Chi 28 triệu USD cho quân phục lỗi, Lầu Năm Góc bị chỉ trích; Đâu cũng thấy tàu do thám Trung Quốc; Con rể Tổng thống Trump phủ nhận thông đồng với Nga; Trung Quốc tuyên bố hoạt động chặn máy bay Mỹ 'là cần thiết'
Tin thế giới đáng chú ý trưa 26-07-2017
- Cập nhật : 26/07/2017
Tàu hải quân Mỹ bắn cảnh cáo tàu Iran
Một tàu tuần tra Mỹ bắn cảnh cáo về phía một tàu Iran gần phía bắc Vịnh Persia sau khi nó tiến vào khoảng cách gần 140 m.
Tàu USS Thunderbolt bắn cảnh cáo sau khi nỗ lực liên lạc qua radio và tiếng còi báo hiệu bị tàu Iran phớt lờ, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Tàu Iran dường như thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran.
Thunderbolt, một tàu tuần tra lớp Cyclone, đã tham gia diễn tập với một tàu Mỹ và các tàu khác ở Vịnh Persia, AP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ nói. Tàu Iran khi đó tiến vào, cách tàu Mỹ trong khoảng 137 m.
Giới chức Iran chưa bình luận có phát ngôn về vụ việc. Iran và Mỹ thường có các cuộc đối đầu hải quân căng thẳng ở Vịnh Persia. Hồi tháng một, một tàu khu trục Mỹ bắn ba phát cảnh cáo vào 4 tàu tấn công nhanh của Iran gần Eo biển Hormuz, sau khi các tàu nhỏ tiến sát với tốc độ cao, bất chấp những lời đề nghị giảm tốc. (Vnexpress)
--------------------------------
Biệt đội chống tin thất thiệt ở Ấn Độ
Nhằm chống tin thất thiệt lan truyền trên mạng, một số chuyên gia tin học ở Ấn Độ đã lập trang web giúp kiểm chứng thông tin.
Người dân Ấn Độ vẫn chưa thể quên sự việc gây chấn động dư luận hồi đầu năm nay liên quan đến tin giả. Đó là đám đông dân làng ở bang Jharkhand, miền đông Ấn Độ đã đánh chết 7 người vì nghi nạn nhân là những kẻ bắt cóc, buôn bán trẻ em. Sự việc bắt nguồn từ một tin đồn lan truyền trên ứng dụng WhatsApp, kêu gọi mọi người cẩn trọng với kẻ lạ xuất hiện tại làng xóm mình vì đó có thể là bọn bắt cóc trẻ em. Khi tin này lan truyền như tên bắn trên mạng, người dân càng trở nên quá khích, theo BBC dẫn nguồn từ cảnh sát địa phương. Họ tự trang bị vũ khí và bắt đầu tấn công vào những người khả nghi, dẫn đến cái chết thương tâm của nhiều người vô tội.
Hầu hết tin đồn ở Ấn Độ đều lan truyền qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp và điện thoại di động. Thống kê cho thấy có hơn 1 tỉ thuê bao điện thoại di động tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. “Điện thoại thông minh và các gói dữ liệu giá rẻ ngày càng phổ biến góp phần khiến tin đồn lan truyền xa và nhanh hơn. Đột nhiên người dân ở các khu vực nông thôn bị nhấn chìm trong biển thông tin và không thể phân biệt đâu là tin thật đâu là tin nhảm. Họ có xu hướng tin vào mọi điều được gửi đến họ”, chuyên gia Pratik Sinha, nhà sáng lập trang web kiểm chứng tin tức Altnews.in, cho biết.
Những “chiến binh” thầm lặng
Sinha là một trong số ít người đang nỗ lực chống lại làn sóng tin vịt tràn lan ở Ấn Độ. Từng là kỹ sư phần mềm, Sinha hiện điều hành Altnews.in bằng tiền túi của mình cũng như từ doanh thu quảng cáo. Theo BBC, Altnews.in giúp kiểm tra tính xác thực của các câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội và WhatsApp, kiểm chứng hình ảnh và video, đồng thời giúp “tố giác” những tin bài đăng báo lấy nguồn từ tin đồn. Cho đến nay, Sinha đã vạch trần nhiều thông tin thất thiệt, trong đó có một đoạn video cho thấy một cô gái Hindu bị đám đông người Hồi giáo đánh đập và được mọi người nhiệt tình chia sẻ. Đoạn video trên thực ra từng xuất hiện trên mạng 2 năm trước đó và cô gái trong đoạn clip là người Guatemala.
Tương tự, công việc của Pankaj Jain - người sáng lập trang web SMHoaxSlayer.com - cũng là giúp kiểm chứng các nguồn tin lan truyền trên mạng. Kể lại trên BBC, Jain cho biết đã nảy ra sáng kiến lập trang web này là do liên tục nhận tin vịt trên WhatsApp. Jain trở nên nổi tiếng sau khi là một trong những người đầu tiên lên tiếng bác bỏ thông tin đang lan truyền trên mạng rằng tờ 2.000 rupee mới của Ấn Độ có gắn “chip nano GPS” để theo dõi quá trình giao dịch của nó. “Tôi tìm hiểu kỹ và thấy rằng chip nano GPS cần có nguồn năng lượng để hoạt động trong khi tờ tiền mới rõ ràng là không thể có”, Jain giải thích.
Shammas Oliyath, người điều hành trang web Check4spam.com, là một “chiến binh” khác trong cuộc chiến chống tin giả ở Ấn Độ. Oliyath có nhiệm vụ phân loại tin thật và tin giả trên WhatsApp. Chuyên gia phần mềm này cho hay hầu hết các tin anh xử lý đều liên quan đến chính trị. Anh nhận khoảng 200 tin nhắn nhờ kiểm chứng trên WhatsApp mỗi ngày. Oliyath được nhiều người biết đến sau khi buộc một hãng truyền thông rút lại bài báo có nội dung thất thiệt.
