Ngày 6-7 (giờ Mỹ), Không quân Mỹ thông báo đã cho hai máy bay ném bom hay ngang qua biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (TQ) lên phần lớn vùng biển khu vực.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 07-07-2017
- Cập nhật : 07/07/2017
Tổng thống Hàn Quốc sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Ngày 6/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Triều Tiên quay trở lại các vòng đàm phán nhằm chấm dứt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong những bối cảnh thích hợp.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn tin Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết phát biểu tại Quỹ Korber, một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Berlin, ông Moon Jae-in tuyên bố: "Khi có những điều kiện thích hợp và khi có cơ hội để đảo ngược tình trạng căng thẳng và đối đầu hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, tôi sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào bất kỳ thời điểm nào và tại bất kỳ địa điểm nào".
Đề cập vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên ngày 4/7 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng hành động khiêu khích này là "sự lựa chọn gây thất vọng và liều lĩnh" của Bình Nhưỡng
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán và nêu rõ đây là cơ hội tốt nhất và cuối cùng để làm như vậy. Ông nêu rõ: "Chúng tôi không muốn Triều Tiên sụp đổ, chúng tôi cũng sẽ không tìm kiếm bất kỳ dạng thống nhất nào (với Triều Tiên) bằng cách chiếm lấy". Ngoài ra, ông cũng cam kết duy trì các mối quan hệ nhân đạo và phi chính trị với Triều Tiên, cho dù quan hệ quân sự hay chính trị giữa hai bên thế nào. Ông còn đưa ra 4 kế hoạch hành động để hai bên có thể đảm bảo hòa bình trên Bán đảo Triều tiên, trong đó có việc nối lại đối thoại liên Triều và ngừng tất cả các hành động thù địch dọc theo đường giới tuyền chia cắt hai miền.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa liên đạn đạo lục địa (ICBM) bất chấp các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ).
Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố: "Chúng tôi nhất trí kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế hơn nữa việc chuyển giao các phương tiện và công nghệ có liên quan cũng như hoạt động tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên...Về vấn đề này, chúng tôi kêu gọi sớm thông qua một nghị quyết mới và toàn diện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".
Trong một tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo cũng nhất trí chia sẻ quan điểm rằng Triều Tiên, một vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế, đang ngày càng đặt ra "một cấp độ đe dọa mới đối với hòa bình quốc tế và an ninh". Tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng cần kiềm chế các hành động mang tính khiêu khích, làm leo thăng căng thẳng trong khu vực và quốc tế.
Trước đó, trong một cuộc họp riêng với Thủ tướng Abe tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh tính nghiêm trọng khi Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông cho rằng tất cả các vụ thử trên là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của LHQ và là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Quan chức này cũng kêu gọi Bình Nhưỡng phải chấm dứt các vụ thử tên lửa, từ bỏ chương trình hạt nhân và "tham gia đối thoại thực chất với cộng đồng quốc tế".
Cũng trong ngày 6/7, Văn phòng Đối Ngoại Anh thông báo đã triệu Đại sứ Triều Tiên đến để lên án vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi nước này từ bỏ việc theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Văn phòng Đối ngoại Anh Mark Field (Mác Phiu) chỉ trích các hành động của Triều Tiên vi phạm trực tiếp các nghị quyết khác nhau của LHQ và là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và quốc tế. Ông đồng thời kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng thay đổi chính sách và tập trung mang lại sự thịnh vượng cho người dân.
Trước đó, sáng 4/7, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời cảnh báo loại tên lửa này có thể tấn công vào bất cứ mục tiêu nào trên thế giới. Phía Triều Tiên tuyên bố loại ICBM này có khả năng mang theo một đầu đạn hạt nhân lớn.(TTXVN)
----------------------
Hàn-Trung nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên theo hướng phi hạt nhân hóa
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống nước này Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/7 đã nhất trí tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn với Triều Tiên để gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt các hành động khiêu khích và trở lại đối thoại hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân.
Hai bên đạt được thỏa thuận trên tại một cuộc gặp thượng đỉnh song phương tổ chức tại Berlin, trong đó ông Moon nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế cần thuyết phục Triều Tiên thay đổi thái độ thông qua các biện pháp trừng phạt và sức ép đồng thời với việc tiếp tục các nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên”.
