Các chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên lớn mạnh dần theo từng đời lãnh đạo.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 28-09-2017:
- Cập nhật : 28/09/2017
Toan tính của Nga khi dùng Su-35 dội bom sát Triều Tiên
Theo TASS, ngày 26/9, Không quân Nga bất ngờ huy động những chiến đấu cơ tối tân bắn rocket, dội bom sát Triều Tiên trong cuộc tập trận không báo trước.
Thông tin này được TASS dẫn nguồn tin báo chí của lực lượng quân đội Nga ở Viễn Đông cho biết. Để tham gia cuộc tập trận không báo trước này, Nga đã huy động cường kích Su-24/25 cùng những tiêm kích tối tân nhất hiện nay của Nga là Su-30SM và Su-35.
Trong cuộc tập trận, ngoài nhiệm vụ hộ tống cho cường kích tấn công mặt đất, phi đội Su-30 và Su-35 còn trực tiếp tấn công mặt đất bằng nhiều loại bom và rocket khác nhau. Dù không tuyên bố lý do tổ chức cuộc tập trận bất ngờ nhưng theo nhận định của Daily Star, Moscow đầy toan tính trong cuộc tập trận này.
Bởi ngay trước đó, Nga đã âm thầm triển khai nhiều vũ khí hạng nặng và thiết bị quân sự đến Vladivostok, khu vực chỉ cách biên giới Triều Tiên khoảng 15km.
Vladivostok là khu vực nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Daily Star cũng đăng tải một đoạn video được ghi lại bởi nhân chứng cho thấy, đoàn xe bao gồm xe tăng, tên lửa phòng không Buk-M3 đang di chuyển tại thành phố này.
Sẽ không có gì đáng nói về việc điều động vũ khí và tập trận của Nga tại Vladivostok nếu tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang không ngừng tăng nhiệt do các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng và việc Mỹ và Trung Quốc liên tiếp điều binh đến gần khu vực này.
Theo Daily Star, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lần thứ 2 đe dọa hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng cũng đáp trả bằng tuyên bố sẵn sàng chiến tranh. Trước những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, cả Nga và Trung Quốc đều ra sức kêu gọi 2 nước bình tĩnh và không để tình hình tới mức không thể kiểm soát.
Thực tế, những gì đang diễn ra tại Triều Tiên vốn không phải là việc mà Moscow quá quan tâm. Vậy điều gì khiến Nga triển khai quân đến Vladivostok? Giới phân tích cho rằng, trong trường hợp Mỹ triển khai quân sự tới bán đảo Triều Tiên (áp sát Nga) thì Moscow cũng cần phải có một phương án an toàn, ít nhất là trong trường hợp ''tên bay đạn lạc''.
Mặt khác, dù có nhiều lạc quan trong quan hệ giữa Nga - Nhật Bản trong việc giải quyết tranh chấp tại một số đảo trong chuỗi đảo Nam Kuril nhưng khả năng hai nước tiến tới một thỏa thuận hòa bình vẫn là tương lai khó định trước.
Hồi đầu tháng 2/2017, Thủ tướng Shinzo Abe cũng thừa nhận rằng, việc ký kết một hiệp ước hòa bình với Nga – vấn đề bế tắc hơn 70 năm qua là điều không hề dễ dàng. Ông thừa nhận vấn đề tranh chấp lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril là không có nhiều tiến triển.
Do đó, giữa lúc căng thẳng đang diễn ra tại Triều Tiên, Nga có thể đường đường chính chính đưa quân tới Vladivostok – một hành động của Nga có thể gửi thông điệp cứng rắn đến nhiều đối thủ tiềm tàng trong khu vực.(Baodatviet)
-------------------------
Dàn tên lửa phòng không Triều Tiên có thể đe dọa oanh tạc cơ Mỹ
Triều Tiên sở hữu một trong những mạng lưới phòng không dày đặc nhất thế giới, với các loại tên lửa có tầm bắn từ 150 đến 300 km.
--------------------------
Triều Tiên tìm kiếm chuyên gia 'giải mã' ông Trump?
Triều Tiên được cho đang nỗ lực sắp xếp các cuộc gặp bí mật với giới chuyên gia phân tích có liên hệ với đảng Cộng hòa (Mỹ) để hiểu hơn về Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như các thông điệp của ông gửi tới Bình Nhưỡng.
