Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Trung Quốc tung hàng tỉ USD đầu tư vào Malaysia, muốn bán chịu vũ khí trả dần trong 50 năm nhưng Malaysia không màng
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 12-08-2017:
- Cập nhật : 12/08/2017
Nhật tính mở rộng lá chắn tên lửa đối phó Triều Tiên
Chính phủ Nhật đang cân nhắc triển khai thiết bị đánh chặn dọc quỹ đạo tên lửa Triều Tiên dọa phóng tới đảo Guam.
Một đơn vị tên lửa PAC-3 hôm 10/8 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật ở Tokyo. Ảnh: AP.
Chính phủ đang chuẩn bị triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở phía tây Nhật Bản sau khi Triều Tiên tuyên bố "đang nghiêm túc xem xét" kế hoạch phóng đồng thời 4 tên lửa đạn đạo tầm trung "tấn công bao trùm Guam".
Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 của lực lượng phòng vệ Nhật có thể sẽ được triển khai tại các tỉnh Shimane, Hiroshima và Kochi, Kyodo dẫn các nguồn tin chính phủ hôm nay cho biết. Triều Tiên tuyên bố các tên lửa sẽ bay qua đây.
Chính phủ muốn chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp Triều Tiên phóng hỏng tên lửa khi chúng bay trên bầu trời Nhật Bản. Lực lượng tự vệ Nhật không đóng quân thường xuyên tại ba tỉnh này.
Chương trình phòng thủ tên lửa Triều Tiên bao gồm các tàu khu trục Aegis của lực lượng phòng vệ trên biển và hệ thống PAC-3 của lực lượng phòng vệ trên không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/8 dọa trút "hỏa lực" và "thịnh nộ" lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Washington. Để đáp trả, Triều Tiên dọa tấn công đảo Guam, thành trì quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương. Nước này ngày 10/8 công bố chi tiết kế hoạch phóng 4 tên lửa Hwasong-12 qua ba tỉnh của Nhật Bản và nó sẽ rơi xuống vùng biển cách Guam khoảng 30 đến 40 km. Kế hoạch sẽ hoàn tất vào giữa tháng 8 và được trình lên lãnh đạo Kim Jong-un để ông quyết định có thực hiện hay không.
Những lời đe dọa lẫn nhau của Mỹ và Triều Tiên làm dấy lên lo ngại xuất hiện tính toán sai lầm, dẫn đến hậu quả thảm khốc cho bán đảo Triều Tiên và khu vực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 9/8 cho biết không có dấu hiệu chứng tỏ mức độ đe dọa từ Triều Tiên đã thay đổi và người Mỹ có thể an tâm.(Vnexpress)
--------------------------
Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên, Mỹ 'cẩn trọng'
Trung Quốc hôm nay kêu gọi Triều Tiên, Mỹ cẩn trọng trong lời nói và hành động, tránh làm căng thẳng gia tăng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: KCNA/The Australian.
Trung Quốc hy vọng tất cả các bên có thể làm nhiều hơn, giúp giảm căng thẳng hiện tại và tăng cường tin cậy lẫn nhau thay vì luân phiên phô diễn sức mạnh, Reuters dẫn thông báo đăng trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho biết.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang ở mức cao, liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/8 dọa trút "hỏa lực" và "thịnh nộ" lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Washington.
Để đáp trả, Triều Tiên sau đó dọa tấn công đảo Guam, thành trì quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương. Nước này ngày 10/8 công bố chi tiết kế hoạch, dự định phóng 4 tên lửa qua ba tỉnh của Nhật Bản và rơi xuống vùng biển cách Guam khoảng 30 đến 40 km.
Những lời đe dọa lẫn nhau của Mỹ và Triều Tiên làm dấy lên lo ngại xuất hiện tính toán sai lầm, dẫn đến hậu quả thảm khốc cho bán đảo Triều Tiên và khu vực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 9/8 cho rằng không có dấu hiệu chứng tỏ mức độ đe dọa từ Triều Tiên đã thay đổi và người Mỹ có thể an tâm.(Vnexpress)
------------------------
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Chiến tranh phủ đầu là thảm họa
Bà Susan Rice cho rằng tấn công phủ đầu Triều Tiên sẽ là thảm họa và ngu ngốc, khi khẩu chiến giữa Donald Trump và Kim Jong-un đang leo thang.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice. Ảnh: Reuters.
