Triều Tiên khiến Mỹ thêm giận dữ
Việc bắn thử một tên lửa Hwasong-12 bay xa 3.700 km, cho thấy Triều Tiên đủ khả năng bắn tới đảo Guam và điều này khiến Washington thêm giận dữ.
Tên lửa Triều Tiên đủ tầm bắn tới Mỹ
Ngày 16/9, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã giám sát cuộc tập trận phóng tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng gần hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo KCNA dẫn lời giới chức quân sự khẳng định, với những kết quả đạt được từ các lần thử nghiệm, Triều Tiên đã gần ngang ngửa về sức mạnh quân sự với Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng đưa ra nhận định, việc bắn thử một tên lửa Hwasong-12 bay xa 3.700 km, cho thấy Triều Tiên đủ khả năng bắn tới đảo Guam của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên cảnh báo khả năng tấn công đảo chiến lược Guam, vốn nằm cách địa điểm phóng khoảng 3.400 - 3.500 km.
Website tuyên truyền của chính phủ Triều Tiên - Trang Uriminzokkiri ngày 19/8 đã đăng tải một đoạn video dài khoảng 4 phút lên Youtube, trong đó để ngỏ khả năngTriều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hướng về phía đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Xuất hiện trong đoạn clip, ông Kim Rak-gyom, chỉ huy Lực lượng Chiến lược của Triều Tiên, đã đưa ra một bức ảnh về tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng rằng nước này đang lên kế hoạch bao vây đảo Guam bằng hỏa lực.
Ông Kim Rak-gyom cảnh báo: “Người Mỹ nên học cách sống mà tai mắt lúc nào cũng phải mở to. Họ sẽ đứng ngồi không yên cả ngày lẫn đêm vì tên lửa Hwasong-12 bởi không biết lúc nào chúng sẽ được phóng đi”.Đoạn clip dài 4 phút còn giới thiệu hình ảnh vụ thử một loại vũ khí mới được cho là tên lửa đạn đạo Scud-ER và hình ảnh cận cảnh vào đảo Guam nhìn từ trên vũ trụ.
Chính phủ Triều Tiên hồi tháng 8 đã tung một đoạn video nước này đe dọa phóng tên lửa đến gần đảo Guam của Mỹ.
Giáo sư Park Won-gon tại đại học Handong, Hàn Quốc, lập luận, nếu một tên lửa được phóng gần thủ đô gặp sự cố, nó sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên bất chấp những nguy cơ có thể xảy ra, Triều Tiên đã liên tiếp bắn thử hai tên lửa từ khu vực Sunan.
“Điều đó cho thấy họ rất tự tin với hoạt động của tên lửa Hwasong-12”, vị giáo sư kết luận.
Mỹ thêm giận dữ
Động thái gia tăng căng thẳng mới của Triều Tiên, đặc biệt lại hướng về phía đảo Guam của Mỹ đã khiến Washington thêm giận dữ.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngay lập tức kêu gọi Nga và Trung Quốc có động thái tác động trực tiếp đối với Triều Tiên sau động thái gia tăng căng thẳng trên.“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước có các biện pháp mới đối phó với Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác cung cấp chủ yếu dầu thô cho Triều Tiên trong khi Nga tiếp nhận nhiều lao động Triều Tiên nhất. Nga và Trung Quốc phải thể hiện rằng họ không dung thứ cho các vụ phóng tên lửa liều lĩnh của Triều Tiên bằng việc có hành động trực tiếp gây sức ép lên Triều Tiên”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngay lập tức kêu gọi Nga và Trung Quốc có động thái tác động trực tiếp đối với Triều Tiên
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Anh Boris Johnson ở London ngày 14/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc sẽ dùng dầu mỏ để thay đổi thái độ cũng như quan điểm của Triều Tiên về phát triển vũ khí hạt nhân.
“Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tự quyết định việc sử dụng công cụ mạnh mẽ là dầu mỏ để thuyết phục Triều Tiên xem xét lại con đường phát triển vũ khí, cũng như điều chỉnh cách tiếp cận đối thoại và đàm phán trong tương lai”, ông Tillerson nhấn mạnh.
Trong một động thái có liên quan, trả lời phỏng vấn với kênh MSNBC, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R.McMaster cũng tuyên bố nước này đang chuẩn bị mọi kịch bản, kể cả quân sự để đối phó mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
“Nếu họ có vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Mỹ, quan điểm của Tổng thống Donald Trump là không dung thứ. Vì vậy, dĩ nhiên là chúng tôi phải đưa ra tất cả các giải pháp, trong đó có lựa chọn quân sự”, ông McMaster nhấn mạnh.
Trước đó, Mỹ cũng kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhanh chóng thông qua nghị quyết trừng phạt mới mạnh tay nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9.
Theo bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế cần phải áp các lệnh trừng phạt mạnh nhất có thể với Triều Tiên. Chỉ có các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất mới cho phép chúng ta giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao.
“Hành động của Triều Tiên không thể được coi là tự vệ, nước này muốn được công nhận là một quốc gia hạt nhân. Tuy nhiên, để được công nhận là quốc gia hạt nhân thì không phải dùng các vũ khí này để đe dọa các nước khác”, bà Haley nhấn mạnh.