Tờ Washington Post (Mỹ) ngày 26-9 cho biết giới chức Triều Tiên đang bí mật sắp xếp các cuộc nói chuyện với các chuyên gia phân tích có liên hệ với đảng Cộng hòa ở thủ đô Washington (Mỹ) trong một nỗ lực nhằm hiểu hơn về Tổng thống Mỹ Donald Trump và những bình luận của ông gần đây về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Quan tâm số một của giới chức Triều Tiên hiện nay là ông Trump. Họ không thể đoán định được về ông ấy” - một người thông thạo trực tiếp thông tin Bình Nhưỡng tiếp cận các chuyên gia châu Á có liên hệ với đảng Cộng hòa cho biết.
Để hiểu hơn về ý định của Washington trong bối cảnh thiếu các cuộc đối thoại ngoại giao với chính phủ Mỹ, phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đã bí mật mời ông Bruce Klingner, một cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện là chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên của Trung tâm phân tích Heritage Foundation, tới thăm Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở TP New York (Mỹ) hôm 19-9. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có quan hệ gần gũi với trung tâm này. Heritage Foundation được mệnh danh là “thành trì của phong trào bảo thủ Mỹ”, chuyên ảnh hưởng tới ông Trump về mọi thứ từ lệnh cấm du lịch tới chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, ông Trump lại không có quan hệ cá nhân với ông Klingner.
Các nguồn tin cho biết trước lời mời này, ông Klingner đã từ chối. Vị chuyên gia lý giải: “Họ ngày càng chú trọng tới việc tiếp cận giới học giả và các cựu quan chức Mỹ. Mặc dù các cuộc gặp như vậy là hữu ích nhưng nếu chính quyền Triều Tiên muốn phát đi một thông điệp rõ ràng thì họ cần tiếp cận trực tiếp chính phủ Mỹ”.
Trong một nỗ lực khác, giới chức Triều Tiên cũng bí mật tiếp cận ông Douglas H. Paal, một chuyên gia về châu Á làm cố vấn cho Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời các cựu Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush. Họ muốn ông Paal sắp xếp các cuộc đối thoại giữa giới chức Triều Tiên và các chuyên gia Mỹ có liên hệ với đảng Cộng hòa tại các địa điểm mang tính trung lập như Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông Paal cũng bác bỏ lời mời.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn gửi bảy lời mời như vậy tới các tổ chức từng chủ trì các cuộc đối thoại trước đây. Washington Post nhận định con số này thật sự gây bất ngờ vì nó được thực hiện bởi chính một quốc gia đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.
Người dân Triều Tiên xem nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu trên truyền hình tại một địa điểm công cộng ở Bình Nhưỡng hồi tuần trước. Ảnh: AFP
Đặc biệt trong hai năm qua, Bình Nhưỡng đã cử các giới chức thuộc Bộ Ngoại giao tới tổ chức các cuộc gặp với người Mỹ ở những địa điểm trung lập như Geneva, Singapore và Kuala Lumpur. Những người Mỹ này thường là các cựu nhà ngoại giao và các chuyên gia.
Theo Washington Post, ngay từ những ngày đầu đương chức của ông Trump, Triều Tiên đã có những câu hỏi trong đầu không thể giải đáp: Liệu tổng thống Mỹ có nghiêm túc về việc đóng các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản như ông từng nói trong chiến dịch tranh cử hay không? Hay liệu ông Trump có thật sự sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc?
Giới chuyên gia cho rằng ban lãnh đạo Triều Tiên hiện rất bối rối về hướng đi tiếp của Mỹ, do đó họ tạo mọi kênh liên lạc trong phạm vi cho phép để “bắt mạch” ông Trump. Điều này ngày càng quan trọng trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa xóa sổ Triều Tiên và có các phát ngôn cứng rắn hơn.
Liên quan tới giải pháp giải quyết căng thẳng Triều Tiên, Bình Nhưỡng thật sự vẫn mong muốn đối thoại nhưng với những điều kiện “không thể chấp nhận” được đối với bên còn lại. Đây được đánh giá là một rào cản khiến căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên còn dai dẳng.
Shin Beom-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viên Ngoại vụ và an ninh quốc gia của Hàn Quốc, nhận định Triều Tiên vẫn mong muốn duy trì vũ khí hạt nhân và nước này sẽ chỉ đối thoại với Mỹ nếu Washington từ bỏ chính sách thù địch. Đặc biệt, Triều Tiên vẫn luôn mong muốn Mỹ dừng các cuộc tập trận chung thường niên với Hàn Quốc và dỡ bỏ cấm vận mặc dù liên tục tung những lời lẽ đe dọa nhằm vào Washington.(PLO)