Đó là phát biểu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN ngày 28-4, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN khai mạc ngày mai (29-4) tại thủ đô Manila, Philippines.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 28-04-2017
- Cập nhật : 28/04/2017
Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên
Leon Panetta, cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc, cho rằng xung đột với Triều Tiên có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực.
Các tổng thống gần đây chưa "bóp cò súng" về vấn đề Triều Tiên bởi "những hậu quả rõ ràng có thể xảy ra với Seoul, thành phố với 20 - 25 triệu dân, và thực tế là nó có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân", Leon Panetta, cựu bộ trưởng Quốc phòng và giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, hôm 26/4 nói.
"Kết quả là điều đó sẽ cướp đi hàng triệu sinh mạng", ông Panetta nói trên chương trình MSNBC. "Rõ ràng chúng ta phải tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc".
"Chúng ta phải tăng cường trừng phạt Triều Tiên, chúng ta phải tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc, chúng ta phải đảm bảo họ tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên để họ lùi bước trong việc thử vũ khí hạt nhân", ông Panetta cho hay.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng khuyến cáo gửi thông điệp rõ ràng với Bình Nhưỡng, rằng nếu họ phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, điều này "không thể chấp nhận được", đe dọa trực tiếp với an ninh Mỹ.
Ông Panetta giữ chức giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ trong giai đoạn 2009 - 2011 và làm bộ trưởng Quốc phòng trong giai đoạn 2011 - 2013, dưới thời cựu tổng thống Barack Obama.(Vnexpress)
-------------------------------------------
Tướng Nga lo Mỹ tấn công hạt nhân bất ngờ bằng lá chắn tên lửa
Quan chức quân sự Nga lo ngại Mỹ có thể lợi dụng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu để bất ngờ phát động tấn công hạt nhân nhằm vào Nga.
Trung tướng Viktor Poznikhir, phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga ngày 26/4 cho rằng các căn cứ quân sự tại châu Âu và tàu tên lửa Mỹ trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu (NMD) neo đậu tại những vùng biển gần lãnh thổ Nga sẽ tạo cơ hội cho Washington tiến hành đòn tấn công hạt nhân bất ngờ vào Moscow, theo Sputnik.
Theo tướng Poznikhir, các mô hình giả lập trên máy tính cho thấy lá chắn tên lửa của Mỹ đang thực sự nhắm vào Nga và Trung Quốc.
"Phía Nga nhiều lần kêu gọi Mỹ chú ý đến tác động nguy hiểm của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu đối với cân bằng chiến lược trên toàn cầu, nhưng họ luôn bỏ ngoài tai. Mỹ tuyên bố hệ thống này không nhằm chống Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả mô phỏng máy tính chứng minh điều ngược lại", tướng Poznikhir tuyên bố.
Quan chức quân sự Nga cho rằng hệ thống NMD của Mỹ đang đe đọa đến quyền tự do không gian của mọi quốc gia và các nước buộc phải thực hiện những biện pháp đối phó lại động thái của Washington.
"Hệ thống phòng thủ lên lửa Mỹ đang kích động một cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là về các loại vũ khí chiến lược, buộc các quốc gia phải có những biện pháp quân sự và kỹ thuật phù hợp", ông Poznikhir nhấn mạnh.
Hệ thống NMD được Mỹ triển khai từ nhiều năm nay, với mục tiêu bảo vệ nước Mỹ và các quốc gia đồng minh khỏi mối đe dọa từ các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hệ thống này bao gồm các loại tên lửa đánh chặn trên biển, đất liền, trong vũ trụ cùng các hệ thống laser và tên lửa tầm cao.(Vnexpress)
------------------------------
Nhật Bản giục Trung Quốc ngừng xuất khẩu dầu sang Triều Tiên
Quan chức ngoại giao cấp cao Nhật hối thúc Trung Quốc dừng xuất khẩu dầu để gây sức ép buộc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, tên lửa.
Kenji Kanasugi, người đứng đầu Vụ châu Á và Đại dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm qua kêu gọi Trung Quốc tăng sức ép với Triều Tiên bằng cách ngừng xuất khẩu dầu mỏ, theo Japan Times.
Ông Kenji Kanasugi ngày 26/4 có cuộc họp tại Tokyo với ông Vũ Đại Vĩ (Wu Dawei), đặc sứ của Trung Quốc về các vấn đề Triều Tiên. Hai quan chức ngoại giao Nhật, Trung đồng ý dùng các biện pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết xung đột về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nhật, Trung đồng ý quan điểm cho rằng xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên là điều cần phải tránh, ông Vũ cho biết sau cuộc họp.
Đặc sứ Trung Quốc nói thêm rằng có một số điểm chung giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Mỹ trong lập trường về Triều Tiên.
Ông Kanasugi và ông Vũ đứng đầu phái đoàn của hai nước trong đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Cuộc gặp giữa hai quan chức này diễn ra sau cuộc họp ba bên giữa ông Kanasugi và những người đồng cấp Mỹ, Hàn Quốc tại Tokyo hôm 25/4.
Trong cuộc gặp riêng với ông Vũ hôm qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên.
Ông Kishida nói với ông Vũ rằng điều quan trọng là phải thể hiện lập trường quyết đoán để ngăn chặn những hành động khiêu khích của Triều Tiên trong tương lai.
