Trong bức thư chung gửi đến Nhà Trắng, các thượng nghị sĩ lưỡng đảng yêu cầu Tổng thống Donald Trump 'cứng rắn' hơn về vấn đề Biển Đông, tăng cường tuần tra hải quân nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải tại đây.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 11-05-2017
- Cập nhật : 11/05/2017
Triều Tiên kêu gọi chính phủ mới Hàn Quốc đối thoại
CHDCND Triều Tiên ngày 11/5 đã kêu gọi chính phủ mới của Hàn Quốc chấm dứt các chính sách đối đầu, bao gồm việc tập trận chung với Mỹ, trong bối cảnh chính trị gia theo đường lối tự do Moon Jae-in vừa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc.
Hãng thông tấn Yonhap trích dẫn một bài viết của nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên có đoạn nhấn mạnh: "Hai miền Triều Tiên cần tôn trọng nhau và mở ra một chương mới để tiến lên theo hướng cải thiện mối quan hệ giữa hai bên và thống nhất Bán đảo Triều Tiên... Triều Tiên và Hàn Quốc nên tìm kiếm đối thoại và thương lượng ở nhiều cấp độ".
Ngoài ra, bài báo còn kêu gọi phía Hàn Quốc cấm các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới giữa hai miền, đồng thời nêu rõ cần phải làm dịu tình trạng căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nổ ra xung đột gần biên giới trên bộ cũng như tại các vùng biển phía Tây.
Nhiều người kỳ vọng ông Moon sẽ tìm cách can dự với Triều Tiên nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon cũng đã cam kết tìm kiếm cách tiếp cận là thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa và đối thoại với Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến khác, các nhà quan sát cho biết Triều Tiên dự định sẽ kêu gọi Trung Quốc giảm bớt trừng phạt kinh tế khi một phái đoàn của nước này tham dự một hội nghị về thương mại và cơ sở hạ tầng tại Bắc Kinh vào ngày 14/5 tới.
Hội đàm giữa các quan chức Triều Tiên và Trung Quốc diễn ra bên lề diễn đàn "Sáng kiến Vành đai và Con đường" sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế, nhưng Bắc Kinh có ý định kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng các hành động khiêu khích như một điều kiện để nới lỏng trừng phạt.
Theo các nhà quan sát, vụ thử hạt nhân và tên lửa có vẻ không phải các vấn đề nghị sự chủ chốt, tuy nhiên chuyến thăm có thể cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, hai nước bị lôi vào một cuộc khẩu chiến liên quan đến việc Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân, tên lửa.(TTXVN)
---------------------------
Mỹ chuyển thông điệp hạ nhiệt đến Triều Tiên
Hãng tin Kyodo News hôm qua loan tin Mỹ đã thông báo với Trung Quốc về kế hoạch giải quyết chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Theo đó, Mỹ hứa không làm tổn hại lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và xem xét mời ông này gặp Tổng thống Donald Trump tại Mỹ nếu Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Washington còn được cho là đã đưa ra cam kết “4 không” nếu Bình Nhưỡng chấp nhận điều kiện trên. Đó là không thay đổi chế độ, không tìm cách kết thúc chính quyền của ông Kim, không phát động xâm lược và không cố đẩy nhanh quá trình thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh được cho là chuyển thông điệp này tới Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Washington xem xét hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên và bắt đầu đàm phán hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.
Những thông tin này được tiết lộ trong lúc phái đoàn Triều Tiên có cuộc hội đàm với một nhóm chuyên gia Mỹ tại Na Uy từ ngày 8 - 9.5. Theo nguồn tin ngoại giao của Yonhap, dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên được cho là Cục trưởng Cục Mỹ - Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao nước này Choe Son-hui và đại diện nhóm chuyên gia Mỹ là bà Suzanne DiMaggio, Giám đốc New America, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định cuộc gặp như trên thường được tổ chức theo định kỳ để bàn về nhiều vấn đề của thế giới và không liên quan đến chính quyền Washington, theo Yonhap. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cuộc gặp diễn ra vào thời điểm căng thẳng Mỹ - Triều Tiên dâng cao nên đây có thể là dịp để hai bên thăm dò lẫn nhau.
Liên quan đến Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua thông báo Bình Nhưỡng sẽ gửi một phái đoàn đến dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 14 - 15.5, theo Yonhap.(Thanhnien)
-------------------------------
Triều Tiên đang tính toán đến một cuộc tấn công điện từ nhằm vào Mỹ?
Triều Tiên có thể đang chuẩn bị một cuộc tấn công xung điện từ với hai vệ tinh hoạt động sẵn phía trên nước Mỹ.
Các chuyên gia lo ngại Bình Nhưỡng đang bí mật phát triển khả năng cho kích nổ vũ khí hạt nhân tầm cao, tạo thành một vụ tấn công xung điện từ (Electromagnetic pulse - EMP) sẽ làm vô hiệu hóa các hệ thống điện tử phía dưới, gây ra những hậu họa khôn lường.
