Trung Quốc có thể thúc đẩy một dự án kênh đào biến Thái Lan trở thành "hố đen" khu vực thu hút mọi sự quan tâm và dòng chảy thương mại.
Đến nay, cuộc khủng hoảng Triều Tiên đưa quan hệ Mỹ-Triều leo thang tới đỉnh điểm, trong đó hai bên đã dàn trận sẵn sàng cho một cuộc xung đột có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân, thậm chí là Chiến tranh thế giới lần thứ III. Lúc này, mọi con mắt đang đổ dồn về phíaTrung Quốc bởi tiếng nói của Bắc Kinh là rất quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định.
Căng như dây đàn
Ngày 8/8/2017, báo Mỹ New Yourk Time đưa tin, cơ quan tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên đã sở hữu tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân [1].
Cũng trong ngày 8/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố:“Triều Tiên không nên tiếp tục có các hành động khiêu khích và đe dọa Mỹ. Nếu làm ngược lại, họ sẽ phải đối mặt với lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng được biết đến”.
Ngày 10/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho biết thêm rằng lời cảnh báo của Mỹ có vẻ như “chưa đủ cứng rắn” và ông lại tung ra lời đe dọa mới: “Mỹ đã sẵn sàng hành động và mọi chuyện sẽ diễn ra ngoài sức tưởng tượng của Triều Tiên”.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết đã hoàn tất kế hoạch đặc biệt tấn công phủ đầu vào các trận địa phóng tên lửa trên lãnh thổ Triều Tiên. Nội dung then chốt của kế hoạch đặc biệt này là sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Hiện tại đã có 6 chiếc B-1B ở căn cứ Andersen đã từng tham gia các cuộc tập trận ở Đông Bắc Á theo kịch bản tấn công phủ đầu vào các mục tiêu trên lãnh thổ Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ đã triển khai đội hình tàu sân bay, tàu ngầm, chiến hạm mặt nước cỡ lớn ở vùng biển Đông Bắc Á [2].
Trong khi đó, Triều Tiên dường như “vô cảm” trước những lời cảnh báo và đe dọa của phía Mỹ và tuyên bố “đã sẵn sàng phóng 4 quả tên lửa tầm trung nhằm vào các mục tiêu thuộc căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam”. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ quyết tâm trên Twitter: “Mọi phương án cho một giải pháp quân sự đã sẵn sàng để có thể sử dụng bất cứ lúc nào một khi Triều Tiên hành động điên rồ. Tôi hy vọng Kim Jong Un sẽ tìm được cách thức khác” [3].
Còn Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định, Mỹ đã sẵn sàng hành động, và ông còn cho biết:“Thảm họa từ cuộc chiến này chắc rằng ai cũng có thể tưởng tượng ra được và không cần phải mô tả. Tôi chỉ cần nói rằng hậu quả sẽ cực kỳ thảm khốc”. Tuy nhiên, ông James Mattis cũng không quên “mở ngoặc kép”: “Mỹ hy vọng mọi nỗ lực sẽ hướng tời giải pháp ngoại giao, liên quan tới ngoại giao và chúng tôi cũng muốn hành động như vậy”. Đây vẫn là chiêu thức “vừa đấm vừa xoa” hoặc “chiếc gậy và củ cà rốt” quen thuộc của người Mỹ [4].
Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ đã sẵn sàng phản ứng trước hành động quân sự của Washington. Thủ tướng Australia tuyên bố rằng sẵn sàng ủng hộ các giải pháp của Mỹ. Nhật Bản thông báo, ngày 12/8/2017, các dàn phóng tên lửa đánh chặn Patriot bố trí tại các căn cứ ở Hiroshima, Shimane, Kochi và Ehime đã được lệnh chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra tuyên bố sẽ không có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ đảo Guam của Mỹ nhưng sẽ ủng hộ Mỹ về mặt chính trị. Trong khi đó Đức kêu gọi các bên kiềm chế và ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ [5,6].
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergey Lavrov cảnh báo: “Các tuyên bố của Mỹ và Triều Tiên chứng tỏ nguy cơ rất cao bùng nổ chiến tranh bởi hai bên đều đe dọa sẽ sử dụng sức mạnh quân sự. Chúng tôi phản đối việc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân” [7].
Cuộc điện đàm lịch sử Tập Cận Bình-Donald Trump
Đáng chú nhất là phản ứng của phía Trung Quốc. Trong một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 11/8/2017, viết: "Trung Quốc cũng cần nói rõ rằng nếu Triều Tiên là bên chủ động tiến hành phóng các tên lửa đe dọa lãnh thổ Mỹ, còn phía Mỹ phải đáp trả, thì Trung Quốc sẽ giữ vị thế trung lập. Còn nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tấn công nhằm lật đổ chính quyền Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ kiên quyết ngăn chặn” [8].
Đáng chú ý nhất là ngày 12/8/2017 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo truyền hình trung ương Trung Quốc, trong cuộc điện đàm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Các bên có liên quan hiện phải kiềm chế, tránh những lời nói và hành động làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Giải quyết vấn đề hạt nhân cuối cùng cần phải được thực hiện bằng biện pháp chính trị, thông qua đối thoại và Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm thúc đẩy một giải pháp thích hợp”. Truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Ông ấy hiểu đầy đủ vai trò của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên”.
