Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định rằng không thể nổ ra một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn ở bán đảo Triều Tiên, bất chấp căng thẳng trên bán bảo Triều Tiên vẫn leo thang trong thời gian gần đây.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây lở đá khu du lịch Trung Quốc
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức Trung Quốc mới đây cho biết Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa phần phía Nam khu du lịch núi Trường Bạch, sau vụ thử hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên hôm 3/9 gây lở đá ở khu vực này.
Quan chức nêu trên nói: "Chúng tôi đã quyết định như vậy vì xảy ra hiện tượng lở đá tại điểm du lịch phía Nam của núi Trường Bạch vào chiều 13/9".
Tuy nhiên, khu vực phía Bắc và phía Tây của núi Trường Bạch sẽ vẫn mở cửa đón du khách. Việc đóng cửa điểm du lịch phía Nam của núi sẽ vẫn duy trì cho tới khi hết hiện tượng lở đá.
Theo Yonhap và các báo Washington Post, Daily Telegraph, vụ thử hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên tại Núi Mantap, cách núi Trường Bạch Sơn của Trung Quốc hơn 100 km, đã gây ra động đất mạnh 5,8 độ ríchte.
Một số chuyên gia động đất lo ngại rằng sức công phá đủ mạnh của một vụ thử hạt nhân có thể khiến núi lửa đang ngủ Trường Bạch tiếp tục phun trào.(TTXVN)
----------------------------
Chuyên gia Nga: Tên lửa Triều Tiên làm lộ điểm yếu hệ thống phòng thủ Mỹ
Vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản do Triều Tiên thực hiện đã làm lộ điểm yếu của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, theo nhận định của chuyên gia Nga.
Rạng sáng ngày 29/8 và ngày 15/9 theo giờ Việt Nam, Triều Tiên thực hiện 2 lần phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Lần phóng vào ngày 15/9 được cho là động thái đáp trả lệnh cấm vận chống Triều Tiên mới được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 11/9.
Chuyên gia quân sự Alexander Khrolenko của RIA Novosti từng khẳng định, lần thử tên lửa ngày 29/8 của Bình Nhưỡng chứng tỏ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại khu vực Đông Á là vô dụng.
Ông giải thích: "Các chiến hạm Mỹ với hệ thống Aegis, bao gồm tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển SM-3. Thêm vào đó, Nhật Bản còn có các hệ thống Patriot-3 (PAC-3) để tiêu diệt tên lửa trong bầu khí quyển”. Tuy nhiên vào ngày 29/8, tên lửa của Triều Tiên vẫn bay qua vùng lãnh thổ Nhật bản và rơi xuống Thái Bình Dương với trần bay 500 km.
Dù Nhật Bản thông báo không có thiệt hại, nhưng Khrolenko lưu ý là tại sao Mỹ và Nhật không có ý định bắn hạ tên lửa, hoặc chí ít cũng diễn tập bắn hạ, nhưng cả Mỹ và Nhật chỉ theo dõi tên lửa này. Động thái tương tự lại diễn ra với vụ phóng tên lửa ngày 15/9 của Triều Tiên.
Theo chuyên gia Khrolenko, trần bay tối đa của tên lửa SM-3 của Mỹ là 250 km và bán kính khóa mục tiêu của hệ thống Aegis là 500 km, trong khi quả tên lửa Triều Tiên phóng vào ngày 29/8 có trần bay 550 km và do đó hệ thống này tỏ ra bất lực. Điều tương tự xảy ra với quả tên lửa Triều Tiên phóng ngày 15/9, khi nó có trần bay ước tính khoảng 770 km.
Do đó, ông Khrolenko cho rằng Nhật Bản hoàn toàn có cơ sở để lo ngại và nghi ngờ về khả năng của những hệ thống vũ khí Mỹ, đặc biệt là các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Thậm chí tại thời điểm Triều Tiên đe dọa tấn công Guam, Lầu Năm Góc chỉ cho biết sẽ đánh chặn tên lửa Triều Tiên, chứ không nói rõ nơi nào tên lửa Triều Tiên sẽ bị đánh chặn.
