IS kêu gọi 'chiến tranh toàn diện' chống phương Tây; Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ qua đời; Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc thảo luận các vấn đề nóng; Mỹ nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 27-05-2017
- Cập nhật : 27/05/2017
Tổng thống Mỹ cam kết trước G7 giải quyết 'vấn đề Triều Tiên'
Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các vấn đề liên quan tới Triều Tiên sẽ được giải quyết mặc dù đây là một "vấn đề lớn".
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một chuyến công du nước ngoài ngày 23/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Tổng thống Donald Trump cho rằng Triều Tiên là vấn đề "gây quan ngại lớn" và là "vấn đề của thế giới" song "sẽ được giải quyết vào một thời điểm nào đó".
Mối đe dọa ngày càng gia tăng từ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên được xem là thách thức an ninh lớn đối với Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ từng cam kết ngăn chặn nguy cơ Triều Tiên có thể chế tạo được tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Mỹ, điều mà các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng sẽ đạt được sau năm 2020.
Cùng ngày, phát biểu họp báo tại Bắc Kinh (Trung Quốc), quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Susan Thornton cho biết Trung Quốc nhận thức rõ rằng không còn nhiều thời gian để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua đàm phán.
Bà Thornton cho hay Mỹ đang xem xét việc thảo luận với Trung Quốc về nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về các biện pháp đáp trả các vụ thử tên lửa của Triều Tiên (nếu có) trong tương lai. Theo quan chức trên, Bắc Kinh để ngỏ khả năng bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán và nghiêm túc thực thi các nghị quyết của HĐBA.
Nhiều năm qua, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang nghiêm trọng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Mặc dù phải chịu các biện pháp trừng phạt và sức ép của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí, coi đây là một biện pháp phòng thủ. Kể từ đầu năm 2016, Triều Tiên đã tiến hàng hàng chục vụ thử tên lửa, vụ mới nhất vào ngày 21/5 vừa qua, và 2 vụ thử bom hạt nhân.(TTXVN)
--------------------------------
Mỹ, Nhật Bản nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên
Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường trừng phạt nhằm vào Triều Tiên do Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo tại Sicily, Italy, nêu rõ: "Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đã nhất trí rằng giới chức hai bên sẽ phối hợp tăng cường trừng phạt Triều Tiên, trong đó có thông qua việc xác định và trừng phạt những thực thể hỗ trợ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hơn nữa liên minh giữa Mỹ và Nhật, nhằm nâng cao năng lực răn đe và phòng vệ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên".
Mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được xem là thách thức an ninh lớn cho cả ông Trump và ông Abe. Tổng thống Trump từng cam kết ngăn chặn Triều Tiên đạt tới khả năng bắn tên lửa hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ, một năng lực mà các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể có được sau năm 2020.(Baotintuc)
--------------------------
Báo Asahi Shimbun: Mỹ điều máy bay do thám Triều Tiên
Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 25/5 đưa tin không quân Mỹ đã điều máy bay do thám không người lái Global Hawk đến Căn cứ không quân Yokota phía tây Tokyo để tăng cường do thám Triều Tiên.
Máy bay do thám không người lái Global Hawk tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Misawa, tỉnh Aomori, Nhật Bản để tăng cường giám sát động thái từ Triều Tiên. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trung tá Jeremy Fields, chỉ huy trưởng phi đội Global Hawk, cho biết căn cứ nằm gần trung tâm Tokyo dễ dàng hơn cho việc đệ trình kế hoạch các chuyến bay cho các cơ quan chức năng Nhật Bản. Ông không nói rõ các mục tiêu do thám, chỉ cho biết không quân Mỹ có nhiều nhiệm vụ tại Thái Bình Dương, như là đối phó với khủng bố và hải tặc cũng như cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, rõ ràng là những máy bay này được dùng để hỗ trợ cho việc do thám trên không và trên biển để chống lại Triều Tiên giữa lúc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo.
