Mỹ chặn đứng tham vọng khôi phục chương trình hạt nhân của Ukraine; Đức tỏ rõ bất đồng với Mỹ vì trừng phạt Nga; Tehran: Mỹ đừng 'mơ' Iran cho LHQ kiểm tra hạt nhân ở cơ sở quân sự
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 30-08-2017:
- Cập nhật : 30/08/2017
Mỹ lộ kế hoạch đánh chặn ICBM không cần tên lửa
Mỹ đang có kế hoạch tích hợp vũ khí laser công suất cao vào UAV RQ-4 Global Hawk để đánh chặn tên lửa ICBM ngay trong giai đoạn tăng tốc.
Thông tin này được trang flightglobal.com ngày 25/8 dẫn tuyên bố của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cho biết, nhiệm vụ tích hợp vũ khí laser lên RQ-4 Global Hawk đã được giao cho Tập đoàn Northrop Grumman thực hiện.
Theo yêu cầu của MDA: Để tích hợp vũ khí laser, UAV phải đạt độ cao đến 19 km, mang trọng tải hữu ích từ 2,3 đến 5,7 tấn và có thể hoạt động liên tiếp trên không trong vòng 36 tiếng.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tin rằng, nếu UAV tầm xa được trang bị vũ khí laser có công suất cao đủ mạnh để tiêu diệt các tên lửa ICBM giai đoạn tăng tốc.
"Những tiêu chuẩn do MDA đặt ra đã vượt xa khả năng Global Hawk theo thiết kế ban đầu. Chúng tôi sẵn sàng nâng cấp nhanh UAV này theo yêu cầu tối thiểu của cơ quan phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Rút kinh nghiệm từ phiên bản nâng cấp này, tập đoàn sẽ nghiên cứu thiết kế phiên bản nâng cấp toàn bộ phương tiện bay, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của MDA", ông Mike Lyons, giám đốc chương trình Global Hawk thuộc tập đoàn Northrop Grumman cho biết.
Theo kế hoạch được MDA công bố, chương trình vũ khí đầy tham vọng này của Mỹ sẽ được hoàn thành vào năm 2023. Đến khi trang bị chính thức, chương trình này sẽ thay thế vũ khí laser công suất thấp (LPLD) Mỹ đang trang bị.
Trước chương trình vũ khí năng lượng cao đầy tham vọng của Mỹ, Subrata Ghoshroy - chuyên gia nghiên cứu chương trình khoa học, công nghệ và xã hội của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng, để bắn hạ được tên lửa ICBM, chắc chắn vũ khí laser cần cường độ tối thiểu 1Mw.
Trong khi đó, hệ thống vũ khí laser chiến thuật Mỹ sắp thử nghiệm trên máy bay chỉ có công suất rất khiêm tốn là 150kw. Với công suất vũ khí laser này, Mỹ chỉ có thể bắn hạ máy bay không người lái hoặc tàu thuyền cỡ nhỏ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, điều khó nhất cho ứng dụng vũ khí laser trong tác chiến là có được thiết bị năng lượng laser cần thiết trong giới hạn về kính thước, trọng lượng và cường độ (Lầu Năm Góc gọi vấn đề này là SWAP) của các phương tiện tàu chiến, máy bay,…
Ngoài ra, khi các hạt photon trong tia laser đi xuyên qua trở ngại khí quyển (khói bụi, sương mù...) chúng vẫn phải duy trì đúng hướng và cường độ đủ mạnh để tiêu diệt mục tiêu. Đồng thời, người bắn laser cũng phải tính đến yếu tố liên quan chuyển động của mục tiêu, chuyển động của vũ khí trong điều kiện kể trên.
Khó khăn tiếp tiếp theo Mỹ vẫn chưa thể khắc phục theo Subrata Ghoshroy nhận định đó là để đưa laser cực mạnh ra ứng dụng trên chiến trường cần phải có kích cỡ đủ nhỏ gọn để vận hành trong môi trường chiến đấu, mà vẫn phải đủ mạnh để tiêu diệt mục tiêu.
Chùm laser khí gas đủ mạnh để tấn công nhưng lại cần dòng điện quá lớn nên quá cồng kềnh. Laser hóa học có lợi thế nhưng cũng như laser nền tảng khí gas, thiết bị quá cồng kềnh. Laser trên nền tảng vật chất thể rắn nhỏ gọn nhưng dòng cường độ thấp nên không bắn được xa.
Trước thực tế này, chuyên gia Subrata Ghoshroy khẳng định rằng kế hoạch dùng vũ khí laser trên UAV để bắn hạ tên lửa ICBM không mang tính thực tế và gần như là điều không thể.(ĐVO)
---------------------------
Triều Tiên không đùa về Guam?
Nhiều ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng muốn ép Washington trở lại bàn đàm phán thông qua những vụ thử tên lửa mới nhất
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp cuối ngày 29-8 (giờ New York) để thảo luận vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Khiêu khích khinh suất
Điều gây lo ngại nhất của vụ phóng nói trên là tên lửa bay qua đảo Hokkaido ở miền Bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống biển. Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa được phóng vào khoảng 6 giờ hôm 29-8 (giờ địa phương), bay khoảng 2.700 km và đạt độ cao tối đa 550 km. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 13 của Bình Nhưỡng từ đầu năm đến giờ.