Cũng theo chuyên gia này, vào ngày 29/8 khi Triều Tiên thử tên lửa Nhật Bản cũng tập trận phòng không tại căn cứ không quân Yokota, Tokyo với hệ thống Patriot-3. Ông Khrolenko nhận định, vụ thử tên lửa ngày 29/8 không khác gì một lời xúc phạm đối với hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Hiệu quả thực sự của các hệ thống phòng thủ tên lửa tốn kém của Mỹ vẫn chưa được chứng tỏ trong điều kiện tham chiến thực tế, Khrolenko nhận định. Vị chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của các thử nghiệm mà hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đã thực hiện quá đơn giản.(VTC)
----------------------------
Chuyên gia quân sự nghi ngờ Nhật không đủ năng lực bắn hạ tên lửa Triều Tiên
Có nhiều hơn một lý do để Tokyo không bắn hạ tên lửa Triều Tiên khi nó đi qua không phận của Nhật Bản, theo News.co.au.
Sáng 15/9, tiếng còi báo động rú ầm ĩ ở Nhật Bản. Giới chức Tokyo không lâu sau đó tuyên bố Triều Tiên vừa phóng một tên lửa qua không phận nước này.
Khi các công dân Nhật nháo nhào tìm nơi trú ẩn an toàn, chính quyền Nhật Bản trấn an công chúng họ đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ công dân của mình.
Trong một tuyên bố mới đây, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osihide Suga khẳng định lực lượng phòng vệ Nhật Bản không bắn hạ tên lửa của Triều Tiên vì không có nguy cơ nó rơi vào lãnh thổ đất nước và gây thiệt hại.
Nhưng theo News.co.au, sự thật là Tokyo không có nhiều lựa chọn để đối phó với tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tên lửa Triều Tiên được phát hiện chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng ở gần khu vực sân bay quốc tế Sunan. Các vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ đã theo dõi động thái trước đó ở các bãi thử Triều Tiên. Tương tự như vậy với mạng lới radar rộng lớn ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Rất nhanh, mọi chuyển động của tên lửa cững như đường bay của nó sẽ được đưa ra một cách chính xác. Nhưng những gì Tokyo làm được chỉ là tuyên bố về thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên sau khi nó đã bay được 3.700 km mà không có động thái đáp trả.
Hồi tháng 8, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-12 bay qua vùng đảo Hokkaido, Tokyo và Washington cũng từng khẳng định không bắn hạ vì nó không đe dọa tới Nhật Bản và Mỹ. Thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng Nhật và Mỹ đang cố để cho Triều Tiên tự do phóng tên lửa để xem khả năng phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng tới đâu.
Video: 3 phương án quân sự Mỹ có thể dùng với Triều Tiên
Nhưng nhiều ý kiến khác lại nhận định Tokyo có thể không có thời gian để phản ứng. Trên thực tế, tên lửa Triều Tiên bay rất cao và nhanh. Như vậy, nếu muốn bắn hạ, Nhật Bản sẽ không có nhiều thời gian cho các quyết định chính trị hay tham vấn các đồng minh.
Theo News.co.au, Tokyo cũng thừa hiểu một lựa chọn đưa ra trong một khoảng thời gian chóng vánh như vậy sẽ kéo theo những hệ quả gì.
Về bản chất, những gì mà Tokyo cần làm là dùng một viên đạn để bắn một viên đạn khác. Tuy nhiên, tốc độ và trần bay tăng nhanh của tên lửa Triều Tiên chắc chắn sẽ giúp nó vượt qua tầm bắn của SM-3, loại tên lửa đánh chặn trên các tàu khu trục lớp Kongo và Atago triển khai ngoài khơi hay hệ thống PAC3 tại căn cứ không quân Chitose, Hokkaido của Nhật Bản.
"Trong quá trình tên lửa tăng tốc, nó vượt khả năng đánh chặn của SM-3", chuyên gia Kingston Reif thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ nói với National Interest.
Bên cạnh đó, nhà phân tích quốc phòng Lance Gatling cho rằng: "Nếu Nhật Bản cố bắn hạ và không thành công. Hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng. Chắc chắn nó sẽ khiến dân Nhật mất niềm tin còn Triều Tiên ngược lại thuyết phục người dân của họ tin rằng tên lửa của Bình Nhưỡng không thể bị bắn hạ".
Chưa kể các đánh chặn của Nhật Bản từng nhiều lần thất bại trong các cuộc thử nghiệm khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng thực sự của nó nếu được đưa vào thực chiến.(VTC)