Máy bay không người lái Global Hawk đạt đến độ cao khoảng 15.000 mét và bay được khoảng 36 giờ không cần tiếp liệu. 5 chiếc Global Hawk được điều động đến Căn cứ không quân Yokota từ Căn cứ không quân Andersen ở Guam. 4 trong 5 chiếc đã đến Yokota và 110 nhân viên đã được chuyển từ Guam đến căn cứ này.
Việc triển khai đến Yokota chỉ có tính cách tạm thời từ giữa tháng 5 cho đến cuối tháng 10, trong khi chờ đợi sửa chữa đường bay của Căn cứ không quân Misawa ở Aomori nằm ở cực bắc đảo Honshu.
Kể từ năm 2014, một số máy bay Global Hawk đóng tại tại Guam được chuyển sang Căn cứ không quân Misawa trong mùa Hè để tránh thời tiết xấu như các cơn bão có thể ảnh hưởng đến kế hoạch bay. Tuy nhiên, việc sửa đường bay tại Misawa giữa tháng 5 và tháng 7 đã đưa đến quyết định điều động Global Hawk đến Yokota lần đầu tiên.(TTXVN)
---------------------------
Trung Quốc thắt chặt kiểm soát biên giới với Triều Tiên
Các quan chức Trung Quốc nói với Mỹ rằng nước này đã thắt chặt công tác tuần tra, kiểm soát dọc biên giới với Triều Tiên.
"Họ nói họ đã tăng cường thanh tra, kiểm soát ở biên giới và tăng cường kiểm tra hải quan", Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ hôm qua đề cập đến hoạt động của Trung Quốc ở khu vực biên giới với Triều Tiên, theo USA Today.
Bà Thornton cho rằng việc Trung Quốc thắt chặt kiểm tra, kiểm soát biên giới với Triều Tiên là một phần trong các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. "Mỹ đã nhìn thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong sự tiếp cận của Trung Quốc với Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc đồng minh này ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân", bà nói.
Bà Thornton cho biết chính quyền Mỹ đã có những động lực mới để tranh thủ sự giúp đỡ của Bắc Kinh sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình hồi tháng trước.
Bắc Kinh cũng tuyên bố đã "làm một số việc" với các công ty làm ăn với Triều Tiên, Thornton nói, song không cho biết chi tiết. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington đã bàn với Bắc Kinh về hành động đối với các công ty cụ thể và chờ đợi hành động nào sẽ được Trung Quốc thực hiện.
Đề cập đến các lĩnh vực khác trong quan hệ hai nước, Thornton cho biết Mỹ sẽ không thay đổi các cam kết gắn bó chặt chẽ hơn với các nước châu Á Thái Bình Dương, hoặc các chiến dịch hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quốc nhất trí với các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và ngưng nhập khẩu than từ Triều Tiên cho tới cuối năm, song nước này nhìn chung bị hoài nghi về việc sẽ thực hiện những bước đi khác, sử dụng sức mạnh đối tác thương mại quan trọng nhất và đối tác ngoại giao của Bình Nhưỡng.
Được hỏi về các bình luận của Thornton, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Trung Quốc vẫn cam kết "thực hiện nghiêm túc" lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, song không tiết lộ chi tiết.
Ông Lục cũng nhắc lại lời kêu gọi của Trung Quốc về khôi phục đàm phán phi hạt nhân 6 bên vốn đã bị đình trệ từ năm 2009. Trung Quốc kêu gọi các bên "linh hoạt, thỏa hiệp với nhau và quay lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt".
Mỹ, Trung Quốc và các nước khác đang đàm phán về một nghị quyết của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, nhằm giảm bớt thời gian cần thiết để đưa ra hành động với một vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên năm ngoái thử hạt nhân hai lần, một trong số đó được nước này tuyên bố là bom nhiệt hạch. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần thứ 6 bất cứ lúc nào.(Vnexpress)