"Triều Tiên sẽ cho phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngay trong năm nay"; Đến lượt Nga ra đòn trừng phạt Triều Tiên; Sản xuất hàng loạt tên lửa - khả năng gây ngờ vực của Triều Tiên
Tin thế giới đáng chú ý trưa 24-05-2017
- Cập nhật : 24/05/2017
Cảm biến mới tăng uy lực săn ngầm của tàu chiến đấu ven biển Mỹ
Các hệ thống vũ khí mới trang bị cho tàu chiến đấu ven biển của hải quân Mỹ tăng đáng kể khả năng phát hiện, tiêu diệt tàu ngầm đối phương.
Hải quân Mỹ dự kiến triển khai hệ thống cảm biến tiên tiến cho trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout trang bị trên tàu chiến đấu ven biển (LCS), giúp tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt thủy lôi, tàu ngầm đối phương, theo National Interest.
Bộ cảm biến mới được thiết kế cho nhiệm vụ chiến đấu và giám sát vùng biển gần bờ, được gọi là Hệ thống Trinh sát và Phân tích Chiến trường Ven biển (COBRA). Tổ hợp này vẫn đang thử nghiệm trên mẫu MQ-8B, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.
Chức năng chính của COBRA là phát hiện thủy lôi và tàu ngầm, nhằm bảo đảm an toàn cho các tàu LCS, vốn được thiết kế tối ưu cho nhiệm vụ giao chiến gần bờ biển đối phương. Việc sở hữu một trực thăng trinh sát không người lái là yếu tố quan trọng trong chiến lược tác chiến mặt nước và chống ngầm của hải quân Mỹ.Hải quân Mỹ cũng tích hợp radar tuần thám biển mới cho phiên bản MQ-8C, nhằm mở rộng khả năng tình báo, do thám và trinh sát (ISR), hỗ trợ bám bắt mục tiêu tốt hơn cho các chiến dịch tấn công. Các camera quang - điện tử và hồng ngoại trên MQ-8 có tầm hoạt động 10-16 km, trong khi radar mới có thể xác định mục tiêu ở khoảng cách tới 148 km.
MQ-8 được thiết kế để hoạt động kết hợp với trực thăng MH-60R, giúp xác định và tiêu diệt mục tiêu từ xa, tăng cường đáng kể tầm hoạt động của LCS ở vùng nước nông. Radar mảng pha quét điện tử của MQ-8 cũng được bổ sung khả năng tích hợp mạng dữ liệu Link 16, giúp kết nối trực tiếp với tàu mẹ trong thời gian thực.
Trực thăng MQ-8 dài 9,1 m, tốc độ tốc đa 204 km/h, trần bay 6.100 m và có khối lượng cất cánh tối đa là 1.430 kg. Tổ hợp cảm biến quang - điện tử và hồng ngoại của nó được gọi là Bright Star 2, có chức năng đo xa laser và chỉ thị mục tiêu.
Mẫu MQ-8B Fire Scout có thể thực hiện nhiệm vụ trong 5 giờ liên tục, đồng thời sử dụng hệ thống nhận dạng tự động (AIS) để định vị và thu thập thông tin tàu biển. Hải quân Mỹ đang có hơn 20 chiếc MQ-8B Fire Scout trong biên chế(Vnexpress)
-------------------------
Mỹ bổ nhiệm tân đại sứ tại Trung Quốc
Thượng viện Mỹ phê chuẩn ông Terry Branstad trở thành đại diện của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Quốc.
Với 82 phiếu thuận và 13 phiếu chống trong Thượng viện, ông Branstad đã được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Reuters đưa tin.
Ông Branstad, 70 tuổi, từng đảm nhận chức thống đốc bang Iowa trong suốt 22 năm, là một trong các chính trị gia Mỹ thông thuộc địa bàn Trung Quốc.
Cựu thống đốc khẳng định mối quan hệ lâu dài của ông với Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy Bắc Kinh trong các vấn đề khó khăn, như Triều Tiên và thương mại. Giới quan sát đánh giá một trong các thách thức của tân đại sứ Mỹ là phải gây sức ép khiến Trung Quốc có chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên, trong khi nhiều quan chức và chuyên gia nghi ngờ về triển vọng này.
Trong phiên điều trần thông qua vị trí mới tại Thượng viện Mỹ hôm 3/5, ông Branstad đã nhắc đến diễn biến ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh Trung Quốc không thể được phép dùng các đảo nhân tạo để cưỡng ép các nước láng giềng hoặc hạn chế tự do hàng hải hoặc hàng không.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng gọi tân đại sứ là "một người bạn cũ", sau nhiều thập kỷ ông Branstad thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp với Trung Quốc. Iowa là một bang nông nghiệp quan trọng của Mỹ.(Vnexpress)
------------------------------
Gần 740.000 người nước ngoài quá hạn thị thực ở Mỹ
Báo cáo của Bộ An ninh nội địa Mỹ ngày 22/5 cho biết có 739.478 người nước ngoài thuộc diện phải rời khỏi nước Mỹ do thị thực quá hạn.
