Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN mới đây tại Philippines không phải tuyên bố chung của ASEAN.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 04-05-2017
- Cập nhật : 04/05/2017
Triều Tiên chỉ trích Trung Quốc 'ngớ ngẩn và khinh suất'
Trong một phản ứng hiếm hoi, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã chỉ trích mạnh mẽ những quan điểm cảnh báo của Trung Quốc đối với họ.
Một người đi trên con phố được trang hoàng những lá quốc kỳ trong dịp Triều Tiên kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành vừa qua - Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, trong thông điệp phát đi ngày 3-5, hãng thông tấn trung ương của Triều Tiên KCNA cho rằng việc truyền thông Trung Quốc kêu gọi áp lệnh trừng phạt mạnh tay hơn với các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã làm xói mòn quan hệ giữa hai bên và khiến căng thẳng tồi tệ hơn.
Bài bình luận của nhắc tới những quan điểm được nêu trước đó trên các báo Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mà theo KCNA, là các cơ quan ngôn luận thể hiện lập trường chính thống của đảng cộng sản Trung Quốc và chính quyền nước này.
KCNA cho rằng: “Một loạt những quan điểm ngớ ngẩn và khinh suất hiện được nghe thấy từ Trung Quốc mỗi ngày chỉ khiến tình hình tồi tệ hiện nay thêm bất an”.
“Trung Quốc tốt hơn hết là hãy ngẫm nghĩ về những hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn đến từ hành động thiếu thận trọng của họ khi phá bỏ cột trụ quan trọng trong mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc”.
Bài bình luận của KCNA cáo buộc các bài báo của truyền thông Trung Quốc đã cố tình đổ tội cho Bình Nhưỡng trong việc làm xấu đi quan hệ giữa hai bên, đổ cho Triều Tiên đã gây ra tình thế quân đội Mỹ điều động vũ khí chiến lược tới khu vực.
KCNA cũng buộc tội Trung Quốc đã ‘thổi phồng’ những tổn thất do các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra với ba tỉnh miền đông bắc của Trung Quốc.
Hãng thông tấn Triều Tiên cho rằng những lời kêu gọi áp lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Triều Tiên là của “một số chính trị gia và các nhân vật truyền thông ngu ngốc”, đồng thời nói rằng những quan điểm cho rằng sẽ không loại bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Triều Tiên nếu họ không từ bỏ chương trình hạt nhân là quan điểm “dựa trên chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn”.
Thêm một lần nữa KCNA khẳng định chương trình hạt nhân của Triều Tiên là cần thiết cho “sự tồn tại và phát triển” của họ và “không thể bị thay đổi cũng như lung lay”.
Theo đó khẳng định “Triều Tiên sẽ không bao giờ cầu xin để giữ gìn quan hệ hữu nghị với Trung Quốc”.
Trước đó cùng ngày Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên có liên quan tại bán đảo Triều Tiên bình tĩnh và “dừng khiêu khích lẫn nhau”. Thông điệp được Trung Quốc đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã đẩy khu vực này tiến đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Trong diễn biến liên quan, ngày 3-5 ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington đang chuẩn bị áp thêm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có những động thái khiến họ phải hành động đáp trả.(Tuoitre)
---------------------------------
Triều Tiên bị nghi xây đảo nhân tạo để phóng tên lửa
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên dường như đang tiến hành xây đảo nhân tạo trên biển Hoàng Hải và đặt ở đây các thiết bị, cơ sở vật chất quân sự.
Ảnh vệ tinh về các cơ sở hạ tầng trên những thực thể được cho là do Triều Tiên xây dựng, cải tạo. Ảnh: Google Earth
Ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể đã xây các đảo nhân tạo gần Sohae, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 112 km về phía tây bắc, trong ít nhất 5 năm qua. Sohae được biết đến là địa điểm Triều Tiên dùng để thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa, theo Los Angeles Times.
