Ấn Độ tung 3 tỷ USD mua thêm 90 UAV Mỹ đối phó Trung Quốc; Liên Hợp Quốc chỉ trích liên quân Mỹ sát hại dân thường ở Syria; Lãnh đạo MiG tiết lộ về chiến cơ đánh chặn mới, có thể bay nhanh gấp 4 lần âm thanh; Nga lên phương án trừng phạt đáp trả Mỹ
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 23-08-2017
- Cập nhật : 23/08/2017
Chuyên gia Nga đánh giá về căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên
Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga), chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp châu Âu cho rằng xác suất xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân trong cuộc chiến này sẽ cao hơn nhiều so với cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan
Vấn đề nổi bật nhất xung quanh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên chính là mức độ nghiêm trọng đối với cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Ấn Độ-Pakistan ở Kargil năm 1999, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một cuộc xung đột vũ trang lớn giữa hai cường quốc hạt nhân - Hoa Kỳ và Triều Tiên. Xác suất xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân trong cuộc chiến này sẽ cao hơn nhiều so với cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan và các khả năng cho giải pháp ngoại giao ít hơn rất nhiều.
Trong nhiều năm, Triều Tiên nỗ lực thực hiện chiến lược triệt để thoát ra khỏi sự cô lập quốc tế và các cuộc đối thoại áp đặt của Mỹ và các đồng minh của mình. Người ta cho rằng, việc tạo ra vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ cùng với các minh chứng cho sự ổn định kinh tế sẽ buộc Washington nói chuyện một cách bình đẳng với Bình Nhưỡng. Mục đích hiển nhiên của Triều Tiên là đối thoại trực tiếp với Washington và đạt được thỏa thuận song phương về việc Hoa Kỳ công nhận chế độ của Triều Tiên, cũng như bãi bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt.
Nói đúng ra, Triều Tiên đã thiết lập được cơ bản các điều kiện để chiến lược thành công. Theo nhiều nguồn tin, ước tính trên cả nước này hiện nay đã có đến 60 loại vũ khí hạt nhân, bao gồm cả đầu đạn dành riêng cho tên lửa đạn đạo. Triều Tiên đã sản xuất và trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung tiên tiến, cho phép họ giữ các đồng minh Mỹ - là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như căn cứ của Mỹ ở các nước này, làm con tin. Thêm vào đó, kể từ giữa những năm 2000, bất chấp lệnh trừng phạt, nền kinh tế cũng như mức sống của người dân Triều Tiên phát triển nhanh chóng.
Đáng lẽ, Hoa Kỳ nên nhận ra thất bại của mình khi tiến hành chính sách siết chặt chế độ ở Bình Nhưỡng từ đầu những năm 90 và đã nên bắt đầu một cuộc đối thoại về các điều kiện tối thiểu có thể chấp nhận được đối với Triều Tiên. Trước hết - không đòi hỏi việc công nhận phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là mục đích cuối cùng của cuộc đàm phán, và đồng ý với việc giảm các hoạt động quân sự riêng của mình cũng như các biện pháp trừng phạt, gây áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Nhưng điều này đã không xảy ra. Chiến lược logic của Triều Tiên đã không tính đến tổ chức hệ thống chính trị Mỹ, nơi mà chế độ mới có thể hoàn toàn chối bỏ quá khứ, mặc dù chính sách điên rồ này từ lâu đã mất uy tín nhưng việc điều chỉnh nó thậm chí là sự kiện rất hiếm xảy ra trong tình huống bình thường. Trong khi nội bộ Hoa Kỳ hiện đang hỗn loạn, phe đối lập của ông Donald Trump và cơ quan tình báo riêng của họ dường như bất lực trong việc tăng cường cuộc đấu tranh của Nhà Trắng và Quốc hội.
Tháng Tư vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã công khai tuyên bố, rằng các chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của chính quyền tiền nhiệm đối với Triều Tiên đã thất bại và phải được hủy bỏ. Nhưng trong điều kiện khủng hoảng nội bộ, Mỹ không thể đưa ra một chính sách mới đối với Triều Tiên, và thay vào đó họ cố gắng theo đuổi chính sách cũ một cách mạnh mẽ (tăng biện pháp trừng phạt, gây áp lực), bổ sung cho nó bằng các mối đe dọa quân sự.
