Triều Tiên thử hạt nhân, Trung Quốc lên án đầy giận dữ; Vì sao Mỹ phớt việc Hàn Quốc muốn đối thoại Triều Tiên?
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 04-09-2017:
- Cập nhật : 04/09/2017
Thủ tướng Abe: Triều Tiên thử hạt nhân là hành động không thể chấp nhận
Nếu trận động đất làm rung chuyển Triều Tiên sáng 3/9 là do thử hạt nhân, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng đó là một hành động không thể chấp nhận.
Tuyên bố này được ông Abe đưa ra không lâu sau khi cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết một cơn địa chấn mạnh 5,6 độ richter vừa xảy ra ở Triều Tiên, nghi do thử hạt nhân.
Vị trí tâm chấn được xác định ở khu vực cách thành phố Kimchaek, tỉnh Bắc Hamgyong, khoảng 55 km về phía tây bắc. Trong khi đó, Yonhap cho hay rung chấn xảy ra ở hạt Kilju, nơi Triều Tiên đặt khu thử hạt nhân Punggye-ri.
Cơ quan địa chấn Trung Quốc nói phát hiện một trận động đất mạnh 6,3 độ richter ở Triều Tiên, nghi là do thử hạt nhân. Độ sâu của trận động đất được ghi nhận là 0 m, tức là ngay sát mặt đất. Trung Quốc sau đó còn ghi nhận trận động đất khác mạnh 4,6 độ Richter diễn ra sau đó 8 phút.
Nhà Xanh trong một tuyên bố mới nhất cho rằng vụ động đất mới đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhương vừa thử hạt nhân lần thứ 6. Hiện vẫn chưa có báo cáo nào về thương vong hay thiệt hại được cập nhật.
Hồi tháng 1/2016, Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, đánh dấu bước phát triển mới trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đó có thể chỉ là thử bom phân hạch tăng cường chứ không phải bom H như nước này tuyên bố.(VCTC)
----------------------
Triều Tiên tuyên bố chế tạo thành công bom nhiệt hạch gắn trên tên lửa đạn đạo
Triều Tiên hôm 3/9 tuyên bố phát triển loại bom nhiệt hạch mới, tiên tiến hơn đủ nhỏ để gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Theo KCNA, Viện Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tạo ra một "vũ khí hạt nhân phát triển hơn", mang tới bước ngoặt trong kho vũ khí của nước này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kiểm tra loại vũ khí mới này trong chuyến thăm tới cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
"Các nhà khoa học nâng cao hơn nữa hiệu quả kỹ thuật trên cơ sở những thành công quý báu trong lần thử bom nhiệt hạch đầu tiên", KCNA khẳng định khi nói về tiến bộ của chương trình vũ khí nội địa.
"Nhiên liệu Hyđrô của chúng ta có thể điều chỉnh từ hàng chục đến hàng trăm kiloton tùy theo mục tiêu tấn công hạt nhân, không chỉ gây ra sức tàn phá to lớn mà còn có thể nổ tung ở độ cao lớn, tạo ra một vụ tấn công xung điện từ uy lực trên một khu vực rộng lớn", hãng thông tấn Triều Tiên nói thêm, đồng thời nhấn mạnh tất cả thành phần cấu tạo bom nhiệt hạch đều chế tạo trong nước.
Việc Triều Tiên chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa đạn đạo hay quốc gia Đông Bắc Á có sở hữu bom nhiệt hạch H hay không cho đến nay vẫn luôn là một ẩn số.
Hồi tháng 1/2016, Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, đánh dấu bước phát triển mới trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đó có thể chỉ là thử bom phân hạch tăng cường chứ không phải bom H như nước này tuyên bố.(VTC)
---------------------
Chuyên gia Mỹ lý giải vì sao Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa
Chuyên gia Mỹ Carl Baker lý giải nguyên nhân tại sao Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa mặc dù hành động này bị phản đối mạnh mẽ và Triều Tiên phải chịu cấm vận vì chương trình tên lửa của mình.
Ngày 29/8, Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12 từ một khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng, nhiều ý kiến cảnh báo những vụ thử nghiệm tương tự như vậy chưa có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần.
Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin ngày 30/8, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gọi đây là “bước đầu tiên của chiến dịch quân sự của quân đội nhân dân Triều Tiên tại Thái Bình Dương và màn mở đầu cho Guam”.
Carl Baker, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington DC. đã lý giải tại sao Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm tên lửa và những mục tiêu mà nước này đặt ra khi thử tên lửa.
Đầu tiên, theo ông vụ thử tên lửa này chứng tỏ khả năng phóng một tên lửa có khả năng với tới Guam của Triều Tiên. Tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 29/8 đã di chuyển được quãng được 2.700 km và đi qua lãnh thổ Nhật Bản.
Quãng đường tên lửa Triều Tiên đi qua lãnh thổ Nhật Bản trên màn hình lớn tại Tokyo ngày 29/9. (Ảnh: Reuters
Quãng đường này chỉ ngắn hơn 500 km so với khoảng cách từ Bình Nhưỡng tới Guam và quãng đường tối đa mà tên lửa này có khả năng bay được là 4.000 km. Theo chuyên gia Carl Baker, Triều Tiên đã khéo léo chọn quãng đường bay cho tên lửa để tránh các cáo buộc tên lửa của nước này nhắm vào Guam.
Thứ hai, vụ phóng tên lửa nãy chứng tỏ Bình Nhưỡng tỏ ra tin tưởng vào độ tin cậy của tên lửa Hwasong-12 và hệ thống dẫn đường của tên lửa này. Tầng thứ nhất của tên lửa rơi xuống vùng biển Nhật Bản và tầng thứ hai rơi xuống Thái Bình Dương với khoảng cách tương tự từ Triều Tiên đến Guam.
Thứ ba, vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên có thể coi là hành động gửi thông điệp bác bỏ hoàn toàn quan điểm của tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Bình Nhưỡng đang sợ hãi trước thông điệp “lửa và cơn thịnh nộ” của ông.
Cuối cùng, Triều Tiên chứng tỏ sự tin tưởng cao độ rằng các quốc gia khác sẽ cố gắng ngăn Mỹ thực hiện bất cứ hành động phòng ngừa nào. Theo chuyên gia Carl Baker, bên cạnh việc kiểm tra các đặc tính kỹ thuật của tên lửa, vụ phóng thử tên lửa ngày 29/8 cũng có những tính toán về mặt quan hệ quốc tế.
Chuyên gia Carl Baker nhận định, vụ thử tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên nhằm mục đích gia tăng căng thẳng ở khu vực bán đảo Triều Tiên, từ đó làm gia tăng bất đồng giữa nhiều quốc gia có liên quan, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
Mặc dù có khó có thể dự đoán hậu quả dài hạn của vụ thử tên lửa mà Triều Tiên thực hiện ngày 29/8, song về ngắn hạn thì vụ thử tên lửa này sẽ gây ra bất đồng giữa các quốc gia kể trên xét trên phương diện phản ứng của họ đối với vụ phóng tên lửa, chuyên gia Carl Baker kết luận.(VTC)