Về phần mình, ông Tập tuyên bố Trung Quốc đang làm hết sức để ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục phát triển các công nghệ hạt nhân và tên lửa, đồng thời cam kết Bắc Kinh sẽ dẫn dắt và hỗ trợ các nỗ lực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm kiềm chế khả năng hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo này cũng nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận song phương và ông Moon đã nhận lời mời của nhà lãnh đạo Trung Quốc sang thăm Bắc Kinh trong một tương lai gần. Ông Moon đã mời ông Tập sang thăm Hàn Quốc nhân dịp Thế vận hội mùa Đông PyeongChang sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào đầu năm tới.(TTXVN)
------------------------
Lầu Năm Góc khẳng định có thể đánh chặn ICBM Triều Tiên
Ngày 5/7, quân đội Mỹ khẳng định có thể bảo vệ nước này trước mối đe dọa mới từ ICBM của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng vừa tiến hành vụ thử tên lửa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngửa mặt lên trời xem phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 ngày 5/7. Ảnh: KCNA
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nhấn mạnh Mỹ tin tưởng vào khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình. Theo ông Davis, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế gồm nhiều tầng lớp để đánh chặn nhiều loại tên lửa khác nhau ở các giai đoạn bay khác nhau.
Người phát ngôn trên cho biết Triều Tiên vừa thử nghiệm loại tên lửa mới từ một địa điểm gần sân bay Panghyon, khu vực trước đây chưa từng liên quan đến chương trình tên lửa. Ban đầu, Lầu Năm Góc cho rằng tên lửa Triều Tiên vừa thử nghiệm là loại tầm trung, song các báo cáo phân tích cập nhật sau đó cho thấy đây là loại ICBM với tầm bắn trên 5.500 km có thể vươn tới vùng Alaska của Mỹ.
Phía Washington khẳng định vụ thử ICBM của Triều Tiên gây nguy hiểm cho tàu bè gần Nhật Bản, máy bay cũng như các loại vệ tinh, dù hiện chưa rõ thiệt hại do tên lửa này gây ra. Ông Davis lưu ý Triều Tiên vẫn chưa đạt tới bước phát triển ICBM mang đầu đạn hạt nhân, nhưng rõ ràng đang hướng tới khả năng này.
Liên quan đến các hoạt động diễn tập quân sự, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ không có ý định thay đổi các kế hoạch tập trận quân sự tại khu vực gần Bán đảo Triều Tiên. Trước đó ngày 4/7, Trung Quốc và Nga đã hối thúc Mỹ ngừng các hoạt động diễn tập quân sự để tránh làm kích động Triều Tiên.
Trong một diễn biến khác, ngày 6/7, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này và Đức đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc chấm dứt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể để giải quyết vấn đề này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đi đến thỏa thuận trên tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra ở thủ đô Berlin (Đức) ngày 5/7. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để cơ bản giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng mọi biện pháp có thể, bao gồm cả đối thoại và các lệnh trừng phạt. Thủ tướng Merkel bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò dẫn dắt của Seoul trong những nỗ lực của quốc tế nhằm chấm dứt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp báo sau cuộc gặp ngày 5/7. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trong cuộc gặp Thủ tướng Merkel tối cùng ngày, Tổng thống Moon nói rằng vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong tuần này cho thấy Bình Nhưỡng gần đạt được làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bày tỏ lo ngại chương trình tên lửa của Triều Tiên phát triển “nhanh hơn nhiều so với dự kiến”. Tuy nhiên, ông Moon chỉ rõ dù tầm bắn của tên lửa trên đã được mở rộng, nhưng độ chính xác và khả năng mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa này vẫn còn chưa chắc chắn.
Cũng trong cuộc gặp trên, Tổng thống Moon cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra phản ứng cứng rắn đối với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 4/7, nhưng đồng thời thực hiện các nỗ lực nhằm "kiểm soát tình hình" để tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Tổng thống Hàn Quốc đang có chuyến thăm 2 ngày tới Đức để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). (TTXVN)