Dù thừa nhận khó có thể kiểm chứng được hết các tin thất thiệt lan truyền trên mạng song 3 “chiến binh” trên không ngừng nỗ lực để làm tốt công việc của mình. Sinha cho biết Altnews.in có gần 3,2 triệu lượt xem trong vòng 5 tháng, trong khi SMHoaxSlayer.com thu hút khoảng 250.000 lượt xem hằng tháng. Theo Oliyath, Check4spam.com có khoảng 15.000 lượt truy cập mỗi ngày.(Thanhnien)
-------------------------------
Vụ lộ mật làm chao đảo chính phủ Thụy Điển
Một vụ rò rỉ thông tin cá nhân của người dân đang khiến chính phủ Thụy Điển bị đặt dưới nguy cơ bị phế truất.
Từ trái sang: Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thụy Điển, tướng Micael Byden; Tổng giám đốc Cảnh sát an ninh Anders Thornberg; thủ tướng Stefan Lofven và Tổng giám đốc Cơ quan Vận tải Thụy Điển Jonas Bjelfvenstam trong cuộc họp báo tại thủ đô Stockholm, ngày 24-7 về vụ lộ mật - Ảnh: REUTERS
Hôm qua (24-7, giờ địa phương), Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven phải lên tiếng cảnh báo về những rủi ro đối với đất nước và người dân nước này do việc những thông tin nhạy cảm bị rò rỉ từ một hợp đồng với tập đoàn IBM của Mỹ.
Vụ việc bắt nguồn từ hợp đồng thuê ngoài quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe và bằng lái hồi tháng 4-2015 của Cơ quan Vận tải Thụy Điển.
Cơ quan Vận tải Thụy Điển ký kết với đối tác IBM. Theo báo Le Vif, IBM sau đó giao lại cho chi nhánh ở CH Czech và Romania thực hiện hợp đồng.
Theo kênh truyền hình Thụy Điển SVT, không rõ như thế nào mà trong hệ thống của IBM, các nhân viên có thể truy cập những thông tin nhạy cảm của người dân Thụy Điển.
“Vụ việc này là một tai nạn. Nhưng đó là vụ việc trái luật và đặt đất nước cũng như người dân Thụy Điển vào những tình huống có thể gây tổn hại”, thủ tướng Lofven tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 24-7.
Theo lãnh đạo Cơ quan Vận tải Thụy Điển, thực sự là hợp đồng trên đã được thực hiện một cách chóng vánh, lách một số đạo luật bảo vệ thông tin nhạy cảm và quy trình thủ tục trong nước, dẫn đến việc những người nước ngoài không được cấp phép trong IBM vẫn có thể tiếp cận các thông tin nhạy cảm.
Người đứng đầu Cơ quan Vận tải Thụy Điển thời điểm ký thỏa thuận nêu trên là bà Maria Agren đã xin nghỉ vào tháng 1 năm nay.
Theo truyền thông Thụy Điển, bà Agren đã nhìn nhận vi phạm luật và chấp thuận nộp phạt 70.000 krona (khoảng 8.500 USD)
Các thông tin bị lộ gồm thông tin cá nhân được ghi nhận trong đăng ký bằng lái xe có ảnh, chưa kể các thông tin nhạy cảm khác về hệ thống cầu cảng, đường sá, hệ thống đường sắt ngầm và thông tin liên quan đến những phương tiện đi lại của quân đội và cảnh sát.
Trong họp báo ngày 22-7, phía quân đội Thụy Điển có thừa nhận về lo ngại các cơ sở quốc phòng và hệ thống phòng thủ bị lộ.
Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thụy Điển, tướng Micael Byden nhận định vụ rò rỉ là vấn đề nghiêm trọng, có thể tạo ra những nguy cơ tiềm tàng nếu thông tin rơi vào tay kẻ xấu.
Truyền thông Thụy Điển trong khi đó cho rằng tên tuổi các điệp viên, mật vụ Thụy Điển cũng đã bị lộ trong vụ việc này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24-7, Thủ tướng Lofven cho biết ông chỉ được một cộng sự thông báo về vụ việc vào đầu năm nay.
Ông đồng thời nêu rõ vụ rò rỉ thông tin này là "sự thất bại hoàn toàn", một "thảm họa" và tạo ra những nguy cơ đối với đất nước và người dân quốc gia Bắc Âu này.
Tuy nhiên theo truyền thông Thụy Điển, các bộ trưởng Quốc phòng, Peter Hultqvist, và Nội vụ, Anders Ygeman, đã được thông báo về vụ việc từ năm 2016 nhưng họ không quyết tâm theo dõi vụ việc.
Theo Thủ tướng Lofven, chính quyền Stockholm đã tiến hành điều tra và đang xem xét đề xuất một dự luật an ninh mới, trong đó có những quy định chặt chẽ hơn về việc thuê ngoài với sự giám sát của Ủy ban Hiến pháp, và dự luật này có thể có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Tuy nhiên vụ việc do truyền thông đưa ra từ vài tuần qua này có nguy cơ làm chao đảo chính quyền của thủ tướng Lofven. Nhiều nhà quan sát cho rằng có khả năng vài bộ trưởng phải mất ghế.
Thậm chí chính quyền của thủ tướng Lofven có thể bị mệt mỏi nếu phe đối lập - đang chiếm đa số tại Quốc hội - đưa ra yêu cầu phế truất chính phủ.
Bà Annie Lööf, lãnh đạo đảng đối lập, hôm 23-7 cũng đã tuyên bố rằng khả năng phế truất chính phủ là không phải không có!(Tuoitre)