Hồi đầu tháng ba, trong 4 tên lửa Triều Tiên phóng ra, có ba tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật trên biển Nhật Bản. Bình Nhưỡng sau đó thông báo tập luyện để phóng đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật.(Vnexpress)
-------------
Triều Tiên căng thẳng, Úc hướng về Mỹ?
Những tín hiệu không tốt đẹp giữa Úc và Triều Tiên đang che phủ chuyến đi sắp tới của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tới New York gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hồi tháng 2 năm nay, báo Washington Post tiết lộ rằng ông Trump đã đột ngột cúp điện thoại với ông Turnbull trong một cuộc điện đàm hôm 28-1 về chính sách tị nạn cũng như một số vấn đề khác. Chi tiết ấy tạo hình ảnh rạn nứt trong quan hệ giữa hai chính quyền Úc - Mỹ. Nhưng mọi thứ có thể sẽ khác vào tháng 5 tới, chỉ vì... Triều Tiên.
Mục tiêu của hạt nhân Triều Tiên
Dư luận Úc vài ngày nay đang chú ý tới việc tờ báo Rodong Sinmun của Triều Tiên khẳng định thành phố Darwin, phía bắc nước Úc, chính là địa điểm của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tuần trước, thủy quân lục chiến Mỹ đã cập bến cảng Darwin trong một cuộc triển khai dài sáu tháng, nơi họ sẽ có những đợt tập trận với quân đội Úc cũng như viếng thăm quân đội Trung Quốc. Tư lệnh lực lượng hải quân Darwin, ông Brian Middleton, cho biết việc triển khai 1.250 lính Mỹ tới Darwin nhằm sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp căng thẳng Úc - Triều Tiên leo thang thành xung đột quân sự, theo news.com.au.
Đối lại, Rodong Sinmun hôm 24-4 cho rằng Mỹ đang cố gắng sử dụng Darwin làm địa điểm đóng quân để chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân. Tờ báo của Đảng Lao động Triều Tiên chỉ ra sự thật rằng với 1.250 người, Darwin đang chứng kiến sự hiện diện quân sự dày đặc nhất của lính Mỹ trong thời bình từ sau Thế chiến thứ hai, và rằng: “Mỹ đang cuồng tín, nỗ lực rồ dại trong việc tối ưu hóa cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Trước đó, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc chính quyền của Thủ tướng Úc Turnbull đang “mù quáng và hăng hái bám đuôi Mỹ”, và tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang “tiến gần bên bờ vực chiến tranh trong một vòng xoáy ma quỷ của căng thẳng ngày càng leo thang”.
Người phát ngôn trên cũng khẳng định nếu Úc vẫn tiếp tục hưởng ứng chính sách của Mỹ về việc cô lập, kiềm chế CHDCND Triều Tiên, và giữ sự hiện diện của Mỹ, đó sẽ là hành động tự sát khi bị lọt vào phạm vi tấn công hạt nhân chiến lược của Triều Tiên. Hãng thông tấn KCNA cũng tuyên bố 5 triệu thanh thiếu niên Triều Tiên sẽ “sẵn sàng quét sạch kẻ thù” và “chờ đợi hiệu lệnh cuối cùng” để hành động.
Lời đe dọa trên xuất phát từ một tuyên bố của Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói trong thời điểm Úc đón tiếp Phó tổng thống Mỹ Mike Pence mới đây. Bà Bishop trong một cuộc phỏng vấn phát thanh nhắc lại lập trường của Úc là ủng hộ “tất cả các giải pháp đang xem xét” mà Mỹ áp lên Triều Tiên, và khẳng định Bình Nhưỡng đang là mối hiểm họa an ninh toàn cầu với chương trình phát triển hạt nhân.
Nửa xem nhẹ, nửa thận trọng
Tương tự các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, Úc đang căng thẳng với Triều Tiên sau hàng loạt biểu hiện leo thang trong quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Phía Úc hiện có vẻ cần thêm thời gian để xác định rõ cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên.
Phát biểu sau cáo buộc của tờ Rodong Sinmun nêu trên, Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Úc Christopher Pyne khẳng định rằng việc triển khai quân ở Darwin từ lâu đã nằm trong “chính sách lâu dài của chính phủ”. “Trong bất kỳ trường hợp nào đi nữa, đó cũng không phải là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào bán đảo Triều Tiên. Dĩ nhiên, chúng tôi muốn tránh tất cả các hành động quân sự, và mong muốn người Triều Tiên hành xử đúng đắn, chừng mực nhất có thể, như những công dân quốc tế” - ông Pyne nói.
Dù vậy, ông Pyne cũng xem nhẹ khi khẳng định Triều Tiên chưa có khả năng đặt đầu đạn hạt nhân vào những loại tên lửa đạn đạo có thể phóng đến Úc. Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuần này cũng nhận định rằng các biểu hiện khiêu khích Triều Tiên đặt lên Mỹ, Nhật, Hàn hay Úc chỉ là biểu hiện cho thấy lãnh đạo Kim Jong Un đang “hoang tưởng” và bắt đầu thấm đòn, cảm nhận được áp lực từ quốc tế. Chính vì vậy, bà Haley kêu gọi các bên tiếp tục duy trì những áp lực đặt lên Bình Nhưỡng.
Cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, hiện Úc cũng đối mặt nguy cơ thiệt hại không thể lường trước nếu thực sự có xung đột vũ trang với Triều Tiên. Nhưng có vẻ hậu quả sẽ được hạn chế hơn khi ông Turnbull tìm được tiếng nói chung với ông Trump.(tuoitre)