Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 01-05-2017
Cập nhật : 01/05/2017
Triều Tiên dọa 'trừng phạt tàn nhẫn' Israel vì xúc phạm lãnh đạo
Triều Tiên hôm qua đe dọa trừng phạt Israel sau khi bộ trưởng quốc phòng nước này lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng, gọi ông Kim Jong-un là một lãnh đạo "điên rồ".
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman làm tổn thương "lòng tự trọng của lãnh đạo tối cao" Triều Tiên, Jerusalem Post dẫn bình luận từ kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên KCNA.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi người đứng đầu Bộ Quốc phòng Israel, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Hebrew, gọi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là "điên rồ" và "cực đoan", đồng thời chỉ trích Bình Nhưỡng gây ảnh hưởng tới hòa bình thế giới.
"Những phát ngôn thiếu thận trọng từ Bộ trưởng Quốc phòng Israel là hành vi hèn hạ và xấu xa, đặt ra thách thức nghiêm trọng với Triều Tiên", thông báo của Bình Nhưỡng có đoạn.
Triều Tiên bên cạnh đó còn nhấn mạnh rằng "sẽ trừng phạt hàng nghìn lần một cách tàn nhẫn những kẻ dám bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo tối cao".
Ông Liberman hồi giữa tuần nói Bình Nhưỡng "dường như đã vượt qua lằn ranh đỏ với những vụ thử hạt nhân gần đây" và thêm rằng chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên tạo ra mối đe dọa nguy hiểm hơn đối với trật tự thế giới nếu so với Iran hay bất kỳ nhóm khủng bố nào.
Triều Tiên hôm 27/4 còn đăng tải một đoạn video có những cảnh quay mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Nhà Trắng và tàu sân bay Mỹ, cảnh báo rằng Washington sẽ phải đối mặt với kết cục thảm khốc nếu tiến hành chiến tranh chống lại Bình Nhưỡng.(Vnexpress) ----------------------------------------
Thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III, Mỹ gửi tín hiệu gì tới Triều Tiên?
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III của Mỹ được cho là phô diễn sức mạnh trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Bán đảo Triều Tiên.
Hình ảnh một vụ phóng thử tên lửa Minuteman III của Mỹ. Ảnh: Military.com
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko – Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ trang Thế giới (CAWAT) nhận xét: “Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III được coi là một công cụ phòng thủ chiến lược cũng như cho thấy sự sẵn sàng từ phía Mỹ trước đòn tấn công của kẻ địch. Hàng năm, Mỹ đều phóng các loại tên lửa đạn đạo từ biển và đất liền để khẳng định sức mạnh lực lượng hạt nhân chiến lược cũng như nhằm đánh giá khả năng kỹ thuật của các loại tên lửa đó. Những vụ thử tên lửa như thế này được các nước thành viên trong câu lạc bộ hạt nhân như Mỹ, Nga tiến hành thường xuyên”.
Mặc dù Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu thuộc Không quân Mỹ khăng khăng cho rằng vụ thử tên lửa sắp tới không dính dáng gì đến căng thẳng đang leo thang trên Bán đảo Triều Tiên song chuyên gia Igor nghi ngờ tuyên bố đó không hoàn toàn đúng. Ông tin rằng có một “yếu tố chính trị - quân sự nào đó” trong lần phóng thử tên lửa ICBM này.
Ông Igor khẳng định: “Với lần phóng thử này, rõ ràng xuất hiện yếu tố chính trị - quân sự, trong bối cảnh Mỹ vẫn tiếp tục huy động lực lượng của mình vây quanh Triều Tiên. Chính vì vậy, tại thời điểm này, vụ phóng tên lửa đạn đạo có thể được coi là đòn gây sức ép chính trị và quân sự tới Bình Nhưỡng”.
Trước đó, giới chức quân sự Mỹ cho biết, một quả tên lửa Minuteman III không trang bị đầu đạn hạt nhân sẽ được phóng đi từ căn cứ không quân North Vandenberg tại California vào ngày 26/4 (giờ địa phương).
Hiện nhóm tàu tấn công của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson làm chủ lực đang hướng về Triều Tiên giữa bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.
Hãng tin AP dẫn nguồn từ Hải quân Mỹ cho biết các chiến đấu cơ thuộc nhóm tàu sân bay này đã tham gia cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) ở vùng biển phía Nam Nhật Bản, trong khi đó tàu ngầm hạt nhân USS Michigan cũng đã cập cảng Busan (Hàn Quốc), mang theo hơn 150 tên lửa hành trình Tomahawk.
