Mỹ - Nhật - Hàn họp bàn cách gây sức ép với Triều Tiên; 100 thượng nghị sĩ Mỹ sẽ đến Nhà Trắng bàn về Triều Tiên; Trump kêu gọi Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên mạnh hơn; Tàu ngầm hạt nhân Mỹ cập cảng Hàn Quốc
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 25-04-2017
- Cập nhật : 25/04/2017
Triều Tiên tuyên bố 'vũ khí đã sẵn sàng tấn công Mỹ'
Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên nói "các biện pháp tấn công chính xác" đã được triển khai và sẵn sàng tấn công Mỹ.
"Những vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và lãnh thổ Mỹ đã sẵn sàng khai hỏa", KCNA dẫn lời Pak Yong-sik, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Triều Tiên, hôm nay nói.
Ông Pak cho biết nếu các thế lực thù địch có động thái chuẩn bị tấn công quân sự Triều Tiên bất chấp đã được Bình Nhưỡng cảnh báo nhiều lần, một đợt tấn công phủ đầu mạnh mẽ sẽ quét sạch cơ quan chỉ huy của kẻ địch khỏi Trái Đất.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên chuẩn bị kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nhân dân 25/4. Triều Tiên được cho là có thể thử hạt nhân lần 6 nhân dịp này. Nhằm phô trương sức mạnh, Mỹ cử nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson hướng tới bán đảo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, kêu gọi tăng cường hợp tác để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông chỉ trích Bình Nhưỡng "hung hăng và đang khiến bán đảo Triều Tiên bất ổn". (Vnexpress)
----------------------------------------------------
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ sắp đến gần bán đảo Triều Tiên
Một tàu ngầm hạt nhân Mỹ chuẩn bị tới gần bán đảo Triều Tiên tham gia tập trận cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson.
"Tàu ngầm năng lượng hạt nhân USS Michigan không sớm thì muộn sẽ tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để tập trận cùng tàu sân bay USS Carl Vinson", Yonhap dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc hôm nay cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng ra lệnh điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên để ứng phó với căng thẳng gia tăng liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. USS Carl Vinson dự kiến tới biển Hoa Đông vào cuối tuần này.
Các chuyên gia an ninh lo ngại Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần 6 hoặc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn tới Mỹ nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội nhân dân ngày 25/4.
Triều Tiên hôm nay tuyên bố những vũ khí hạt nhân "chính xác và tiên tiến" có tầm bắn tới các căn cứ Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và lãnh thổ Mỹ đã sẵn sàng khai hỏa. Trước đó, Triều Tiên dọa đánh chìm USS Carl Vinson để thể hiện sức mạnh quân sự của Bình Nhưỡng.(Vnexpress)
--------------------------------------------
Trump nói Triều Tiên 'hung hăng và gây bất ổn'
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Triều Tiên là "hung hăng và gây bất ổn" khi điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Tổng thống Donald Trump chỉ trích Triều Tiên tiếp tục hung hăng và nhấn mạnh các hành động của Bình Nhưỡng đang gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên", Reuters dẫn thông báo từ Nhà Trắng hôm nay cho biết. Đây là nội dung trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/4.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về mức độ khẩn cấp từ mối đe dọa do chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng tạo ra và cam kết phối hợp để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập nói với ông Trump rằng Bắc Kinh hoàn toàn phản đối mọi hành động đi ngược lại các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc "hy vọng các bên liên quan kiềm chế, tránh có hành động khiến tình hình thêm tồi tệ", theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa hai lãnh đạo trong tháng. Ngày 12/4, ông Tập và ông Trump đã thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên và Syria.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhiều người lo ngại Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần 6. Nhằm phô trương sức mạnh, Mỹ cử nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson hướng tới bán đảo. Hàn Quốc đã đàm phán với Mỹ để tập trận chung với nhóm tàu.(Vnexpress)
------------------------------
Sức mạnh tiềm ẩn của đội tàu chiến hải quân Triều Tiên
Truyền thông Triều Tiên ngày 23/4 tuyên bố lực lượng quân đội nước này sẽ sẵn sàng "đánh chìm một tàu sân bay hạt nhân Mỹ chỉ bằng một đòn". Dù Bình Nhưỡng không nói rõ họ sẽ thực hiện đòn tấn công đó như thế nào, các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng tuyên bố này phần nào thể hiện được sức mạnh không thể khinh thường của hải quân Triều Tiên.