Sau lời kêu gọi ráo riết của Mỹ, Hội đồng bảo an, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng hôm 11/9 do Mỹ soạn thảo với tỷ lệ 15 ủng hộ - 0 phản đối.
Lệnh trừng phạt mới này cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, cấm thuê lao động mới của Bình Nhưỡng tại nước ngoài.
Với những gì đã tuyên bố từ trước đến nay, chắc chắn Washington sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả và sẵn sàng phòng vệ nếu Triều Tiên thật sự có những hành động khiêu khích với đảo Guam của Mỹ.(Baodatviet)
---------------------------------
Bất chấp cấm vận, Triều Tiên thành nước xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ chủ yếu
Thông qua những số liệu vũ khí chặn thu được của Triều Tiên và một số nước, cơ quan nghiên cứu tại Genava, Thụy Sĩ khẳng định Triều Tiên là một nước xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ chính trên thị trường quốc tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và quân đội Triều Tiên. Ảnh: Zaobao.
Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore ngày 14/9 dẫn một cuộc điều tra mới nhất cho rằng Triều Tiên, Saudi Arabia và Iran là những nước xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ bí ẩn nhất trên thế giới. Các loại vũ khí xuất khẩu chính gồm có súng trường Kalashnikov, đạn tên lửa và súng máy.
Báo chí Mỹ dẫn báo cáo "Điều tra thương mại vũ khí hạng nhẹ năm 2017" chỉ ra, mặc dù độ minh bạch giao dịch của 55% các nước tham gia giao dịch vũ khí hạng nhẹ trên thế giới đã tăng lên, nhưng vẫn có thị trường với khoảng 6 tỷ USD nằm trong "vùng xám", làm cho vũ khí rơi vào tay các phần tử cực đoan hoặc bị một số nước dùng cho các hành vi khác.
Số liệu liên quan đến những nước có giao dịch bí mật tại báo cáo này là số lượng vũ khí chặn thu được.
Báo cáo cho hay vào tháng 8/2016, một chiếc tàu của Triều Tiên đã bị chặn bắt ở Ai Cập. Trên chiếc tàu này có tới 30.000 quả đạn rocket PG-7 cùng các linh kiện.
Trong khi đó, vào năm 2009, một chiếc máy bay chở vũ khí hạng nhẹ trị giá 18 triệu USD đến từ Triều Tiên cũng đã bị chặn bắt tại Thái Lan, điểm đến của những vũ khí này là Iran.
Theo báo cáo, những sự kiện này cùng những giao dịch vũ khí hạng nhẹ khác đã chứng minh đầy đủ rằng Triều Tiên đã trở thành một nước xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ chủ yếu. Những vũ khí bị bắt giữ đã phản ánh "vùng xám" trong giao dịch vũ khí trên thế giới đang còn tồn tại. Ảnh: AP.
Người tham gia xây dựng báo cáo này là Irene Pavesi cho rằng tính bí mật của các giao dịch vũ khí hạng nhẹ đã làm gia tăng rủi ro để vũ khí rơi vào tay những kẻ nguy hiểm, tiếp tục làm gia tăng xung đột và sự bất ổn của toàn cầu.
Hoạt động điều tra vũ khí hạng nhẹ này là một chương trình nghiên cứu độc lập, do Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển ở Geneva, Thụy Sĩ đóng vai trò chủ đạo.(Viettimes)
--------------------------
Tổng thống Trump tự tin về các lựa chọn quân sự để đối phó Triều Tiên
Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Washington nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ "không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là nước có vũ khí hạt nhân".
Tổng thống Donald Trump ngày 15.9 đứng trước các chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến nhất của Không quân Mỹ để khẳng định sự tin tưởng vào năng lực đối phó Triều Tiên của quân đội nước này.
“Sau khi chứng kiến khả năng và cam kết của mọi người ở đây, tôi tự tin hơn bao giờ hết rằng những lựa chọn của chúng ta để đối phó [Triều Tiên] vừa hiệu quả lại vừa không thể chống đỡ nổi”, Tổng thống Trump tuyên bố khi đứng trước các quân nhân cùng với 3 chiến đấu cơ tàng hình F-22, F-35 và B-2 ở căn cứ quân sự liên hợp Andrews ở bên ngoài thủ đô Washington D.C.
Trước đó vài giờ cả Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster lẫn Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cũng đã nhấn mạnh với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng Tổng thống Trump đã có các lựa chọn quân sự để ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa và hạt nhân, dù đó không phải là giải pháp hàng đầu cho khu vực.
Những tuyên bố trên được đưa ra vài giờ sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo tầm trung ngang qua Nhật Bản và bay xa 3.700 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Giới chức Nhật cho rằng với tầm bay này, tên lửa Triều Tiên đủ sức bao phủ cả đảo Guam của Mỹ, theo NHK.
Sau khi Triều Tiên tiến hành đợt phóng tên lửa mới, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, gọi đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Mặt khác, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cùng ngày kêu gọi Mỹ kiềm chế đe dọa Triều Tiên và tìm những biện pháp hiệu quả để nối lại đối thoại và đàm phán, theo Reuters.
Bên cạnh đó, ông Thôi Thiên Khải cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ "không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là nước có vũ khí hạt nhân". (Thanhnien)