Tân Đại sứ Mỹ tại Nga từng lên án Moscow gay gắt; Khủng bố điện thoại càn quét 100 thành phố Nga; Mỹ kêu gọi các nước ngưng cấp vũ khí cho Myanmar
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 30-09-2017:
- Cập nhật : 30/09/2017
Mỹ ngấm nỗi đau Triều Tiên?
Ông Kim Jong-un đã đưa ông Trump vào thế bị động bởi việc thay đổi để đáp ứng yêu cầu của Seoul và Tokyo đều khiến Washington gặp khó.
Mối đe doạ từ Triều Triên làm thay đổi tư duy chiến thuật của Hàn Quốc
Theo Yonhap, phát biểu tại lễ kỉ niệm 69 năm thành lập quân đội Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi Mỹ nhanh chóng chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) cho Hàn Quốc.
Người đứng đầu Nhà Xanh cho rằng việc Hàn Quốc được quyền tự kiểm soát quân đội sẽ cho phép Seoul phát triển sức mạnh quân sự và chủ động đáp trả Bình Nhưỡng.
“Triều Tiên sẽ e sợ chúng tôi nhiều hơn và người dân sẽ tin tưởng vào quân đội Hàn Quốc khi Seoul được trao lại quyền chỉ huy tác chiến. Việc chuyển giao quyền chỉ huy sẽ giúp lực lượng quân đội Hàn Quốc phát triển cả về cơ cấu và tiềm lực”.
Ngược dòng thời gian, ngày 25/6/1950, quân đội Bắc Triều Tiên đã vượt qua vĩ tuyến 38, tấn công quân sự Nam Triều Tiên, mở màn cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Sức mạnh vượt trội cộng với yếu tố bất ngờ, quân đội Bắc Triều Tiên đã đạt được những thành công lớn. Đến trưa ngày 28/6/1950, nghĩa là chỉ 3 ngày sau khi cuộc tấn công được phát động, các lực lượng Bắc Triều Tiên đã chiếm được Seoul.
Tổng thống Nam Triều Tiên khi đó là Lý Thừa Vãn và các quan chức cao cấp của chính quyền đã phải trốn chạy khỏi Seoul và chuẩn bị thành lập Chính phủ Nam Triều Tiên lưu vong ở Nhật Bản.
Trước tình hình đó, Mỹ đã quyết định can thiệp vào cuộc chiến nhằm chống đỡ cho Nam Triều Tiên, khiến cho niềm hy vọng của Bắc Triều Tiên về việc giải tán quân đội Nam Triều Tiên và thống nhất đất nước tan thành mây khói.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là cũng từ đây quân đội Mỹ đã được trao quyền kiểm soát lực lượng vũ trang của Nam Triều Tiên nhằm chống lại mọi hành động quân sự của Bắc Triều Tiên.
Dù theo quy định trong thời bình Seoul có quyền tự chỉ huy quân đội và chỉ khi xảy ra chiến tranh thì quyền kiểm soát mới được trao lại cho Lầu Năm Góc, song với Hiệp định đình chiến thì bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Điều đó có nghĩa quyền tự quyết quân sự của Hàn Quốc chỉ là danh nghĩa, còn thực chất vẫn do Mỹ nắm giữ. Mặc dù những nhà lập pháp Hàn Quốc có quyền phủ quyết điều này, song dường như thực tế đó không thể xảy ra.
Khi chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng ngày càng đe doạ an ninh tại xứ Nam Hàn nhưng Seoul lại hoàn toàn phụ thuộc vào Washington, khiến cho quân đội Hàn Quốc ngày càng bị động trong hành động bảo vệ đất nước.
Rõ ràng đã phát sinh sự lệch pha giữa Seoul và Washington và ngày càng nới rộng ra, tỷ lệ thuận với sự đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Khi Tổng thống Hàn Quốc đề xuất Mỹ trao lại OPCON cho thấy hành động của Triều Tiên đã làm ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Hàn.