Vào thời điểm cuối năm 2012, các đảo kể trên chỉ toàn đá, bụi cây và cát. Tuy nhiên, trong ảnh vệ tinh do Google Earth chụp từ cuối tháng 12 năm ngoái, tất cả đều xuất hiện các cơ sở hạ tầng như đường lát đá hay những lô đất hình chữ nhật.
Hiện chưa rõ mục đích của Triều Tiên khi xây dựng những thực thể này là gì. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng có thể dùng chúng cho các vụ thử tên lửa đạn đạo, vũ khí chống máy bay hay vũ khí chống hạm. Nhưng nhiều người suy đoán Bình Nhưỡng có lẽ đơn thuần chỉ muốn sử dụng chúng cho nông nghiệp.
"Chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận chính xác về việc các đảo đó được dùng như thế nào", ông Ryan Barenklau, giám đốc điều hành công ty tình báo Strategic Sentinel, trụ sở ở Washington, Mỹ, trả lời tạp chí Diplomat.
Song theo Barenklau, không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ dùng chúng cho mục đích quân sự. Ông phân tích, những con đường xây trên đảo khá rộng, đủ để phục vụ các loại xe tải chở tên lửa tự hành. Ngoài ra, những khối đặt trên các bãi đất hình chữ nhật dễ là bê tông chịu nhiệt, một dấu hiệu chỉ ra rằng chúng có thể được dùng làm bệ phóng.
"Chúng còn có cả các khu quan sát nữa, dành cho những người như lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi ông muốn thị sát quá trình phóng tên lửa", Barenklau cho hay.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang nhanh chóng với việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa thách thức Mỹ - Hàn. Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẵn sàng thử hạt nhân lần 6 khi nào thấy phù hợp. Đáp lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump điều động tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên, dường như nhằm thị uy sức mạnh. Mỹ hôm 1/5 còn điều hai máy bay ném bom chiến lược B-1B tới tập trận chung với quân đội Hàn Quốc.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khó tăng cao đến mức xung đột, bởi các bên đều ý thức được hậu quả nếu chiến tranh nổ ra.(Vnexpress)
------------------------------------------------
Trung Quốc kêu gọi đàm phán với Triều Tiên
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh, vừa có những phân tích khẳng định rằng Mỹ chỉ còn cách trở lại đàm phán với Triều Tiên, nếu không muốn đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân lên cực điểm.
Trong bài phân tích dài khoảng 20.000 chữ do Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) đăng tải, bà Phó Oánh cũng đồng thời khẳng định các biện pháp trừng phạt sẽ không có nhiều tác dụng đối với Triều Tiên.
Mỹ quyết đoán
Ý kiến từ một nhân vật cấp cao như bà Phó Oánh phản ánh quan điểm của Trung Quốc xoay quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đang dẫn tới căng thẳng leo thang ở 5 nước lúc này gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra quyết đoán hơn với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc gấp rút triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại khu vực gần thủ đô Seoul.
“THAAD đã đi vào hoạt động và có khả năng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên, bảo vệ Hàn Quốc” - CNN ngày 2-5 dẫn lời người phát ngôn lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Thông báo này được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Mỹ bắt đầu lắp đặt hệ thống THAAD tại thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul 300km về phía đông nam. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống hiện còn “giới hạn” và sẽ được nâng cấp toàn diện vào cuối năm nay, khi các thiết bị và bộ phận cấu thành bổ sung được tiếp tục đưa đến Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương ngày 1-5 cũng đã điều hai máy bay ném bom chiến lược B-1B bay trên bầu trời Hàn Quốc. Hai chiến đấu cơ này cất cánh từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam để diễn tập với quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mỹ - Hàn sử dụng các thông điệp về THAAD cũng như những đợt tập trận để ứng phó mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Đổi lại, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất, và cũng tiếp tục được cho đã thử nghiệm tên lửa trong thời gian này.
