Thượng nghị sĩ John McCain cho biết ông sẽ đề xuất chính quyền Mỹ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 31-05-2017
- Cập nhật : 31/05/2017
Giải mã tên lửa Hwasong-12 bí ẩn của Triều Tiên
Trang 38 North chuyên về tình hình Triều Tiên đặt ra câu hỏi: Liệu động cơ của Hwasong-12 có được sử dụng để thúc đẩy phát triển một tên lửa đạn đạo mới?
Theo 38 North, một đặc điểm nổi bật của Hwasong-12 là động cơ: Một vòi với bốn vécnê. Đây không phải là động cơ R-27 của Liên Xô như được sử dụng ở tên lửa Musudan, cũng không phải hệ thống kép R-27 mà họ đã phát triển cho tên lửa KN-08 thử nghiệm năm 2016.
Những hình ảnh mà Triều Tiên công bố cho thấy, động cơ của Hwasong-12 trông rất giống một loại động cơ mới mà Triều Tiên thử hồi tháng 3. Đó có thể là loại động cơ phương tiện phóng không gian. Tuy nhiên, có thể một biến thể của nó đã được dùng cho tên lửa mới.
Theo đánh giá của 38 North, động cơ sử dụng cho Hwasong-12 vẫn chưa đủ mạnh cho một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Nhưng Triều Tiên sẽ không mất nhiều thời gian để phát triển cho mục đích này.Sự kết hợp lực đẩy cũng là một nhân tố khá bí ẩn, vì người Triều Tiên đã chỉnh sửa màu sắc ở một số bức ảnh để tạo tính thẩm mỹ. Nhưng chắc chắn đây là một động cơ đẩy nhiên liệu lỏng.
Một câu hỏi nữa được đặt ra, đây là tên lửa một giai đoạn hay hai giai đoạn? Không có dấu hiệu nào cho thấy có một khớp nối tách giai đoạn trên Hwasong-12, nên nhiều chuyên gia nhận định đó là tên lửa một giai đoạn.
Mặc dù vậy, cũng khó mà khẳng định chắc chắn vì các thiết kế tân tiến hơn thường có khớp nối ẩn bên trong.
Trong trường hợp Hwasong-12 là tên lửa một giai đoạn thì năng lực của nó, với tầm bắn 4.500km, sẽ là "chưa từng có tiền lệ" ở loại này. Trong lịch sử, tên lửa một giai đoạn duy nhất có thể sánh với Hwasong-12 là R-14 của Liên Xô, nhưng lại nặng tới 80 tấn, trong khi Hwasong-12 chỉ khoảng 20 tấn.
Thêm một câu hỏi nữa: Vụ thử Hwasong-12 có chứng tỏ sự tiến bộ của Triều Tiên trong tham vọng chế tạo ICBM?
Phát triển được một động cơ mới, một thiết kế cấu trúc mới và có thể là máy tách giai đoạn mới là việc không hề đơn giản. Rất có thể Triều Tiên sẽ sử dụng các công nghệ này vào chương trình phát triển ICBM với mục đích có thể chế một tên lửa bắn tận tới Mỹ.
Nhưng dù thành công của Hwasong-12 có thể tăng tốc tham vọng của Triều Tiên thì nước này cũng vẫn khó có khả năng triển khai được một ICBM hoạt động trước năm 2020.(Vietnamnet)
------------------------------
Kim Jong Un có vũ khí mật, hủy diệt hơn cả bom hạt nhân?
Đó là cảnh báo của Tiến sĩ Peter Vincent Pry, Giám đốc điều hành Lực lượng Đặc nhiệm An ninh Nội địa và quốc gia Mỹ. Trước kia, ông đã từng nhận định Triều Tiên có các vũ khí EMP nhưng giờ đây, theo ông, những vũ khí này của Triều Tiên có thể còn đáng sợ hơn nhiều.
