Tàu ngầm thứ ba mang tên lửa Tomahawk của Mỹ đến gần Triều Tiên; Triều Tiên còn lâu mới phóng được tên lửa tới Mỹ; Nga sẵn sàng giúp giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên; Triều Tiên kêu gọi thế giới cân nhắc lại việc trừng phạt
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 12-05-2017
- Cập nhật : 12/05/2017
Hàn Quốc thúc đẩy đối thoại và trừng phạt với Triều Tiên
Tân tổng thống Hàn Quốc cho biết ông đã khởi động các nỗ lực quốc tế để xóa bỏ căng thẳng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong bài phát biểu đầu tiên với cương vị tổng thống Hàn Quốc hôm 10/5, Moon Jae-in cho biết ông sẽ lập tức giải quyết những căng thẳng làm dấy lên lo ngại xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, theo Reuters.
Ông Moon hối thúc thực hiện cả đối thoại và những biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời xoa dịu Trung Quốc về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ triển khai gần Seoul.
Tổng thống Moon đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nội dung trao đổi liên quan đến cách phản ứng với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, vốn vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Nghị quyết về vấn đề hạt nhân Triều Tiên phải được thực hiện toàn diện và liên tục, với áp lực và trừng phạt được sử dụng song song cùng đàm phán. Những biện pháp trừng phạt là cách đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán", phát ngôn viên cho tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan đề cập nội dung ông Moon trao đổi với ông Tập. Ông Tập đồng ý với Hàn Quốc về việc này.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói với ông Moon rằng cách phản ứng với Triều Tiên là "vấn đề khẩn cấp", kêu gọi Bình Nhưỡng có những hành động "chân thành và cụ thể". Triều Tiên hôm qua kêu gọi có biện pháp giảm nguy cơ xung đột gần biên giới và tranh chấp ở vùng biển phía tây biển Hoàng Hải.
Tổng thống Moon từng tuyên bố sẽ tìm cách tiếp cận kép để hối thúc phi hạt nhân hóa và đối thoại với Bình Nhưỡng. Ông cho biết có thể thăm Bình Nhưỡng với các điều kiện thích hợp để đàm phán về chương trình hạt nhân.(Vnexpress)
----------------------------
Nhật và tham vọng nâng cấp hỏa lực đối phó Triều Tiên
Tạp chí National Interest (Mỹ) chuyên về quan hệ quốc tế hôm 9-5 cho biết Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) không sở hữu các vũ khí tấn công có đủ tầm để đánh chặn phủ đầu các tên lửa của Triều Tiên như loại tên lửa Scud mà Bình Nhưỡng bắn về hướng biển Nhật Bản hồi tháng 3 năm nay.
Theo thông tin được tờ Sankei Shimbun (Nhật) đăng tải, để giải quyết mối đe dọa này, Tokyo được cho là đang có ý định mua các tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk. Được trang bị với một đầu đạn nổ nặng 450 kg, loại tên lửa dài 5,5 m này có thể tránh hệ thống radar của địch và phá hủy các mục tiêu ở khoảng cách gần 1.450 km.
Nhật Bản cũng đang xem xét trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore (phiên bản đất liền của hệ thống Aegis) để tăng cường năng lực đánh chặn tên lửa của nước này.
Tuy nhiên, việc trang bị các tên lửa hành trình tấn công sẽ tạo ra sự thay đổi lớn bên trong chính sách an ninh quốc gia của Nhật. Các chính sách yêu chuộng hòa bình sau Thế chiến II của Nhật đã cấm sáp nhập thủy quân lục chiến, tàu sân bay và tên lửa thành các lực lượng vũ trang.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của hải quân Mỹ phóng một tên lửa Tomahawk từ Địa Trung Hải vào ngày 29-3-2011. Ảnh: US NAVY
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tokyo đã mở rộng phạm vi hoạt động của SDF. Quân đội Nhật Bản được cho là đang huấn luyện lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên, và lực lượng hải quân Nhật vừa đưa vào biên chế tàu sân bay trực thăng lớp Izumo thứ hai. Theo National Interest, đây thực chất là một tàu sân bay giả trang một tàu khu trục.
Các tên lửa hành trình Tomahawk sẽ cho phép Nhật Bản mở các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào hệ thống vũ khí của Triều Tiên mặc dù Tokyo có thể sẽ sử dụng chúng để phản công. Sau vụ phóng bốn tên lửa Scud của Triều Tiên hồi tháng 3, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng đã bắt đầu thảo luận việc tăng cường năng lực cho các lực lượng vũ trang của Nhật Bản.
“Nhật Bản không thể chỉ ngồi đợi cho đến khi bị phá hủy. Về mặt pháp lý, Nhật có thể tấn công một căn cứ mà địch sử dụng để phóng tên lửa nhằm vào chúng ta. Tuy nhiên, hiện chúng ta không sở hữu các vũ khí hay năng lực như vậy” - Hiroshi Imazu, người đứng đầu ủy ban an ninh thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật, nói.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng nói rằng Nhật Bản cần xem xét sở hữu năng lực tấn công. National Interest cho biết một hội đồng đánh giá an ninh của LDP đã đề nghị Nhật Bản phát triển năng lực tấn công các căn cứ quân sự của Triều Tiên bằng tên lửa hành trình. Đây được xem như một loại hình trả đũa bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Tokyo.
