Báo Mỹ: Nga, Iran, Triều Tiên hợp tác chế tạo tên lửa tại Syria?; 3 lý do Tổng thống Hàn Quốc nóng lòng đối thoại với Triều Tiên
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 18-07-2017:
- Cập nhật : 18/07/2017
Triều Tiên gợi điều kiện cho đối thoại với Hàn Quốc
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 17-7 đã đăng bài xã luận hàm ý đặt điều kiện đối thoại với Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã chính thức đề nghị đối thoại quân sự với Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 21-7 - Ảnh: Reuters
Động thái trên diễn ra cùng ngày chính quyền Seoul chính thức đề nghị đối thoại quân sự liên Triều trong tuần này nhằm giảm tình trạng căng thẳng dọc theo tuyến biên giới.
Ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình giữa hai nước được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đưa ra trong bài phát biểu tại Berlin (Đức) ngày 6-7.
Bài xã luận của Rodong Sinmun là phản ứng chính thức thứ hai của Bình Nhưỡng trước sáng kiến hòa bình của ông Moon. Tuy nhiên, khác với phản ứng ngày 14-7, Triều Tiên đã dịu giọng vào ngày hôm nay (17-7).
"Ý tưởng hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc may mắn thay khi cam kết tôn trọng và thực thi tuyên bố chung ngày 15-6-2000 và 4-10-2007, thật khác với lập trường những người tiền nhiệm của ông ta", bài xã luận trên Rodong Sinmun mở đầu.
Tờ báo đảng của Triều Tiên sau đó nhắc lại nhận định của bài xã luận đầu tiên, cho rằng nội dung chính của sáng kiến hòa bình là "nghèo nàn" khi không thể "làm giảm sự đối đầu với những đồng bào miền bắc", mà chỉ "dồn nén đồng bào mình với sự hỗ trợ của những kẻ bên ngoài".
Tuy nhiên, lập luận tiếp theo của Bình Nhưỡng cho thấy nước này dường như đang đặt ra điều kiện với Seoul.
"Như Tổng thống Hàn Quốc đã nói, một khởi đầu phù hợp là điều quan trọng cho mọi thứ... để đạt được hòa bình và tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, rất cần một xuất phát điểm hoàn hảo.
Điều cần làm bây giờ là giải quyết ngay những vấn đề cần kíp nhất, và dàn xếp vấn đề cơ bản đó ngay từ điểm xuất phát".
Tờ Rodong Sinmun lập luận quan hệ giữa hai miền liên Triều ngày càng phức tạp và khó giải quyết bởi "sự không tin tưởng, những tương phản, thái độ thù địch và đối đầu của chế độ bảo thủ thân Mỹ".
Những ý định và lý tưởng của người dân liên Triều "có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu chính quyền miền nam cứ tiếp tục đọc vị theo thái độ của Mỹ đối với viễn cảnh đất nước thống nhất và hòa hợp trên bán đảo Triều Tiên, cũng như theo những nỗ lực chống phá vô vọng mối quan hệ được cải thiện giữa hai miền của các phe cánh bảo thủ".
"Chính quyền Hàn Quốc đừng lệ thuộc vào những kẻ bên ngoài nữa, đừng đi ngược lại khát vọng của nhân dân và xu thế của thời đại; hãy chọn cách cải thiện quan hệ hai miền và giành lấy độc lập, thống nhất chỉ khi hợp lực với đồng bào miền bắc", tờ báo chính thức của Triều Tiên kêu gọi.
Triều Tiên luôn lên án các cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc, tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Hồi tháng 3, Trung Quốc đã đề xuất Mỹ-Hàn chấm dứt các cuộc tập trận có khoa mục giả định nhắm vào Triều Tiên, đổi lại việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Washington đã từ chối và yêu cầu Bình Nhưỡng cần thay đổi thái độ tích cực trước. (Tuoitre)
----------------------
Hàn Quốc đề nghị đàm phán quân sự liên Triều trong tuần này
Hãng Yonhap đưa tin Hàn Quốc ngày 17.7 đã đề nghị đàm phán quân sự liên Triều vào ngày 21.7 nhằm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Seoul muốn cuộc đàm phán tổ chức tại tòa nhà Tongilgak của CHDCND Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) nhằm dừng “mọi hành động thù địch” gần đường ranh giới quân sự (MDL) giữa 2 nước.
Hàn Quốc cũng đưa ra đề nghị đàm phán giữa hội Chữ thập đỏ hai nước nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề đoàn tụ gia đình. Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đề xuất đàm phán vào ngày 1.8 tại tòa nhà Hòa bình của nước này ở Bàn Môn Điếm.
Trước đó hôm 6.7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề nghị dừng mọi hành động thù địch ở khu vực biên giới liên Triều. Ông cũng đề nghị tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị chia cắt.
Một quan chức giấu tên cho hay Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng các bộ ngành liên quan đã thảo luận về kế hoạch đàm phán một ngày sau khi phía Triều Tiên phản hồi đề nghị của ông Moon.
Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cho biết “may mắn” là ông Moon đã tuân thủ các tuyên bố song phương tại các cuộc họp thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000 và 2007 về tăng cường hợp tác, trao đổi và hòa giải. Theo đó, bước đầu tiên nhằm cải thiện mối quan hệ là giải quyết vấn đề đối đầu quân sự.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vẫn có thể tồn tại những bất đồng.
“Chính phủ Hàn Quốc có lẽ muốn dừng phát loa và rải truyền đơn chống Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng có thể yêu cầu dừng các cuộc tập trận của Hàn Quốc với Mỹ”, theo chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Koh Yu-hwan tại Đại học Dongguk ở Seoul.
Cuộc đoàn tụ các gia đình bị chia cắt được tổ chức gần đây nhất vào tháng 10.2015 tại một khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang ở bờ đông Triều Tiên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc tổ chức một sự kiện tương tự có vẻ còn nhiều trắc trở vì Triều Tiên vẫn đang yêu cầu Hàn Quốc hồi hương 12 phụ nữ trốn đến Seoul vào năm ngoái, khi đang làm việc tại một nhà hàng của Triều Tiên ở Trung Quốc.(Thanhnien)
-----------------------
Nhật Bản nói đã đến lúc gây áp lực với Triều Tiên
Nhật Bản xem nhẹ việc Hàn Quốc đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên, nói nên gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng bằng lệnh trừng phạt.
"Giờ không phải lúc đối thoại. Giờ là lúc gây áp lực", AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norio Maruyama trả lời báo giới tại New York, Mỹ, hôm nay. "Giờ là lúc gia tăng áp lực nhằm tạo ra một cuộc đối thoại nghiêm túc".
Bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 16/7 đề xuất tổ chức đối thoại quân sự với Triều Tiên, dự kiến vào ngày 21/7 tại làng đình chiến Panmunjom, để xoa dịu căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên.
Nếu đối thoại diễn ra, nó sẽ là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai miền kể từ tháng 12/2015.
Mỹ đang gặp khó trong thương lượng với Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc về nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên vì phóng thử ICBM. Các biện pháp cứng rắn hơn có thể bao gồm cấm vận dầu mỏ, cấm vận đối với công nhân, tàu Triều Tiên và hạn chế thương mại.
Nhật Bản ủng hộ biện pháp trừng phạt mới, đồng thời kêu gọi Nga và Trung Quốc hành động nhiều hơn để thực thi đầy đủ những biện pháp trừng phạt hiện có nhằm vào Triều Tiên.(Vnexpress)