Bình Nhưỡng buộc Washington phải thay đổi cả chiến thuật lẫn chiến lược tại Đông Bắc Á
Yonhap cho biết, yêu cầu của Tổng thống Moon Jae-in được đưa ra sau khi diễn ra Diễn đàn đối thoại phòng thủ phối hợp Hàn Quốc - Hoa Kỳ Mỹ (KIDD) lần thứ 12, trong đó có thảo luận về việc chuyển giao OPCON cho phía Hàn Quốc.
Và theo thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Washington và Seoul đã nhất trí tăng cường các biện pháp chuẩn bị cho việc chuyển giao (OPCON) với việc thành lập Nhóm công tác xem xét điều kiện chuyển giao OPCON.
Điều kiện tiên quyết cho việc chuyển giao OPCON là tiềm lực quân sự của Hàn Quốc phải đáp ứng được yêu cầu trong việc nắm giữ quyền chỉ huy các hoạt động quân sự phối hợp với Mỹ.
Song tại KIDD 12, Washington đã khẳng định lại kế hoạch tăng cường "triển khai luân phiên, thường xuyên" tại Hàn Quốc và sẽ cải thiện "truyền thông chiến lược chung" để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng, đó là lý do Washington chọn chuyển giao OPCON cho Hàn Quốc theo điều kiện chứ không ấn định thời hạn. Bởi điều đó sẽ khiến cho Seoul rất khó đáp ứng và việc chuyển giao OPCON sẽ diễn ra trong thời gian dài.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã cho biết Seoul sẽ nỗ lực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao OPCON sớm hoàn tất và có hiệu quả. Và nay Tổng thống Hàn Quốc đã lập lại quan điểm đó.
Thực tế đó cho thấy, chiếc áo mà người Mỹ đóng ni cho đồng minh trong hơn sáu thập kỷ qua đã rất chật, đến lúc phải nới rộng ra.
Giới phân tích cho rằng Washington đang phải đối mặt với việc phải thay đổi cả chiến lược lẫn chiến thuật tại Đông Bắc Á, mà nguyên nhân là do thách thức từ hành động của Hàn Quốc.
Điều đó thể hiện rất rõ qua những động thái gần đây của Tokyo và Seoul. Trước phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in yêu cầu chuyển giao quyền tự quyết quân sự, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên tiếng về vấn đề tự bảo vệ.
Ngày 11/9 trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Abe đã kêu gọi nước này cần nâng cao khả năng phòng thủ và tự bảo vệ mình trước mối đe dọa ngày càng lớn hơn từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, theo Reuters.
Mà để tăng khả năng phòng thủ và tự bảo vệ thì đương nhiên phải tăng sức mạnh quân sự. Rõ ràng điều đó sẽ là động lực thúc đầy việc xem xét lại Hiến pháp hoà bình và Hiệp ước an ninh chung Mỹ - Nhật.
Còn khi Hàn Quốc đòi quyền tự quyết quân sự cũng cảnh báo Hiệp ước an ninh chung Mỹ -Hàn và Hiệp định đình chiến đến lúc phải được xem xét lại, từ đó có thể làm phá sản mưu đồ của Mỹ với các đồng minh.
Như vậy, sự thách thức của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ông Donald Trump vào thế khó với các đồng minh, bởi việc thay đổi để đáp ứng yêu cầu của Seoul và Tokyo đều khiến Washington rơi vào thế bị động.(baodatviet)
-------------------------
Hàn Quốc quyết tăng cường sức mạnh quân sự ứng phó Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc khẳng định quyết tâm nâng cao năng lực tấn công phủ đầu cũng như phòng thủ tên lửa và đáp trả của quân đội nhằm đối phó Triều Tiên.