Còn thông cáo từ Nhà Trắng cho biết: “Hai lãnh đạo tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Hai bên đồng ý rằng việc thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên vừa qua (nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga) là một bước tiến quan trọng nhằm đạt được hoà bình, ổn định trên bán đảo. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập nhất trí Triều Tiên cần dừng hành vi khiêu khích, leo thang căng thẳng".
Máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ tập trận cùng chiến đấu cơ của không quân Nhật Bản mới đây trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao
Nhà Trắng còn cho biết, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng quan hệ giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ là mối quan hệ “hết sức thân thiết” và sẽ hy vọng dẫn tới một giải pháp hoà bình cho vấn đề Triều Tiên. Ông Donald Trump còn cho biết sẽ tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Trung Quốc để giải quyết những vấn đề khu vực và quốc tế liên quan tới lợi ích của hai nước. Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có “cuộc gặp lịch sử” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay (có thể là tại Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương-APEC sẽ được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11/2017), bởi “quan hệ Mỹ-Trung là “cực kỳ gần gũi” và hy vọng hai bên sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bằng giải pháp hòa bình”[9,10].
Sau cuộc nói chuyện qua điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó ông nhấn mạnh: “Mỹ đã sẵn sàng cùng các đồng minh sử dụng gói biện pháp toàn diện ngoại giao, kinh tế và quân sự để hóa giải cuộc cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên”.
Chưa ai biết nội dung cụ thể của “gói biện pháp toàn diện” này là gì nhưng một điều chắc chắn không phải là biện pháp “lửa và cơn thịnh nộ” mà ông Donald Trump đã từng tuyên bố trước đó nhằm đe dọa Triều Tiên [11].
Hiện không ai biết được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bàn luận gì với nhau và đạt được những thỏa hiệp nào trong cuộc điện đàm “lịch sử” ngày 12/8/2017 nhưng chắc chắn phải là sự thỏa hiệp cực kỳ quan trọng để tháo ngòi nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Hiện tại cả Trung Quốc và Mỹ đều có trong tay nhiều con bài để mặc cả và thỏa thiệp. Có thể, chính từ sự thỏa hiệp này mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới nhận định “quan hệ Mỹ-Trung là cực kỳ gần gũi và hy vọng hai bên sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bằng giải pháp hòa bình”.
Xem ra, chìa khóa giải quyết cuộc cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên nằm trong tay Trung Quốc./.
Ngày 14/8/2017, trong một bài viết đồng tác giả của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trên báo Mỹ The Wall Street Journal, hai ông đã đưa ra đề xuất mới, theo đó Washington sẽ đối thoại với Bình Nhưỡng và không quan tâm tới việc thay đổi chế độ chính trị của Triều Tiên, nhưng các biện pháp ngoại giao sẽ luôn được củng cố bằng các phương án sử dụng sức mạnh quân sự. Như vậy, Mỹ không đặt giải pháp quân sự và lật đổ chế độ cầm quyền ở Triều Tiên lên hàng đầu. Điều này phù hợp với lời cảnh báo do Trung Quốc đưa ra.
***
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
[1] Американская разведка заявила о создании КНДР ядерной боеголовки для МБР. http://www.interfax.ru/world/574094
[2] США подготовились к военным действиям на случай "неразумных действий" КНДР. http://www.interfax.ru/world/574520
[3] Military solutions are now fully in place,locked and loaded,should North Korea act unwisely. Hopefully Kim Jong Un will find another path! https://twitter.com/realDonaldTrump/status/895970429734711298’
[4] Шеф Пентагона выступил за дипломатическое решение северокорейской проблемы. http://www.interfax.ru/world/574441
[5]Премьер Австралии сказал, что поддержит действия США.
https://www.gazeta.ru/army/2017/08/11/10828292.shtml
[6]Пхеньян пообещал запустить 4 ракеты средней дальности «Хавсон-12» по Гуаму через Японию.
http://www.rosbalt.ru/world/2017/08/11/1637911.html
[7] Сергей Лавров сказал о военных рисках: Риски очень высокие. Особенно учитывая риторику. Звучат прямые угрозы применить силу.
https://www.gazeta.ru/army/news/10421732.shtml
[8] Китайцы готовы защитить Северную Корею. Вы понимаете, что это значит? http://vg-saveliev.livejournal.com/1670707.html
[9] Си Цзиньпин в разговоре с Трампом призвал избегать эскалации на Корейском полуострове. http://tass.ru/mezhdunarodnaya-panorama/4478108
[10]Китайский лидер Си Цзиньпин остановил Трампа? Войны не будет? http://vg-saveliev.livejournal.com/1671307.html
[11] Китайский лидер Си Цзиньпин остановил Трампа? Войны не будет?http://vg-saveliev.livejournal.com/1671307.html
Đại Tá Lê Thế Mẫu
Theo Viettimes.vn