Viết cho tờ báo chính trị The Hill, Tiến sĩ Pry diễn giải rằng một vụ nổ EMP trên tầng khí quyển cao có thể giết nhiều người về lâu dài hơn là một vụ nổ hạt nhân trực tiếp ở một thành phố. Thương vong có thể lên đến hàng triệu người, gây ra những cái chết quằn quại do đói lả từ từ.
Vì cơ sở hạ tầng hiện đại phụ thuộc lớn vào điện, nên một cuộc tấn công EMP có thể làm chảy hệ thống dây điện, điện thoại di động và liên lạc, vô hiệu hóa các hoạt động ngân hàng, giao thông, phân phối thực phẩm và nước uống.
Có thể phải vài tháng mới cảm nhận hết được tác động của một vụ tấn công EMP, trong khi thực phẩm thối rữa trong tủ lạnh và không có phương tiện để vận chuyển lương thực từ các trang trại, và rốt cuộc hàng triệu người sẽ chết đói.
"Với những tác động gián tiếp, một cuộc tấn công EMP rốt cuộc sẽ giết nhiều người hơn là bom hạt nhân nổ ở một thành phố", tiến sĩ Pry nói thêm.
Thời gian gần đây, chính quyền Kim Jong Un liên tiếp thử tên lửa đạn đạotrong khi Mỹ điều nhiều tàu chiến tới sát bán đảo Triều Tiên. Căng thẳng leo thang khiến cho nhiều người nghĩ đến nguy cơ một cuộc chiến tranh sắp xảy ra.
Trong cuộc phỏng vấn phát sóng ngày 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo xung đột trên bán đảo Triều Tiên nếu xảy ra sẽ rất thảm khốc (Vietnamnet)
-----------------------
Máy bay chiến lược Mỹ tập trận ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa
Ngày 29/5, 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B Mỹ đã bay đến khu vực bán đảo Triều Tiên, lần lượt tiến hành huấn luyện chung với máy bay chiến đấu Nhật Bản và cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson.
Lực lượng Phòng vệ Trên không cho biết máy bay chiến đấu Nhật Bản tham gia huấn luyện đến từ trung đoàn không quân số 5 của căn cứ Nyutabaru, tỉnh Miyazaki; 2 máy bay ném bom B-1B của Quân đội Mỹ đến từ căn cứ không quân Anderson, Guam.
Mục đích tiến hành huấn luyện chung lần này giữa hai bên là để “nâng cao khả năng ứng phó chung và trình độ chiến thuật của quân đội Nhật Bản và Mỹ”. Trang tin chính thức của Lực lượng Phòng vệ Trên không còn tiết lộ hình ảnh 4 máy bay quân sự cùng huấn luyện.
Ngoài ra, theo hãng Yonhap Hàn Quốc ngày 30/5, một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc tiết lộ, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa được 5 giờ đồng hồ, ngày 29/5, 2 máy bay ném bom B-1B Mỹ đã bay đến bầu trời vùng biển phía đông Hàn Quốc, tiến hành diễn tập liên hợp với tàu sân bay USS Carl Vinson.
Máy bay ném bom B-1B được bắt đầu trang bị cho không quân Mỹ từ thập niên 1980, cùng với các máy bay ném bom B-52 và B-2 tạo thành bộ 3 máy bay ném bom chiến lược lớn của Mỹ. Máy bay ném bom B-1B có tốc độ bay tối đa là 1,2 Mach, một lần có thể mang theo rất nhiều vũ khí tấn công. Vì vậy, Triều Tiên có phản ứng nhạy cảm với sự xuất hiện của B-1B ở khu vực bán đảo. Tháng 1/2017, B-1B cũng đã tiến hành diễn tập liên hợp với nhiều máy bay chiến đấu như F-15K của không quân Hàn Quốc và cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson.
Ngày 28/4, 2 máy bay chiến đấu F-15 ở căn cứ Naha, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cũng từng tiến hành huấn luyện chung với máy bay chiến đấu F/A-18 trên tàu sân bay USS Carl Vinson, Mỹ để “nâng cao kỹ xảo chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ Trên không, tăng cường hợp tác với Hải quân Mỹ”. (Viettimes)