Theo tờ Daily Mail, hiện Triều Tiên đang có hai vệ tinh giám sát hoạt động trong vũ trụ được phóng lên từ năm 2012 và 2016. Mỗi vệ tinh mất 94 phút để hoàn thành quỹ đạo quay xung quanh Trái Đất.
Tiến sĩ Peter Vincent Pry – Giám đốc điều hành Lực lượng Đặc nhiệm An ninh nội địa và Quốc gia Mỹ - cảnh báo Triều Tiên đang đặt hai vệ tinh của họ vào vị trí giống trong “thời kỳ tên lửa hạt nhân, phiên bản thời kỳ công nghệ cao” của ngoại giao tàu chiến “để họ luôn luôn có một trong hai vệ tinh hoạt động rất gần hoặc ở phía trên nước Mỹ”.
Ông Pry - người kiêm chức vụ Chánh văn phòng Ủy ban EMP Quốc hội Mỹ - cho biết: “Nếu như khủng hoảng xảy ra và chúng ta quyết định tấn công Triều Tiên, ông Kim Jong-un có thể đe dọa ngài tổng thống và nói, ‘Đừng làm như vậy vì chúng tôi sẽ đốt cháy cả đất nước ông’, đó căn bản là điều ông ta sẽ nói”.
Ông Pry còn nhận định một vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên trông “khả nghi” giống như đang thực hành một vụ tấn công EMP.
Vũ khí xung điện từ hoạt động như thế nào?
Vũ khí xung điện từ sử dụng tên lửa được trang bị súng điện từ. Thiết bị này sử dụng một lò vi sóng siêu mạnh để tích tụ một tia năng lượng tâp trung, khiến hiệu điện thế vọt nhanh và nhiều thiết bị điện trở nên vô dụng. Thiết bị này được thiết kế nhằm mục đích phá hủy khả năng tình báo và giám sát, hệ thống máy tính và liên lạc, điều khiển, chỉ huy của đối thủ mà không làm bị thương người hay các cơ sở hạ tầng khác.
Viết trên tờ Newsmax, ông Pry giải thích ông nghi ngờ vụ thử tên lửa đó là vì tên lửa “phóng theo quỹ đạo võng, không tối đa hóa tầm xa, mà chỉ đạt được độ cao nhanh nhất có thể, nơi chúng có thể phát nổ. Vụ phóng thử đó kiểm tra được mọi thứ, ngoại trừ có một đầu đạn thật.
Tuy nhiên tuần trước, có chuyên gia cho biết họ nghi ngờ tính hữu dụng của những lần thử nghiệm vũ khí điện từ trong quá khứ, vì những vụ đó thất bại không làm mất điện trên diện rộng.
Chuyên gia giải trừ hạt nhân Jeffrey Lewis nhận định các tuyên bố về một xã hội sụp đổ chỉ vì một cuộc tấn công EMP của Triều Tiên là “ngu ngốc”. Ông giải thích bằng một cuộc thử nghiệm do Mỹ tiến hành trong năm 1962 được biết đến với tên gọi ‘Starfish Prime’.
Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đã phóng một quả tên lửa bay cao gần 400 km phía trên Thái Bình Dương để kiểm tra xem vụ tấn công điện từ tầm cao có thể ảnh hưởng như thế nào tới thiết bị quân sự. Quả bom khi đó phóng lớn gấp 100 lần so với quả bom thả xuống thành phố Nagasaki (Nhật Bản), nhưng kết quả ngoại trừ cho hình ảnh đẹp ra thì về cơ bản buổi thử nghiệm đó là “một sự thất vọng”.
Mặc dù có nhiều người cho rằng Starfish Prime có ảnh hưởng lớn tới thiết bị bên dưới, làm hàng loạt bóng đèn trải dài hàng triệu mét vuông tắt điện và ô tô tắt máy, song các chuyên gia cho biết không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh báo cáo trên. (Baotintuc)
------------------------------------
CIA lập đơn vị đặc trách về mối đe dọa Triều Tiên
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 10/5 cho biết đã thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên đánh giá về mối đe dọa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ Mike Pompeo tại một sự kiện ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, CIA đã lập ra trung tâm sứ mệnh đầu tiên tập trung vào một quốc gia đơn lẻ, thu hút các nguồn lực từ một loạt các đơn vị để thu thập và phân tích thông tin về vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa của Bình Nhưỡng, vốn có thể mở rộng mối đe dọa quân sự của Triều Tiên ra khắp khu vực Thái Bình Dương.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên dường như chuẩn bị thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6, làm gia tăng quan ngại ở khu vực Đông Á.
Trong khi đó, Mỹ không loại trừ phương án tấn công quân sự để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển năng lực hạt nhân.
Giám đốc CIA Mike Pompeo nhấn mạnh: "Việc thành lập Trung tâm Sứ mệnh Triều Tiên cho phép chúng tôi hợp nhất và chỉ đạo có chủ đích hơn các nỗ lực của CIA chống lại những mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ và các đồng minh bắt nguồn từ Triều Tiên".(TTXVN)