Ngày 6-5, biên đội tàu của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã cập Cảng Quốc tế TP.HCM.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 06-05-2017
- Cập nhật : 06/05/2017
Triều Tiên đòi 600 tỉ USD/năm để bỏ chương trình hạt nhân?
Báo The Korea Times (Hàn Quốc) và cổng tin tức Aboluowang (Hồng Kông) ngày 4-5 cho biết Trung Quốc và Triều Tiên bắt đầu hội đàm bí mật từ tháng 8 năm ngoái. Cuộc đối thoại tiến triển đến mức hai bên đã thảo luận về những điều khoản chi tiết nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên được cho là đưa ra 4 điều kiện:
- Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga phải viện trợ tài chính vô điều kiện cho nước này số tiền 600 tỉ USD/năm trong 10 năm tới
- Rút lại toàn bộ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và quốc tế
- Thiết lập hiệp ước hòa bình Mỹ - Triều Tiên
- Đảm bảo an toàn cho chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ tạm ngừng phát triển công nghệ tên lửa và hạt nhân trong vòng 3 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán dường như bị đình trệ do Trung Quốc muốn gửi chuyên gia hạt nhân tới Triều Tiên để giám sát việc dỡ bỏ các chương trình này nhưng Bình Nhưỡng không đồng ý.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết họ đang xác minh những thông tin trên.
Trong một diễn biến khác liên quan tới Triều Tiên, hãng tin KCNA ngày 5-5 thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa tới thăm các đơn vị quân đội đóng tại hai hòn đảo nhỏ phía Tây Nam đất nước. Đồng thời, KCNA tiết lộ Bình Nhưỡng đang cân nhắc kế hoạch tấn công láng giềng miền Nam.
Theo hãng tin này, ông Kim đã tới 2 hòn đảo Jangjae và Mu, cách không xa đảo tiền tuyến Yeongpyeong của Hàn Quốc. Tháng 11-2010, Triều Tiên nã đạn pháo vào đảo Yeongpyeong, giết chết 4 người, bao gồm 2 dân thường. Đây là vụ tấn công đầu tiên của Triều Tiên vào lãnh thổ Hàn Quốc kể từ cuộc chiến 1950-1953.
Một nguồn tin quân sự Seoul cho hay ông Kim ghé thăm 2 đảo Jangjae và Mu trên một chiếc thuyền nhỏ hôm 4-5 (giờ địa phương). Trên 2 đảo này, Bình Nhưỡng trang bị nhiều bệ phóng rốc-két đa nòng cùng pháo binh, trong đó có một đơn vị pháo binh trên đảo Mu đứng sau vụ tấn công đảo Yeongpyeong cách đây 7 năm.(NLĐ)
----------------------
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chặn các nguồn thu nhập chủ chốt của Triều Tiên
Theo lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy, dự luật được thông qua cho thấy nước Mỹ sẽ sử dụng mọi công cụ có thể để chấm dứt mối đe dọa mà Triều Tiên gây ra.
Ngày 4/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự Luật Ngăn chặn và Trừng phạt Tăng cường (H.R. 1644) nhằm vào CHDCND Triều Tiên, theo đó, siết chặt hơn nữa các đòn trừng phạt kinh tế, bao gồm cả những thực thể cung cấp dầu thô cho Bình Nhưỡng và sử dụng lực lượng lao động xuất khẩu của quốc gia Đông Bắc Á này.
Dự luật H.R. 1644 đã được thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo 419 phiếu thuận, duy nhất 1 phiếu chống, và sẽ được chuyển lên Thượng viện phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
Dự luật mới đưa ra các biện pháp siết chặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên áp đặt từ năm 2016, hướng tới việc ngăn chặn các nguồn thu nhập chủ chốt của Bình Nhưỡng, vốn bị cáo buộc là được Triều Tiên sử dụng để theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo.
Dự luật cấm các tàu của Triều Tiên hoặc quốc gia khác vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) không được hoạt động trong vùng biển của Mỹ hoặc cập cảng Mỹ. Dự luật cũng trừng phạt các cá nhân và thực thể nhập khẩu than đá, quặng sắt vượt quá các giới hạn mà LHQ áp đặt hay tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh trên mạng của Triều Tiên.
Dự luật này cũng nhắm tới các cá nhân và thực thể nhập khẩu hoặc sử dụng lao động của Triều Tiên thông qua biện pháp cấm nhập khẩu vào Mỹ các loại thực phẩm được sản xuất trong các điều kiện này. Đặc biệt, dự luật cũng yêu cầu chính quyền Tổng thống Donald Trump trong vòng 90 ngày phải quyết định có nên tiếp tục đặt Triều Tiên trong danh sách các nhà nước hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố hay không.
Phát biểu sau khi dự luật được thông qua, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy cho biết: "Cuộc bỏ phiếu hôm nay cho thấy nước Mỹ sẽ sử dụng mọi công cụ có thể để chấm dứt mối đe dọa mà Triều Tiên đặt ra". Ông nhấn mạnh cần tăng sức ép và sử dụng mọi đòn bẩy để đạt ổn định và hòa bình vĩnh viễn.
Kể từ năm 2006, HĐBA đã thông qua 6 nghị quyết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng - riêng năm 2016 thông qua 2 nghị quyết - nhằm gia tăng áp lực đáng kể lên chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, trong 11 năm qua, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và liên tiếp thử tên lửa bất chấp các lệnh cấm.
