Đô đốc Mỹ Harry Harris khẳng định chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông là "hợp thức hóa luật pháp quốc tế" và nó "giúp ích cho các nước".
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 05-06-2017
- Cập nhật : 05/06/2017
Triều Tiên bác bỏ hoàn toàn nghị quyết trừng phạt mới nhất của LHQ
Hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên ngày 4/6 cho biết Bình Nhưỡng đã "bác bỏ hoàn toàn" các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc nhằm vào các công dân và thực thể Triều Tiên, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí.
Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Triều Tiên ở New York (Mỹ) ngày 2/6. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, ngày 2/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu công khai về nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để phản ứng trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này. Kết quả là toàn bộ 15 nước thành viên HĐBA đã nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt để bổ sung 18 cá nhân và thực thể của Triều Tiên vào "danh sách đen" của LHQ.
Trước khi dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu tại HĐBA LHQ, Mỹ đã đàm phán với Trung Quốc trong 5 tuần. Và đây là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ và Trung Quốc đạt được sự nhất trí về một nghị quyết liên quan đến Triều Tiên.
Theo kế hoạch ban đầu, HĐBA sẽ tiến hành bỏ phiếu kín về nghị quyết này, song Washington đã thuyết phục được Bắc Kinh đồng ý tiến hành bỏ phiếu công khai, nhằm nhấn mạnh sự phản đối của HĐBA trước thái độ của Bình Nhưỡng bất chấp lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo của LHQ.(TTXVN)
-------------
Mỹ không thể đánh chặn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên?
Ngày 3/6, Triều Tiên đã lên án việc Mỹ hôm 30/5 bắn hạ thành công mục tiêu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) giả định, song khẳng định các vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ không bị đánh chặn.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn của Lực lượng chiến lược thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên nêu rõ việc Mỹ đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM giả định xuất phát từ Triều Tiên tại một căn cứ không quân ở California chỉ là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng của Washington. Quan chức này nêu rõ, Mỹ phạm sai lầm nếu nghĩ rằng một hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy có thể ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân dồn dập của Lực lượng chiến lược Triều Tiên.
Người phát ngôn cũng chỉ trích những động thái quân sự gần đây của Mỹ tại khu vực châu Á như việc Washington triển khai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan gia nhập nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tham gia cuộc tập trận chung với lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại vùng Biển Nhật Bản và đưa 2 máy bay ném bom B-1B tới Hàn Quốc diễn tập ném bom.
Trước đó, người phát ngôn của Ủy ban hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên ngày 1/6 cũng đã ra tuyên bố chỉ trích vụ thử đánh chặn ICBM của Mỹ, cho rằng đây là một "hành động tiềm ẩn rủi ro" chống lại Bình Nhưỡng và làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 16 ở Singapore ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng việc Triều Tiên thời gian gần đây liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối của quốc tế thực sự đang gây ra "mối lo ngại rõ ràng và hiện hữu". Ông Mattis khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngoại giao cũng như gia tăng sức ép về mặt kinh tế cho tới khi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho rằng việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc là nhằm đối phó với vấn đề có thực của Triều Tiên.
Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Mattis nói: "Tôi không lựa chọn đưa THAAD tới Hàn Quốc để bảo vệ người dân nước này khỏi một vấn đề trong tưởng tượng. Đây là vấn đề có thực. Đó phải là việc Hàn Quốc đặt một hệ thống phòng thủ đơn thuần để bảo vệ người dân của mình. Vấn đề này là Triều Tiên".
Cùng ngày, Hàn Quốc đã lên tiếng ủng hộ việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhất trí sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạtđối với nhiều quan chức và thực thể của Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một loạt vụ thử tên lửa mang tính thách thức.(Infonet)
--------------------------------------------------------
Triều Tiên nói có sẵn "vũ khí hạt nhân khủng nhất" dành cho Mỹ
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã đăng một bài viết có tựa đề "Mỹ bị giục không mạo hiểm hành động quân sự". Trong bài, một quan chức phụ trách mối quan hệ liên Triều chỉ trích các hành động quân sự của Mỹ ở khu vực.
Tên lửa Triều Tiên được phóng thử bằng một hệ thống dẫn đường chính xác trong bức ảnh được KCNA công bố ngày 30/5.
"Tốt hơn là Mỹ hãy có lựa chọn sáng suốt dù muộn, trước khi có thể phải chịu thêm ghét bỏ, nhận ra rằng thời gian, công lý và chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về Triều Tiên vốn đang cầm chắc vũ khí hạt nhân uy lực nhất", KCNA tuyên bố.
Cảnh báo của chính quyền Kim Jong Un đưa ra khi cùng ngày, Nhật tiến hành các cuộc tập trận lớn với hai tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và USS Ronald Reagon. Hai tàu chiến này đã được Mỹ triển khai tới khu vực trong bối cảnh có tin Triều Tiên sắp thực hiện vụ thử hạt nhân lần 6.
Trong một thông điệp ngày 1/6, một phát ngôn viên của Hội đồng Hòa bình châu Á – Thái Bình Dương của Triều Tiên tuyên bố hành động của Mỹ chứng tỏ nước này là nguồn cơn làm leo thang căng thẳng khu vực.
"Điều này chứng tỏ Mỹ có ý định hạ Triều Tiên bằng vũ lực, nắm mũi nhọn quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương...", Newsweek dẫn thông điệp của KCNA.
Các nhà chức trách ở Bình Nhưỡng khẳng định họ theo đuổi công nghệ vũ khí hạt nhân là vì mục đích quốc phòng.
Triều Tiên được tin là đang sở hữu khoảng 20 đầu nổ hạt nhân và một kho lớn tên lửa đạn đạo. Giới phân tích tin nước này sẽ chưa thể chế được một tên lửa đạn đạo mang hạt nhân vào năm 2020. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng được cho là có thể phát động tấn công hạt nhân vào các nước láng giềng, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản – nơi có nhiều quân nhân và cơ sở quân sự Mỹ.
Cùng ngày 1/6, Mỹ thông báo áp thêm các đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào các công ty dính dáng đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Nỗ lực này là nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân khác, trong khi Tổng thống Donald Trump tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để gây áp lực với chính quyền Kim Jong Un.
Trong bài viết với lời lẽ cứng rắn, KCNA kêu gọi Washington hãy đảo chiều hành động nếu không muốn bị tấn công hạt nhân.(Vietnamnet)
-------------------------