Bình luận về tình hình khu vực, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo về việc tiến hành biện pháp quân sự trong việc giải quyết khủng hoảng Triều Tiên. Ngoại trưởng Lavrov nhận định: “Rõ ràng việc tiếp cận theo lối độc đoán sẽ dẫn đến các hậu quả thảm khốc cho Bán đảo Triều Tiên và cả vùng Đông Bắc Á”.
Moskva không phải là nhân tố địa chính trị duy nhất lo lắng về tình hình leo thang căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên.
Ngày 26/4 vừa qua, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc được gọi là Type – A001 đã được hạ thủy tại cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), phía Bắc Trung Quốc, giáp với biên giới Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, không phải là ngẫu nhiên mà Bắc Kinh hạ thủy tàu sân bay ngay gần Triều Tiên trong khi nhóm tàu tiến công của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đang hướng về Triều Tiên, tham gia tập trận cùng tàu USS Michigan và Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu thuộc Không quân Mỹ chuẩn bị tiến hành phóng thử ICBM.(TTXVN) ------------------------------
Triều Tiên và Nga thảo luận tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Thứ trưởng Ngoại giao Han Sung-ryol đã có cuộc gặp với Đại sứ Alexander Matsegola của Nga tại Bình Nhưỡng để trao cùng đổi về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn tin của Hãng thông tấn trung ương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Triều Tiên (KCNA): "Chúng tôi (Triều Tiên) hoàn toàn phản đối các mưu đồ tăng cường vũ khí chiến lược và các cuộc tập trận quân sự chung với quy mô lớn đang diễn ra nhằm chống lại Triều Tiên, đó là căn nguyên gây nên tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".
KCNA cho biết thêm tại cuộc gặp này, Thứ trưởng Han Sung-ryol đã thể hiện rõ lập trường rằng: "Trước sự uy hiếp tấn công hạt nhân của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn giải pháp tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân để bảo vệ hòa bình, quyền sinh tồn và chủ quyền của Triều Tiên".
Cũng theo KCNA, Đại sứ Alexander Matsegola đã bày tỏ sự chia sẻ lập trường của Triều Tiên và mong muốn tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sớm giảm nhiệt.(Baotintuc) ------------------------------
Liệu Trung Quốc có cắt “con đường sống” đối với Triều Tiên?
Hầu như toàn bộ nhu cầu về xăng dầu của Triều Tiên là do Trung Quốc cung cấp. Tuyến vận chuyển dầu thô qua biên giới Trung Triều và xăng dầu thành phẩm bằng tàu thủy qua biển Hồng Hải thực tế chính là “con đường sống” của Triều Tiên. Nếu con đường bị cắt thì tình hình sẽ ra sao?
Hà Khoa - /
Hàng năm thông qua đường biển, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 500.000 tấn dầu vào Triều Tiên
Trong khi Hội đồng Bảo an LHQ đang xét quyết định siết chặt trừng phạt Triều Tiên, chính quyền nước này sẽ phải đối mặt với việc mất đi “con đường sống” do Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cung cấp.
Đã hàng chục năm nay, doanh nghiệp khổng lồ dầu khí vẫn phái những con tàu nhỏ chở xăng máy bay, dầu diesel, và xăng ô tô từ hai nhà máy lọc dầu khổng lồ nằm ở phía Đông Bắc thành phố Đại Liên và các nhà máy gần đó vượt biển Vàng đi đến cảng Nampo nằm ở phía Tây Triều Tiên, năm nguồn tin quen với giới kinh doanh cho Reuters biết. Nampo là cảng phục vụ cho các nhu cầu của thủ đô Bình Nhưỡng.
CNPC cũng kiểm soát xuất khẩu dầu thô cho Triều Tiên, một chương trình viện trợ bắt đầu từ 40 năm trước. Các nguồn tin nói rằng, dầu thô được vận chuyển qua một đường ống cũ kỹ chạy từ thành phố biên giới Dandong cung cấp cho cơ sở lọc dầu duy nhất ở Triều Tiên - nhà máy Hóa chất Ponghwa ở thành phố Sinuiju ở bờ kia của sông Áp Lục, con sông biên giới giữa hai quốc gia.
Nhà máy này sản xuất ra loại xăng và diesel mác thấp, nguồn tin từ Trung Quốc nói.