Các chuyên gia Mỹ có uy tín về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh ở châu Á đang kêu gọi chấp nhận thực tế mới –hiện thực hóa hạt nhân tại Triều Tiên và bắt đầu xây dựng một mối quan hệ với nước này. Những người chỉ trích ông Trump thiếu quyết tâm trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về "nhân quyền" và "dân chủ" và kêu gọi thắt chặt chính sách răn đe CHDCND Triều Tiên.
Triều Tiên, theo cách nhìn của mình, chấp nhận tình trạng căng thẳng đối với Mỹ, bướng bỉnh và làm cao. Bình Nhưỡng cố tình thổi phồng khả năng tên lửa của họ. Rõ ràng, các tên lửa "Hwaseong-14" gần đây ra mắt nhằm mục đích bề ngoài là để chứng tỏ phạm vi liên lục địa của nó. Không có cơ sở để cho rằng, Triều Tiên trang bị lớp phủ rào cản nhiệt và đầu đạn có công nghệ dẫn đường tối tân cho các tên lửa này…. Trong bối cảnh đó, Triều Tiên đã tuyên bố về vụ phóng tên lửa có thể hướng vào đảo Guam.
Nhà Trắng không phải đang ở trong trạng thái sẵn sàng phát triển và thực hiện một chính sách mới đối với CHDCND Triều Tiên. Những cử chỉ hiếu chiến của Bình Nhưỡng đã giáng một đòn trực tiếp vào quyền lực mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump trong cả nước. Chính quyềnTrump hiện đang có cuộc đấu tranh cho sự sống còn của riêng mình, đã đưa ra lời đe dọa trả đũa mang phong cách tinh thần Triều Tiên và những chỉ thị quân sự.
Ông Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis Mettis cũng công khai kêu gọi Nga và Trung Quốc gây thêm áp lực lên Triều Tiên, mặc dù thực tế khả năng Nga gây áp lực lên Triều Tiên, điều đó rất nhỏ, và Trung Quốc thì không quan tâm đến áp lực kinh tế mà có thể gây bất ổn chế độ đối với Triều Tiên.
Khi thời điểm xuất hiện các tên lửa đạn đạo liên lục địa hoàn thiện của Triều Tiên ngày càng gần (có lẽ là trong vòng 3-5 năm) thì trước mắt Hoa Kỳ sẽ đối mặt với vấn đề giải thích đúng đắn về các hoạt động tên lửa của Triều Tiên. Khi nhận được thông tin về tên lửa của Triều Tiên có thể phóng đến Mỹ, các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa việc áp dụng tấn công phủ đầu để đảm bảo sự an toàn cho người dân của mình (có thể sẽ kéo theo sự tấn công của Triều Tiên về phía Hàn Quốc và Nhật Bản). Ít nhất ngày hôm nay, sự lựa chọn của chính quyền Mỹ rất rõ ràng.
Bài đánh giá về tác động của cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ của nhà phân tích chính trị Vasily Kashin - nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp châu Âu và quốc tế, Trường Đại học Kinh tế. Bài viết trên tờ "Izvestia".(Infonet)
------------------------------
Triều Tiên vẫn 'sống khỏe' dù Trung Quốc trừng phạt?
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 22-8 cho biết, theo tính toán từ dữ liệu hải quan Trung Quốc, lệnh cấm của Trung Quốc áp vào các mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên như sắt, than đá và hải sản sẽ làm khốn đốn nền kinh tế của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn nghi ngại liệu động thái này có thật sự làm tiêu tan tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không.
Bình Nhưỡng hồi năm ngoái đã xuất khẩu gần 1,5 tỉ USD than đá, quặng sắt, quặng chì và hải sản sang Trung Quốc, chiếm 60% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và đây đồng thời là nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào cho Triều Tiên.
Trung Quốc gia hạn lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên tới năm sau. Ảnh: SCMP
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, than đá đem về doanh thu nhiều nhất cho Bình Nhưỡng. Năm 2016, xuất khẩu than đá thu về cho Triều Tiên 1,2 tỉ USD, vượt xa so với doanh thu từ quặng sắt và quặng đá lần lượt là 74,5 triệu USD và 192,4 triệu USD.
Lệnh cấm mới đây nhất mà Bắc Kinh thông báo hồi tuần trước đã gia hạn lệnh cấm hiện tại vào nhập khẩu than đá từ Triều Tiên tới năm sau. Biện pháp trừng phạt này không giới hạn và sẽ duy trì nếu Triều Tiên tiếp tục chương trình tên lửa và hạt nhân.