Trung Quốc kêu gọi đối thoại
Phía Trung Quốc phản đối gay gắt việc triển khai THAAD, đồng thời không muốn các bên hành xử mất kiểm soát. Quan điểm của Bắc Kinh được bà Phó Oánh nhắc lại, rằng chỉ có đối thoại mới là con đường duy nhất giải quyết vấn đề.
Bà Phó lập luận rằng hành động của Mỹ - Hàn sẽ tiếp tục khiến Triều Tiên gia cố khả năng hạt nhân, từ đó tạo thành một vòng xoáy luẩn quẩn dẫn tới xung đột cực điểm, theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hong Kong).
Theo bà Phó, chính quyền của ông Kim Jong Un không bao giờ từ bỏ hạt nhân, vì họ đã thử nghiệm hạt nhân sau khi bị áp đặt lệnh trừng phạt. “Lệnh trừng phạt có thể tạo ra áp lực lớn, nhưng quốc gia này (Triều Tiên) sẽ giữ đó và không vì thế mà từ bỏ việc phát triển hạt nhân. Không khó để thấy rằng tình thế này có thể khiến vấn đề cuốn vào một vòng xoáy gia tăng cấm vận và tiếp tục phát triển hạt nhân, cho tới khi công nghệ phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đạt tới điểm bùng nổ” - bà Phó viết.
Bà Phó Oánh, người từng tham gia vào các cuộc thảo luận Mỹ - Trung - Triều năm 2003, cũng không đánh giá cao ý định của Mỹ và Hàn Quốc về việc đẩy chính quyền Triều Tiên tới bờ vực sụp đổ (coi như cải tổ toàn diện, dừng chương trình hạt nhân). “Thực tế là kinh tế Triều Tiên đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Kim Jong Un... đã ổn định được tình hình trong nước” - bà Phó nhận định.(Tuoitre)
----------------------------
KCNA: Triều Tiên không bao giờ cầu xin tình hữu nghị với Trung Quốc
KCNA chỉ trích các bình luận gần đây đăng trên tờ Nhân Dân nhật báo và Hoàn cầu Thời báo về vấn đề Triều Tiên, nhấn mạnh các tờ báo này đều là cơ quan ngôn luận chính thức của cấp lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc.
Theo bài xã luận, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cố đổ lỗi cho Bình Nhưỡng khi mối quan hệ với Bắc Kinh trở nên xấu đi, cũng như việc Mỹ triển khai các khí tài chiến lược tới khu vực. Ngoài ra, bài báo cáo buộc Trung Quốc thổi phồng những thiệt hại do các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng gây ra đối với ba tỉnh đông bắc nước này.
Hãng thông tấn Triều Tiên còn chỉ trích mạnh mẽ việc báo chí Trung Quốc kêu gọi tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng.
KCNA nhấn mạnh những nội dung "ngớ ngẩn và liều lĩnh" như vậy phát ra từ phía Trung Quốc hằng ngày "sẽ chỉ khiến cho tình hình đã căng thẳng nay càng tệ hơn". "Cần phải hiểu rõ rằng chính sách hạt nhân của CHDCND Triều Tiên gắn liền với sự tổn tại, phát triển của đất nước và sẽ không bao giờ thay đổi. CHDCND Triều Tiên sẽ không đánh đổi chương trình hạt nhân quý như mạng sống để cầu xin duy trì tình hữu nghị với Trung Quốc dù tình hữu nghị đó có quý giá đến đâu", bài xã luận viết.
Trước đó cùng ngày, Reuters đưa tin Trung Quốc và Mỹ đang đàm phán về một phản ứng mạnh mẽ hơn từ phía Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có thể là các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Bắc Kinh cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngừng "chọc tức lẫn nhau". Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố Washington "đang đẩy khu vực đến bờ vực chiến tranh hạt nhân" khi điều tàu sân bay và oanh tạc cơ chiến lược tới Hàn Quốc.(Thanhnien)