Hải quân Triều Tiên (KPN) được coi là một lực lượng "biển xám", hoạt động chủ yếu ở vùng biển cách bờ khoảng 50 km. KPN được biên chế khoảng 810 tàu chiến, gồm ba tàu hộ vệ và nhiều tàu chiến cỡ nhỏ, cùng khoảng 70 tàu ngầm các loại, có thể là mối đe dọa đối với tàu chiến Mỹ - Hàn Quốc hoạt động gần bờ.
Mối nguy hiểm lớn nhất mà KPN có thể gây ra cho đối phương chính là những đòn tấn công bí mật được phát động từ tàu ngầm, theo Business Insider.
Năm 2010, tàu hộ vệ Cheonan hiện đại của hải quân Hàn Quốc đã bị một chiếc tàu ngầm Triều Tiên sử dụng ngư lôi CHT-02D trang bị đầu dò bám vệt sóng tàu đánh đắm, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng. Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho rằng đây là bằng chứng cho thấy tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc khôn thể coi thường mối đe dọa từ các cuộc phục kích của tàu ngầm Triều Tiên.
Hạm đội tàu ngầm Triều Tiên thương có nhiệm vụ phá hoại tuyến liên lạc biển, rải mìn, tấn công tàu mặt nước của đối phương và hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm xâm nhập Hàn Quốc.Triều Tiên gần đây đã phát triển khả năng tấn công dưới nước, bắt đầu bằng việc chế tạo các tàu ngầm và tàu lặn mới, cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và ngư lôi thế hệ mới. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Bryan McGrath cho rằng tàu ngầm Triều Tiên vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, độ ồn cao, có thể bị phát hiện bằng các loại cảm biến hiện đại và bị vô hiệu hóa trong các đòn tấn công phủ đầu.
Đội tàu mặt nước của KPN không có nhiều uy lực, chủ yếu là các tàu nhỏ, tốc độ cao như tàu tên lửa, phóng lôi, tàu pháo tuần tra và yểm trợ hỏa lực, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và hỗ trợ hoạt động đổ bộ. Những tàu này dễ bị phát hiện và chế áp bằng hỏa lực mạnh, có tầm bắn xa của liên quân Mỹ - Hàn.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã đạt nhiều bước tiến trong phát triển lực lượng tàu nổi. Cuối năm ngoái, một tàu hộ vệ tên lửa với thiết kế tàng hình được phát hiện tại cảng Najin, đông bắc nước này. Nó có nét giống tàu hộ vệ tên lửa lớp Tabinshwehti của Myanmar, điểm khác biệt là tàu Triều Tiên không có khoang chứa trực thăng chống ngầm.Triều Tiên có thể đóng ít nhất 4 tàu hộ vệ tàng hình nhằm hiện đại hóa hải quân. Chúng được coi là thành tựu của 20 năm nghiên cứu thử nghiệm, đồng thời cho thấy hướng đi mới của công nghiệp đóng tàu Triều Tiên. Bên cạnh đó, nước này từng công bố video bắn thử một tên lửa hành trình chống hạm giống hệt mẫu 3M24 Uran (SS-N-25 Switchblade) do Nga chế tạo.
Hải quân Triều Tiên có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ bí mật với quy mô vừa. Bình Nhưỡng được cho là có 260 tàu các loại cho nhiệm vụ này, bao gồm tàu đệm khí (LCAC) và tàu đổ bộ tốc độ cao. Nhiệm vụ của họ là đưa lực lượng đặc nhiệm thâm nhập vào lãnh thổ đối phương, tấn công cơ sở quân sự mang tính chiến lược, chiếm giữ các vị trí trọng yếu trên khu vực bờ biển để đổ bộ.
Về cơ bản, hải quân Triều Tiên không phải là mối đe dọa quá nghiêm trọng, nhưng tiềm ẩn sức mạnh không thể coi thường bằng các đòn tấn công bất ngờ, Majumdar nhận định. "Nếu liên quân Mỹ - Hàn chủ quan, họ sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng", chuyên gia này nhấn mạnh. (VNexpress)