“Vụ tấn công tên lửa đầu tiên có thể bị ngăn chặn bằng hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta. Tuy nhiên, để phòng các vụ tấn công tái diễn, chúng ta cần tạo sự kiểm soát đối với địa điểm phóng tên lửa của địch và ngăn chặn một vụ phóng thứ hai” - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói. Ông nhấn mạnh: “Đây không phải là một đề nghị về một cuộc tấn công phủ đầu mà là về các cuộc phản công để ngăn chặn một vụ tấn công tên lửa thứ hai”.
Theo National Interest, để trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk, bên cạnh các vấn đề nội bộ Nhật Bản, Tokyo cũng sẽ cần sự cho phép của Mỹ.(PLO)
--------------------------
Triều Tiên công bố danh tính 4 nghi phạm mưu sát Kim Jong-un
Các công tố viên Triều Tiên hôm nay công bố danh sách những người nước này cho là tham gia âm mưu tấn công lãnh đạo Kim Jong-un và đề nghị Mỹ, Hàn Quốc dẫn độ.
Văn phòng Công tố Trung ương cung cấp danh sách 4 nghi phạm, bao gồm Lee Byong-ho, lãnh đạo tình báo Hàn Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ "trừng trị cứng rắn kẻ chủ mưu hoạt động khủng bố được nhà nước bảo trợ và những kẻ đồng lõa".
Ông Lee hiện lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) và người sẽ thay ông là Suh Hoon nếu việc bổ nhiệm ông Suh được quốc hội thông qua.
Bình Nhưỡng tuần trước tuyên bố một nhóm khủng bố do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và NIS hậu thuẫn đã thâm nhập Triều Tiên, tấn công khủng bố ông Kim bằng một chất sinh hóa. Tuyên bố của Bình Nhưỡng không thể được kiểm chứng độc lập. Cơ quan tình báo Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin.
Các công tố viên thông báo bắt đầu truy tố theo bộ luật hình sự Triều Tiên, kêu gọi Seoul và Washington dẫn độ nghi phạm ngay lập tức. "Mỹ và Hàn Quốc cần bắt ngay tất cả những kẻ tổ chức, tham gia và theo gót tội phạm khủng bố quy mô lớn dưới sự bảo trợ của nhà nước, chống lại lãnh đạo tối cao của Triều Tiên và bàn giao họ", hãng KCNA dẫn thông cáo của văn phòng.
Triều Tiên tuyên bố NIS thông đồng với CIA và mua chuộc một công nhân ngành gỗ họ Kim, người Triều Tiên, ở Nga hồi tháng 6/2014, biến ông này thành khủng bố. Bình Nhưỡng cũng khẳng định các nhân viên tình báo Hàn Quốc cho Kim hơn 20.000 USD trong hai lần và đưa một thiết bị thu phát vệ tinh sau khi âm mưu ám sát lãnh đạo Triều Tiên bằng bom hoặc chất sinh hóa.
Triều Tiên dọa tấn công chống khủng bố vào các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ nhưng không hé lộ chi tiết.(Vnexpress)
-----------------------------------------
Triều Tiên gửi thư lên án đến Hạ viện Mỹ
Một ủy ban quốc hội Triều Tiên gửi thư đến Hạ viện Mỹ chỉ trích cơ quan này vì thông qua dự luật trừng phạt Bình Nhưỡng mạnh hơn.
Hạ viện Mỹ ngày 4/5 thông qua dự luật kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào hoạt động nhập khẩu dầu thô, vận tải biển quốc tế và xuất khẩu lao động của Triều Tiên. Dự luật cần được Thượng viện Mỹ thông qua trước khi có hiệu lực.
Trong hoạt động chính thức đầu tiên kể từ khi tái lập hồi tháng 4, Ủy ban Đối ngoại thuộc quốc hội Triều Tiên lên án "mạnh mẽ" động thái của Mỹ và "kiên quyết" bác bỏ dự luật, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết.
Thông điệp trên là nội dung trong bức thư Triều Tiên gửi Hạ viện Mỹ hôm nay. Triều Tiên gọi việc Mỹ thông qua dự luật "tương đương với hành động ghê tởm nhất nhằm vào nhân loại, xâm phạm chủ quyền Triều Tiên, vi phạm nguyên tắc chung về không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác".
"Triều Tiên sẽ theo dõi chặt chẽ động thái tiếp theo của Mỹ và tiếp tục có hành động hợp pháp với mục đích tự vệ để đối phó chính sách thù địch từ Washington", bức thư cho biết.
Triều Tiên khôi phục Ủy ban Đối ngoại hôm 11/4, sau 19 năm giải thể, quyết định được cho là tăng cường năng lực ngoại giao trong bối cảnh Bình Nhưỡng phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt quốc tế. Đứng đầu ủy ban là cựu ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong.
Koh Yu-hwan, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Seoul, Hàn Quốc, cho biết đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên liên hệ trực tiếp với cơ quan lập pháp hay chính phủ Mỹ. Năm 1984, Bình Nhưỡng gửi thư đến Washington, kêu gọi mở đối thoại ba bên giữa Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc.(Vnexpress)