vẫn bí mật tham gia lái các chuyến bay hành khách thương mại của hãng KLM. Mặc dù ẩn danh, nhưng vẫn có lần một số hành khách nhận ra giọng nói của ông.
Nhà vua Hà Lan William Alexander trên cabin
Được biết, trước khi kế vị mẹ của mình - Nữ hoàng Beatrice - năm 2013, Thái tử William Alexander vẫn tham gia lái máy bay chở khách với tư cách phi công phụ để giữ bằng lái khỏi mất giá trị. Loại máy bay ông tham gia lái là Fokker 70 - chỉ là máy bay đường trung bình, cỡ vừa.
Cứ ngỡ, sau khi lên ngôi, ông sẽ thôi nghề phi công, nhưng trên thực tế, ông vẫn tiếp tục bí mật một tháng hai lần làm lái phụ trên các chuyến bay chở khách thương mại của hãng Cityhopper, một công ty con của KLM. Hành khách thường là các doanh nhân bay đến các nước châu Âu như Anh, Đức, Na Uy…
Trong cuộc phỏng vấn với hãng De Telegraaf, nhà vua nói rằng, ông vẫn tiếp tục lái máy bay và đến hè này, ông sẽ tham gia lớp huấn luyện chuyển loại sang lái máy bay Boeing 737s cỡ lớn hơn mà hãng dự kiến sẽ thay cho các máy bay Fokker vào năm nay,
“Thực sự rất hài lòng khi được bay đến một địa điểm mới với nhiều hành khách hơn và với khoảng cách xa hơn. Thật sự là tôi muốn học lái máy bay 737.”
Nhà vua khi mặc thường phục
Nhà vua tiết lộ, nếu không phải sinh ra trong gia đình hoàng tộc, ông sẽ làm phi công chuyên nghiệp, lái các máy bay cỡ lớn như Boeing 747.
Khi ông mặc đồng phục phi công và đội mũ của hãng, rất khó nhận ra đó chính là một quân vương. Thêm nữa, mặc dù ông thường xuyên thay mặt tổ lái chào mừng hành khách có mặt trên chuyến bay, nhưng với tư cách phi công phụ, nhà vua không phải xưng danh khi nói chuyện với hành khách qua micro. Vì thế hầu như không ai nhận ra mình đang nhận được sự phụ vụ của một ông vua.
Tuy thế, cũng có một số người nhận ra nhà vua chính bởi giọng nói của của ông.
Được biết, tháng Tư năm nay, nhà vua William Alexander vừa qua tuổi 50.(Viettimes)