Năm nguồn tin đã vạch ra các chi tiết trước đây chưa từng được báo cáo về các giao dịch của CNPC với Bình Nhưỡng và làm thế nào mà họ có thể thống trị ngành kinh doanh đó, cho thấy sự khăng khít của mối quan hệ giữa hai quốc gia, từ đó cho thấy những gì sẽ bị đe dọa vì hàng thập niên quan hệ gần gũi đang xấu đi do sự lo ngại đang gia tăng trước các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ gây sức ép lên Hội đồng Bảo an LHQ với yêu cầu nhanh chóng áp đặt lệnh trừng phạt chặt hơn đối với các sự kiện tiếp tục khiêu khích bởi quốc gia khép kín này bao gồm cả hành động thử các tên lửa tầm xa và bom hạt nhân lần thứ 6.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tập trung vào chiến lược trừng phạt kinh tế chặt hơn nữa đối với Triều Tiên, có thể là cấm vận dầu mỏ, cấm vận hàng không trên toàn cầu, bắt giữ các tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng, một quan chức Mỹ nói với Reuters đầu tháng vừa rồi.
Triều Tiên nhập khẩu tất cả nhu cầu dầu mỏ, chủ yếu là từ Trung Quốc và một lượng nhỏ hơn từ Nga. Trong năm ngoái, toàn bộ lượng nhập vào khoảng 270.000 tấn, kể từ xăng đến diesel - theo số liệu của Hải quan Trung Quốc.
Dầu thô xuất từ Trung Quốc sang Triều Tiên không được thể hiện trong số sách hải quan trong vài năm, nhưng nguồn tin nói khoảng 520.000 tấn/năm.
Tại Triều Tiên, diesel có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nông nghiệp, đặc biệt là thời gian này trong năm, vào vụ gieo hạt và đến tháng 10 trong thời kỳ thu hoạch. Xăng chủ yếu dùng trong vận tải và quân sự.
Đầu tháng này, tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo Trung Quốc có ảnh hưởng, thường thể hiện lập trường không phải lúc nào cũng phản ánh đường lối của chính phủ, đã nêu khả năng dừng việc chở xăng dầu đến Triều Tiên nếu nước này tiếp tục tiến hành thử vũ khi hạt nhân.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng một chính sách khắc nghiệt sẽ có thể làm mất ổn định chế độ của Kim Jong un, trong khi việc hạn chế nhập khẩu dầu lửa có thể là một lựa chọn thực tế hơn.
Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Các vấn đề quốc tế ở Washington nói: "Trung Quốc có thể bị thuyết phục để hạn chế khối lượng xuất khẩu dầu như họ làm với than, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) như là một phần của một giải pháp trừng phạt mới sau một cuộc thử nghiệm hạt nhân khác. .
Bất kỳ sự thâm hụt thương mại nào đối với Triều Tiên sẽ chỉ có tác động nhỏ đến Đại Liên. Hai nhà máy lọc dầu của Đại Liên có tổng công suất xử lý hơn 600.000 thùng dầu thô mỗi ngày, lớn hơn 40 lần so với nhu cầu của Triều Tiên.
CNPC kiểm soát cả hai nhà máy lọc dầu, bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Triều Tiên từ cuối những năm 1990.
Wang Lihua, người điều hành công ty kinh doanh của CNPC từ năm 1998 cho đến khi nghỉ hưu tháng này, là người chủ sự đằng sau việc thương thảo, đánh bại các đối thủ là doanh nghiệp nhà nước như Sinochem.
Một trong những nguồn tin thân cận với CNPC cho biết Tập đoàn này là đơn vị có đầu óc chính trị nhất trong các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước, nhằm mục tiêu giữ được vai trò nhà cung cấp chủ đạo cho Triều Tiên dù cho việc kinh doanh này kiếm được ít tiền.
CNPC và Sinochem đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang gia tăng của Bình Nhưỡng đã kìm hãm việc kinh doanh này. Năm 2013, Bắc Kinh lặng lẽ dừng một chương trình viện trợ 50.000 tấn xăng máy bay hàng năm nhưng mãi đến cuối tháng 6 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc mới chính thức thông báo lệnh cấm nhiên liệu máy bay.
Nga dường như đã thay thế Trung Quốc như là nhà cung cấp hàng đầu về nhiên liệu máy bay cho Triều Tiên, các nguồn tin ở Trung Quốc có quan hệ với công việc thương mại cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi, liệu Moscow có sẵn sàng để trở thành “con đường sống” của Bình Nhưỡng cho các nhiên liệu khác không vì tình hình tài chính của đất nước.
"Họ có thể lấp một khoảng trống, nhưng tôi sẽ bị sốc nếu Nga muốn hứng gánh nặng khi trở thành “con đường sống” của Triều Tiên", Glaser nói.
Để đối phó với trường hợp bị cắt "con đường sống", từ lâu Triều Tiên đã tiến hành các kho dự trữ dầu rất lớn, nhưng con số cụ thể vẫn còn là một bí ẩn.(Viettimes) ---------------
Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1/5 đến 16/8 ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần vịnh Bắc Bộ.
Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Áp lực sau vụ thử tên lửa thất bại - Án phạt nào thích hợp với Triều Tiên?