Các chiến đấu cơ của Hàn Quốc trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập các lực lượng vũ trang nước này diễn ra ngày 28-9 - Ảnh: AFP
Theo báo New York Times (Mỹ), trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập các lực lượng vũ trang Hàn Quốc (1-10), tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in nhắc lại thông điệp kêu gọi các lực lượng vũ trang Hàn Quốc cần tiếp tục nỗ lực tăng cường sức mạnh để độc lập hơn với Mỹ.
Ông Moon và những chính trị gia theo đường lối tự do vẫn luôn chủ trương ủng hộ quan điểm Hàn Quốc cần đóng một vai trò lớn hơn trong quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Từ lâu họ đã kêu gọi Hàn Quốc cần phải khôi phục lại vai trò kiểm soát xung đột ngay khi có thể.
Trong bài phát biểu của mình, ông Moon cho rằng một lực lượng quân sự độc lập hơn sẽ khiến Hàn Quốc mạnh mẽ hơn và theo đó cũng sẽ khiến Triều Tiên phải e dè với họ hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó ông Moon cũng cho rằng Seoul vẫn cần tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh với Washington.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28-9, theo báo Washington Post, ông Chung Eui-young, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho biết Seoul và Washington đang cùng thảo luận về những phương thức có thể vận chuyển các vũ khí, khí tài quân sự chiến lược của Mỹ tới khu vực với tần suất thường xuyên hơn để chế ngự Triều Tiên. Tuy nhiên Lầu Năm Góc vẫn chưa xác nhận thông tin này.
"Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo những năng lực có thể chống trả các nguy cơ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên", ông Moon khẳng định.
Thông tin ông Chung Eui-young đưa ra đúng trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại các tuyên bố mang tính kích động, cộng thêm những đợt tuần tiễu thường xuyên hơn của các máy bay ném bom của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên có thể dẫn tới những tính toán sai lầm thảm họa.
Kể từ khi ông Moon lên nắm quyền hồi tháng 5 năm nay, Triều Tiên đã tiến hành ít nhất 9 vụ thử tên lửa. Ngày 3-9 Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất.(Tuoitre)
---------------------
Binh sĩ Hàn Quốc bị bắn chết tại biên giới liên Triều
Một binh sĩ Hàn Quốc 22 tuổi bị bắn chết trong lúc đang làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự ở tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, nơi gần biên giới với Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn Yonghap, vào ngày 26-9, binh sĩ Hàn Quốc 22 tuổi này khi đang trên đường đi bộ trong căn cứ của mình ở Cheorwon, tỉnh Gangwon thì bất ngờ bị đạn bắn vào đầu. Nạn nhân ngay lập tức được đưa tới một bệnh viện gần đó, tuy nhiên đã tử vong vào buổi chiều.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo hôm 28-9 đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt về vụ xả súng này, do vẫn còn “những nghi ngờ chưa giải thích được”. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ghi rõ cuộc điều tra bắt đầu được tiến hành từ sáng hôm qua.
Binh sĩ Hàn Quốc tại khu vực phi quân sự ở biên giới liên Triều. Ảnh: EPA.
Trong báo cáo điều tra ban đầu, quân đội Hàn Quốc cho biết binh sĩ này có thể bị trúng đạn lạc. Dù vẫn chưa rõ viên đạn xuất phát từ đâu, nhưng cự ly tối đa của nó chỉ cách binh sĩ trúng đạn khoảng 400m.
Đăng tải trên các phương tiện truyền thông, thân nhân của binh sĩ này cũng cho biết nạn nhân thiệt mạng do vô tình bị trúng đạn. Một số binh sĩ Hàn Quốc trước đó cũng từng bị thiệt mạng trong khu vực này do đạn lạc.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu leo thang sau khi Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa về phía Nhật Bản, cũng như vụ thử hạt nhân lần 6 của nước này hồi đầu tháng 9.
Hôm 28-9, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục tiến hành các động thái khiêu khích, đặc biệt là vào dịp lễ kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ngày 10-10 tới. Do đó, bà Kang cho biết “Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành các hình thức đối phó với những khiêu khích này bằng cách hợp tác chặt chẽ”.(PLO)