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống Mỹ Donal Trump trong cuộc tình tại New York ngày 11/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Những người này đến Mỹ bằng đường hàng không và đường biển, chưa kể số người sống đến và sống Mỹ bất hợp pháp bằng các đường khác.
Các trường hợp quá hạn thị thực nêu trên được tính từ tháng 10/2015 đến 9/2016, nhiều hơn dân số của bang Alaska.
Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, số người có thị thực quá hạn chiếm 1,5% trong tổng số 50,4 triệu lượt khách du lịch đến Mỹ bằng đường hàng không và đường biển trong giai đoạn trên.
Canada là một trong những nước dẫn đầu về số người quá hạn thị thực ở Mỹ, thường là doanh nhân và khách du lịch, tiếp đến là Mexico, Brazil, Venezuela và Anh, trong khi Đức, Colombia, Trung Quốc, Ấn Độ và Italy cũng nằm trong tốp 10.
Ước tính hiện ở Mỹ có khoảng 40% trong tổng số khoảng 11 triệu người nước ngoài sống bất hợp pháp do thị thực quá hạn.
Tỷ lệ quá hạn thị thực gia tăng trong số du học sinh và số cá nhân tham gia các chương trình trao đổi, với 79,818 trường hợp trong tổng số 1,5 triệu người, chiếm khoảng 5,5%.
Trung Quốc dẫn đầu số du học sinh ở lại Mỹ quá hạn, tiếp theo là Saudi Arabia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Lần đầu tiên trong ít nhất 2 thập kỷ qua, Bộ An ninh nội địa Mỹ hồi năm ngoái đã công bố số người đến Mỹ bằng đường hàng không hoặc đường biển và ở lại nước này quá hạn thị thực trong giai đoạn từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2015.
Tuy nhiên, khác với báo cáo lần đầu tiên chỉ tính riêng doanh nhân và khách du lịch, báo cáo vừa được công bố của Bộ An ninh nội địa Mỹ tính thêm số sinh viên; cá nhân tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu hoặc đào tạo (thị thực J); và lực lượng được cấp thị thực lao động tạm thời.
Bộ này cho biết trong tương lai sẽ bổ sung cả dữ liệu về người nhập cảnh Mỹ bằng đường bộ.
Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó còn là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa cam kết sẽ xây dựng một hệ thống nhằm ghi nhận số du khách rời Mỹ với việc sử dụng nhận dạng sinh trắc học như quét khuôn mặt hoặc mống mắt.
Thực tế sau khi đắc cử, Tổng thống Trump ưu tiên dành nhiều tỷ USD xây dựng bức tường biên giới với Mexico và tăng biên chế cho cơ quan kiểm soát nhập cư Mỹ.(TTXVN)
-----------------------
Interpol phát lệnh bắt giữ cựu tổng thống Panama Martinelli
Hãng tin Reuters đưa tin, ngày 22/5 Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã phát lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Panama, Ricardo Martinelli, người đang đối mặt với cáo buộc "gián điệp chính trị" trong thời gian tại nhiệm từ năm 2009-2014.
Hiện ông Martinelli được cho là đang sống lưu vong tại thành phố Miami, bang Florida của Mỹ.
Panama đã gửi tới Bộ ngoại giao Mỹ yêu cầu dẫn độ ông Martinelli về nước hồi năm ngoái, khi có tin cựu Tổng thống quốc gia Trung Mỹ này đang sống ở Miami sau khi bị cáo buộc sử dụng ngân sách chính phủ cho việc theo dõi, kiểm soát hơn 150 đối thủ chính trị.
Theo nguồn tin từ một chỉ huy cảnh sát thuộc Interpol, tổ chức này đã phát "lệnh đỏ" bắt giữ ông Martinelli. Theo quy ước hệ thống lệnh bắt giữ hiện hành của Interpol, lệnh đỏ là xác định vị trí và tạm thời bắt giữ một cá nhân đang chờ dẫn độ
Trên trang Twitter, ông Martinelli đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Tòa án tối cao Panama đã phát lệnh bắt giữ ông Martinelli vào tháng 12/2015 sau khi ông vắng mặt trong một phiên tòa xét xử.
Trong 5 năm dưới thời Martinelli làm tổng thống, kinh tế Panama đã trải qua giai đoạn tăng trưởng tốt nhất khu vực Mỹ Latinh, với mức tăng trưởng bình quân 9%/năm. Với nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường táo bạo được triển khai, mức sống chung của người dân Panama đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên năm 2014 chính quyền của ông đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng.(TTXVN)