"Nếu ai đó thực sự nghĩ đến chuyện tiến hành một cuộc chiến tranh phủ đầu, sẽ là một thảm họa", bà Rice hôm 10/8 nói trên CNN, cho rằng "những phát ngôn nổi nóng" từ phía cả ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đẩy hai nước đến gần chiến tranh hơn. Bà nhấn mạnh chiến tranh phủ đầu còn là điều "ngu ngốc" và gợi ý về chính sách dựa vào răn đe, để ngỏ cánh cửa ngoại giao.
Bà Rice giữ chức đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, trước khi trở thành trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông. Bà thừa nhận chính quyền tiền nhiệm đã không ngăn được Bình Nhưỡng phát triển kho hạt nhân, nhưng cảnh báo những lối nói khoa trương của Tổng thống Trump có thể khiêu khích ông Kim.
Ông Trump tuần này cảnh báo nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa, nước này sẽ đối mặt với "lửa và giận dữ thế giới chưa từng chứng kiến trước đây", khi Bình Nhưỡng dọa lập kế hoạch tấn công đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Giữa những lời chỉ trích rằng phát biểu có thể gây thêm căng thẳng, ông Trump hôm 10/8 cho rằng có thể phát ngôn của ông "chưa đủ cứng rắn".
Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên, và bà Rice cho rằng kết hợp với các cuộc tập trận quân sự trong khu vực, việc ông Kim đưa ra lời đe dọa là "gần như không tránh khỏi". "Chúng ta không thể phản ứng trước mỗi phát ngôn hay lời khiêu khích".
Lệnh trừng phạt thứ 8 của Hội đồng Bảo an với Triều Tiên nhằm phản ứng trước hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng trước. Nghị quyết cấm hoạt động xuất khẩu than, sắt và quặng sắt của Triều Tiên, đồng thời hạn chế việc bán chì, hải sản và xuất khẩu lao động. Biện pháp được kỳ vọng cắt giảm một phần ba doanh thu xuất khẩu thường niên trị giá ba tỷ USD của Triều Tiên.
Bà Rice cho rằng chính quyền ông Trump đưa ra những thông điệp lẫn lộn, dẫn đến việc không rõ lập trường của Mỹ và nước này sẽ phản ứng với điều gì. "Tôi nghĩ vấn đề là không ai biết rõ ranh giới đỏ là gì", bà nói.
Trước những tuyên bố cứng rắn từ ông Trump và ông Kim Kim Jong-un gây lo ngại rằng chiến tranh sắp nổ ra, giới quan sát cho rằng chưa có dấu hiệu Washington sẵn sàng tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng hoặc ngược lại.(Vnexpress)
--------------------------
Lời đe dọa của Trump với Triều Tiên có thể phản tác dụng
Những lời ám chỉ khả năng tấn công phủ đầu của Trump càng khiến Triều Tiên tin rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới bảo vệ được họ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bình Nhưỡng ngày càng trở nên quyết liệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố rằng lời đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên của ông là "chưa đủ cứng rắn". Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng cách phản ứng này của ông Trump sẽ phản tác dụng, khiến tình hình ngày càng phức tạp và càng củng cố niềm tin của lãnh đạo Triều Tiên rằng họ không thể từ bỏ vũ khí hạt nhân, theo Business Insider.
Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra sau khi Triều Tiên cho biết họ đang xem xét kế hoạch quân sự tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. Kế hoạch này được Bình Nhưỡng công khai nhằm đáp trả lời đe dọa của Trump rằng Triều Tiên sẽ hứng chịu "lửa và giận dữ" nếu không chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên hôm qua còn ra một tuyên bố mới, cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với "ngày tận thế" nếu nước này vẫn duy trì chính sách khiêu khích Triều Tiên.
