Thái Lan khẳng định bà Yingluck bỏ trốn qua ngả Campuchia; Australia hỗ trợ Philippines chống các tay súng Hồi giáo; Lùm xùm Mỹ giúp IS trốn: Nga nói lời đanh thép
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 09-09-2017:
- Cập nhật : 09/09/2017
Australia cảnh báo nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 7/9, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cảnh báo nguy cơ rất lớn bùng nổ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nhận định nếu Triều Tiên hành động quân sự nhằm vào Mỹ thì đây sẽ là một “thảm họa hoàn toàn”.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Nine Network, nhà lãnh đạo Australia cho biết ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/9 đã có cuộc điện đàm kéo dài nửa giờ để thảo luận các biện pháp đối phó với Triều Tiên, kể cả quân sự. Tuy nhiên theo ông, biện pháp tốt nhất để kiềm chế tham vọng quân sự của Triều Tiên vẫn là trừng phạt kinh tế.
Ông nhấn mạnh Chính phủ Australia cũng đang xem xét những biện pháp cần thiết để có thể sơ tán hàng nghìn người Australia đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne khẳng định các lực lượng quốc phòng Australia và Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ để đối phó với khủng hoảng Triều Tiên.
Bà Payne xác nhận đã có cuộc đối thoại với các quan chức quốc phòng Hàn Quốc tại thủ đô Seoul về các biện pháp đối phó trước cuộc khủng hoảng này. Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) đang phối hợp với Hàn Quốc trong cuộc diễn tập quân sự đa phương Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có 1.200 binh sĩ ADF tham gia. Bà Payne nêu rõ sẽ quay lại Seoul vào tháng 10 tới để thúc đẩy quan hệ quốc phòng hai nước.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng sau khi Triều Tiên hôm 3/9 tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mà Bình Nhưỡng tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H). Nhật Bản đã nâng ước tính về sức công phá của vụ thử hạt nhân này lên mức 160 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 10 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Sau vụ thử hạt nhân này, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí ủng hộ các lệnh trừng phạt mạnh hơn nhằm vào Triều Tiên.
Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho hay trong cuộc điện đàm ngày 6/9, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến này.
Quan chức này nhấn mạnh vụ thử cho thấy nguy cơ an ninh với toàn bộ khu vực và là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Cả hai nhà lãnh đạo kêu gọi siết chặt trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, đồng thời tiến hành đối thoại nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho tình tình trạng căng thẳng hiện nay.
Trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tìm cách tăng cường trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Triều Tiên tuyên bố nếu Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt và gia tăng áp lực, Washington sẽ đối mặt với hành động đáp trả cương quyết chưa từng có mà nước này không thể kiểm soát được.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Chính phủ Mexico ngày 7/9 đã tuyên bố không hoan nghênh Đại sứ Triều Tiên Kim Hyong Gil, yêu cầu nhà ngoại giao này rời khỏi Mexico trong vòng 72 giờ nhằm thể hiện sự phản đối của Mexico đối với Chính phủ Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân gần đây.
Mexico lên án hành động thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á, bao gồm các đồng minh quan trọng của Mexico như Nhật Bản và Hàn Quốc, và thế giới.(TTXVN)
----------------------
Tổng thống Hàn Quốc đưa ra so sánh bất ngờ giữa ông Putin và hổ Amur
Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Nga Vladimir Putin về mặt tinh thần có sự tương đồng với một con hổ Amur gốc Siberia.
Tổng thống Moon Jae-in đã chú ý tới nét tương đồng trong thần thái giữa người đồng cấp Putin với hổ Amur trong cuộc gặp song phương ngày 7/9.
Đài Sputnik (Nga) đưa tin, ông Moon nói rằng khung cảnh và những cánh rừng rộng lớn vùng Viễn Đông đã gợi nhắc ông nhớ đến loài hổ Amur quý hiếm. “Rất nhiều người tin rằng tinh thần của ông, Ngài Tổng thống, giống như tinh thần của hổ Amur”, Tổng thống Moon nói tại cuộc gặp.
Lâu nay, người dân Hàn Quốc luôn xem hổ là một loài động vật linh thiêng. Ông Moon chia sẻ rằng một phần tên riêng của ông có nghĩa là “hổ” trong tiếng Hàn Quốc.
Ông bày tỏ niềm tin nếu hai nhà lãnh đạo hợp tác và cùng phát triển vùng Viễn Đông, họ sẽ đạt được thành công.
Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Moon Jae-in vừa tổ chức một cuộc gặp song phương bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ ba, được tổ chức ở thành phố Vladivostok từ 6 – 7/9.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã tặng cho nhau những món quà đặc biệt. Ông Putin được tặng một chiếc cần câu cá bằng tre truyền thống của Hàn Quốc cùng với một tấm bản đồ mô tả thành phố St. Petersburg. Trong khi ông Moon nhận được một thanh gươm từ thế kỷ 19.(Baotintuc)
----------------------------
Mục tiêu thực sự của Triều Tiên đằng sau các vụ thử vũ khí hạt nhân
Vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của CHDCND Triều Tiên sáng 3/9, sau hàng loạt lần dọa dẫm với tên lửa khác, được tờ Business Insider (Mỹ) đánh giá mang theo kỳ vọng đặc thù của Bình Nhưỡng.
Có thể thấy rõ rằng, Triều Tiên không hề biểu hiện e dè trước các ngôn từ của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc cảm thấy đè nén bởi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Điều quan trọng hiện nay là tìm ra được điều Triều Tiên theo đuổi khi đi theo con đường hạt nhân tốn kém, nhiều rủi ro và vi phạm nguyên tắc ngoại giao.
Đối với băn khoăn này, có rất ít dữ liệu đáng tin cậy. Nhưng nhận ra được điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhắm tới là cần thiết để tìm cách phản ứng với cuộc thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên được khởi động từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước và thường được coi là phương tiện đe dọa để lấy hỗ trợ tài chính và vật liệu. Thỏa thuận Khung được thống nhất giữa Mỹ và Triều Tiên năm 1994 tại Geneva (Thụy Sĩ) được nhằm để giải quyết khủng hoảng này.
Nhưng tốc độ và sự thành công của những cuộc thử nghiệm khác nhau trong thời gian qua cho thấy chương trình hạt nhân của Triều Tiên không phải là luyện tập để "gây quỹ". Kinh tế Triều Tiên không còn “dễ vỡ” như trong thập niên 1990.
Những vụ thử hạt nhân và tên lửa mới nhất của Triều Tiên đều chủ trương nhằm đạt được loại vũ khí có thể tấn công Mỹ cũng như những mục tiêu xa và gần khác.
Khác với điều Triều Tiên thường nỗ lực thể hiện, điều thực sự mà nước này theo đuổi cũng giống như mọi quốc gia khác. Trên tất cả, ông Kim Jong-un muốn nắm trong tay vũ khí hạt nhân để tăng cường an ninh quốc gia.
Vũ khí hạt nhân được coi như tấm vé đảm bảo tuyệt đối. Triều Tiên cho rằng Iraq và Libya bị tác động thay đổi chính quyền bởi không thể đối trọng được với Mỹ và các quốc gia hùng mạnh khác.
Bởi Triều Tiên luôn coi Mỹ và các nước đồng minh là đe dọa tiềm tàng vì vậy vũ khí hạt nhân được Bình Nhưỡng tin cậy là cách duy nhất để tự bảo vệ. Triều Tiên có lực lượng vũ trang khá lớn, với gần 1,2 triệu người nhưng các thiết bị quân sự của nước này đã lỗi thời và hoàn toàn bị lép vế trong trường hợp đối đầu với Mỹ hoặc Hàn Quốc.
Vũ khí hạt nhân vì vậy được coi là cách để tối đa hóa cơ hội tồn tại của chính quyền đương nhiệm Triều Tiên trong môi trường quốc tế mà Bình Nhưỡng coi là thù địch.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân là trọng tâm của Triều Tiên dưới sự dẫn dắt của ông. Do vậy hiến pháp Triều Tiên được bổ sung năm 2012 đã miêu tả Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Đây được coi là thông điệp rõ ràng không chỉ về việc sở hữu vũ khí hạt nhân mà còn về vai trò chính trị của Triều Tiên.
Do vậy, dường như mục tiêu về Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân là điều bất khả thi khi ông Kim Jong-un vẫn nắm quyền lãnh đạo.
Việc thay đổi chính quyền hoặc nỗ lực ép buộc Tiều Tiên sẽ có nguy cơ gây nhiều thương vong và không có gì đảm bảo rằng biện pháp này có thể thành công.
Giải pháp được cho tối ưu hiện nay là đàm phán để Triều Tiên đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và tên lửa.(Baotintuc)