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên gần đây đã trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng được cho là đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới, còn Mỹ đã cử nhóm tàu tấn công cùng tàu sân bay USS Carl Vinson tới vùng biển ngoài khơi khu vực này.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi đầu tuần, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence công khai tuyên bố thời kỳ "kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên đã hết. Trong khi đó, phía Bình Nhưỡng coi những hành động gần đây của Washington là "động thái đe dọa rõ ràng" và khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp để đáp trả nếu bị tấn công, kể cả việc dùng vũ khí hạt nhân.(TTXVN)
---------------------------------
Ông Kim Jong-un thăm đảo tiền tuyến, cảnh báo tấn công Hàn Quốc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm các đơn vị quân đội đóng trên 2 hòn đảo nhỏ ở khu vực phía Tây Nam và tuyên bố Bình Nhưỡng đang xem xét một kế hoạch tấn công Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thị sát cuộc tập trận của đơn vị pháo binh Quân đội Nhân dân Triều Tiên tại một địa điểm bí mật trên lãnh thổ nước này. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết ông Kim Jong-un đã đi thị sát các đơn vị quân đội tại các đảo Jangjae và Mu, nằm gần đảo Yeongpyeong của Hàn Quốc. Từ đài quan sát trên đảo Jangjae, nhà lãnh đạo này đã nhìn sang hòn đảo của Hàn Quốc và ra lệnh cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Ông Kim Jong-un đã kiểm tra kế hoạch tấn công của các lực lượng mới được thành lập.
Bản tin của KCNA không nói rõ chuyến thị sát này được thực hiện vào ngày nào nhưng một nguồn tin quân sự Hàn Quốc tiết lộ sự kiện này diễn ra ngày 4/5. Chuyến thăm được lưu ý trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng, và được coi là để "đáp lại" việc quân đội Hàn Quốc đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên các hòn đảo thuộc vùng biển phía Tây.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38 North (38 độ Bắc) của Viện nghiên cứu Mỹ - Triều thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) công bố các hình ảnh vệ tinh thương mại được chụp gần đây cho thấy những hoạt động mới tại bãi thử tên lửa của Triều Tiên, nơi nước này tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) năm 2016.
Các hình ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu "Sinpo South", miền Đông Triều Tiên ngày 29/4 cho thấy một cần cẩu hạng nặng đã được triển khai gần một bệ thử tên lửa từng được sử dụng trong thời gian từ năm 2014 - 2016. Một xe tải sàn phẳng dài 13m cũng đã được phát hiện đỗ ở gần đó. Theo kết quả phân tích, hình ảnh trên chưa đủ để kết luận về rằng hoạt động này liên quan tới việc bảo dưỡng, di chuyển tháp phóng hay chuẩn bị cho vụ thử sắp tới.
Các hoạt động mới nói trên được phát hiện sau khi Bình Nhưỡng dường như thất bại trong vụ phóng thử tên lửa đạn đạo hôm 16/4 từ khu vực Sinpo. Trước đó hôm 5/4, Triều Tiên cũng đã phóng một vật thể được cho là tên lửa KN-15 tại khu vực này. Tên lửa bay được khoảng 60km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.(TTXVN)
-----------------------
Trung-Triều bí mật đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa?
Mạng tin Aboluowang có trụ sở tại Hong Kong cho biết Trung Quốc và Triều Tiên đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật liên quan tới vấn đề hạt nhân tên lửa của Triều Tiên kể từ tháng 8/2016. Tuy nhiên, các chuyên gia coi đây là tin đồn vô căn cứ.
Trung Quốc và Triều Tiên đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật kể từ tháng 8/2016 và cuộc đối thoại này đã phát triển đến điểm mà hai bên đã đàm phán các điểu khoản chi tiết để đảm bảo sự chấm dứt vĩnh viễn các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa của Bình Nhưỡng.
Mạng tin Aboluowang khẳng định bốn điều khoản mà Triều Tiên được cho là đã gợi ý với Trung Quốc là cung cấp khoản viện trợ vô điều kiện trị giá 600 tỷ USD mỗi năm trong 10 năm tới (do Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga tài trợ), dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và quốc tế đối với quốc gia bị cô lập này, giải quyết hiệp ước hòa bình Washington – Bình Nhưỡng và đảm bảo sự an toàn cho chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm ở gần Sinpo, vùng bờ biển phía đông bắc Triều Tiên ngày 9/5/2015. Ảnh tư liệu:EPA/TTXVN
Đối với phía Trung Quốc, điều kiện duy nhất mà Bắc Kinh được cho là đã đưa ra để đổi lại là Bình Nhưỡng chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong vòng 3 năm kể từ khi thỏa thuận được ký.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán được cho là rơi vào bế tắc do Trung Quốc quyết định cử các chuyên gia hạt nhân tới Triều Tiên để giám sát quá trình dỡ bỏ các chương trình này.
Các chuyên gia đang coi tin đồn này là vô căn cứ, xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại bán đảo Triều Tiên và hy vọng đang gia tăng về một sự đột phá ngoại giao. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không biết về thông tin này.(baotintuc)
-------------------------------