Nhiều chuyên gia nhận định cách hành xử của cả Washington và Bình Nhưỡng đang khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên bất ổn hơn bao giờ hết, chỉ cần một sơ suất là có thể châm ngòi cho chiến tranh bất cứ lúc nào. Việc ông Trump liên tục ám chỉ đến khả năng tung đòn tấn công phủ đầu vào Triều Tiên càng khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm thấy bất an.
"Đối với Triều Tiên, họ cho rằng chương trình hạt nhân mà mình phát triển từ thập niên 1960 là chính đáng", James Person, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, nhận định. "Người Triều Tiên luôn cho rằng chương trình này được thực hiện để đảm bảo an ninh và không bị tấn công".
Person tin rằng với việc không đưa ra lời đảm bảo với Bình Nhưỡng rằng Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở nước này hay tính đến phương án tấn công phủ đầu, ông Trump đang tạo ra lý do chính đáng hơn bao giờ hết để Triều Tiên tiếp tục bám chặt lấy chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Lấy dẫn chứng từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào thập niên 1960, Reid Pauly, chuyên gia về học thuyết răn đe và trấn an, cho rằng lời đe dọa sử dụng biện pháp quân sự chỉ là một phần rất nhỏ trong gói giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng.
"Phần còn lại chính là thỏa thuận hai bên cùng rút tên lửa khỏi Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ và quan trọng nhất là cam kết của Mỹ không tiến hành xâm lược Cuba", Pauly giải thích.
Chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Triều Tiên không hề nghi ngờ về sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Điều khiến họ nghi ngờ chính là mức độ tin cậy trong cam kết của Mỹ không can thiệp quân sự vào quốc gia này. "Khi Mỹ chưa đảm bảo được mức độ tin cậy của lời cam kết này, Triều Tiên vẫn sẽ bấu víu vào khả năng răn đe hạt nhân của họ", ông nói.
Timothy McKeown, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bắc Carolina, người chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của các quốc gia, cho rằng việc Mỹ tính đến phương án tấn công hạt nhân phủ đầu "có thể làm gia tăng nỗi lo sợ của Triều Tiên rằng họ đang ở thế 'được ăn cả, ngã về không' liên quan đến vũ khí hạt nhân của mình".
"Một kết luận điển hình của thuyết răn đe thời Chiến tranh Lạnh là khả năng răn đe đã mất vào thời điểm một hoặc cả hai bên cho rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi", McKeown nói. "Khi điều đó xảy ra, quyết định được quan tâm duy nhất là bắt đầu cuộc chiến lúc nào, như thế nào, chứ không phải là có nên khai chiến hay không".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.
Các chuyên gia đều cho rằng Triều Tiên trên thực tế không hề có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân để vô cớ tấn công nước Mỹ. "Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ muốn giữ vững chế độ của mình và ông hiểu rằng nếu phát động tấn công hạt nhân, Triều Tiên sẽ bị hủy diệt và chính quyền của ông sẽ kết thúc", cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry nhận định.
"Triều Tiên đã nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng đặt chương trình hạt nhân lên bàn đàm phán nếu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với họ", Joel Wit, chuyên gia cấp cao tại Viện Mỹ-Hàn thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao John Hopkins, cho biết.
Giới phân tích cho rằng biện pháp hạ nhiệt căng thẳng và giảm bớt nguy cơ nổ ra chiến tranh tốt nhất hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là Mỹ cần chấm dứt những phản ứng có thể khiến Triều Tiên hiểu nhầm rằng họ sắp hứng chịu đòn tấn công phủ đầu.
"Chúng ta cần phải giảm tông trong giọng điệu của mình và coi đây là một trong những cách răn đe hiệu quả", Terence Roehrig, giáo sư về an ninh quốc gia tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói. "Mục tiêu chính của Triều Tiên vẫn chỉ là ngăn Mỹ có bất cứ hành động nào thay đổi chế độ ở nước này".(vnexpress)