Theo một báo cáo của hãng tin Reuters hồi năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã phân tích rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngốn tổng cộng khoảng từ 1,1 tỉ USD tới 3,2 tỉ USD, cho dù trước đó các chuyên gia nói rằng không thể đưa ra con số tính toán chính xác bởi tính bí mật của chương trình vũ khí này.
Chính phủ Mỹ tin rằng ông Kim đang sở hữu tới 60 vũ khí hạt nhân, còn các chuyên gia độc lập lại nói rằng con số này nhỏ hơn. Nếu quả thực Bình Nhưỡng có 60 vũ khí hạt nhân, thì chi phí mỗi đầu đạn hạt nhân dao động từ 18 triệu USD tới 53 triệu USD, CNBC đưa tin hồi đầu năm.
Bắc Kinh áp lệnh cấm mới nhất vào mặt hàng xuất khẩu của Bình Nhưỡng sau khi Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua gói trừng phạt nghiêm khắc vào Triều Tiên hôm 6-8. Các chuyên gia cho biết lệnh cấm có thể làm tổn hại khả năng kiếm tiền của Bình Nhưỡng. Số tiền này vốn được dùng để “nuôi” chương trình quân sự và các gia đình tinh hoa của đất nước Triều Tiên.
Triều Tiên trong tháng bảy đã hai lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Ảnh: AP
“Lệnh cấm có thể làm tổn hại khả năng kiếm thêm tiền của Bình Nhưỡng vì các loại hàng hóa phi chiến lược như hải sản đang bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc” - Cai Jian, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại ĐH Fudan, Trung Quốc nói.
Sun Xingjie, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên làm việc tại ĐH Jilin, nhận định lệnh cấm của Trung Quốc đưa ra trong lúc này có thể khiến ông Kim Jong-un bị áp lực.
Dù vậy, Justin Hastings, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại ĐH Sydney, lại bày tỏ hoài nghi việc Trung Quốc có thể thực thi lệnh cấm này một cách cứng rắn như thế trong thời gian dài hay không.
“Triều Tiên có lẽ sẽ khốn đốn với lệnh cấm này của Trung Quốc trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, nếu Bắc Kinh không thay đổi cách tiếp cận với Bình Nhưỡng, Triều Tiên sẽ có khả năng thích nghi ở một mức độ nhất định” – Ông Hastings nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, hai chuyên gia Cai và Sun đều nghi ngờ biện pháp này của Trung Quốc không thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Cai nói: “Theo nhìn nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, các lợi ích quốc gia cốt lõi chính là an ninh quốc gia và sự ổn định của chính quyền. Ông Kim sẽ không bao giờ thỏa hiệp cho dù các thế lực bên ngoài có gây tổn hại cho ngành xuất khẩu của Bình Nhưỡng nhiều như thế nào đi nữa”.
Còn chuyên gia Sun cho hay lệnh cấm mới nhất này “có thể sẽ khiến ông Kim nhận thấy mối đe dọa từ cộng đồng quốc tế, vì thế càng thúc ông đẩy nhanh tiến độ chương trình hạt nhân – biện pháp duy nhất để ông đảm bảo sự sống còn của chính phủ Triều Tiên”.(PLO)
-----------------------
Đại diện Triều Tiên tuyên bố không lùi ‘một cm’ khỏi vũ khí hạt nhân
Đặc phái viên Triều Tiên tại một diễn đàn giải giáp vũ khí của Liên hợp quốc đã từ chối đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn phát biểu tại diễn đàn giải giáp vũ khí tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 22/8 của nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong-chol: “Triều Tiên sẽ không bao giờ đặt chương trình răn đe hạt nhân phòng vệ của mình lên bàn đàm phán và sẽ không bao giờ lùi lại trên con đường đã chọn nhằm tăng cường lực lượng hạt nhân quốc gia”.
Theo kênh RT (Nga), nhà ngoại giao Triều Tiên nói trên còn cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc sử dụng các cuộc diễn tập quân sự chung để thực hiện “viễn cảnh chiến tranh gây hấn” và “chiến dịch bí mật” chống lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Ju Yong-chol cho rằng các cuộc tập trận chung đang diễn ra chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Ông nói Triều Tiên sẽ không bao giờ đàm phán về chương trình hạt nhân chừng nào Mỹ còn duy trì chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân.
Theo ông Ju, tăng cường chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một lựa chọn phòng vệ hợp lý và hợp pháp khi đối mặt với những mối đe dọa hiển hiện và có thực như vậy.(TTXVN)