Trước vụ phóng trên, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên từng bay qua không phận Nhật Bản ít nhất 4 lần, trong đó lần gần đây nhất là vào tháng 2-2016. "Hành động liều lĩnh của Triều Tiên là mối đe dọa chưa từng có, nghiêm trọng đối với Nhật Bản" - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án. Nhà lãnh đạo này cho biết ông đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và hai bên nhất trí gia tăng sức ép lên Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Abe trấn an người dân rằng chính phủ sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra lệnh cho quân đội chứng tỏ "khả năng trả đũa mạnh mẽ" ngay sau vụ thử. Phát ngôn viên tổng thống Yoon Young-chan cho hay Hàn Quốc tiến hành một cuộc diễn tập ném bom xuống các mục tiêu tại TP Taebaek, gần biên giới liên Triều. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lên án mạnh mẽ hành động khiêu khích của Triều Tiên bất chấp nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng này. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đạt đến "đỉnh điểm" và thúc giục kiềm chế.
Ngay cả khi Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) đánh giá vụ thử không gây ra mối đe dọa đối với Bắc Mỹ, một số chuyên gia vẫn nhận định đây là hành động khiêu khích khinh suất. Ông Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ), cho rằng nếu tên lửa Triều Tiên vô tình rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản và giết chết dân thường thì có thể khơi mào một chuỗi sự kiện dẫn đến chiến tranh.
Máy bay F-15K của Hàn Quốc diễn tập ném bom ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 29-8 Ảnh: YONHAP
Bình Nhưỡng "tập dượt"
Theo Reuters, một số chuyên gia cho biết tên lửa trong vụ thử mới nhất dường như là loại Hwasong-12 tầm trung được Triều Tiên phát triển gần đây. Điều này dẫn đến nhận định Bình Nhưỡng có thể đang "tập dượt" cho kế hoạch phóng tên lửa đến đảo Guam, lãnh thổ thuộc Mỹ. Triều Tiên gần đây dọa phóng 4 tên lửa Hwasong-12 đi qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống vùng biển cách Guam khoảng 32 km.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nói với trang Business Insider rằng họ nghi ngờ khả năng Triều Tiên thực hiện vụ phóng như thế bằng loại tên lửa chỉ mới thử nghiệm thành công một lần. Hơn nữa, họ không tin Triều Tiên có thể phát triển được loại đầu đạn có thể quay lại bầu khí quyển trái đất.
Dù vậy, ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, nhận định với động thái nói trên, Bình Nhưỡng đã chứng tỏ lời đe dọa nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam không phải là "trò bịp bợm". Chính khách này cũng cho rằng nghị quyết về Triều Tiên được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua trong tháng này không đạt được mục tiêu đề ra vì tình hình đã trở thành cuộc đối đầu giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Mặt khác, một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên muốn ép Mỹ trở lại bàn đàm phán thông qua những vụ thử tên lửa mới nhất. "Triều Tiên nghĩ rằng bằng cách phô bày năng lực của mình, con đường dẫn đến đối thoại sẽ mở ra" - ông Masao Okonogi, chuyên gia tại Trường ĐH Keiko (Nhật Bản), nói với Reuters. (NLĐ)
-----------------------------
Trung Quốc chỉ trích Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Trung Quốc ngày 29/8 đã chỉ trích Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản trước khi rơi xuống phía Bắc Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trả lời họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố nước này phản đối bất kỳ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Theo bà Hoa Xuân Oánh, tình hình của bán đảo Triều Tiên vẫn rất nhạy cảm và các bên cần kiềm chế để tạo ra các điều kiện cần thiết cho việc nối lại đối thoại và đàm phán.
Người phát ngôn cũng cho rằng "sức ép và các biện pháp trừng phạt" chống Triều Tiên "không thể giải quyết cơ bản vấn đề".
Cũng liên quan đến phản ứng của các nước về vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, ngày 29/8, người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề quốc tế Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kosachev cho rằng các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng cho thấy những đe dọa của họ đối với căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại đảo Guam trên Thái Bình Dương không phải là trò đùa.
Ông Kosachev viết trên trang Facebook cá nhân: "Bình Nhưỡng đã cho thấy lời đe dọa nhắm tên lửa về phía căn cứ Mỹ tại Guam không phải nói chơi”. Ông Kosachev cũng nhận định rằng, vụ phóng tên lửa khiêu khích này cho thấy thế bế tắc trong vấn đề Triều Tiên, khi Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hồi đầu tháng đã không đạt được mục đích, mà lại biến thành chế độ đối đầu song phương Triều Tiên-Mỹ. Theo ông Kosachev, các nước khác tác động đến cuộc đối đầu này ít hơn, còn “khả năng gây sức ép của cộng đồng quốc tế phụ thuộc vào tâm trạng của Washington”.
Thượng nghị sĩ này chỉ ra rằng nếu tiếp tục yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, yêu cầu tính chất minh bạch từ phía Bình Nhưỡng; song lại cho Mỹ có quyền tiến hành bất cứ hành động nào; thậm chí là can thiệp quân sự nhằm thay đổi chế độ tại Triều Tiên, thì “cái vòng luẩn quẩn” sẽ chỉ càng thêm phức tạp.
Ông Kosachev đồng tình với quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên khi cho rằng biện pháp duy nhất hiệu quả và khôn ngoan để giải quyết xung đột là triển khai “cách tiếp cận song phương”, “nhượng bộ đổi lấy nhượng bộ”.
Theo ông, đây cũng là quan điểm của phía Nga. Ông cũng kêu gọi HĐBA LHQ nếu được triệu tập theo yêu cầu của Nhật Bản thì nên thảo luận theo hướng này.(TTXVN)